Ôtô – Dường như đó là thanh âm thể hiện sự khác biệt mạnh mẽ chủ nhân của nó với tất cả phần còn lại trên dải đất chữ S này.
Chính vì lẽ đó, trước khi sắm cho mình một em xế yêu, hãy cân nhắc thật kỹ và toàn diện, chứ đừng vội vàng hay phiến diện để sau này ôm hận nhé. Hy vọng bài viết này sẽ có giá trị với những ai đang chuẩn bị bước vào “đoàn người khác biệt vì… có ôtô”.
6 điều cần lưu ý khi mua ô tô
Chúng ta sẽ cùng nhau đi qua 6 tiêu chí căn bản: Thương hiệu, mục đích sử dụng, chỉ số động cơ, chi phí vận hành, hậu mãi, và kỹ năng mua xe toàn diện. Vì có đến 6 mục lớn nên bạn hãy kiên nhẫn đọc kỹ hết cùng mình nhé.
Mình cũng hy vọng bài viết có giá trị như cuốn cẩm nang bỏ túi với những ai đang muốn trang bị kiến thức toàn diện về xe. Để làm được điều đó, rất mong bạn sẽ phản hồi và đóng góp thêm cho mình nữa.
- Đọc thêm: Tư vấn mua xe ô tô lần đầu
1. Chọn thương hiệu ô tô nào?
Đây có lẽ là vấn đề đau đầu nhất, bởi chính nó sẽ tác động trực tiếp đến 5 phần sau. Mình tạm chia thương hiệu thành 4 nhóm lớn: Đức/Âu, Nhật, Mỹ, Hàn (có lẽ sẽ thiếu vài quốc gia nữa đấy, nhưng 4 nước này đủ chiếm đại đa số thị trường ôtô ở Việt Nam rồi).
Lưu ý khi mua xe Đức/Âu (Mer, BMW, Audi,…)
– Dòng xe thể hiện đẳng cấp với chi phí đắt đỏ, thường chỉ dành cho các “đại gia”.
– Với những ai đã thừa tiền để trang bị dòng này rồi, mình không dám mạn đàm về lựa chọn của bạn nữa. “Thích thì cứ nhích” thôi ạ.
– Mọi cái “sướng” gần như đều quy tụ ở đây: Rộng rãi, hiện đại, đẳng cấp, an toàn, tiện nghi, mạnh mẽ,…
– Tuy nhiên, nếu bạn chưa đủ tài chính mà vẫn muốn sắm chúng để thể hiện đẳng cấp trong các mối quan hệ (kinh tế, chính trị) nhằm nâng tầm bản thân, tạo lợi thế hình ảnh với đối tác, phải bảo đảm về khả năng chi trả đấy, vì ngoài giá mua đã rất cao (một phần vì thuế “siêu khủng”), thì vận hành cũng tốn kém lắm (“uống” xăng, bảo dưỡng, bảo hiểm, không nhiều điểm bảo hành,…)
– Khi mua dòng xe này, bạn phải bảo đảm đã có kế hoạch chi tiết để nó trở nên “tài sản sinh lời”, chứ đừng biến nó thành “tiêu sản”, thậm chí có thể khiến bạn “phá sản” nhé, trừ khi chi phí sắm nó chỉ như khoản thừa của bạn.
Những lưu ý khi mua xe Nhật (Toy, Honda, Mazda, Nissan,…)
– Dòng xe giúp chủ nhân yên tâm về cơ hội bán lại được giá do độ phổ thông thương hiệu, bền bỉ, vận hành thuận tiện, dễ dàng sửa chữa.
– Khách hàng chủ yếu của loại này thường rơi vào độ tuổi trung niên, không cần nhiều option (lựa chọn), mà muốn “ăn chắc mặc bền”. Tuy nhiên cũng cần suy nghĩ kỹ xem có đúng mình thuộc phong cách này không nhé, kẻo khi bước chân vào chiếc xe đủ option lại hối tiếc ạ.
– Nhưng cũng phải xem kỹ khái niệm “bán lại được giá”, bởi ngay khi mua vào sản phẩm cùng phân khúc với những thương hiệu khác, giá xe Nhật đã bị đội cao trông thấy rồi, có những sản phẩm thậm chí chênh đến 30% (chủ yếu cho cái logo), nên nếu nói giữ giá thì không phải lắm. Ví dụ: Khi so sánh mẫu xe 7 chỗ Innova của Toyota và Orlando của Chevrolet, mặc dù sau 1 năm bán lại xe Nhật chỉ lỗ khoảng 100 triệu, trong khi xe Mỹ mất hơn 150 triệu, tuy nhiên phải để ý ngay khi mua, Innova đã cao hơn Orlando đến hơn 100 triệu rồi, bỏ số tiền chênh đấy gửi ngân hàng lấy lãi là đủ chi phí duy tu hàng năm. Nhất là chẳng có mấy ai mua xe rồi bán ngay, thời gian đi càng lâu mức độ chênh lệch mất giá càng giảm.
- Nếu bạn định mua xe ô tô cũ, hãy đọc bài viết này: Kinh nghiệm chọn mua xe ô tô cũ
– Hơn nữa, với công nghệ phát triển như vũ bão và “thế giới phẳng”, sự chênh lệch về độ bền của các hãng đang ngày càng thu hẹp lại, kết hợp mặt đường đẹp hơn cũng như mật độ thay đổi kiểu dáng nhanh chóng đang làm mất dần lợi thế “50 năm vẫn chạy tốt” của xe Nhật.
– Cũng may giai đoạn gần đây, khi phát hiện các thương hiệu khác đang bứt tốc dữ dội, xe Nhật đã có những điều chỉnh hợp lý hơn, cả về mẫu mã lẫn option, tuy không quá lớn nhưng cũng giúp khách mua đỡ thiệt thòi so với thế hệ trước.
Những lưu ý khi mua xe ô tô Mỹ (Chevrolet, Ford,…)
– Dòng xe thể hiện sự mạnh mẽ, khỏe khoắn đậm chất Mỹ.
– Khách hàng chủ yếu là người trẻ, năng động, phong cách, cá tính, thích tiếp thu cái mới.
– Tuy hình thức của xe thể hiện sự mạnh mẽ, gân guốc với những nét thẳng kéo dài (một phần cũng vì tính thực dụng, do khối phẳng sẽ để được nhiều đồ và rộng hơn hơn khối cong), nhưng không phải khách Việt nào cũng quen mắt, bởi đã ăn vào tiềm thức sự mềm mại của người Á Đông.
– Một điểm trừ nhỏ nữa: Do xe tập trung cao vào tính an toàn nên xác xe khá nặng để đối chọi với va chạm, cộng thêm có nhiều option nên dòng xe này thường ăn xăng hơn một chút so với xe Nhật.
– Bù lại, chi phí xe Mỹ lại khá bình dân. Mình đã từng gặp một khách há hốc mồm vì không thể tin được chỉ thêm có mấy chục triệu đã được sở hữu em Cruze phân khúc C đẳng cấp thay cho “thánh” Vios vốn quen mắt với hình ảnh taxi. Nếu bạn mua xe để đi lâu dài mà không định bán ngay, hãy lưu ý đến loại xe này.
- Tham khảo giá xe: Giá xe ô tô mới nhất: đại lý giảm giá tự cứu mình
Những lưu ý khi mua ô tô Hàn Quốc (Hyundai, KIA,…)
– Dòng xe trẻ trung, mới mẻ, nhiều cảm xúc.
– Khách mua dòng này khá giống nhóm khách dòng xe Mỹ, nhưng khác nhau về quan điểm thẩm mỹ, khi “thượng đế” xe Hàn chuộng sự mềm mại Á Đông hơn.
– Xe Hàn từng có tiếng kém bền, nhưng với sự phát triển và cập nhật công nghệ, danh xưng đó đã giảm đi trông thấy.
– Một điều vừa thích vừa không thích của xe Hàn là các mẫu ra nhanh quá, có thể khác hẳn mẫu trước. Điều này khiến người mua mới thích thú, nhưng người sử dụng phiên bản cũ lại thấy thiệt thòi y như kiểu bị “già” đi nhanh quá vậy.
– Nhưng phải khẳng định xe Hàn ngày càng long lanh, chau chuốt và tỉ mỉ hơn, cùng hệ thống option phong phú, thực sự tạo nhiều cảm xúc nơi “thượng đế”.
– Cũng như xe Mỹ, xe Hàn có mức giá ổn hơn khá nhiều so với xe Nhật, giúp chủ nhân chưa thực sự nhiều tiền vẫn có thể trải nghiệm cảm giác hưởng thụ cao.
– Nếu bạn không quá quan trọng logo, nơi bạn sống có cơ sở hạ tầng tốt thì cứ mạnh tay mà sắm ngay một em xe Hàn đi ạ.
2. Xác định rõ mục đích sử dụng trước khi chọn mua xe ô tô
Sau khi bạn ưng ý được với một thương hiệu nào đó rồi, hãy đừng quên mục đích sử dụng chính để chọn loại phù hợp nhất trong 5 loại sau: Sedan, hatchback, SUV, MPV, Pick-up (một số mẫu hiếm như mui trần hay 2 chỗ mình xin phép không đề cập đến).
Sedan (S400, Camry, Cruze, Elantra,…)
– Dòng xe 4 cửa, gầm thấp, khoang kín, cốp để đổ độc lập, phổ biến nhất hiện nay.
– Phù hợp nhiều đối tượng khác nhau, nhưng phạm vi sử dụng đa số ở khu vực đất bằng, không hợp lắm với đi xa hoặc du lịch.
– Khá nổi bật trong giới doanh nhân với những dòng xe trong phân khúc cao cấp.
Hatchback (i10, Focus, Yaris,…)
– Bạn có thể coi đây là bản sedan có 5 cửa, mà cửa thứ 5 chính là nắp cốp đằng sau được thông liền với khoang chính.
– Nhu cầu sử dụng cũng giống sedan, nhưng phù hợp với khách thích dáng xe năng động và chở được nhiều đồ hơn.
SUV (xe thể thao đa dụng: Fortuner, Trailblazer, Everest,…)
– Dòng xe 5-7 chỗ, gầm cao, máy khỏe, khoang hành lý liền khoang hành khách.
– Phù hợp gia đình đông người, đi xa, leo núi đèo.
MPV (xe hơi đa dụng: Innova, Orlando,…)
– Hình dung như một xe SUV gầm thấp hơn, thuôn dài hơn.
– Lợi thế trong việc chở nhiều đồ, ngồi thoải mái, nhưng khó dã chiến vì máy yếu và gầm thấp hơn SUV.
Pick-up (bán tải: Hilux, Colorado, Ranger, Navara,…)
– Xe kết hợp giữa xe gia đình và xe tải, có 5 chỗ ngồi và thùng hàng nhỏ phía sau, có thể gắn thêm nắp phụ.
– Gầm cao, dùng chung khung gầm xe tải, máy cực khỏe, mang phong cách mạnh mẽ, năng động, đa dụng.
– Thiết kế xe ngày càng đẹp hơn, nội thất cho cảm giác giống SUV hơn là xe chở hàng.
– Tuy nhiên dòng xe này cần chỗ đỗ khá lớn, và sở hữu ghế sau cứng hơn so với những dòng xe trước vừa đề cập.
– Phù hợp người làm kinh doanh thỉnh thoảng cần chở hàng số lượng ít, hoặc người hay đi “phượt”, hoặc thích thể hiện phong cách, cá tính.
3. Tìm hiểu chỉ số động cơ khi mua ô tô
Vì kiến thức phần này quá rộng và lại kén người đọc nữa nên mình chỉ xin đề cập đến 2 thông số có lẽ bạn hay nghe nhất: Công suất và Mô-men xoắn.
– Mô-men xoắn (đơn vị: Nm – Niu tơn mét): Thể hiện lực quay của bánh xe, tức là chỉ số này càng lớn thì xe càng dễ “đề pa” hơn, khỏe hơn.
– Công suất (đơn vị: mã lực, tức là sức ngựa): Thể hiện tốc độ sinh ra mô-men xoắn cực đại của bánh xe, hay còn gọi là khả năng tăng tốc.
(Như vậy, xe có công suất lớn chưa chắc đã khỏe, ví dụ như chiếc xe đua có thể vút đến 350km/h, nhưng chưa chắc kéo được thùng hàng 1 tấn của chiếc bán tải tốc độ tối đa 150km/h)
– Lựa chọn tối ưu nhất mà người mua xe hướng đến:
+ Công suất cực đại lớn, đạt được tốc độ cao.
+ Mô-men xoắn cực đại lớn, tải nặng, kéo mạnh, tăng tốc nhanh.
+ Mô-men xoắn cực đại phải đạt được ở vòng tua thấp (vòng tua là số vòng quay của động cơ trong 1 phút), tức là tăng tốc nhanh.
+ Mô-men xoắn cực đại phải duy trì tại 1 dải vòng tua dài, tức là duy trì tốc độ cao được lâu.
4. Cân nhắc chi phí vận hành trước khi mua xe ô tô
Đây là bài toán kinh tế rất quan trọng, bởi sau khi bỏ ra chi phí lớn để mua xe, muốn xe bền và hiệu quả, an toàn hơn, bạn cần chú ý những khoản sau đây:
– Chi phí gốc của xe (sau khi đã trừ đi khuyến mại).
– Thuế trước bạ: Loại 2% (bán tải, minivan), 10% hay 12% (các xe còn lại).
– Bảo hiểm (lưu ý cả sự linh hoạt và dễ tính của hãng bảo hiểm nhé).
– Các chi phí hành chính khác: Ra biển, đăng kiểm,…
– Gửi xe: Cố định, theo giờ.
– Rửa xe, bảo dưỡng định kỳ.
– Chi phí xăng dầu.
– Thay, sửa phụ tùng, phụ kiện.
– “Giá” cầu đường.
– Trả góp ngân hàng.
– …
Nhân đây, mặc dù mình là sales bán xe, nhưng nếu khách chưa hoàn toàn tự tin về tài chính, hay khu vực ở khó lưu thông hay đỗ gửi xe thì mình cũng khuyên chưa nên mua xe ngay, bởi như vậy sẽ rất nhiêu khê đấy ạ.
5. Chương trình hậu mãi của các hãng xe
– Hỗ trợ từ hãng: cứu hộ miễn phí toàn quốc, bảo dưỡng, bảo hành phụ tùng phụ kiện, bảo hành xe…
– Hỗ trợ giá.
– Hướng dẫn sử dụng.
– Sự cộng tác từ nhân viên tư vấn bán hàng.
6. Quy trình 10 bước và kỹ năng mua xe toàn diện
– Đầu tiên, hãy xác định thật kỹ mục đích quan trọng nhất để chọn loại xe: Sedan, hatchback, MPV, SUV, pick-up.
– Bước 2: Lựa thương hiệu phù hợp nhu cầu và phong cách. Mình luôn tư vấn khách nên chọn cách sử dụng xe, chứ đừng chỉ chăm chăm tính đến bán lại, sẽ không nhanh bán như bạn tưởng đâu ạ.
– Bước 3: Gọi điện cho sales đến tận nhà tư vấn để có cái nhìn tổng quan trước khi phải bỏ thời gian, công sức đến trực tiếp showroom. Người Việt mình hay ngại nếu gọi đến mà chẳng mua thì khó xử. Xin thưa bạn hãy bỏ ngay suy nghĩ đó đi, vì đó là quyền và nghĩa vụ của chúng tôi rồi, dù bạn có mua hay không. Ông sales nào mà tỏ thái độ thì cứ báo hãng hoặc cạch mặt luôn.
– Bước 4: Đến tận showroom trải nghiệm và lái thử xe, đừng vì lười hay ngại mà bỏ qua khâu “trăm thấy không bằng một sờ” này nhé.
– Bước 5: Luôn có mức hỗ trợ giá sau giá niêm yết, hãy đàm phán kỹ để không bị thiệt nha, tránh đồng ý ngay yêu cầu đầu tiên, dù nghe có vẻ “lãi”. Nhưng cũng đừng ép sales đến đường cùng ạ, bởi nếu họ không nhận được gì từ bạn ngoài chỉ tiêu doanh số, bạn có tin sau này họ sẽ đủ nhiệt tình hỗ trợ hậu mãi không ? Cứ đi xe đi mới biết hậu mãi quan trọng như thế nào!
– Bước 6: Kiểm tra thật kỹ điều khoản hợp đồng, kẻo sau này “tiền mất tật mang”.
– Bước 7: Nếu có vay ngân hàng để trả góp, đọc kỹ và hỏi kỹ về điều kiện, lãi suất, ràng buộc phát sinh,… Kẻo lại bị “hớ” nặng.
– Bước 8: Nghiên cứu thật kỹ sách hướng dẫn sử dụng, để xe vận hành hiệu quả, an toàn và bền bỉ.
– Bước 9: Nhờ sales tư vấn kỹ về các thủ tục tiếp theo để xe được lăn bánh.
– Và bước 10: Giữa mùa hè đổ lửa hay mùa đông lạnh giá, còn gì tuyệt vời hơn khi được cùng cả gia đình quây quần trong chiếc xe mơ ước, thỏa chí khám phá thế giới, nâng tầm bản thân và gia tộc.
Cảm ơn bạn nhiều vì đã đọc hết bài viết “dài qua thế kỷ” này của mình. Nếu bạn thấy nó hữu ích thì hãy chia sẻ cùng những ai đang cần đến nhé.
Theo Trần Ngọc Thiện – Sale Manager Chevrolet Hà Nội