Các bạn trẻ đang hô nhau trở thành ‘đại bàng’, và coi thường những người ‘yên phận’, nhưng họ không biết rằng, nếu không có những người hành động ‘âm thầm’, thì chẳng thể có những người đón nhận ‘thành tựu’.
Một tiền đạo ghi được bàn, đó là một thành tựu. Một thủ môn cản phá được một cú sút nguy hiểm, đó là một thành tựu. Một tiền vệ chuyền bóng như dọn cỗ cho đồng đội ghi bàn – đó là một thành tựu… Những người này chắc chắn là được ca ngợi, tung hô…
Nhưng còn phần lớn các cầu thủ khác trên sân cũng chạy mướt mồ hôi suốt trận đấu thì sao? Họ tranh cướp bóng, ngăn cản những đợt phản công ngay từ sân nhà, chặn được những đường chuyền của đối thủ, họ phát động các đợt tấn công… Họ có thành tựu gì không? Không ai nhìn thấy thành tựu của họ. Và thực tế, họ cũng chẳng có thành tựu nào được nhìn thấy cả.
Ít ai hiểu rằng những người đó cũng có thành tựu rất lớn. Thành tựu đó là kết quả thắng của cả đội bóng, hay thậm chí, một kết quả thua, nhưng không quá bạc nhược trước một đối thủ quá mạnh!
Hiện có trào lưu kêu gọi các bạn trẻ sống phải có “thành tựu” lớn, phải làm điều gì đó vĩ đại và tạo ra kết quả lớn lao. Và thành tựu đó được đo bằng tiền, bằng danh vọng, bằng doanh nghiệp được tạo ra để sản xuất kinh doanh, bằng sự giàu có, thành đạt… Và hễ ai yên phận với công việc hiện tại, không tạo ra được nhiều tiền, không có doanh nghiệp, không có danh vọng gì lớn lao cho mọi người nhìn thấy thì bị cho là yếu kém, là hèn mọn, là sống cuộc đời “nhỏ nhoi”…
Nghịch lý là xã hội cần nhiều người “sống đời nhỏ nhoi” để phục vụ cho những người có tố chất, có tài năng, và có điều kiện, tạo ra những thành tựu to lớn cho mình.
Những công nhân ở nhà máy, những người quét rác, móc cống, vệ sinh đường phố, người trồng và chăm sóc cây xanh công viên, người trồng rau, nuôi gà, người dân phòng tham gia giữ gìn trật tự an ninh, người chiến sĩ canh gác nơi biên giới, hải đảo… Họ không được làm việc lớn, không có thành tựu gì lớn để mà khoe ra. Họ chỉ biết âm thầm làm tốt công việc của mình để cho người khác yên tâm và kiêu hãnh làm nên những thành tựu lớn.
Và còn hàng triệu người làm thuê khác. Họ là quản lý cấp trung, là giám sát, là nhân viên văn phòng, nhân viên sales, nhân viên kế toán, hành chính, bảo vệ, tạp vụ. Công việc của họ có quá “nhỏ nhoi” không, khi họ không khởi nghiệp kinh doanh, không tạo lập ra những doanh nghiệp riêng của mình, không trở nên nhiều tiền, giàu có, nổi tiếng, không có “thành tựu” gì lớn lao để cho người khác ngưỡng mộ? Họ có bị mỉa mai là “gà” và không so được với những người được xem là “đại bàng” đầy kiêu hãnh không?
Chẳng hiểu từ đâu có lối suy nghĩ lệch lạc, là chỉ ngợi khen và vinh danh những người được cho là “sống đời đại bàng”, những người giàu có, thành đạt, có địa vị xã hội, và coi khinh, miệt thị những người bình thường, sống đời lương thiện và đang hạnh phúc với công việc lương thiện của mình.
Thiết nghĩ, ai có tố chất, năng lực và điều kiện làm gì lớn lao thì cứ làm. Còn ai không có tố chất, năng lực và điều kiện làm điều phi thường mà chỉ muốn sống cuộc đời lương thiện bình thường, làm nghề lương thiện bình thường với niềm hạnh phúc và đam mê công việc đang làm thì cứ mặc kệ họ, và cũng nên ủng hộ họ. Hà cớ gì cứ mỉa mai, chê bai, miệt thị là họ sống đời “gà”?
Làm điều bình thường với niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm phi thường cũng là phi thường. Sống đời lương thiện và giữ được cho mình luôn lương thiện đã là THÀNH TỰU lớn.
Có rất nhiều “cầu thủ” vô danh ở công ty của bạn. Họ chẳng “ghi bàn”, chẳng có thành tựu gì đáng kể cho riêng mình, nhưng họ đóng góp rất lớn vào thành tựu của tổ chức. Đừng coi họ là “gà”, và đừng coi thường họ! Họ mà thành “đại bàng” cả thì chính bạn lại trở thành “gà” mà thôi!
Xem thêm: Vì sao nhiều người giỏi nhưng vẫn nghèo?
–
TẠP CHÍ MENBACK