“Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ – thà chịu khổ, chứ không chịu lỗ”, hôm qua vô tình đọc lại, thời tôi học cấp 2 là đã phổ biến câu này rồi, không biết ai nói, nhưng nghe vần vần cũng vui tai.
Vậy yêu có thực sự khổ không? Câu trả lời là: có và không có.
Nếu yêu chỉ toàn đau khổ thì chẳng ai đi yêu làm gì, vì bản chất, yêu phải có sướng, thậm chí là rất sướng thì người ta mới điên cuồng vì yêu như thế.
Nhưng các bạn cần phải tỉnh táo, đừng quên rằng cái gì càng làm ta sướng bao nhiêu, phê bao nhiêu, ảo tưởng bao nhiêu… thì cũng chính cái đấy cũng sẽ làm ta đau khổ bấy nhiêu, và sẽ khổ đến cùng cực khi tình yêu ấy thay đổi.
Quy luật của vũ trụ này, khi ‘sướng’ xuất hiện thì đồng thời ‘khổ’ cũng xuất hiện, nó như hai mặt của một đồng xu mà khi chúng ta đã chấp nhận yêu thì sẽ phải đối diện với cả hai mặt đó.
Đây chính là là tuệ giác đầu tiên mà các bạn nên in ra, dán ngay cửa ra vào, mỗi sáng bước ra khỏi phòng, đọc nó 1 lần.
Phải đọc để ám thị vào não, nó không giúp chúng ta né được khổ, nhưng nó có công dụng rất hay, là khi ta đang đau khổ trong tình yêu thì não ta sẽ nhạy cảm với khổ hơn, nó sẽ nhắc lại câu này để ta bớt say mê, bớt mụ mị. Để rồi thay vì thất tình đau khổ đi uống rượu hay ăn chơi quên đời thì chúng ta sẽ chọn đi uống sinh tố cà-rốt để cho sáng mắt ra.
Vậy làm sao để bớt khổ khi yêu?
Như trong bài Cách Hết Khổ trên Menback, các bạn hãy đọc lại, bớt ảo tưởng thì sẽ bớt khổ, trong tình yêu cũng tương tự, không bất cứ điều gì có thể thoát ra khỏi quy luật đó. Chúng ta càng thấy rõ được bản chất của tình yêu chừng nào thì sẽ càng bớt khổ chừng đấy.
Còn để thấy rõ bản chất tình yêu thì các bạn cứ áp dụng 5 quy luật vận hành của tự nhiên vào, từng cái một, quán chiếu kỹ, nghiền ngẫm kỹ thì mắt sẽ sáng ra từ từ và hiểu rõ thôi.
Chúng ta thử áp dụng quy luật tự nhiên vào tình yêu sẽ như thế nào nhé.
Luật nhân quả trong tình yêu
Không phải muốn yêu ai cũng được, chúng ta phải có duyên nợ với người đó thì mới thành đôi, đó là hiểu luật nhân-quả. Các bạn có thể đọc kỹ hơn trong bài viết Duyên nợ vợ chồng theo luật nhân quả đã được đăng trên Menback.com!
Người mà ta yêu thì không yêu ta, còn người mà ta không yêu thì lại yêu ta, đó cũng là một phần của nhân-quả. Phải có duyên có nợ thì 2 bên mới đến hành hạ nhau được. Các bạn cần ghi nhớ.
Thế hiểu luật nhân quả sâu sắc thì giúp chúng ta hiểu ra điều gì? Đó là không thể cưỡng cầu trong tình yêu được. Đến ngày đến tháng, hết duyên hết nợ thì mối quan hệ đó sẽ kết thúc, dù chúng ta có muốn hay không thì nó vẫn diễn ra.
Còn ai đã duyên nợ làm vợ, làm chồng với chúng ta rồi thì có chạy đằng trời, ta cũng khó thoát được.
Nếu khi yêu ai, mà họ làm mình đau khổ thì chúng ta phải quan sát, ‘liệu trong vô lượng kiếp, mình có từng làm họ khổ không, mà giờ mình trả nợ nặng thế’ – đó cũng là một phần của nhân quả.
Hiểu nhân quả thì chúng ta sẽ không dám làm ai khổ nữa, vì cái khổ đó sẽ quay ngược lại với chính chúng ta. Còn hiểu nhân quả sâu hơn nữa thì chúng ta sẽ không đòi nợ nữa, mà đổi lại sẽ có cách trả nợ khôn ngoan hơn.
Tôi ví dụ, kiếp trước tôi đánh vợ như cờ hó, nên kiếp này vợ tôi cũng đập tôi tương tự, tất nhiên hiểu nhân quả không phải cười nhe răng lên rồi “em đánh mạnh lên, đã lắm” – đó là thần kinh. Nếu đánh mà ta không né được thì nên chấp nhận, nhưng khi mắt đã bớt bụi, tuệ đã sáng hơn, thì chúng ta sẽ tìm ra cách để hạn chế bị đánh mà còn chuyển hóa luôn đối tượng đến đòi nợ ta nữa.
Bàn về nhân quả trong tình yêu thì cực hay, viết 10 bài cũng không hết ý, sơ qua như thế để các bạn có khái niệm, vì để ứng dụng 1 luật tự nhiên vào cuộc sống thực tế thì chúng ta phải trải nghiệm rất sâu, từ đó nhận thức và hành động mới nhịp nhàng với tự nhiên được.
Luật cân bằng và luật hấp dẫn trong tình yêu
Luật nhân quả sẽ quy định chúng ta sẽ gặp cô A, cô B… tuy nhiên ta hoàn toàn có khả năng cải số nếu tu thân và khi đầu óc ta bớt lú hơn, mắt bớt bụi hơn… thì cái chuỗi nhân quả đấy vẫn có thể thay đổi.
Từ chuyện có thể cải số, thì chúng ta ứng dụng ngay luật hấp dẫn và luật cân bằng vào luôn. Ví dụ như nếu muốn yêu, muốn cưới một cô vợ ưu tú xinh đẹp giỏi giang 9/10 điểm thì bản thân chúng ta cũng phải từ 9 điểm trở lên. Đó là tại sao ta phải đặt tu thân và nâng điểm thân-tâm-tuệ lên hàng đầu, thậm chí phải xác định đó là sự nghiệp muôn đời của chúng ta. Chứ việc mỗi người làm nghề gì trong cuộc đời này chỉ là cái hình tướng, cái duyên nghiệp ở kiếp này.
Nếu ai đang tầm 4-5 điểm thì chỉ thu hút được đối phương tầm 5 điểm trở xuống thôi. Thói quen của chúng ta là gì thì nó sẽ thu hút các đối tượng có thói quen tương tự, nên đó là tại sao nghèo, lú, khổ, xấu thì thường chỉ hút được nghèo, lú, khổ, xấu, thế là 2 đứa ôm nhau về thì chỉ toàn khổ và khổ mà thôi.
Khi đã hiểu luật hấp dẫn và cân bằng thì chúng ta phải lo tu thân trước, chẳng cần đi cưa gái làm gì vì khi mình ngon thì tự nhiên cái năng lượng, cái tần số của mình sẽ hút mạnh tất cả mọi thứ ngon lành về với mình. Khi đó thì chỉ ngồi thong thả mà chọn thôi.
Nếu bạn định vị mình là con ngựa hoang thì suốt ngày ngựa chỉ chạy long nhong đi kiếm đồng cỏ, chưa kể còn tranh giành với mấy đực ngựa khác.
Còn nếu bạn là đồng cỏ tươi xanh, thơm mát thì tự động muôn loài sẽ bu vào đồng cỏ thôi. Đó là luật hấp dẫn và cân bằng giữa các tầng năng lượng có cùng tần số với nhau.
Nhiều người có thể phông bạt, từ 5 điểm thành 9 điểm để đi cưa gái, tuy nhiên lâu ngày, bản chất 5 điểm vẫn là 5 điểm, không thể che giấu mãi được, nên chỉ thu hút được đối phương một thời gian, sau đó là good bye my love!
Luật vô thường trong tình yêu
Không có gì trên đời là mãi mãi, kể cả tình yêu nam nữ, đó là luật vô thường ứng trong tình yêu.
Chỉ có 1 loại tình yêu sẽ không vô thường, đó là tình yêu vị tha (vì người), còn tình yêu vị kỷ (vì mình) thì tất cả phải theo chu kỳ thành-trụ-hoại-diệt.
Ngày tình yêu vị kỷ bắt đầu thì đã xác định phải có ngày kết thúc.
Luật vô thường áp vào tình yêu ai mà hiểu sâu được thì nó sẽ giúp ta có một sự tự do gần như tuyệt đối trong tình yêu, nói dân gian là chúng ta không có lụy trong tình yêu nữa.
Ứng dụng được chu kỳ sinh diệt vào tình yêu thì sẽ có bức tranh tổng thể khi bắt đầu một mối quan hệ gì, từ đó ta sẽ tận hưởng được cái sướng tối đa và hạn chế cái khổ phát sinh xuống tối thiểu.
Điều này vô cùng vi diệu đó, chúng ta yêu ai mà đến trình ‘vị tha’ (vì người) thì tình yêu sẽ bao la như trời xanh. Nhưng điều này vô cùng khó, vì 99% tình yêu nam nữ trong cuộc đời này đều là tình yêu vị kỷ, bản chất là sự trao đổi – anh yêu em vì em yêu anh! Anh cho em cái A thì em phải cho anh lại cái B. Ít khi ta cho cái gì mà không mong cầu đáp lại, tình yêu vị kỷ là thế.
Nếu quán chiếu được 4 luật trên vào trong tình yêu và sống dung hòa được với nó thì cuộc đời chúng ta đã bớt khổ 80% rồi. Còn 20% ở luật vạn vật đồng nhất thì từ từ mỗi người sẽ tự nghiền ngẫm thêm ra (tùy theo phước + tuệ mà ta tích lũy trước đó nữa).
Tuy nhiên, có khổ cũng tốt, giúp chúng ta sáng mắt ra, bớt ảo tưởng hơn… nên quy lại, khổ lại chính là sướng. Hoặc nói sâu hơn, một con đường khác để sướng chính là ‘khổ đủ’.
Xem thêm:
- Tình yêu là gì? 3 yếu tố cốt lõi của một tình yêu đích thực
- Yêu một “Bad boy”
- Tình yêu đích thực sẽ đến khi bạn làm theo 5 cách sau
- Trưởng thành trong tình yêu
- 20 câu nói ngọt ngào về tình yêu hay nhất dành cho người yêu bạn
–
MENBACK.COM