Thời gian vừa qua đánh dấu sự bùng nổ trong cộng đồng thời trang cổ điển ở Việt Nam, với bước nhảy vọt về số lượng người tham gia cũng như tiếp xúc với phong cách này.
Nếu đã có một thời gian tìm hiểu về style này trên các tạp chí thời trang nam, chắc hẳn bạn cũng nhận ra sự đa dạng của nó, kéo theo sự phân nhánh trong chính kiểu cách buôn nghệ của từng người. Bài viết này được Menback biên tập từ bài “kiểu cách classic menswear Việt Nam hiện nay” của Dexter Dinh – Admin Sartorial Guys để các độc giả cùng theo dõi. Qua bài viết, tác giả điểm lại những “nhánh” của người chơi classic ở Việt Nam trong con mắt của người ngoại đạo/ người mới chơi/ hay đơn giản là cách mà anh em vẫn đùa nhau. Đây cũng không phải là những nhánh thực sự của classic menswear mà chỉ là sự tổng hợp dưới góc nhìn hài hước thông qua lời khen của người chơi trong nước.
1. Phong cách Vintage formal & Academic formal
Anh em hay gọi là kiểu chính ủy, nhưng thực chất đây là kiểu Vintage formal & Academic formal. Với đặc điểm nhận diện là quần cạp cao, ống rộng, áo dài, đóng bộ đeo tie. Thường đi kèm với những lời khen “uy tín”, “chuẩn chỉ”, “gương mẫu”.
Ưu điểm của phong cách này là dễ tạo ấn tượng, tạo thiện cảm, kính nể và lòng tin, người ngoại đạo dễ nhận diện (nhìn phát là biết classic) vì định kiến vốn có từ những hình ảnh nổi tiếng như Kingsman, Peaky Blinder.
Còn nhượng điểm của kiểu Vintage formal & Academic formal là bị hạn chế trong hình ảnh đóng bộ, cần gồng khi đối phó với thời tiết và thỏa hiệp với cảm giác mặc, cần rất nhiều đào sâu nghiên cứu để xây dựng style theo hướng cực đoan hoặc bứt phá trong phong cách (không phải phá để sang style khác, mà phá để bộc lộ được nét riêng và sáng tạo khỏi khuôn mẫu); đôi khi bị nhầm sang kiểu basic.
2. Phong cách Basic / Simple
Tạm hiểu là kiểu Business/casual functional forward (không phải minimalist), với đặc điểm nhận diện là sự “đơn giản”, “nhã nhặn”, “tinh tế”.
Bất kể là formal hay casual thì đều tinh giản hết mức có thể, hạn chế màu mè họa tiết cũng như phụ kiện, gần như chỉ còn giữ lại những thứ functional. Basic không phải là beginner, cũng không phải là một giai đoạn trước khi trải nghiệm những thứ phức tạp, mà là họ chọn cách ăn mặc tinh giản, thậm chí là giản lược đi từ sự phức tạp của chính họ trước đó.
Nếu bạn là beginner và không có khả năng xử lý các biến số ngoài basic trong ăn mặc (màu sắc, họa tiết…vv) thì không phải bạn đang theo style basic, mà thực ra là bạn chưa có style nào cả.
Ưu điểm của phong cách này tất nhiên là sự tập trung. Sau khi đã lược bỏ đi rất nhiều thứ, thì bạn sẽ có cơ hội để hoàn thiện tủ đồ và kiểu cách theo một hướng rất cụ thể
Còn nhược điểm, đó là chất lượng đồ trở nên tối quan trọng (tưởng tượng việc bạn lựa chọn mặc một bộ suit cơ bản, khi ấy sự nổi bật sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng vải/cắt/phụ liệu/ cấu trúc của bộ suit). Bên cạnh đó, đối với người ngoại đạo/beginner thì rất khó nhìn ra cao thủ mặc basic, thay vào đó, họ chỉ ấn tượng nếu bạn cao to đẹp trai, như là Tom Ford hay 007.
Đồng thời, kiểu Basic/Simple cũng thường bị dân ngoại đạo/beginner nhận vơ; đây cũng là một điểm lưu ý: đánh giá trình độ ăn mặc của một người phải dựa trên quá trình chứ không phải một outfit/ tấm ảnh đơn lẻ. Ví dụ một thanh niên đẹp mã may được một bộ suit đẹp, nhìn qua có thể sẽ không khác gì với một cao thủ mặc basic, nếu không nói là thậm chí bắt mắt hơn.
3. Phong cách Casual
Nghe có vẻ tối nghĩa nhưng thực ra thì nhánh này là tổng hợp của vintage casual, workwear, Americana, Ivy, minimalist. Với đặc điểm nhận diện là sự “casual”, “dễ chịu”, “ngầu”.
Ưu điểm của phong cách này là nét độc đáo, cảm giác mặc thoải mái, giao thoa với các cộng đồng ăn mặc denim, workwear…vv.
Còn nhược điểm là khiến cho beginner/dân ngoại đạo khó nhận diện (nhìn vào không biết là classic). Không bám sát các tiêu chuẩn về tỉ lệ của classic nên không tối ưu vẻ đẹp hình thể như classic.
Đến đây anh chị em có thể thấy là những người mặc Vintage hay Ivy (đây mới là những nhánh thực sự của classic menswear), sẽ nằm giữa kiểu casual này và kiểu chính ủy.
4. Phong cách Ultra casual / Fashion forward
Anh em hay gọi là kiểu Chõe! Thường đi kèm với những cách gọi “láo láo”, “mất nết”, “Bắc Phoy”, “K cơ”. Ngược với kiểu Chính Uỷ, kiểu Chõe hướng tới việc mặc classic sao cho nhìn ít trang trọng gương mẫu nhất có thể, và thường đưa vào sự phối hợp những item mới lạ hay cách phối độc đáo
Kiểu chõe chưa chắc đã thoải mái trong cảm giác mặc, nhưng ưu điểm chắc chắn là thúc đẩy sự sáng tạo và phá cách theo hướng ra ngoài classic menswear, kèm theo đó bộc lộ chất riêng của người mặc ngay từ khâu chọn lựa trang phục.
Còn nhược điểm của style “Chõe” là khó tạo hình ảnh uy tín trong lòng beginner/ngoại đạo, thậm chí dễ bị chỉnh sửa là mặc không chuẩn chỉ (kiểu như nếu mang ảnh lookbook của Drake’s ra đặt cạnh poster film peaky blinder thì chắc hẳn dân tình sẽ tưởng ảnh của Drake’s là mấy thanh niên học đòi classic trong khi nhìn quá phèn; nhưng người chơi thì sẽ biết tụi Drake’s chụp ảnh đỉnh thế nào).
Cần sự hiểu biết về các style khác, hoặc mắt thẩm mỹ tốt để kiểm soát rủi ro. Mặt khác, thị trường Việt Nam thiếu thốn hơn hẳn so với nước ngoài cũng là một bất lợi lớn.
Ngoài ra trong cộng đồng anh em chơi thời trang cổ điển, chúng ta có thể bắt gặp một số lời khen như:
– Nghệ: lời khen “nghệ quá” có ý nghĩa là mặc đẹp theo tiêu chuẩn Sartorial.
– Nhoe: lời chê này ám chỉ việc mặc không đẹp theo tiêu chuẩn Sarto.
– Nghiện: có nghĩa là nghiện, không có ý gì khác.
“Nghiện” là dở rồi! Chúc anh em “nghệ” nhé!
Xem thêm:
- Nâng cấp tư duy ăn mặc, điều quan trọng để mặc đẹp ở đẳng cấp cao hơn
- 6 yếu tố làm nên một bộ suit đẹp và chất lượng
- Cách phối đồ với áo blazer cho nam giới hiện đại