Trượt đại học có lẽ là cú sốc lớn đầu tiên của cuộc đời đối với rất nhiều người. Phải làm sao khi cánh cửa quan trọng để mở ra tương lai phía trước đã đóng lại?
Dưới đây là câu chuyện thật của bạn nữ Ivy, người bạn thân của tác giả Nguyễn Trọng Nhân được anh viết và biên tập. Menback xin được gửi tới các bạn trẻ, hy vọng các bạn sẽ có thêm động lực trong cuộc sống.
Tôi vẫn nhớ cái ngày nhìn thấy kết quả thi đại học của mình. Đập vào mắt tôi trên màn hình là con số 13, một kết quả siêu tồi tệ và làm vỡ hoài bão vào đại học. Ngày hôm đó, tôi tự nhốt mình trong phòng và khóc từ sáng tới tối vì không thể ngờ đến chuyện đó. Cánh cửa giảng đường như khép lại và tương lai cơ cực đang chờ đón ở phía trước. Đối với một người ở quê, cơ hội để đổi đời như dập tắt.
Khi đọc đôi lời này thì có lẽ các bạn trẻ cũng đã nhận được điểm thi tốt nghiệp của mình và đang mong chờ để biết là đã đậu hay rớt đại học. Đối với những bạn xuất sắc, tôi chúc mừng, tài năng luôn được đón nhận.
Nhưng đối với những bạn không đạt được điểm số như mong muốn thì đừng coi đây là sự chấm dứt. Nếu bạn đang u sầu và hoài nghi về bản thân, thì đó là chuyện tương tự của hàng triệu người trẻ khác.
Tôi cũng đã từng rớt đại học nhưng rồi cũng có học bổng du học MBA và bây giờ đang làm cho một công ty quốc tế ở Sài Gòn với mức lương thỏa đáng.
Đây là cuộc hành trình đó.
Học sinh giỏi trượt đại học
Không như những bạn khác, tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng xa của tỉnh Đồng Nai. Xung quanh tôi là núi đồi và cánh đồng. Ngôi trường tôi học từ nhỏ đến lớn rất tồi tàn và cơ sở vật chất cũng tương tự. Đa số bạn trẻ trong xóm không được ăn học đầy đủ, có người phải nghỉ sớm để phụ cha mẹ hoặc lên thành phố đi làm.
Tôi và nhóm bạn thì may mắn có cha mẹ thúc đẩy con cái học tập đến nơi đến chốn. Mặc dù không được thừa hưởng giáo dục đầy đủ như những bạn ở thành thị, ngay cả trung tâm tiếng Anh cũng không có, nhưng tôi chưa bao giờ coi đó là rào cản.
Nếu bạn lớn lên ở dưới quê thì chắc cũng sẽ hiểu. Cha mẹ thì làm nông, tiền bạc thì không có và cách duy nhất để vươn lên là ra đi. Tôi đã ý thức được điều này từ hồi đầu cấp 3. Thậm chí, đó là ý nguyện của gần như tất cả bạn cùng lứa tuổi. Phải làm tất cả để đậu vào một trường đại học ở Sài Gòn thì mới có tương lai.
Từ đó tôi ôn bài liên tục, trở thành học sinh giỏi mười hai năm liền và là niềm hy vọng lớn nhất của cha mẹ cũng như thầy vô.
Cái ngày trước khi thi đại học, tôi đã không ngủ được vì run. Bước vào phòng thi với sự tự tin nhưng khi nhìn đề thì não tôi như ngừng hoạt động. Kết quả thì khỏi phải đoán. Tôi đã làm sai rất nhiều.
Thi khối D vào Đại Học Sài Gòn và Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại và khối A vào Đại Học Kinh Tế.
Tôi đã rớt cả ba.
Như nói trên, đó là cú sốc lớn đầu đời ám ảnh tôi mãi cho đến bây giờ. Hãy tưởng tượng một người tự nhốt mình trong căn phòng không ánh sáng suốt vài ngày trời, đó là tôi. Tôi rớt đại học, Sài Gòn bỗng dưng trở nên xa xôi.
Rồi như có một tia sáng nhỏ. Trường Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại lại lấy điểm thấp hơn những năm trước. Đối với bạn thì có thể nó mắc cười nhưng với tôi, nó là phép màu và cánh cửa hé mở mà tôi đang mong chờ. Không ngần ngại, tôi chấp nhận ngay.
Từ Cao đẳng lên Đại học
Sài Gòn đón chào tôi với cuộc sống của một tân sinh viên bằng sự ồn ào và náo nhiệt. Ai chê chứ đối với tôi, đây là nơi để tôi có thể tự xây cho mình một thành tựu nhỏ bé nào đó.
Tôi vừa học cao đẳng vừa đi làm. Sáng lên trường rồi chiều làm phục vụ để có đủ tiền trang trải cuộc sống mà không phụ thuộc ai. Một ngày bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào tối. Cứ như thế, hai năm cao đẳng trôi qua. Tôi bắt đầu đi xin thực tập ở vài nơi và may mắn được một công ty mỹ phẩm của Mỹ nhận với lương khởi điểm cách đây 10 năm là 3 triệu. Nó rất bèo nhưng là niềm vui sau bao nỗ lực.
Không dừng lại ở đó, tôi muốn phải học lên đại học. Tự dồn sức học tiếng Anh và thi được 800 TOEIC, vừa đủ để tìm việc ở công ty tốt với mức lương khá.
Công việc đó cho tôi thu nhập ổn định để sáng đi làm rồi chiều đi học liên thông ở Đại Học Kinh Tế TPHCM. Nó mệt hơn tôi nghĩ vì chương trình nặng và khi đi làm cả ngày thì chỉ muốn về ngủ. Nhưng mỗi lần muốn bỏ cuộc, tôi chợt nhớ vì sao mình lại bắt đầu. Động lực lớn nhất của tôi có lẽ là thoát nghèo và không ngại nói điều đó.
Cứ như vậy, thêm hai năm nữa trôi qua. Sau khi tốt nhận được bằng cử nhân, tôi tự khóc thầm vì nghĩ lại cái lúc hay tin mình thi rớt đại học. Người khác đi đường thẳng, tôi rớt nên đi đường vòng để lách. Dù lâu hơn nhưng tôi chẳng ngại.
Nhưng chưa xong.
Dù không xuất sắc gì, tôi vẫn muốn tìm cơ hội để trải nghiệm cuộc sống ở ngoài nước. Từ đó, tôi săn học bổng thạc sĩ. Một lần nữa, như một phép màu, tôi nhận được học bổng MBA [Thạc sĩ quản trị kinh doanh] của một trường đại học dân lập ở Đài Loan. Tôi nắm bắt cơ hội ngay.
Du học Đài Loan và trở về nước
Mặc dù học ở thành phố Taipei nhưng chương trình được dạy bằng tiếng Anh nên không khó như tôi nghĩ. Lớp cũng có nhiều sinh viên quốc tế và Việt Nam. Vì muốn học tiếng Hoa và trải nghiệm nên tôi làm nhiều việc khác nhau, từ phục vụ cho đến làm cho tổ chức phi chính phủ giúp đỡ lao động. Tiếng Hoa của tôi bây giờ không giỏi nhưng đủ dùng, về sau thì nó là một lợi thế mà tôi chưa ngờ đến.
Thời gian ở Đài Loan đã dạy tôi rất nhiều điều. Từ sự văn minh con người, văn hóa, âm nhạc, cách cư xử, nhân văn cho đến tính chuyên nghiệp. Tôi như trở thành một phiên bản khác. Để rồi khi học xong chương trình và về nước nhưng tôi vẫn nhớ đến đất nước này vì nó là một trong những giáo viên ảnh hưởng nhất trong đời. Những ly trà sữa trân châu, những tô mì và chợ đêm luôn khiến tôi muốn quay lại ghé thăm.
Nhưng cuộc đi nào cũng phải chấm dứt. Tôi tốt nghiệp loại giỏi bằng MBA chuyên về marketing. Không chờ đợi gì thêm, tôi quay lại Sài Gòn vì đã quá nhớ nhà sau ba năm xa cách.
Sứ mệnh mới và con đường du học Canada
Tôi bây giờ không còn là một người ở quê mới lên như ngày xưa nữa mà là một người trưởng thành. Với tấm bằng MBA, tiếng Anh và tiếng Hoa, tôi được nhận vào làm việc cho một công ty dầu khí Đài Loan ở Việt Nam với mức lương 30 triệu. Nó không cao nhưng cũng không thấp và dư để tôi có cuộc sống thoải mái ở Sài Gòn, thành phố đã nuôi dưỡng mình từ ngày đầu trưởng thành.
Nhưng sắp tới, tôi phải tiếp tục rời xa nó. Vì làm cho công ty dầu khí về quản lý dự án nên tôi thấy có nhiều vấn đề với môi trường. Trong đầu tôi luôn suy nghĩ rằng mọi thứ có thể được thực hiện tốt hơn. Tôi biết mình muốn làm cái gì rồi, đó là nhà quản lý dự án môi trường.
Như bao lần tự thử thách bản thân trước đây, tôi lại xin học bổng và lần này đất nước tôi sắp đến sẽ là Canada, nơi tôi sẽ chuyên về ngành môi trường để tiếp tục theo đuổi ý nguyện. Hiện tại tôi tạm hoãn lại và chờ hết dịch mới ra đi. Một đất nước, nền văn hóa và tương lai phía trước đang chờ đón.
Nhìn lại một chặng đường
Khi nhìn lại cuộc hành trình của mình, tôi đã không ngờ mình đã đi quá xa so với điểm xuất phát. Từ một người rớt đại học, tôi được học bổng MBA và sắp tới du học thêm lần nữa. Cảm giác như bản thân được nâng đỡ bởi một đôi cánh tàng hình mà tôi sẽ không thể nào giải thích được.
Nếu bạn thi trượt đại học thì đừng coi nó là chấm hết nhé. Đời còn dài và có nhiều lối đi khác để chọn. Nếu không đi thẳng, thì mình đi vòng. Nếu không đi nhanh, thì mình đi chậm mà chắc. Như tôi là một ví dụ.
Một lần nữa, tôi khẳng định rằng học vấn là đường ngắn nhất đến thịnh vượng. Nó đã cho tôi đi nhiều nơi mà ban đầu không ngờ tới.
Rớt đại học không đáng sợ bằng việc mình bỏ cuộc. Xuất thân ở quê không thiệt thòi bằng việc tự đặt giới hạn cho chính mình. Thua kém về điều kiện kinh tế không phải là rào cản bằng việc tự coi mình ngu ngốc.
Rớt đại học không thể nào ngăn chặn bạn được, trừ khi bạn cho phép.
Xem thêm:
- Vì sao nhiều người giỏi nhưng vẫn nghèo?
- Street Smart là gì? Vì sao ai cũng cần phải có kỹ năng Street Smart?
- Học sao cho đúng để thành công?
–
MENBACK.COM