Ngay từ cách phim đặt tiêu đề “Em Và Trịnh” đã thể hiện rằng, đối tượng chính trong bộ phim sẽ là (các) “Em”, thay vì Trịnh Công Sơn.
Liệu đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chọn hướng đi này có phải một nước đi thông minh? Và nó đã để lại những hệ quả thế nào?
Trịnh Công Sơn là một người hời hợt trong tình yêu?
Với thời lượng giới hạn, nhưng lại cùng lúc giới thiệu quá nhiều bóng hồng trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, Em Và Trịnh gặp phải tình trạng: làm cái gì cũng hời hợt.
Xuyên suốt bộ phim, tình yêu đến với Trịnh Công Sơn rất nhanh, và ra đi cũng rất dễ dàng.
Trịnh say nắng Bích Diễm trong một chiều mưa vì cô quá đẹp, liền bám theo cô về đến tận nhà. Thế rồi cô chị Bích Diễm đi du học, nỗi buồn mới chỉ nổ chưa đầy ba nháy, Trịnh đã ngỏ ý với cô em: “Hay là anh viết thư cho Dao Ánh nhé?”.
Trong lúc vẫn thư từ yêu đương với Dao Ánh, Trịnh qua lại với Khánh Ly, và trước đó, cũng hơi mơ về Thanh Thúy và viết cho cô đôi bản nhạc.
Khi về già, Trịnh gặp Michiko – lúc này đang độ xuân thì, qua một chuyến du lịch, rồi ăn xong tô bún bò, thì Trịnh cầu hôn con gái nhà người ta.
Về vị nhạc sĩ quá cố, khi đọc tiểu sử của ông, người ta sẽ gật gù đây là một người đàn ông đào hoa, từng yêu rất nhiều cô.
Nhưng phải nghe nhạc Trịnh, thì mới lờ mờ hiểu, với Trịnh tình yêu không phải một thứ dễ dàng, không phải yêu để vui, hay để lấp đầy chỗ trống như bộ phim đã truyền tải.
Tình yêu với Trịnh là dằn vặt, chia lìa: “Một người về đỉnh cao/Một người về vực sâu” (Tình Nhớ), là nỗi buồn trong những chiều mưa (Ướt Mi, Diễm Xưa), đôi khi còn nguội lạnh tới rùng mình: “Để tình yêu xay mòn thành đá cuội” (Cát Bụi).
Em Và Trịnh tô hồng thời hoa niên của Trịnh Công Sơn, biến nhạc sĩ thành một kẻ đào hoa trăng gió, vô âu lo. Trong khi người nhạc sĩ ấy, những năm tháng tuổi trẻ, đã từng có lúc phải thốt lên:
“Ngọn gió hoang vu, thổi buốt xuân thì.” – Một cõi đi về.
Trịnh Công Sơn trốn chạy chiến tranh, bàng quan, mơ hồ trước thời cuộc?
Em Và Trịnh bám sát vào những sự kiện có thật trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, như việc ông từng lên núi dạy học để tránh đi lính. Bộ phim tái dựng lại sự thật, thế nhưng lại không đào sâu vào sự thật đó.
Nội tâm của Trịnh Công Sơn trong thời kỳ biến động ấy thế nào? Ông có cái nhìn thế nào về thời kỳ đó? Là những thứ gần như bị phớt lờ.
Khán giả chỉ thấy Trịnh Công Sơn như sống trên mây, chạy theo âm nhạc và tình yêu, và sự “ngây thơ” ấy khiến ông hiện lên như một kẻ không biết gì về thời cuộc.
Thực tế, Trịnh Công Sơn đã sống giữa thời binh biến, và với tâm hồn nhạy cảm của mình, ông ám ảnh và sợ hãi nó tới mức tìm chỗ trốn ở trong thi ca.
Sẽ không có một kẻ bàng quan trước thời cuộc nào, lại có thể viết ra được hình ảnh cô gái quê gục ngã trên đường với vết đạn của quân thù trước ngực (Người con gái Việt Nam da vàng).
Càng khó liên tưởng rằng, Trịnh Công Sơn vô lo vô nghĩ trong Em Và Trịnh lại viết ra được những ca từ như sau: “Một ngục tù nuôi da vàng/Người Việt nằm nhớ nước non” (Một ngày trên quê hương), “Việt Nam hai mươi năm liền/Thịt xương phơi trên đôi miền” (Đi tìm quê hương).
Trịnh Công Sơn ám ảnh về thời cuộc tới mức, chúng thấp thoáng trong cả những bản tình ca: “Người em thương mưa ngâu/Hay khóc sầu nhân thế” (Uớt Mi), “Mưa vẫn hay mưa, cho đời biến động” (Diễm Xưa).
Em Và Trịnh giống như một chuỗi những MV ca nhạc nối tiếp nhau, phần nhìn đẹp, nhưng rỗng ruột. Đây là hệ quả của việc mải chạy theo “minh họa” cho từng bài nhạc, quá chú ý đến giai điệu và phần nhìn, thay vì đào sâu vào cốt lõi tâm lý của người tạo ra những ca từ ấy.
Lần đầu tiên Việt Nam có một bộ phim tiểu sử được đầu tư kinh phí lớn đến nhường ấy. Nhưng trước một bộ phim tiểu sử như vậy, hình tượng của nhân vật tiểu sử ấy, sẽ còn lại những gì?
Theo: In The Mood For Film.
Em và Trịnh: phim điện ảnh hay phim âm nhạc?
Mấy ngày gần đây, khi “Em và Trịnh” công chiếu, lời nhận xét chiếm đa số là: Phim rất đẹp....