Công nghệ nhận diện khuôn mặt ứng dụng rộng rãi tại Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về rò rỉ dữ liệu.
Trung tâm nghiên cứu bảo mật thông tin cá nhân Nandu ở thành phố Sầm Khê, tỉnh Quảng Tây, vừa công bố kết quả cuộc khảo sát ý kiến về hệ thống nhận diện khuôn mặt thực hiện trên 6.152 người. Theo đó, mối quan tâm lớn nhất là rò rỉ dữ liệu.
Cụ thể, 79% đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ rò rỉ dữ liệu khuôn mặt, 65% sợ dữ liệu khuôn mặt bị lạm dụng, dùng trong video deepfake. Khoảng một nửa số người được hỏi cũng lo lắng về tình trạng lừa đảo và trộm cắp dữ liệu.
Đầu tháng này, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo về trường hợp rao bán công khai dữ liệu 5.000 khuôn mặt. Ảnh: SCMP. |
Theo Comparitech, Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro lớn do ứng dụng rộng rãi công nghệ thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu sinh trắc học.
Nhiều vụ rò rỉ dữ liệu cá nhân nghiêm trọng đã xảy ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới trong thời gian qua. Gần đây, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV cảnh báo về trường hợp dữ liệu 5.000 khuôn mặt được rao bán công khai với giá 10 nhân dân tệ (tương đương 33.000 đồng).
Hồi tháng 11/2019, nhóm các công ty công nghệ Trung Quốc, dẫn đầu bởi công ty phát triển trí tuệ nhân tạo khổng lồ SenseTime, tuyên bố sẽ nghiên cứu để đưa ra tiêu chuẩn công nghiệp dành cho các hệ thống nhận dạng khuôn mặt.
Bất chấp lo ngại, phần lớn người tham gia khảo sát đều cho biết các ứng dụng của công nghệ nhận dạng khuôn mặt đều rất thuận tiện và chưa đầy 44% tin rằng công nghệ này nên được hạn chế tại Trung Quốc. Tuy nhiên, 83% người muốn được trao quyền kiểm soát đối với dữ liệu của họ, gồm tùy chọn xóa dữ liệu đó.
Các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu bảo mật thông tin cá nhân Nandu đề xuất, các công ty chỉ nên sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt khi quá trình xử lý dữ liệu được công khai minh bạch và nhận được sự chấp thuận từ phía người dùng.
Xem thêm: Elon Musk thay đổi thế giới với mạng internet vệ tinh Starlink
—
Nguồn: VnExpress