Natascha Kampusch đã bị bắt cóc và giam cầm trong suốt hơn 8 năm, sau khi được tự do, cô đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trên truyền thông và tích cực hoạt động cho các chương trình xã hội.
Natascha Kampusch là ai?
Natascha Kampusch (17/02/1988) là một người dẫn chương trình người Áo, cô được biết đến là nạn nhân của một vụ bắt cóc và giam cầm trong hơn 8 năm bởi Wolfgang Priklopil (kẻ đã tự sát sau khi mọi việc bị phát hiện).
Sau khi được giải thoát năm 2006, Natascha Kampusch đã hợp tác với kênh truyền hình Áo PULS 4 để sản xuất chương trình của riêng cô vào năm 2008 có tựa đề “Cuộc đàm thoại với… Natascha Kampusch” và cô trở thành người dẫn chương trình talkshow này.
Năm 2010, Natascha Kampusch đã xuất bản một cuốn tự truyện mang tên “3096 ngày” kể về những gì mình đã trải qua. Cuốn tự truyện sau đó cũng được chuyển thể thành phim vào năm 2013. Số tiền thu được từ quyển sách, Natascha Kampusch trích ra một phần để quyên góp cho Elisabeth Fritzl – một cô gái bị cha ruột giam cầm và hãm hiếp trong suốt 24 năm.
Ngoài ra, Natascha Kampusch còn xuất hiện trong các chương trình truyền hình trên toàn thế giới. Cô cũng đấu tranh cho quyền lợi của những con thú bị xiềng xích giam cầm. Năm 2009, Natascha Kampusch trở thành gương mặt đại diện của nhóm bảo vệ động vật PETA tại Áo.
Cô cũng lập một website có địa chỉ kampusch.com để triển khai các dự án của mình.
Diễn biến vụ án Natascha Kampusch
Ngày 2/3/1998, như bao ngày khác, cô bé Natascha Kampusch 10 tuổi, lại vui vẻ rảo bước từ nhà ở quận Donaustadt, thủ đô Vienna (Áo) tới trường, thì đột nhiên một kẻ lạ mặt đã túm lấy Natascha Kampusch, đẩy cô bé vào một chiếc xe tải rồi đưa thẳng về nhà của hắn.
Sau khi Natascha Kampusch mất tích, cảnh sát đã mở cuộc truy tìm quy mô lớn nhưng kết quả là vô vọng.
Trong 8 năm bị giam giữ, Natascha Kampusch phải sống khổ cực trong hầm chứa rượu nhỏ chỉ rộng 5 m2 dưới gara của kẻ bắt cóc có tên Wolfgang Priklopil. Hắn đã lên kế hoạch vô cùng tinh vi: Thiết kế căn hầm chứa rượu cách âm; cửa vào hầm được làm bằng bê tông, gia cố bằng thép và được một chiếc tủ đựng thức ăn che khuất hoàn toàn.
Trong thời gian đầu, Natascha Kampusch cố tình tạo ra tiếng động như ném chai nước vào tường để mong tìm sự giúp đỡ nhưng việc này chẳng có ích gì. Natascha Kampusch cũng đã từng có ý nghĩ sẽ giết Wolfgang Priklopil nhưng cô bé buộc phải từ bỏ vì không thực hiện được.
Natascha Kampusch không được phép rời khỏi căn hầm. Một thời gian dài sau khi bị bắt cóc và lạm dụng, cô mới được phép đi quanh ngôi nhà.
Sau này, theo lời kể của Natascha Kampusch, cô và Wolfgang Priklopil thường cùng ăn sáng, sau đó Priklopil sẽ đưa sách để cô tự học. Wolfgang Priklopil luôn cảnh báo tất cả cửa sổ và cửa ra vào trong nhà đều đã gài bom và rất dễ nổ. Hắn còn dọa dẫm hắn có súng và sẽ giết Natascha Kampusch cùng những người hàng xóm nếu cô có ý định trốn thoát.
Sau một thời gian dài sống trong địa ngục, ngày 23/8/2006, cơ hội thay đổi cuộc đời đã đến với Natascha Kampusch khi cô đang lau dọn chiếc xe của Wolfgang Priklopil.
Khoảng gần 1 giờ chiều, có người gọi cho Priklopil, do tiếng ồn của máy hút bụi nên hắn đã ra ngoài để nghe điện thoại. Natascha Kampusch vội chớp lấy cơ hội và trốn thoát, cô gõ cửa nhà hàng xóm và một người hàng xóm khác đã gọi cho cảnh sát. Sau đó Natascha Kampusch được đưa đến đồn cảnh sát của thị trấn Deutsch-Wagram.
Wolfgang Priklopil phát hiện cuộc bỏ trốn của Natascha Kampusch và biết rằng cảnh sát sẽ lập tức tìm kiếm hắn. Hắn quyết định tự tử bằng cách nhảy vào trước một đoàn tàu đang chạy ở nhà ga Wien Nord, Vienna. Trước đó, ông ta cũng có nói với Natascha Kampusch rằng “cảnh sát sẽ không bao giờ bắt được ta lúc còn sống”. Kẻ bắt cóc được chôn cất lặng lẽ, bia mộ khắc lên một cái tên giả.
Tuy nhiên điều đáng nói, theo cảnh sát, khi biết kẻ gây tội ác với mình chọn cái chết đầy đau đớn, Natascha Kampusch đã khóc và đốt một cây nến tưởng niệm Priklopil tại nhà xác. Lý giải cho hành động này, cô gái cho biết, hắn dù sao cũng là “một phần” trong cuộc đời cô.
Natascha Kampusch đã chia sẻ: “Tôi nghĩ hắn ta là một người cô đơn, không có bạn bè, không tình yêu và không phương hướng”. Trong những lần trả lời phỏng vấn truyền thông sau này, Natascha Kampusch đôi khi có ý minh oan cho Wolfgang Priklopil nếu có chi tiết nào theo cô là không đúng.
Chính vì điều này, nhiều người cho rằng Natascha Kampusch mắc hội chứng Stockholm – thuật ngữ mô tả trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình. Nguồn gốc của thuật ngữ này bắt nguồn từ vụ bắt cóc xảy ra năm 1973 tại Stockholm, Thụy Điển. Tuy nhiên trong cuốn tự truyện “3.096 ngày” xuất bản tháng 9/2010, Kampusch đã phủ nhận điều này.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2016, Natascha Kampusch tiết lộ cô vẫn sống ở ngôi nhà của kẻ từng bắt cóc mình như một cách điều trị đặc biệt cho chứng bệnh tâm lý mắc phải sau này. Hàng ngày, Natascha Kampusch vẫn lau dọn toàn bộ ngôi nhà như thời còn bị Wolfgang Priklopil nhốt giam làm nô lệ tại đây.
Mặc dù vụ án khép lại với nhiều uẩn khúc, nhưng điều sáng tỏ nhất chính là Natascha Kampusch đã vực dậy tràn đầy sức sống. Cô là một ví dụ cho thấy: Ngay cả khi người ta gặp những chuyện kinh khủng nhất trên đời, ta vẫn có thể lựa chọn tiếp tục làm những điều tốt đẹp.
Vụ án Elisabeth Fritzl: 24 năm kinh hoàng trong nhà tù của chính cha đẻ
Elisabeth Fritzl là vụ án xảy ra tại Áo, gây chấn động thế giới năm 2008 và ám ảnh cho...