Khi tôi đặt chân đến Copenhagen cách đây mấy năm, đấy là một ngày tháng 8 trời xanh thẳm và mát mẻ. Một dòng chữ ở sân bay đã tạo ra ấn tượng đầu tiên về Đan Mạch: “Chào mừng bạn đến với quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”. Các giác quan của một người lữ hành được đánh thức, và chúng cùng đặt ra một câu hỏi: hạnh phúc là thế nào, và cảm nhận nó ra sao?
Thành phố xanh
Những câu hỏi đã sớm có lời đáp. Đó là những chiếc xe đạp, nhiều, rất nhiều ở nhà ga trung tâm. Hoá ra, hạnh phúc không chỉ ở thái độ sống, ở phúc lợi xã hội, ở sự cân bằng giữa lao động và hưởng thụ cũng như duy trì một nền hoà bình lâu dài của Đan Mạch, mà ở chỗ họ sống thân thiện với môi trường. Một nửa dân số thành phố đi xe đạp, ăn thực phẩm hữu cơ ngày càng lan rộng và trở thành một lối sống, thành phố rợp màu xanh của các công viên và những dòng kênh và Copenhagen phấn đấu là thành phố nói không với khí thải vào năm 2025.
Thành phố xanh, sạch, đẹp, an toàn và người dân cũng rất dễ mến. Đó là những công viên rợp bóng cây xanh, những lâu đài và các vườn cây rộng lớn, và công viên Tivoli đáng yêu ngay trung tâm thành phố, với hoa, những dòng kênh, tiếng cười trong trẻo của trẻ, tiếng chim hót véo von, các đôi hôn nhau trên ghế gỗ, bên các đài phun nước.
Những con người Tự do
Đó là những người thanh niên vui vẻ tắm nắng bên những dòng kênh của Copenhagen. Họ bình thản uống bia và ngắm cuộc sống trôi qua trước mắt. Có cả một khu ẩm thực lớn và đầy món ăn các nước trên một khu phố ăn uống bên mặt nước có tên Paperoen. Và trong nắng, khu Nyhavn ở trung tâm Copenhagen, với những ngôi nhà nhiều sắc màu, những quán bia trên hè phố, mới thật náo nhiệt và đáng yêu biết bao.
Tôi đã từng ngồi uống bia ngoài trời một buổi chiều gần đó. Tháng 8 khá lạnh, nên phải quàng chăn vào người, nhưng uống bia vào rất phê, một kiểu hạnh phúc rất giản dị có được sau khi đã lang thang quanh thành phố cả ngày trời. Cũng có một cuộc sống khác, rất tự do ở khu Christiania, nơi bạn có thể mua ma tuý và sử dụng hoặc sà vào những nơi xăm mình rất chất của những người hippie. Tự do, theo cách ở Christiana, chính là hạnh phúc. Đấy là một trong những nơi đáng đến nhất ở Copenhagen.
Andersen và Nàng tiên cá
Và nếu bạn hoài niệm với những câu chuyện của nhà văn chuyên viết cổ tích cho thiếu nhi Hans Christian Andersen, nên đi xa khỏi trung tâm thành phố, tới một con kênh, nơi tượng nàng tiên cá đang ở đó. Bức tượng bằng đồng và đá cẩm thạch có hơn 100 tuổi đời này được tạo cảm hứng từ truyện nàng tiên cá. Truyện kể về một nàng tiên cá đã từ bỏ tất cả, cả cuộc sống và tương lai của mình, vì tình yêu (một chiều) với một chàng hoàng tử đẹp trai và trẻ trung. Sáng sáng chiều chiều, nàng lên một tảng đá và nhìn về phía xa xăm, với hy vọng có thể bắt được ánh nhìn nào đó từ người mà nàng yêu. Hàng biết bao nhiêu người đã đến thăm bức tượng, hầu hết là người lớn, chính là những người đã lớn lên với những câu chuyện cổ tích của Andersen. Trong đó có tôi.
Nàng tiên cá có hạnh phúc không? Có lẽ là không, vì nàng đợi chờ trong vô vọng. Bức tượng từng bị phá hoại một vài lần, nhưng những câu chuyện ngoài lề ấy không thể nào tước đi sự mãn nguyện của những ai cuối cùng cũng đã tới đây, và ôn lại những gì đã được đọc ở thuở ấu thơ. Andersen viết sách thiếu nhi, nhưng thực ra truyện của ông cũng dành cho cả người lớn. Đọc sách của ông, đến nơi đây, lang thang khắp nơi ở Copenhagen khi trong lòng thanh thản, thấy đời thật đáng yêu biết bao…
Copenhagen là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Đan Mạch, đồng thời là thành phố lớn thứ hai trong khu vực Bắc Âu. Tại Euro 2020, Copenhagen là nơi diễn ra 3 trận đấu của bảng B, giữa Đan Mạch và Phần Lan (23.00 ngày 12/6), Đan Mạch và Bỉ (23.00 ngày 17/6) và Nga-Đan Mạch (2.00 sáng 22/6), cùng một trận vòng 1/8 hôm 28/6 giữa đội nhì bảng D và nhì bảng E.
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc