Học cho lắm ra trường lương thua thằng gờ-ráp?
Đây là câu nói hiện nay rất nhiều các cháu teen teen chưa ráo máu đầu hay thở ra trên mạng nhằm giật le với gái để thể hiện rằng ta đây cũng xót xa, trăn trở với sự bất công của cuộc đời.
Và đặc điểm của bọn này trăm phần trăm là học ngu, lười biếng.
Để ý sẽ thấy, bọn này đến một tuổi nào đó khi lên mạng nếu không chửi bạn bè thì cũng chửi chế độ, không chê sếp thì cũng trách lãnh đạo quốc gia. Các em gái mà dại dột cưới bọn này về thì chuẩn bị một kịch bản hôn nhân suốt ngày nghe chém gió thay cơm. Vì loại ấy không nghèo thì cũng điên, hoặc cả hai.
“Học cho lắm” là cụm từ nhận xét auto xuất phát từ mồm bọn dốt, lười đang nói về những người siêng năng, vượt mọi khó khăn để nghiên cứu, học tập.
Người giỏi thật sự không ai nói câu này vì họ hiểu được giá trị của tri thức và cao hơn nữa là giá trị của đồng tiền.
Cử nhân có this có that. Có đứa học giỏi tới mức chưa ra trường đã có công ty nước ngoài “đặt hàng” với mức lương vài nghìn ông Tơn mỗi tháng, có đứa thì nợ môn nhiều như lông… tay thiếu nữ, chây ì, vạ vật mãi rồi thầy cô cũng tặc lưỡi cho ra trường.
Vì thế thu nhập, lộ trình thăng tiến và sự nghiệp ắt hẳn khác xa nhau. Vì thế đừng bảo “học cho lắm” kiếm tiền không bằng nghề lao động tay chân.
Ở xã hội nào cũng vậy, muốn phát triển thì lực lượng trí thức phải đi đầu. Nói ở đây không phải là xem thường những người lao động tay chân, vì nghề nào lương thiện cũng đều quý.
Xã hội phân công, phân cấp theo từng trình độ, nhận thức và sức khỏe để cho mỗi người đều cống hiến, đóng góp dưới hình thức khác nhau.
Đó là lý do ở một số nước không tuyển người trẻ làm lao công hoặc các công việc nhẹ nhàng khác vì đó là công việc của người già, người có sức lao động hạn chế.
Bọn trẻ các anh thì nên kiếm việc khác mà làm, đừng giành việc với nhóm yếu thế hơn.
Chúng mình chỉ thường thấy thành công chứ ít khi nhìn thấy thất bại, khó khăn của người khác.
Bà bán bún bò đầu ngõ 1 ngày kiếm tiền triệu thì có cả trăm bà bún bò khác cụt vốn bán cả bếp cả nồi.
Anh xe ôm công nghệ kiếm nhiều tiền phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả hiểm nguy lưu thông trong đêm mưa gió.
Anh em môi giới bất động sản chốt được hợp đồng thì cũng khản cổ, mỏi mồm… Tiền chưa bao giờ dễ kiếm cả.
Phải xem việc “học cho lắm” là một cơ may vì ít ra em còn được đi học, còn có đầu óc, thần kinh bình thường để tiếp nhận tri thức.
Bao nhiêu người kém may mắn hơn phải lựa chọn những nghề nghiệp vất vả, đạp một chiếc xích-lô rã rời nhưng sinh công rất ít, phải dãi nắng dầm mưa.
Vì thế nếu học không giỏi cái nghề của mình thì lỗi là ở mình, nhất định là ở mình. Kêu than cái gì hỡi ôi?
“Người giàu” khác với “người nghèo có nhiều tiền”.
Lương trong một thời điểm có thể thấp hơn nhưng suốt một đoạn đường chắc chắn em có thu nhập tốt hơn, lộ trình thăng tiến và sự trọng vọng của xã hội dành cho em chắc chắn lấp lánh hơn.
Trải nghiệm cuộc sống của mỗi người mỗi khác. Mỗi người có một đích đến và mỗi sứ mệnh trong đời.
Được làm việc, học tập và kiếm tiền trong một môi trường tốt hơn thì đó là may mắn và lợi thế của mình.
Nên đừng so sánh cuộc đời mình với người khác theo kiểu như vậy.
Vì như thế em không những xem thường em mà còn xem thường người khác. Khi một xã hội xem thường tri thức thì ắt hẳn xã hội ấy sẽ thụt lùi.
Học hành cho tử tế vào, thẳng cái lưng lên mà nhìn bốn phía xem có ai giỏi hơn thì cố chơi thân với nó để nghe, để học.
Đã có rất nhiều người thầy lướt qua đời em, chỉ vì em ngu và thiếu trật tự nên em không biết mà thôi.
Mở rộng vành tai và thu nhỏ vòm họng lại, đơn giản vậy thôi.
- Tiền nhiều để làm gì?
- Làm phụ hồ ăn đứt dân văn phòng và ngộ nhận độc hại
- Đừng coi thường những người sống ‘yên phận’