Trước có vài bạn hỏi tôi: ‘làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình?’ hay ‘làm sao để hành động không sợ hãi?’.
Muốn chiến thắng được nỗi sợ thì việc đầu tiên các bạn phải rất hiễu rõ ‘nỗi sợ’ đến từ đâu và tại sao chúng ta lại sợ hãi đến thế (cơ chế của nó vận hành ra sao).
Nỗi sợ hãi đến từ đâu?
Thực ra, cơ chế của nỗi sợ thì lại cực kỳ đơn giản, đó chính là sự ‘kỳ vọng’. Vì đằng sau mỗi nỗi sợ luôn có một sự kỳ vọng.
Khi trong tâm chúng ta phát sinh bất kỳ kỳ vọng nào vào việc gì hay vào ai, rồi bám chấp vào nó thì nỗi sợ sẽ bắt đầu phát sinh.
Điển hình, kỳ vọng mình sống lâu thì sẽ rất sợ chết, từ cái sợ chết thì người ta bất chấp làm mọi thứ (dù sai trái) để được sống lâu hơn. Chúng ta dẫm đạp lên nhau mà sống cũng chỉ vì nỗi sợ chết này.
Kỳ vọng tương lai mình sẽ giàu có, đi xe A, ở nhà B, cưới vợ C thì ngay trong hiện tại luôn canh cánh nỗi sợ và bất an nếu mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng không thuận lợi.
Các bạn cứ ngồi liệt kê thử xem mình đang có những kỳ vọng nào. Tương ứng với kỳ vọng đó sẽ luôn có một nỗi sợ đi kèm, nó là cặp bài trùng, không thể tách rời.
Ví dụ như:
– Kỳ vọng mọi người sẽ tôn trọng mình thì nỗi sợ sẽ là…
– Kỳ vọng con mình tốt nghiệp top 3 thì nỗi sợ sẽ là…
– Kỳ vọng vợ/chồng sẽ yêu mình suốt đời thì nỗi sợ sẽ là…
– Kỳ vọng cuối năm sẽ được thưởng Tết nhiều hơn thì nỗi sợ sẽ là…
– Kỳ vọng bit-coin sẽ lên vào cuối năm nay thì nỗi sợ sẽ là…
N kỳ vọng sẽ có N nỗi sợ hãi.
Các bạn thử ngồi ngẫm xem, tất cả nỗi sợ đang có hoặc tiềm tàng trong tâm chúng ta đều xuất phát từ sự kỳ vọng phải không?!
Chưa kể, kỳ vọng cho một việc cụ thể luôn tăng cấp (level) khi nó đã được thỏa mãn ở mức cũ.
Ví dụ, hồi tôi mới viết, kỳ vọng viết 1 bài có 50 likes + 5 shares thôi, là mừng chảy nước mắt.
Viết tầm 1 tháng, 5 shares có vẻ dễ đạt quá thì lại tăng kỳ vọng lên 30 shares/bài. Lúc đấy tâm trí tự nhiên sẽ dễ xoáy vào việc ‘làm sao để đạt trên 30 shares’, nó nguy hiểm lắm, vì áp lực đó sẽ tạo ra sự thôi thúc và gượng ép không tự nhiên khi cố gắng viết để đổi shares. Lúc đấy, chữ sẽ không bay và chân thật nữa.
2 tháng gần đây, 1 bài 40-50 shares là rất bình thường. Rồi tầm 5-6 bài đã trên 100 shares, thế là não lại set kỳ vọng mới, giờ viết mà dưới 100 shares là thấy nản nản, oải oải làm sao.
Nguy hiểm chưa các bạn?
Đấy là ví dụ thôi, để các bạn hiểu cơ chế tăng của sự kỳ vọng thế nào khi mức cũ đã được thỏa mãn, chứ tôi thì nhạy cảm với tâm mình lắm. Nên đến tận hôm nay, sự kỳ vọng cho một bài post của tôi rất thấp, tầm 100 likes và 10 shares là quá thành công rồi.
Từ cơ chế trên, chúng ta sẽ kiếm được ‘thuốc giải’ cho chính nỗi sợ của mình, đó là giảm sự kỳ vọng lại, nhưng vẫn cố gắng 200%. Chứ không phải kỳ vọng thấp là không cố gắng nữa.
Nó sẽ ra một công thức cực kỳ dễ nhớ: Hạnh phúc an yên = kết quả thực tế – kỳ vọng.
Khi kỳ vọng quá lớn mà kết quả thực tế lại quá bé thì chúng ta sẽ càng khó hạnh phúc, và nó dẫn theo rất nhiều di chứng cho cả thân và tâm của mình đấy.
Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi như thế nào?
Vậy tôi đã áp dụng công thức này vào cuộc sống tôi thế nào thì xin chia sẻ vài cái để các bạn tham khảo qua:
Tôi không kỳ vọng vợ mình phải chung thủy với tôi cả đời nên gần như tôi không có nỗi sợ về việc cô ấy đi đâu cả đêm hoặc hẹn gặp ai mà không báo tôi trước.
Tôi không kỳ vọng các đồng nghiệp phải đối xử tử tế với mình nên tôi không có nỗi sợ gì khi có chuyện mâu thuẫn xảy ra trong công ty.
Tôi không kỳ vọng các bài viết của mình phải đạt mục tiêu A hay bao nhiêu follows nên tôi thích viết gì tôi viết, ai thấy hay thì tương tác, không hợp thì skip.
Tôi sắp xếp kỳ vọng của mình về mọi thứ khá thấp và đơn giản, do đó tôi khá dễ vui, dễ phê. Như hồi tháng trước, vợ tôi chuẩn bị đồ ăn trưa cho tôi mang theo, nhưng quên bỏ thịt vào tô nước lèo hủ tiếu, sáng dậy tôi cứ xách nguyên bao đi, thế là trưa đó tôi chỉ ăn hủ tiếu không với nước lèo, không thịt…
Thế mà tôi vẫn ăn ngon lành, vì tôi không có kỳ vọng bữa nào trong tuần đều phải ăn ngon cả. 1 tuần có 14 bữa ăn chính thì 10 bữa ngon, 4 bữa không ăn ý thì cũng quá sướng rồi, vì ngoài kia người ta đói quá chừng.
Tổng kết
Đọc xong bài viết này không thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi ngay lập tức. Chúng ta cần phải tập, cụ thể là luyện tập nghĩ sâu về những kỳ vọng của mình một cách nghiêm túc. Khi càng tiến sâu vào thì các bạn sẽ càng thấy được từng nỗi sợ của mình trồi ra, từ đó sẽ biết cách kiểm soát và vượt qua nỗi sợ đó.
Tuy nhiên, nói thế thôi, sống thì cũng nên có tý kỳ vọng và mục tiêu chứ, đúng không nào. Kỳ vọng vừa phải thôi nhưng phải cố gắng 200%, đó là cách để chúng ta hành động bớt sợ hãi, đầu óc thanh thản, tự nhiên, và sáng tạo tối đa nhất.
Còn đối với nỗi sợ tâm lý thì sao, đây sẽ là cách vượt qua nỗi sợ tâm lý.