Chúng ta có thể kể tên rất nhiều quý ông trong bóng đá, nhưng với một thần thái riêng thì không phải ai cũng để lại nhiều ấn tượng. Pirlo thì khác, tài năng bóng đá, tư duy thi đấu của Andrea Pirlo là điều mà chúng ta ai cũng biết. Tuy nhiên, bên ngoài sân cỏ, anh còn là một quý ông có phong cách thời trang lịch lãm cùng thần thái bí ẩn khác biệt.
Quý ông Pirlo và bức chân dung Castiglione
Có lẽ bạn ít nghe đến tên của Baldassare Castiglione. Ông sống ở thế kỷ 16 và các du khách đến bảo tàng Louvre sẽ nhìn thấy bức tranh chân dung ông ở đó. Castiglione là một người bạn của họa sĩ Raphael, người luôn coi Castiglione là một chủ đề thú vị để thể hiện đam mê hội họa của mình.
Trong bức tranh của Raphael, Castiglione ngồi chắp tay, nhìn thẳng vào bạn bằng đôi mắt xanh sắc sảo. Nhìn bộ trang phục mà ông mặc – mũ beret, khăn turban – có thể đoán khi đó là thời điểm mùa đông. Raphael bị hấp dẫn bởi Castiglione không chỉ vì vẻ ngoài khác biệt mà còn vì sau khi đọc cuốn “The Book of the Courtier”, ông nghĩ Castiglione chính là một người tạo ra xu hướng và có tầm ảnh hưởng, đặc biệt trong cách ăn mặc và hành xử.
Di sản từ cuốn sách của Castiglione vẫn còn cho đến ngày nay và có thể gói gọn trong 1 từ: sprezzatura. Nếu muốn dịch nghĩa từ này, bạn nên đặt nó vào bối cảnh. Nó có thể dịch là “sự bất cẩn/thời ơ/lãnh đạm có chủ ý”, hay nói cách khác là nghệ thuật trình diễn sao cho thật duyên dáng mà nhìn thì thấy không cần phải cố gắng gì.
Ngày nay trong thế giới bóng đá cũng có một hình mẫu như thế, một người đồng hương của Castiglione. Mất 1 giờ đồng hồ đi về phía bắc thành phố Brescia của vùng Lombardy, ta sẽ thấy một ngôi nhà cổ ở Casatico. Quay ngược thời gian trở lại đầu thập niên 90, ở đó là hình ảnh một bà mẹ nhìn đồng hồ, gọi con đến khản tiếng vì sợ cậu con trai sẽ khiến bà bị trễ giờ. Trong lúc đó, cậu bé Andrea Pirlo thì vẫn ở trong phòng và ngắm nghía tủ quần áo của mình.
“Tôi thường dành hàng giờ đồng hồ trước gương, chỉnh lại tóc tai, cổ áo, các nếp nhăn trên áo quần. Lúc đó mẹ sẽ la lên ‘Andrea, thôi nhìn ngắm bản thân đi! Đủ rồi đấy!’”, Pirlo nhớ lại. Với nhiều người, đó có thể giống như hội chứng ái kỷ như chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp. Nhìn vẻ ngoài của Pirlo, ta có cảm giác anh giống như một người ngái ngủ vừa bị lôi ra khỏi giường. Tuy nhiên, trong những sự không hoàn hảo này Pirlo lại tìm thấy điều hoàn hảo.
Nếu David Beckham có thể thay đổi kiểu tóc hàng tuần, từ hai mái sang mohican cho tới tẩy vàng thì Pirlo không như vậy. Trong thế hệ của mình, cựu tiền vệ người Italy không phải là cầu thủ bóng đá đẹp trai nhất theo kiểu cổ điển. Các nhà thiết kế thời trang cũng thường chọn các cầu thủ khác để làm người mẫu đi catwalk.
Tại AC Milan trước đây, Giorgio Armani thường lựa chọn Andriy Shevchenko cho những chiến dịch của mình vì xương gò má rất đẹp. Ngoài ra không thể không nhắc đến Kaka, một gương mặt quen thuộc. Tuy nhiên, Armani khẳng định rằng “sự thanh lịch không phải thứ nổi bật ra nhưng sẽ được nhớ đến”.
Người đàn ông chống lại xu hướng
Xu hướng là những gì Pirlo chống lại. Bạn sẽ không thấy anh đi đôi giày của Balenciaga mà nhìn như những chiếc tất. Anh không quan tâm Fendi hợp tác với Fila hay không. Bạn sẽ không thể thấy anh đi những đôi giày mới nhất của Yeezy hay Off-White x Converse. Các mốt thời trang áo phông quá cỡ hay hoodie có thể là một sự xúc phạm với một người biết số đo vòng eo, cổ áo và chân phía trong rõ như là mã PIN của thẻ tín dụng. Như nhà thiết kế thời trang huyền thoại Karl Lagerfeld từng nói: “Xu hướng là giai đoạn cuối cùng trước khi thời trang lỗi thời”.
Pirlo thích những thứ vượt thời gian và ít được chú ý. Quá trình trưởng thành của anh trùng với Slow Movement (Tạm dịch: Phong trào sống chậm) ở Italy, theo đó họ tìm cách để những văn hóa địa phương, không chỉ là ẩm thực mà cả nghề nghiệp, không bị mất đi. Trong thời đại sản xuất hàng loạt, phát hành nhanh và đồng nhất đầu ra thì Slow Movement khuyến khích các nhà sản xuất hãy chậm lại, chú trọng vào chất lượng, đầu tư thêm chất xám, sự tận tâm và chuẩn xác.
Anh thợ may có thể cần 2 tuần lễ để cắt và đo bộ vest cho bạn với sự tỉ mỉ tính đến từng milimet. Tuy nhiên, quá trình này sẽ kéo dài chừng nào những số đo của bạn phù hợp với kích cỡ chuẩn. Nguyên lý ở đây rất đơn giản: những điều này đáng để chờ đợi vì chúng vô giá với thời gian.
Điều đó cũng khá giống với vị trí của Pirlo ở trên sân. Nhiều người nghĩ vị trí regista đã là một “di tích” thuộc về quá khứ, không ai có thể chơi thứ bóng đá như thể là một vị đạo diễn ngồi ở ghế và chỉ đạo toàn bộ lối chơi. Trận đấu diễn ra với cường độ rất cao nhưng Pirlo vẫn luôn xử lý đúng nhịp, đúng thời điểm và luôn tạo ra không gian. Những thứ xung quanh dù có nhanh đến mấy cũng không thể làm gián đoạn nhịp độ cũng như suy giảm nhãn quan của anh. Pirlo có thể thi đấu chậm trong một môi trường tốc độ là nhờ đôi mắt sáng tinh anh của một thiên tài.
Phong cách thời trang đơn giản nhưng tinh tế của một quý ông
Cách anh ăn mặc cũng giống cách anh thi đấu: đẳng cấp, tinh tế và đơn giản. Những biệt danh trong suốt sự nghiệp thi đấu của Pirlo như il Maestro (Nhạc trưởng) và l’Architetto (Kiến trúc sư) thể hiện sự chú tâm của Pirlo với cấu tạo, thiết kế và cách sắp xếp. Ngoài ra anh cũng không hề lúng túng khi phải đứng cạnh kiến trúc sư Renzo Piano trong buổi khánh thành một tòa nhà mới hay đứng cạnh Toni Servillo trong lễ ra mắt bộ phim mới nhất của Paolo Sorrentino. Điều đó thể hiện một khía cạnh khác của Pirlo, đó là thần thái.
Anh có một khuôn mặt lạnh lùng, bí ẩn. Khi nói chuyện, anh sử dụng chất giọng Brescia đều đều. Ấn tượng này vẽ ra hình ảnh một người điềm tĩnh và hơi xa cách. Tuy nhiên nếu bạn đã đọc cuốn sách “I Think Therefore I Play” sẽ biết đó là một con người luôn chọc ghẹo, đùa cợt người khác. Anh có thể khiến tất cả bật cười chỉ bằng một trò nào đó. Các đồng đội của Pirlo cũng khẳng định điều này.
Cộng thêm sự kết hợp của bộ râu và mái tóc đã giúp cựu tiền vệ Italy có một vẻ ngoài đạo mạo phù hợp với lối chơi điềm tĩnh, tinh tế của anh. Tình huống sút Panenka để hạ gục thủ thành Joe Hart ở Euro 2012 là minh chứng cho sự điềm tĩnh ấy. Người lạnh lùng nhất đã sử dụng cách lạnh lùng nhất để loại bỏ một cái đầu nóng ở giải đấu lớn.
Sau tất cả, di sản về lối chơi của Pirlo buộc chúng ta phải đánh giá lại danh tính của một trong những nền văn hóa bóng đá vĩ đại nhất thế giới. Những người hâm mộ bình thường sẽ nói rằng bóng đá Italy nhàm chán, tiêu cực, không mang tính xây dựng. Nhà báo huyền thoại Gianni Brera, người đã có công quảng bá catenaccio, nhấn mạnh người Italy thi đấu như vậy vì ảnh hưởng từ quá khứ: suốt nhiều thế kỷ, họ đã phải bảo vệ đất nước, chống lại xâm lăng.
Tuy vậy, bạn hãy tự hỏi mình một cách thành thật: đó có phải điều bật ngay ra trong đầu khi bạn nghĩ về Italy nói chung hay không? Hay bạn sẽ nghĩ tới vẻ đẹp; sự sáng tạo; sự thanh lịch? Đây mới chính là Italy. Đường cong của một chiếc Ferrari 250 GT, chất lượng của một chai rượu Super Tuscan hay ánh nhìn của Andrea Pirlo,… là những gì mà Baldassare Castiglione gọi là sprezzatura.
> Xem thêm: G-Dragon và Taeyang: ngôi sao của những đêm tiệc thời trang
Andrea Pirlo (Wikipedia):
Andrea Pirlo, Ufficiale OMRI(phát âm tiếng Ý: [anˈdrɛ:a ‘pi:rlo]; sinh ngày 19 tháng 5 năm 1979) là cựu cầu thủ bóng đá người Ý. Khi còn thi đấu anh thường ra sân với vai trò một Tiền vệ kiến thiết từ tuyến dưới. Với khả năng sáng tạo, quan sát cũng như kĩ thuật kiểm soát bóng, chuyền bóng và đá phạt thượng thừa, anh được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất từng chơi ở vị trí này.
Khởi đầu sự nghiệp, Andrea Pirlo chơi ở vị trí Tiền vệ công cho đội bóng quê hương Brescia và đã giúp đội bóng này đoạt chức vô địch Serie B, giành quyền lên chơi tại Serie A vào năm 1997. Màn trình diễn tiềm năng đã giúp anh cập bến Internazionale vào năm 1998, đội bóng yêu thích thuở nhỏ của cá nhân Pirlo. Tuy nhiên tại đây, thiếu hụt về tốc độ và sự cạnh tranh gắt gao đã không đem tới cho Pirlo nhiều cơ hội ra sân, và kết quả anh bị đem cho mượn vào năm 1999. Dẫu cho màn trình diễn ấn tượng trong khoảng thời gian ngắn tại Reggina và Brescia (một lần nữa) khi bị đem cho mượn, Pirlo vẫn không thể có được vị trí chính thức trong đội hình chính của Inter sau khi trở lại, và bị đem bán cho Đại kình địch A.C. Milan vào năm 2001. Tại Milan, Huấn luyện viên Carlo Ancelotti đã đẩy Pirlo xuống thi đấu ngay trước hàng hậu vệ, như một tiền vệ kiến thiết- lùi sâu, nhằm giúp anh có đủ khoảng trống về thời gian để tổ chức lối chơi của đội bóng. Pirlo tỏa sáng tại vị trí mới và dần phát triển thành một tiền vệ hàng đầu thế giới, giữ vai trò then chốt trong những thành công liên tiếp sau đó của Milan. Cùng Milan, Anh giành được hai danh hiệu UEFA Champions League (2003 và 2007), hai Siêu cúp châu Âu (2003 và 2007), hai danh hiệu Serie A (2004 và 2011), FIFA Club World Cup (2007), Supercoppa Italiana (2004) và Coppa Italia (2003). Pirlo sau đó chuyển tới thi đấu cho Juventus, một ông lớn khác của bóng đá Ý, theo dạng chuyển nhượng tự do vào năm 2011. Ngay lập tức, anh giúp đội bóng giải tỏa cơn khát danh hiệu từ năm 2003 và trở lại với vị thế hàng đầu quốc nội bằng bốn chức vô địch Serie A liên tiếp (2012, 2013, 2014 và 2015), hai Supercoppa Italiana (2012 và 2013) và Coppa Italia (2015). Sau hơn 20 mùa bóng thi đấu trong nước, Pirlo gia nhập New York City vào năm 2015[5], trước khi thông báo giải nghệ vào tháng 11 năm 2017.
Ở cấp độ quốc tế, Andrea Pirlo đứng thứ 5 về số lần khoác áo trong lịch sử Đội tuyển Ý, với 116 lần xuyên suốt từ năm 2002 tới 2015. Anh từng góp mặt trong đội hình của Đội tuyển trẻ lứa U15, U18 và U21, là đội trưởng của tập thể vô địch UEFA Euro U21 2000 cũng như là cầu thủ xuất sắc nhất và ghi nhiều bàn thắng nhất giải đấu. Anh có trận đầu tiên cho đội tuyển quốc gia vào tháng 11 năm 2002, và cùng đó dẫn dắt đội tuyển Olympic Bóng đá Ý đoạt huy chương đồng ở Olympics 2004. Hai năm sau, Pirlo đóng vai trò quan trọng trong chức vô địch của Đội tuyển Ý ở FIFA World Cup 2006; anh 3 lần trở thành Man of the Match (cầu thủ của trận đấu), trong đó có cả trận Chung kết, nhiều hơn bất kì cầu thủ nào, cùng với đó về thứ ba trong danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Pirlo cũng góp mặt trong đội hình tiêu biểu của UEFA Euro 2012, giải đấu mà anh đã dẫn dắt Đội tuyển Ý vào tới trận Chung kết, và ba lần giành Man of the Match (nhiều nhất, ngang bằng với Andrés Iniesta). Ngoài ra, Pirlo còn cùng đội tuyển tham dự UEFA Euro 2004, 2008, FIFA World Cup 2010, 2014, FIFA Confederations Cup 2009 và 2013.
Pirlo đứng thứ tư trong cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất Châu Âu của UEFA 2012, đứng thứ 7 vào năm 2015; ở danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA năm 2007, Pirlo đứng thứ 7; anh cũng lần lượt được xếp hạng 5 và 7 ở cuộc đua Quả bóng vàng 2007 và 2012. Pirlo có tên trong đội hình tiêu biểu của FIFPro 2006, đội hình tiêu biểu UEFA 2012. Trong 3 năm liên tiếp 2012, 2013 và 2014 anh được bầu chọn là Cầu thủ Serie A xuất sắc nhất năm đồng thời có tên trong đội hình tiêu biểu của giải đấu.
> Xem thêm: Neymar và những sinh nhật buồn
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Lược dịch từ bài viết “Why we all love Pirlo” của tác giả James Horncastle trên FourFourTwo.
Theo: Thể thao Việt Nam.