Nhiều người thường nói: “bằng cấp không quan trọng, quan trọng là kỹ năng của bạn”. Vậy điều đó có thực sự đúng hay không? Bằng cấp có quan trọng cho cuộc sống cũng như quá trình phát triển sự nghiệp của chúng ta?
Hãy cùng Menback đọc bài viết sau đây của tác giả Nguyễn Trọng Nhân để tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Câu chuyện bằng cấp của tôi
Tôi không rõ là đã kể điều này chưa. Đó là sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi học tiếp ở cấp cao hơn như bao người khác. Nhưng vì lỡ chọn đại một ngành rồi cảm thấy không có hứng thú và chán nản nên tôi nghỉ học rồi đi làm bên ngoài một năm.
Khoảng thời gian này cho tôi cái nhìn về xã hội mà có lẽ nhà trường sẽ không dạy. Như bao chàng trai trẻ mơ mộng khác, tôi cứ tưởng rằng xã hội không quan trọng bằng cấp. Bằng chứng là vô số người đã thành công mà chưa tốt nghiệp đại học. Thời của tôi thì Bill Gates là người đứng đầu và là biểu tượng của những ai cho rằng không cần học cao vẫn có thể giàu có.
Nhưng thực tế đập vào mặt tôi khi xin việc làm. Vì không có bằng cấp chuyên môn gì nên tôi chỉ có thể nộp vào những vị trí không cần trình độ bao gồm pha chế, phục vụ, thu ngân và bán hàng.
Không sao, tôi cứ nghĩ mình có thể làm được việc đó để sống qua ngày. Nhưng sau khi làm vài tuần thì bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Không phải vì tôi chê việc nhưng vì được trả theo giờ nên tôi làm tốt cỡ nào đi nữa thì lương vẫn không thay đổi. Tôi phục vụ giỏi thế nào đi nữa thì gần như không có gì thay đổi. Không thể tăng lương, thăng chức và có lộ trình phát triển sự nghiệp gì cả.
Dù đã học hết cấp 3, là một thanh niên trai tráng, nhưng một người từ nhỏ đến lớn không phải làm việc gì ở nhà, bỗng nhiên phải đứng cả ngày nên không tối nào về mà không mỏi chân. Chưa kể số tiền dù không thấp nhưng khó mà làm được gì và phải tiết kiệm rất lâu để mới đi du lịch hay mua sắm.
Sức chịu đựng của tôi đã đạt đến giới hạn khi bị người quản lý la vì làm sai đơn. Rồi trong một phút không kiềm chế được, tôi nghỉ.
Tôi dùng số tiền đó để tạm ở nhà vài tháng, suy nghĩ lại cuộc đời coi mình muốn gì. Tôi mua hàng loạt cuốn sách, phim và games để chơi. Rồi cuối cùng khi năm học mới bắt đầu, tôi trở lại trường với quyết tâm là phải học đến nơi đến chốn. Dù không được thủ khoa, điểm cao thì cũng phải không rớt để có cái bằng đại học. Chỉ như vậy mới đỡ khổ.
Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh và bao cấp nên hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục hơn ai hết. Đó là vì sao họ luôn thúc đẩy tôi học mà dù lúc đó còn quá trẻ để hiểu. Nhưng chỉ cần một khoảng thời gian va chạm với xã hội thì đó là bài học quý giá nhất rồi.
Thời gian trôi qua và tôi cũng tốt nghiệp đại học, cũng đã là người có bằng cấp. Dù phải ráng nuốt những môn nhàm chán và dễ gây buồn ngủ nhưng phải cố vì không muốn làm lao động phổ thông nữa. Tôi đi làm văn phòng, đủ sống, cuộc sống thoải mái và vui vẻ hơn nhiều. Tuy không có chức vị gì cao siêu, sự nghiệp thành đạt hay giàu có nhưng đối với tôi, đó là thành công. Khi nhìn lại thời mình nghỉ học để đi làm thì coi đó là một trải nghiệm cần thiết để tái định hướng tư duy từ ảo tưởng sang thực tế.
Rồi hôm nay tôi mới có cơ hội viết đôi lời này và có người đọc.
Hỏi thật lòng. Nếu tôi không tốt nghiệp đại học và có một chuyên ngành nào đó thì khả năng bạn biết đến tôi là bao nhiêu? Tôi cá là không nhiều hoặc gần không.
Đó là tầm quan trọng của bằng cấp.
Bằng cấp quan trọng vì góp phần tạo nên uy tín của bạn
Có thể bây giờ bạn chưa nhận ra nhưng đến lúc nào đó sẽ hiểu. Khi vứt hết tất cả, con người chỉ có trí óc là tài sản quý giá nhất. Còn khi là một kẻ vô danh, bằng cấp chính là uy tín và là thương hiệu cá nhân thiết lập niềm tin của người khác vào bạn. Trừ khi bạn quá nổi tiếng đến mức ai cũng biết đến hay quá giỏi để bất cần trường lớp thì nếu không có bằng cấp thì rất khó để thuyết phục người khác.
Bằng cấp tuy chỉ là tờ giấy nhưng nó là minh chứng cơ bản nhất cho năng lực, trình độ và kiến thức. Tôi đồng ý là không phải ai trải qua đại học đều giỏi. Trong thời đại online thì một khóa trên các trang bán khóa học trực tuyến có nội dung tương tự như ở bất cứ trung tâm hay cở sở cao học nào. Nhưng vì nó tự phát, tự học và tự kiểm soát nên bất cứ ai cũng có thể tự phịa. Đó là vì sao nó chỉ mang tính chất tham khảo chứ không bao giờ thay thế được bằng cấp chính quy.
Nhiều bạn sẽ nói “Giờ ngành IT, sáng tạo hay thiết kế cũng không xét bằng cấp.” Điều đó chỉ đúng với những vị trí cấp thấp. Trong ngành gọi là thợ code, thợ Photoshop hoặc từ thông dụng là “Keyboard monkey” (Con khỉ bàn phím) vì lượng chất xám yêu cầu quá thấp để có thể thăng tiến. Chưa kể cho dù bạn không có bằng nhưng sẽ làm việc với người có bằng và họ sẽ qua mặt bạn. Để rồi sau này khi lên quy mô, chính bạn cũng sẽ tuyển nhân viên thông qua xét bằng cấp.
Cho nên bất cứ ai nói bằng cấp không quan trọng thì rõ ràng mù tịt về thực tế xã hội và đang cố ngụy biện cho quan điểm của mình. Bằng cấp không bảo đảm thành công nhưng nó sẽ là công cụ giúp bạn đi nhanh và xa nhất.
Công việc hiện tại tôi đang làm chẳng cần bằng cấp gì. Bất cứ ai cũng có thể viết, đọc sách, trình bày và bán tán về mọi thứ trên đời. Nhưng lời nói của một kẻ vô danh khác hoàn toàn với nhận xét của một người được đào tạo. Cũng như bài viết của một người có học vấn nhất định luôn được đón nhận hơn. Đó là giá trị mà bạn không hề nhìn thấy.
Đó là vì sao tôi cổ vũ cho học vấn, vì theo tôi, nó là cách nhanh nhất để vươn mình. Không phải bằng tay chân hay cơ bắp mà dựa trên trí tuệ. Đó là tầm quan trọng của bằng cấp.
Xem thêm: Thông minh là chưa đủ, bạn cần có những gì và làm gì để thành công?
Người biên tập: Ở một khía cạnh khác với nội dung bài viết này, nếu để ý, bạn sẽ thấy rất nhiều nơi làm bằng giả để phục vụ nhu cầu của những người muốn mua bằng đại học và mua bằng cấp 3, cấp 2, thậm trí là cả làm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Dù cho lý do là gì đi chăng nữa, nhưng việc họ bất chấp vi phạm pháp luật để sở hữu một tấm bằng cho thấy tầm quan trọng của bằng cấp trong xã hội và thăng tiến sự nghiệp là như thế nào. Tương lai không ai biết trước, đúng không nào các bạn.
–
TẠP CHÍ MENBACK