Chiến tranh đã lùi xa, và thay vì dằn vặt với quá khứ đau thương, giờ đây là lúc chúng ta điểm lại những gì chúng ta đã nhận được từ nó. Khi nhắc tới chiến tranh, chúng ta vẫn luôn nghĩ đến chết chóc và những đớn đau mà chúng mang lại. Bên cạnh những điều khốc liệt ấy, vẫn còn vô vàn những điều mà chúng để lại cho cuộc sống hiện tại mà chúng ta vô tình không nhận ra.
1. Mạng Internet
Giờ đây, Internet đã trở thành một phần cuộc sống của chúng ta, nhất là khi thế giới đang chuyển mình trong thời đại công nghệ số.
Trước khoảng thời gian này, vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, sự phát triển của công nghệ máy tính đã đặt ra một nhu cầu về một mạng lưới có thể kết nối những máy tính trong các phòng nghiên cứu với nhau để tiện trao đổi thông tin.
Và thế là, ngay trong Chiến tranh lạnh, ARPANET ra đời. Cùng với TCP/IP, nó đã tạo thành Internet mà chúng ta sử dụng hiện nay.
2. GPS
GPS là mạng lưới định vị thiết bị toàn cầu. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, và tiếp theo đó là cuộc chạy đua trong vũ trụ của con người, vào khoảng những năm 90, một số vệ tinh nhân tạo của Mỹ đã được sử dụng cho mục đích dò tìm bằng sóng radio.
Hệ thống này vô cùng tuyệt vời khi không chỉ trong việc giữ dấu vết của những người lính trên chiến trường, mà còn hỗ trợ đắc lực trong việc xác định mục tiêu, theo dõi máy bay… Công nghệ từ đây ngày càng phát triển, và giờ đây chúng ta có GPS để xác định vị trí của cả những thiết bị di động bé nhỏ của mình.
3. Radar thời tiết
Radar là một trong những công nghệ khác quan trọng trong đời sống thường ngày của chúng ta. Nó được bắt đầu nghiên cứu vào những năm 1800, khi những nhà Vật lý học người Đức phát hiện ra rằng sóng radio có thể bị phản lại bởi những vật đặc và cứng.
Những kiến thức giá trị này đã được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi Watson-Watt phát triển nó và cho phép quân Đồng Minh sử dụng radar để phòng bị trên không trong khoảng thời gian không chiến tại Anh quốc.
Trong khoảng CTTG thứ 2, những người điều khiển radar còn phát hiện ra rằng những thông tin về thời tiết cũng có thể đọc được thông qua những sóng bắt được trên máy. Cùng với sự phát triển của thiết bị này, các nhà khoa học cũng dần học được cách nghiên cứu dữ liệu và dự đoán thời tiết thông qua những gì thu thập được trên radar.
Giờ đây, nhờ sự giúp đỡ của radar, chúng ta có thể biết trước được khi nào trời sẽ mưa, nắng, thậm chí là cả mưa đá, bão…
4. Lò vi sóng
Công nghệ của radar nói trên còn có nhiều ứng dụng khác. Một trong số đó là tạo ra được sóng điện từ trong một phạm vi nhỏ. Đó cũng chính là nguồn gốc của cái tên “vi sóng”. Vi sóng được sử dụng bằng cách chiếu qua đồ ăn để nấu chín chúng. Các bức xạ từ loại sóng này khiến cho các phân tử thức ăn di chuyển hỗn loạn và nóng lên nhanh chóng.
Chiếc lò vi sóng đầu tiên được đặt tên là Radarange và chính thức được bán vào năm 1946. Thế nhưng lúc này, nó cực kỳ đắt đỏ đối với ví tiền của đại đa số người dùng. Mãi cho đến năm 1967, chúng mới trở nên phổ biến hơn, và dần thành một trong những món đồ gia dụng thiết yếu trong căn bếp của mọi nhà.
5. Camera kỹ thuật số
Camera kỹ thuật số mới đầu được sử dụng trong các vệ tinh nhân tạo gián điệp, nhằm thu lại những hình ảnh độ phân giải cao tại vùng địch. Thiết bị này rất phổ biến trong quân đội, đặc biệt là trong Chiến tranh lạnh. Và tới khoảng những năm 70, chiếc camera kỹ thuật số “tất cả trong một” đầu tiên đã được tạo ra.
Tuy nhiên, phải trải qua một thời gian rất dài sau đó thì DSLR mới được hoàn thiện. Và giờ đây, máy ảnh kỹ thuật số đã trở nên vô cùng phổ biến. Trong khi các máy ảnh cơ được ưa chuộng bởi tất cả các nhiếp ảnh gia, thì những người bình thường như chúng ta lại tận hưởng nó bằng những ống kính bé nhỏ trên chiếc điện thoại của mình.
6. Máy tính
Chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới áp dụng những công nghệ vô cùng thô sơ và… cổ lỗ sĩ. Chúng sử dụng các thẻ từ cũng như các máy điện để xử lý các thông tin được nhập vào. Trong khoảng CTTG thứ 2, những thứ này dần được nâng cấp và cải thiện, đặc biệt là khi chiếc máy tính điện tử được lập trình đầu tiên – Colossus – được trình làng để hỗ trợ cho việc giải mã những mật thư được gửi bằng máy mã hóa Nazi
Những chiếc máy tính lạc hậu này là một trong số những thứ đã giúp quân Đồng minh chiến thắng và bắt đầu thời đại của máy tính điện tử. Nhiều thập kỷ sau đó, công nghệ đã phát triển vô cùng mạnh mẽ, khiến cho máy tính ngày càng nhỏ hơn, tới mức có thể nằm gọn trong túi quần của chúng ta.
7. Đồng hồ đeo tay
Có thể bạn sẽ thấy bất ngờ, nhưng đồng hồ đeo tay cũng là một trong những sản phẩm của thời chiến. Một trong những chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên đã được tạo ra bởi chính những người lính trong quân đội, nhằm mục đích đồng bộ hóa và thống nhất những dấu hiệu trên chiến trường mà không tạo ra tín hiệu có thể bị nhận biết bởi đối phương.
Giờ đây, những chiếc đồng hồ không còn đơn thuần chỉ là để đồng bộ thời gian hay để xem giờ nữa. Chúng đã trở thành một loại phụ kiện thời trang sang chảnh, thậm chí ngày càng tích hợp thêm nhiều chức năng hơn: theo dõi sức khỏe, gọi điện…
8. Xe Jeep
Chúng ta rất dễ dàng có thể nhận ra được những chiếc xe Jeep với hình dạng cực kỳ đặc trưng. Xe Jeep là một loại xe bốn bánh đa dụng được thiết kế để có thể đáp ứng được mọi loại địa hình trong chiến đấu trong khoảng CTTG2. Nó là phương tiện chính để quân đội Mỹ và quân Đồng Minh tiếp tục thống trị ngay cả trong những năm hòa bình sau đó.
Bên cạnh những cái tên kể trên, còn rất nhiều những phát minh khác xuất phát từ thời chiến và vẫn đang được sử dụng đến ngày nay. Bạn có biết những thứ nào như vậy nữa? Cùng chia sẻ với chúng tôi nhé!
> Xem thêm: Deep Web và Dark Web là gì? Có phải là nơi bất khả xâm phạm?
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: Lost Bird.
Nguồn: lostbird.vn/kham-pha-cung-lac/nhung-phat-minh-tu-thoi-chien-co-thay-doi-to-lon-den-cuoc-song-cua-chung-ta-1109636.html