Thời trang đường phố tại Việt Nam đang có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ, hãy cùng tạp chí thời trang nam cảm nhận điều đó qua bài viết từ blogger Trí Minh Lê.
Trong kỉ nguyên “bề ngoài” như hiện nay cách sử dụng và thể hiện thời trang cũng sẽ khác với giai đoạn trước. Thể hiện thời trang không chỉ đơn thuần là mặc cái quần cái áo lên người mà giờ đó còn là phải chụp hình, phải quay video đăng lên Toptop. Rõ ràng với sự xuất hiện của các công nghệ mới thì một điều có nhiều cách tiếp cận và truyền bá được “Ngôn ngữ thời trang’ bản thân ra nhiều hơn, không giống như thế hệ trước chỉ có cách truyền thống là phải ra ngoài – phải đến những tụ điểm công cộng. Và đó là lí do mình nói về phần “Photography” – “Hình ảnh” và đi theo đó là “Posing” – “Tạo dáng”.
Để tránh việc “Múa rìu qua mắt thợ” thì xin được phép rằng đây ở trên phương diện của người viết – không phải là 1 người chuyên nghiệp trong chụp ảnh. Và nó tập trung về chữ “Streetwear” – nghĩa là thời trang đường phố.
Khi mình dạo qua các group chia sẻ về thời trang đường phố tại Việt Nam, không phải là tất cả – nhưng đại đa số những hình ảnh mà mình nhận được từ các thành viên tham gia đó là thể hiện thời trang của các bạn bằng hình hầu hết là “Tĩnh”. Là giống như một người mẫu đang đứng ở studio. Đó là việc đứng im một chỗ, ánh sáng thì cân chỉnh bằng phần mềm hay sử dụng flash của điện thoại để đảm bảo việc “sáng mặt ăn tiền” một cách rất commercial/rất thương mại hóa. Song song, bằng cách chọn góc để tăng chiều cao “ảo” hoặc các góc cam rộng thì những hình ảnh đó thường tạo cho chúng ta một sư sai lệch về chiều cao thật – đồng nghĩa về tỉ lệ. Âu cũng là điều bình thường nhưng nếu bạn nào dựa vào đó để mua theo những kiểu đồ tương tự thì nên xem xét lại.
Một điều oái ăm rằng, nếu các bạn theo dõi những bộ sưu tập thời trang của các thương hiệu từ quốc tế đến trong nước thì trong khi họ đang cố gắng đưa hình ảnh đường phố vào trong studio bằng set probs, bối cảnh, màu sắc nhằm có thể điều khiển được không gian – thời gian theo chủ đích của creative/art director. Thì những người bình thường như chúng ta đang ở trên đường phố “real”, “hàng thật” lại muốn có được những thứ hình ảnh thường thấy trên studio. Một sự đòi hỏi ngược qua ngược lại, kì cục.
Với quan điểm cá nhân của mình, studio là studio còn street/đường phố là đường phố. Mỗi thứ hình ảnh, video được cung cấp từ hai địa điểm này đều có điểm lợi và điểm bất cập khác nhau. Mặc dù các Art director/ D.O.P có thể là “phù thủy” xoay chuyển càn khôn nhưng rõ ràng thứ gì đựng dựng cũng không có thể thực tế bằng đường phố – dù có dàn như thế nào thì sự giống cũng chỉ đạt tới khoảng 70% đến 80%. Còn trên đường phố thì lẽ rằng ánh sáng tự nhiên, không khí, bối cảnh (Đặc biệt là con người, cây cối, kiến trúc – đô thị) sẽ không thể hoàn hảo nhưng đó là tự nhiên, là khoảng khắc mà không bao giờ chúng ta có thể làm được một cách hoàn hảo nhất. Đó là thế mạnh của “Streetwear”, là thứ mê hoặc những khách hàng trẻ hay thế hệ có nhu cầu về thứ gì đó mới mẻ hơn là đơn thuần trên các sàn diễn runway (Một thời là như vậy).
Ở trên đường phố, từ các kinh đô thời trang như New York, Paris, London hay Milan tới những con rồng châu Á Seoul, Tokyo và quê hương chúng ta là Sài Gòn, Hà Nội. Đường phố vẫn luôn là thứ gì đó đặc biệt, điều này càng quan trọng hơn khi chúng ta đang trong từng bước hồi phục lại nhịp sống “Bình thường mới”, tạm bỏ qua những giai đoạn đen tối nhất của dịch bệnh. Mọi thứ luôn hối hả, luôn vận động, chuyển động nhanh đến không ngừng. Bản thân mình đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn và yêu cái sự Hustle này của Sài Gòn. Vốn dĩ nó là như thế.
Cái mà các bạn đang bỏ qua đó ở “Thời trang đường phố” thật đó chính là sự chuyển động. Những thứ đang tự nó vận động theo một cơ chế tự do và không thể tính toán cụ thể được, đó là sự chuyển động của ánh sáng – sự chuyển động của con người – sự chuyển động của xe cộ. Tất cả chuyển động trên tạo thành “Không khí” đặc trưng của khu vực đó mà không thể nhầm lẫn ở đâu được. Trong khi các high fashion brand đầu tư một số tiền lớn để làm một buổi trình diễn thời trang cho người xem thấy những fashion items họ làm được mặc trên người mẫu như thế nào, trông quần áo như thế nào khi các model chuyển động. Thì ở streetwear/thời trang đường phố thì mọi thứ đều là miễn phí, chỉ có điều khác biệt lớn nhất là “Fashion for everyone, you’re in your own runway” – “Thời trang là cho tất cả mọi người, các bạn đang ở trên sàn diễn của chính mình”. Tự do, không hề có chọn lọc.
Quan điểm của cụ ông Yohji Yamamoto, của Martin Margiela, của Demna Gvasalia, của Peter Do và mình tin cũng rất nhiều người đồng quan điểm. Đó chính là niềm vui của sự quan sát. Yohji Yamamoto từng chia sẻ rằng “Thứ thời trang mà ông muốn được xem nhất đó chính là những gì con người mặc đi ra ngoài đường. Mục tiêu lớn nhất và duy nhất ông muốn chạm tới đó là người ta sẽ mặc đồ của Yohji Yamamoto ra ngoài đường như thế nào. Không phải ở các sự kiện, không phải các sàn diễn. Mà là ở ngoài đường”. Khi “họ” chuyển động – đi bộ, chạy, ngồi, đứng hay bất kì một động tác gì. Quần áo sẽ “chuyển động” theo cơ thể. Mỗi con người có một hình dáng cơ thể khác nhau, riêng biệt. Do đó quần áo sẽ “riêng” theo cách của từng người. Từ đó, các chi tiết/các thiết kế: Nếp gấp, xếp li, đường cắt hay form dáng của quần áo sẽ được phơi bày 100% trước mắt người khác một cách tự nhiên nhất. Thứ mà chúng ta đã “Vô tình” quên hay lạc mất khi cố gắng tạo mẫu giống đang ở trong một studio.
Khi ở đường phố, nơi mà mọi thứ đều cân bằng giữa “Tĩnh” và “Động”. Nếu chúng ta đứng thì người xung quanh di chuyển, xe cộ di chuyển, ánh sáng di chuyển, lá cây cũng rung. Ngay cả ánh sáng mặt trời – cây đèn lớn nhất của Studio “Streetwear” – cũng di chuyển từ “Đông sang Tây” còn gì các bạn nhỉ. Đường phố, nơi mọi thứ đều hỗn loạn, đều chi chuyển có một sức hút không thể chối từ. Khó, nhưng nếu khai thác được thì bạn hẳn là có thực tài.
Nếu chúng ta đang làm việc và có mục đích hướng tới việc trở thành một người mẫu, chẳng có gì sai nếu sử dụng hình ảnh cá nhân chuẩn chỉnh như trong studio. Việc chúng ta chuyển động cũng hoàn toàn khác giữa người với người, nó liên quan đến posing/tạo dáng. Cho nên việc cùng mặc 1 bộ đồ giống hệt nhau mà cách di chuyển/chuyển động khác nhau cũng tạo nên điểm riêng biệt cho DNA của các bạn.
P/s: Mình chủ đích chọn các nguồn ảnh đến từ các anh/chị/bạn bè là người Việt (Linh Luu, Aiden Pham, Vien Nguyen, Tú Uyên, Tan Nguyen, Hung Ocb…) để minh chứng người Việt ta có góc nhìn và thần thái xịn không kém gì nước ngoài nên các bạn cũng có thể như vậy.
Xem thêm:
- NTK Kim Jones – người tiên phong kết hợp thời trang di sản và Streetwear
- Mắt thẩm mỹ – Nhờ bẩm sinh hay do rèn luyện?
- Màu sắc trong thời trang – Cách chọn màu quần áo phù hợp với màu da