Ông Francisco Holgado sống cuộc sống hai mặt, ban ngày đi làm ở ngân hàng, đêm đến đóng vai một gã nghiện thâm nhập thế giới ngầm để tìm kẻ đã sát hại con trai mình.
Sau khi cảnh sát không giải quyết được vụ án con trai mình bị sát hại, Francisco Holgado đã cải trang và thâm nhập vào thế giới ngầm tội phạm địa phương để truy tìm những kẻ thủ ác mong công lý được thực thi. Câu chuyện của ông đã được dựng thành bộ phim có tựa đề Padre Coraje (người cha can đảm) do đạo diễn Benito Zambrano thực hiện. Francisco Holgado đã trở thành một người hùng – nhưng mọi thứ vẫn chưa kết thúc.
Vụ án Juan Holgado
4h30 ngày 22/11/1995, chiếc taxi tấp vào trạm xăng ở La Constancia, một khu phố tồi tàn ở trung tâm Jerez, thành phố Andalucia. Người lái xe kéo vòi phun nhưng máy bơm không bật, một vệt máu chảy dài dưới sàn. Ông hoảng hốt gọi cảnh sát. Phá cửa vào trong, họ thấy nhân viên Juan Holgado, 26 tuổi nằm hấp hối dưới nền nhà, chết lúc 17h bởi 30 vết đâm.
Trạm xăng không có CCTV và cũng không có nhân chứng. Cảnh sát cho rằng có nhiều hơn 2 thủ phạm, là những kẻ nghiện ma túy túng tiền. Quầy thanh toán bị lấy đi khoảng 530 USD. Hiện trường vụ án sớm hỗn loạn bởi các nhân viên y tế, nhà tội phạm học, cảnh sát và các nhà báo. Các bên đổ lỗi cho nhau khi hiện trường bị “ô nhiễm”. Vụ án nhiều tháng vẫn giậm chân tại chỗ.
Mòn mỏi vì chờ đợi, trong một lần đến thăm mộ con, ông Francisco thề: “Nếu cảnh sát không thể giải quyết vụ việc, bố sẽ làm”.
Người cha đóng vai gã nghiện thâm nhập thế giới ngầm
Đầu năm 1997, tức 2 năm sau vụ giết người, ông Francisco sống cuộc sống hai mặt. Mỗi ngày vào lúc 6 giờ sáng, ông lên một chiếc xe buýt đi làm ở ngân hàng. Đêm xuống, ông đóng bộ áo quần bụi bặm tối màu, đi lang thang qua khu phố ma tuý khét tiếng của thành phố, với hy vọng tìm kiếm được bất kỳ thông tin nào liên quan vụ án. Ông cũng lui tới những quán bar ám khói của đám ma cô, thậm chí xâm nhập cả nhà thổ.
Tại các khu ổ chuột, ông đã có những cuộc trò chuyện kéo dài với những kẻ nghiện ngập nửa mơ nửa tỉnh, những người mà ông ta lôi kéo vào cuộc trò chuyện bằng thuốc lá hoặc rượu. Ông ghi âm lại mọi thứ trên chiếc máy nghe nhạc mang theo bên hông.
Vào cuối tuần, thay vì dành thời gian cho gia đình, Francisco ngồi nghe lại những bản thu âm. Nội dung đa số khiến ông thất vọng: Những cái tên vô nghĩa, những câu chuyện ngõ cụt.
Cuối tháng 3/1998, mặc áo khoác da, quần jean rộng thùng thình, một chiếc áo sơ mi denim màu xanh, kính râm và tóc giả, ông Francisco xếp hàng của một phòng khám methadone (thuốc hỗ trợ để điều trị người nghiện ma tuý) và tự giới thiệu mình là Pepe khi trò chuyện với những gã nghiện.
Ông đang tập trung thu thập thông tin về 4 nghi phạm chính, trong đó có Asencio, 35 tuổi, cũng đang xếp hàng ngoài cửa phòng khám.
Francisco lân la chìa điếu thuốc bắt chuyện, dần làm thân với Asencio và đề nghị chở hắn chơi bời, mua ma túy, do kẻ này không biết lái xe. Asencio là kẻ rất đa nghi nhưng đã bị ông lấy lòng.
Gần hai tháng đóng vai “gã nghiện Pepe”, người cha 56 tuổi cuối cùng được Asencio tiết lộ rằng, có thể 2 đồng bọn của hắn, có liên quan vụ giết người tại trạm xăng.
Asencio cho hay nhìn thấy 2 đồng bọn đưa cho nhau một túi quần áo dính máu để ném vào thùng rác, vài ngày sau vụ giết người, và anh ta không dính líu gì.
Giữa năm 1998, ông đã nghỉ việc tại ngân hàng để dành toàn thời gian điều tra vụ án. Cuộc hôn nhân của ông đứng trước bờ vực tan vỡ sau cái chết của con trai, giờ càng căng thẳng khi vợ ông phản đối những cuộc thâm nhập mạo hiểm này. Và bà có lý.
Một ngày mùa hè năm đó, Asencio nói với “Pepe” rằng sẽ giết cha của nạn nhân vì hắn nghe đồn rằng ông già đang bực bội vì cuộc điều tra bị đình trệ nên đã mua một khẩu súng ngắn truy lùng hung thủ. “Nên tôi sẽ lấy mạng lão già trước”, Asencio nói với “Pepe” mà không biết rằng, “Pepe” chính là “ông già”đó.
Ông Francisco chết lặng. Trong một khoảnh khắc hoảng sợ, ông đề nghị sẽ giúp giết “lão già” đó để trấn an Asencio.
Những nỗ lực không có kết quả
Năm 1999, tức 5 năm sau vụ án mạng, cuối cùng, bốn bị cáo, trong đó có Asencio, bị toà án tỉnh Cadiz xét xử. Hắn phủ nhận mọi cáo buộc. Khi này, luật sư của ông Francisco hỏi: “Anh có biết rằng người có tên Pepe, trên thực tế là cha của nạn nhân?”
Mặt đỏ bừng, Asencio lắp bắp “tôi không làm gì hết”. Vị luật sư đã thông báo rằng thân chủ đã ghi âm hàng giờ cuộc trò chuyện bí mật với bị cáo. Cả phòng xử án phản ứng bằng những tiếng xì xào kinh ngạc.
Thẩm phán tuyên bố hoãn toà để xem xét bằng chứng ông Francisco thu thập. Hai ngày sau, họ tuyên bố, các cuộn băng không phải bằng chứng hợp pháp.
Suốt phiên toà, Francisco Holgado trở thành cái tên quen thuộc trên khắp đất nước. Ngày 17/1/1999, tờ El Mundo xuất bản bài báo về ông với tiêu đề Padre Coraje – Người cha can trường, ca ngợi người cha đã liều mạng để bảo đảm công lý cho con trai. Nó đã biến gia đình ông thành những người nổi tiếng chỉ sau một đêm.
Ngày 9/2, trong khi ông đang nói chuyện với các nhà báo Bồ Đào Nha, các thẩm phán đã tuyên trắng án cho cả 4 bị cáo. Francisco gần như quẫn trí, tự nhốt mình trong trạm xăng nơi con trai ông đã chết. Ông cũng vẽ bậy lên các tòa nhà công cộng với các khẩu hiệu “Những kẻ giết Juan Holgado vẫn nhởn nhơ trên đường phố” và “Công lý cho Juan Holgado”.
Bộ phim về Francissco được phát sóng, gia đình tan vỡ
Đầu năm 2000, mối rạn nứt giữa ông và gia đình trở nên không thể hàn gắn khi ông bán bản quyền cuốn sách và phim truyền hình dựa trên vụ án của con trai, thu về khoảng 40.000 USD. Vợ ông chỉ trích ông lợi dụng sự đau khổ của gia đình để kiếm thu nhập.
Bộ phim Padre Coraje, được phát sóng lần đầu tháng 3/2002. Vợ ông không xem, nhưng bà đã thấy hậu quả của nó. Cuộc sống của gia đình bị người dân đem ra tán gẫu khắp các góc phố. “Tôi ghét việc mọi người giải trí bằng nỗi buồn của chúng tôi,” bà nói.
Năm 2000, tòa án tối cao của Tây Ban Nha chấp nhận đơn kháng cáo của gia đình, xét xử lại. Các đoạn băng của ông Francissco được phát công khai trong phòng xử án, chật kín báo giới. Song trong các đoạn băng này, Asencio chưa bao giờ thú nhận tội ác. Ngày 3/12/2003, bốn bị cáo một lần nữa được tuyên trắng án.
Vụ án bế tắc, còn gia đình ông Francisco nhanh chóng tan rã. Vợ chồng ly hôn năm 2004, vẫn tiếp tục công kích nhau song vẫn tìm công lý cho con trai theo những cách riêng.
Không nguôi hi vọng
Năm 2006, khi tòa án tối cao bác đơn kháng cáo lần hai, bà Antonia bắt đầu một loạt các cuộc tuyệt thực bên ngoài trạm xăng nơi xảy ra án mạng. Trong khi ông Francisco tiếp tục sơn khẩu hiệu trên các tòa nhà chính phủ và đồn cảnh sát.
Nhưng công chúng và báo chí dần mất hứng thú với vụ án. Ông Francisco thấy trống rỗng và đơn độc. Ngày 23/12/2008, ông bước lên đường ray tại nhà ga trung tâm Jerez, đứng 40 phút với băng rôn “Juan Holgado, 22/11/95, 13 năm không có công lý” và bị cảnh sát kéo đi.
Chưa đầy một tháng sau, trong giờ giải lao của một trận bóng đá La Liga, ông vượt qua hàng rào của khu vực khán giả tại sân vận động Chapín và chạy vào sân cùng một bông hoa cẩm chướng trắng và cùng một tấm áp phích màu trắng. Trước sự chứng kiến của 7.000 người hâm mộ và máy quay truyền hình quốc gia, hai cầu thủ xốc nách đưa ông khỏi sân. Vài tháng sau, ông tiếp tục lặp lại hành động này.
Tháng 5/2009, cảnh sát đã đóng hồ sơ của Juan, với lý do thiếu bằng chứng mới. Các tờ báo địa phương cho rằng, đây là kết thúc của câu chuyện. Nhưng ông Francisco không nghĩ vậy. Năm 2015, khi vụ án gần hết thời hiệu, 20 năm, ông Francisco biết phải làm một điều gì đó kịch tính.
Tháng 10 năm đó ông Francisco, 71 tuổi, mặc áo phông in chân dung con trai, đi bộ 600 km đến thủ đô Madrid gặp Bộ trưởng Tư pháp, Rafael Catalá.
Hành trình được hơn 30.000 người theo dõi qua fanpage của ông trên Facebook. Bộ trưởng Tư pháp nói rằng không thể mở vụ án vô thời hạn, nhưng hứa sẽ xem xét nó.
Năm ngày trước khi hết hiệu lực pháp luật, cuộc điều tra đã được đảm nhận bởi Guardia Civil, cơ quan thực thi pháp luật lâu đời nhất của Tây Ban Nha, được tổ chức như một lực lượng quân sự, nhưng thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát.
Trong vòng vài ngày, có một bước đột phá rõ ràng: Một dấu vân tay khớp với một kẻ nghiện ma túy nổi tiếng và phạm tội hàng loạt, vào thời điểm vụ án, hắn sống gần trạm xăng. Nhưng hắn đã chết trong tù vào năm 2006.
Lần thử vận may cuối cùng vào tháng 6/2016, khi Guardia Civil yêu cầu phân tích lại 22 dấu vân tay và mẫu DNA còn lại trên quần áo của Juan. Song 11 dấu vân tay quá mờ, số còn lại không tương ứng với bất kỳ ai trong cơ sở dữ liệu của Interpol. Quần áo của Juan đã bị tiêu hủy 10 năm trước và ADN không cho kết quả.
Vụ án chính thức bị khép lại nhưng ông Francisco nói vẫn sẽ cố tìm được sát thủ đến cùng.
Theo Hải Thư (The Guardian).
Vụ án Elisabeth Fritzl: 24 năm kinh hoàng trong nhà tù của chính cha đẻ
Elisabeth Fritzl là vụ án xảy ra tại Áo, gây chấn động thế giới năm 2008 và ám ảnh cho...