Âu phục không dừng lại ở quần áo, vải vóc đơn thuần, đó còn là cả một hành trình văn hóa, mỗi chi tiết dù là nhỏ nhất cũng là sự đúc kết của biết bao thế hệ.
Chẳng vui vẻ, tốt đẹp gì khi nhắc đến COVID nhưng oái oăm thay, dịch bệnh này khiến thói quen ăn mặc của cả thế giới thời trang thay đổi theo đúng… sở thích của tôi mới chết. Sự thoải mái, tính ứng dụng thiết thực được ưu tiên hơn trong âu phục thay vì những thứ “vui mắt”, mang giá trị trưng bày.
Đi đến đâu cũng cảm nhận được tính “casual hóa”, hình ảnh chỉn chu, lịch sự nhất trong mắt mọi người trong khoảng thời gian này có lẽ là phong cách smart casual chứ không phải là một bộ âu phục hoàn chỉnh. Nhưng để trả lời nhanh cho tiêu đề bài viết, có thể nay phong cách Formal đã bớt đi sự nặng nề trong suy nghĩ của nhiều người nhưng Formal vẫn sẽ là Formal, vẫn có những quy tắc bất di bất dịch mà chẳng một yếu tố ngoại cảnh nào có thể thay đổi.
Âu phục không dừng lại ở quần áo, vải vóc đơn thuần, đó còn là cả một hành trình văn hóa, mỗi chi tiết dù là nhỏ nhất cũng là sự đúc kết của biết bao thế hệ. Khi bạn chọn mặc theo phong cách Formal, bạn đã chọn đặt sự tôn trọng lên hàng đầu. Hãy mặc đúng, mặc chuẩn để tôn trọng bản thân, tôn trọng người đối diện và tôn trọng những phép tắc, văn hoá có từ trước.
Trong bất cứ sự kiện nào dính đến chữ “lịch sự”, diện một bộ suit bao giờ cũng uy tín, miễn là không “bảnh” hơn chú rể trong đám cưới. Vậy cuối cùng thì âu phục phong cách Formal của giai đoạn mới này có gì đặc biệt?
Suit là vừa vặn
Âu phục Formal thường gắn liền với phong cách may đo (Sartorial) bởi sự vừa vặn, fit phù hợp là cực kỳ quan trọng. Nhiều trang phục cho phép sự đa dạng, biến hóa về form dáng, thiết kế nhưng một bộ suit thì không.
Ngay chính tên gọi, “Suit” có nghĩa là “vừa vặn”, cách làm ra một bộ suit hoàn hảo nhất phải là đồ may đo. Vậy nên dù bạn chưa muốn đầu tư cho lắm, vẫn dùng đồ may sẵn cũng chẳng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Nhưng cần chú ý chọn size số thật chính xác và có can thiệp chỉnh trang, sửa chữa nếu cần thiết.
Âu phục và dress code
Một số sự kiện không những yêu cầu bạn ăn mặc theo kiểu Formal mà còn chỉ “đích danh” là âu phục kiểu Formal nào. Như “White tie” hay “Morning dress” cực kỳ trang trọng, nhiều khi chỉ diễn ra đúng 1 lần trong đời, còn đâu “Black tie” là thứ phổ biến nhất. Yêu cầu của “Black tie” là nơ đen, bộ dinner suit màu đen, xanh midnight blue, hoặc áo khoác màu trắng, sơ mi trắng, giày tây đen.
Cần nhớ những sự kiện yêu cầu chính xác trang phục như thế không phải là nơi để bạn khoe khoang, phô diễn cá tính, lúc này âu phục chẳng qua là một kiểu “đồng phục” để bạn bày tỏ sự trân trọng, hòa hợp với người xung quanh.
Kiềm chế cá tính
Nhân tiện nhắc đến cá tính ở trên. Dù muốn chấp nhận hay không, phong cách Formal luôn xoay quanh những hình mẫu, template có sẵn hàng thập kỷ qua. Áp dụng âu phục phong cách Formal giống như việc hòa hợp cá tính vào hình mẫu có sẵn hơn là để cá tính lấn át, phá hủy nó.
Phụ kiện, màu sắc, tất cả mọi thứ đi cùng Formal cần được giữ ở mức cân bằng, hài hòa. Nếu bạn nghĩ mình có thể diện một chiếc caravat hình… chuột Mickey màu đỏ để trở nên nổi bật thì dừng lại ngay!
Tránh âu phục màu đen
Sắc đen vẫn là lựa chọn phổ biến cho những bộ tuxedo trang trọng nhưng tin tôi đi, với một bộ suit, màu đen không hề là chân ái, trừ khi bạn là Tom Ford. Âu phục màu đen thoạt nghĩ thì có vẻ rất dễ phối đồ nhưng thực tế thì bạn không có nhiều lựa chọn về giày cho một bộ suit đen, nói không quá thì chỉ có mỗi giày đen.
Ngày nay suit đen còn là hình ảnh đại diện cho ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng nên chắc cũng chẳng cần nhắc bạn về những tình huống ngoài ý muốn có thể xảy ra khi bạn diện suit đen bước vào những nơi kể trên. Suit tông màu xanh navy, xám nịnh mắt, dễ mặc, phù hợp với nhiều nước da, vóc dáng và đặc biệt là cho bạn nhiều lựa chọn về màu sắc giày, phụ kiện kèm theo hơn.
Mặc để hòa nhập
Mọi dịp, sự kiện yêu cầu mặc Formal sẽ có những câu chuyện khác nhau, Formal cũng có nhiều kiểu Formal ấy mà. Bạn cần đặc biệt chú ý đến điều này để điều chỉnh trang phục sao cho hợp lý nhất. Đám cưới kiểu thân mật chỉ mời bạn bè vẫn yêu cầu ăn mặc trang trọng nhưng kiểu trang trọng đó sẽ khác với một đám cưới tổ chức linh đình với sự góp mặt của toàn thể quan viên hai họ, số lượng lên tới 500 người chẳng hạn.
Chuyện ăn mặc ở công ty, nơi làm việc cũng vậy, dân ngân hàng sẽ có suy nghĩ về phong cách Formal khác với dân công nghệ vì môi trường làm việc, chuyên môn khác biệt. Hãy mặc âu phục sao cho hòa nhập với đám đông!
Đừng suy nghĩ cứng ngắc
Có luật lệ, quy cách thật đấy nhưng chẳng ai bắt bạn phải mặc một bộ suit với form dáng từ thế kỷ trước bởi theo họ, đó mới là quy chuẩn. Phong cách Formal cũng vận động và phát triển, thay đổi theo thời gian, chỉ là sự thay đổi này không mang tính màu sắc, phá cách mạnh mẽ như các trào lưu thời trang. Tùy vào thẩm mỹ trong từng giai đoạn, bộ suit sẽ khác nhau về chiều rộng của ve áo, độ lượn của eo, vị trí đặt khuy, độ dài quần, v.v… Đó cũng là điều hết sức bình thường thôi.
Suit không nhất thiết phải đóng bộ
Không giới hạn ở một bộ suit cùng chất liệu, màu sắc, bạn có thể mặc áo này, quần kia nếu cảm thấy việc đóng bộ hơi nặng nề. Nếu đã định mặc “tách bộ” như thế, bạn cần trang phục tách biệt hoàn toàn.
Còn chọn áo và quần tương đương nhau về màu, chất liệu chỉ khiến trông bạn giống như đang cố “dựng” lên một bộ suit nhưng… fail mà thôi. Thay vào đó, hãy nghĩ đến những màu sắc, chất liệu khác biệt nhưng mang tính bổ trợ.
Xem thêm:
- Các phong cách thời trang cổ điển tại Việt Nam
- 6 yếu tố làm nên một bộ suit đẹp và chất lượng
- Trò chuyện cùng ‘ông chú Polo’ Lưu Quốc Tân – Alain