Tôi không phải một tay chơi đồng hồ chuyên nghiệp nhưng cũng giống bao người khác, tôi có thú vui nghiên cứu, tìm hiểu về thứ phụ kiện đầu bảng dành cho nam giới này.
Tôi cũng từng bị “lừa”, bị những chiêu trò marketing che mắt chất lượng, và sau rất nhiều cú ngã, tôi cũng có cho riêng mình một bộ sưu tập đồng hồ nho nhỏ và quan trọng hơn là được bồi bổ thêm một lượng kiến thức kha khá. Hôm nay chúng ta sẽ nói về cuộc chiến giữa đồng hồ cơ và đồng hồ pin nhé.
Bạn suy nghĩ thế nào về một chiếc đồng hồ pin/quartz movement (nói cách khác là vận hành bởi chip điện tử và pin)? Tôi có hỏi vài người bạn và câu trả lời đúc rút ra khá thú vị: Nếu bạn có một chiếc đồng hồ chạy pin có nghĩa là bạn đang mong mỏi có được một chiếc máy cơ (Mechanical/Automatic movement). Và khi bạn đã sở hữu một chiếc đồng hồ cơ rồi thì “uy tín” của đồng hồ pin sẽ giảm sút.
Rõ ràng là suy nghĩ đồng hồ cơ oách hơn, xịn hơn đồng hồ pin luôn hiển hiện. Điều này không hề sai, bởi máy pin được phát minh ra từ cuối những năm 1960, chúng đã tạo nên một cơn khủng hoảng cho ngành đồng hồ.
Công nghệ mới khiến những thương hiệu đồng hồ danh tiếng từ Thuỵ Sĩ phải vò đầu, bứt tai, họ lo sợ cho tương lai của những bộ máy cơ được chế tác tỉ mỉ, thứ thậm chí còn là dấu ấn của cả quốc gia nữa. Đồng hồ pin bị tẩy chay trong sự sợ hãi…
Tìm hiểu thêm:
Những mẫu đồng hồ cơ tinh vi với thiết kế siêu phức tạp
Thế nhưng vì sao bộ máy pin vẫn xuất hiện trong một số mẫu đồng hồ từ các ông lớn như Omega, Cartier, Longines, Piaget, Breitling hay Grand Seiko? Chúng ta sẽ bàn sau nhưng trước hết, có những ưu điểm khó mà phủ nhận được ở máy pin: máy mỏng hơn, sẵn sàng gắn vào những chiếc đồng hồ được xem là mỏng nhất nhì thế giới và hơn tất cả, là sự chính xác.
Đồng hồ chạy pin hoạt động dựa vào năng lượng điện của pin truyền qua một tinh thể thạch anh (quartz) nhỏ được gắn trong mạch điện. Dòng điện chạy qua làm tinh thể thạch anh rung với tần số không đổi gần như hoàn hảo là 32.768 lần mỗi giây, rung động này là cơ sở để đồng hồ hoạt động.
Nếu so về tính năng xem giờ thì thẳng thắn mà nói, đồng hồ cơ còn lâu mới tiến được tới độ chính xác của đồng hồ chạy pin.
Nhưng đồng hồ pin bị một cái “tội”, đó là… rẻ. À, không phải chiếc đồng hồ pin nào cũng rẻ hết nhé, các dòng pin của Omega hay Grand Seiko cũng có mức giá đến vài ngàn USD. Nhưng nhìn chung, máy pin sẽ bị gắn cái mắc rẻ, đúng với xu hướng càng ngày càng dễ tiếp cận của những món đồ công nghệ khác.
Máy pin cũng xuất hiện trên những chiếc đồng hồ “quà tặng”, đồng hồ nhựa cho trẻ em với cái giá chỉ vài trăm ngàn đồng, một sự thật không thể chối bỏ.
Ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sĩ luôn ám ảnh với lịch sử chế tác thủ công lâu đời, họ quan tâm tới những thứ diễn ra phía bên trong, nơi những chiếc bánh răng, trục quay của bộ máy cơ được vận hành một cách đầy kiêu hãnh và khêu gợi.
Hmm, có thể coi đó là sự lãng mạn nhưng sau cùng, chẳng phải thiết kế bên ngoài mới là thứ quyết định sự gắn bó giữa người đeo và chiếc đồng hồ hay sao? Thế nên chúng ta mới có những chiếc đồng hồ cơ đẹp đến nao lòng chứ.
Và đó là khi Swatch, một hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ quyết định làm một cuộc cách mạng vào thập niên 80, họ làm ra những chiếc đồng hồ chạy pin… bằng nhựa với hàng trăm, hàng ngàn thiết kế, màu sắc, hoạ tiết khác nhau. Tôi không dám chê đồng hồ Swatch vì nó không hợp gu cá nhân cho lắm nhưng rõ ràng họ đã giải quyết một đống nhu cầu của con người: có đồng hồ đeo, giá thì rẻ và lại còn là đồng hồ Thuỵ Sĩ.
Có phải là quá mâu thuẫn không? Khi con người chúng ta luôn ưu tiên những gì là tiên tiến nhất, thông minh nhất về mặt công nghệ. Đồng hồ cơ lại là một thứ hoài niệm, giống như thú vui nghe đĩa than trong thời đại những Apple Music, Spotify, Youtube bùng nổ hay cái cách một gã biker say sưa kể về tiếng động cơ xe gầm gừ, mùi xăng khét nồng bốc ra từ ống xả, hắn nhìn những chiếc xe điện bằng nửa con mắt.
Vậy đấy, luôn có một thứ ma lực kỳ bí để đồng hồ cơ hay những món đồ hoài cổ kia vượt lên trên những công nghệ tiên tiến, hiện đại, chính xác bậc nhất. Với đồng hồ, trận chiến về hiệu năng đã có kết quả quá rõ ràng, nói nôm na thì làm gì có chuyện một thứ được tạo ra bằng tay đạt được đến khả năng xử lý của máy tính?
Nói đến đây thì tôi cho smartwatch xuất hiện nhé.
Hài hước ở chỗ, phát minh smartwatch đại diện cho công nghệ hiện đại, hệt như cái cách đồng hồ chạy pin đã từng. Và rồi thì bạn thấy đấy, rất nhiều tay chơi đồng hồ cơ sừng sỏ cũng “phải” đeo smartwatch, thậm chí là cả đồng hồ cơ lẫn smartwatch cùng lúc. Chúng ta đang sống trong một thế giới quá phụ thuộc vào công nghệ mà…
Thật vậy, thật thú vị khi chiếc đồng hồ thông minh không có sự kỳ thị nào giống nhau. Tại sao như vậy? Bởi vì, trong giai đoạn đầu của sự tồn tại của chúng, đồng hồ thông minh là hiện thân của sự hiện đại, như thạch anh đã từng làm. Đó là lý do tại sao rất nhiều người đam mê đồng hồ cơ học cũng đeo đồng hồ thông minh, đôi khi thậm chí cùng một lúc.
Smartwatch có lẽ sẽ giống như một anh trọng tài bất đắc dĩ cho trận chiến nảy lửa giữa đồng hồ cơ và đồng hồ pin: tốt hơn hết là chấp nhận và tận hưởng cả hai, hơn là cứ ngồi phán xét, thiên vị, cho cái này có đặc quyền hơn cái kia. Đây là điều mà rất nhiều nhà sưu tập trên thế giới đã và đang làm. Sau cùng, đồng hồ là một thứ phụ kiện cá nhân, ẩn chứa những câu chuyện, những kỷ niệm của chủ nhân. Cho dù đó có là một chiếc Patek Philippe hay Casio G-Shock đi chăng nữa, mọi sự so sánh đều là khập khiễng…
Khám phá:
Vì sao nam giới nên đeo đồng hồ truyền thống?
7 thương hiệu đồng hồ giá bình dân, mẫu mã đẹp, chất lượng cao
10 đồng hồ nam là biểu tượng của mọi thời đại
–
MENBACK.COM