MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng M-TP vừa phát hành đã gặp làn sóng chỉ trích từ dư luận do truyền tải nội dung tiêu cực, bế tắc, với quá nhiều ngôn từ hình ảnh phản cảm.
Tối 28/4, nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã tung ra MV ca khúc mang tên “There’s no one at all”. Hiện video này đã đạt hơn 4 triệu lượt xem trên nền tảng YouTube cùng hơn 100.000 lượt bình luận.
Theo chia sẻ của Sơn Tùng M-TP, ý tưởng làm MV nảy ra trong quá trình nam ca sĩ này thu âm. Anh nghĩ về câu chuyện một đứa bé không gia đình nhưng luôn mang niềm tin một ngày nào đó sẽ được trở về vòng tay của mẹ.
“Cậu bé dù rất cố gắng để được sống như một con người bình thường, nhưng số phận lại không mỉm cười với cậu mà còn vùi dập và hất đổ đi tất cả bằng những cử chỉ, lời nói, sự bạo hành của bạn bè “, Sơn Tùng cho biết.
Trong MV, tạo hình nhân vật của Sơn Tùng M- TP sở hữu mái tóc xoăn ngổ ngáo, khuôn mặt bất cần và mang nhiều vết sẹo. Cảnh cuối và cũng là chủ đề gây tranh cãi của MV đó là nhân vật chính chọn cách nhảy từ trên cao xuống để chấm dứt cuộc sống.
Ngay sau khi MV được phát hành, hàng loạt người dùng trên mạng xã hội Facebook đã chỉ trích Sơn Tùng M-TP vì đã chọn truyền tải thông điệp tiêu cực tới cho người xem, trong bối cảnh vừa xảy ra liên tiếp các trường hợp trẻ em tự sát bằng cách nhảy lầu.
“Là thần tượng của giới trẻ với hàng chục triệu fan chủ yếu lứa tuổi học sinh cấp 1-2-3 mà Sơn Tùng lại làm MV ca nhạc về nhảy lầu tự tử khi gặp bế tắc áp lực cuộc sống, bị bắt nạt. Điều này vô cùng nguy hiểm vì các em học sinh non nớt, dễ bị tác động tâm lý có thể sẽ dẫn đến những quyết định dại dột khi gặp chút khó khăn đã nghĩ đến tự tử”, người dùng Facebook Nguyễn Thảo bình luận.
Thanh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội), một người thường xuyên theo dõi các sản phẩm của Sơn Tùng M-TP, nhận định rằng mặc dù nội dung trong MV “There’s no one at all” là câu chuyện mang tính hệ quả, khi nhân vật bị cuộc đời đưa đẩy đến kết cục xấu, nhưng việc ekip của nam ca sĩ chọn thời điểm này để phát hành sản phẩm mang nội dung tiêu cực là không phù hợp.
“Tôi có nhiều người bạn mắc chứng trầm cảm lo âu, nên hiểu những gì mà nhân vật này trải qua”, Thanh Vân chia sẻ. “Nhưng ảnh hưởng của Sơn Tùng M-TP tới giới trẻ là rất lớn. Do đó những nội dung mà Sơn Tùng muốn truyền tải tới khán giả qua MV này có thể trở nên phản cảm.”
“Là bố mẹ, phụ huynh thì không nên cho các con xem mấy MV ca nhạc kiểu đen tối, tiêu cực như này”, anh Phạm Đình Hoàng (Quán Thánh, Hà Nội) nói.
Việc các nghệ sĩ ra sản phẩm tiêu cực ảnh hưởng đến cộng đồng là vấn đề luôn được quan tâm tại các nền giải trí thế giới. Tại Hàn Quốc, một trong những nơi có nền công nghiệp âm nhạc phát triển nhất thế giới, sau khi thảm kịch đắm phà Sewol xảy ra vào tháng 10 năm 2014, hàng loạt nghệ sĩ và ngôi sao thần tượng đều tự hạn chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật của mình.
Ngoài ra, những sản phẩm âm nhạc sử dụng hình ảnh, hiệu ứng gợi nhớ đến thảm họa đều không được công khai mà chỉ xuất hiện trong những lễ tưởng niệm, dù nhiều năm đã trôi qua.
Thậm chí, việc chiếu bộ phim tài liệu về thảm họa phà Sewol trong khuôn khổ Liên hoan phim Busan cũng khiến giám đốc của liên hoan phim này vào năm 2015 – ông Lee Yong Kwan đã bị buộc phải từ chức.
Theo đó, việc chiếu bộ phim vào thời điểm xã hội Hàn Quốc còn chưa vượt qua những ám ảnh về thảm họa Sewol được cho là sẽ khoét sâu nỗi đau trong lòng gia đình các nạn nhân. Ngoài ra, nội dung của bộ phim cũng được cho là không khách quan khi chỉ trích phản ứng hời hợt của chính quyền khi xử lý thảm họa.
Từ vụ việc của Sơn Tùng M-TP cho thấy, việc sáng tạo các sản phẩm âm nhạc để thay đổi “khẩu vị” thưởng thức của công chúng là cần thiết. Tuy nhiên hoạt động này cần có sự tiếp thu, tư duy, chọn lọc, phù hợp với bối cảnh xã hội và truyền thống văn hóa.
Cần phải hiểu rằng, sáng tạo là hoạt động phải cân bằng giữa nguyên tắc nghệ thuật và ý nghĩa tích cực cho công chúng trong xã hội.
Nếu vi phạm những điều khoản cấm ở Điều 3 sẽ bị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 13, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cũng đã nêu rất rõ hình thức xử phạt. Cụ thể: quy định phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng, tâm lý xã hội.
- Cát xê tiền tỷ của Sơn Tùng M-TP, khẳng định vị trí số 1 thị trường giải trí
- Sơn Tùng M-TP: “Anti-fan mới là những người mình cần phải chinh phục”
- Hải Tú – nữ diễn viên độc quyền đầu tiên của M-TP Talent