“Nguyệt sáng gương trong” là triển lãm cá nhân và sách cùng tên của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn. Cuốn sách gồm 58 tranh, 3 phác thảo khỏa thân và là sách tranh lụa mỹ thuật khỏa thân đầu tiên của Việt Nam.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm “Nguyệt sáng gương trong” kéo dài từ ngày 23/5 đến 6/6/2021 tại Eight Gallery, 8 Phùng Khắc Khoan, Đa Kao, Quận 1, Tp.HCM.
“Một mộng mị giữa ban ngày”
Về dòng tranh lụa đầy lạc thú này, Bùi Tiến Tuấn chia sẻ đó là “một mộng mị giữa ban ngày”. Mộng mị của những kiếp thân thể, sự cư trú của nó ở đâu. Thân thể là nơi chốn trú ngụ cho những gì thuộc con người? Da thịt, nhan sắc, hơi thở? Ý nghĩ? Khát? Vọng? Cuồng? Chờ?…
Mười năm trước là thời gian họa sĩ rời bỏ sơn dầu để “sa” vào sắc dục phù phiếm của các “Nàng”. Trên lụa. Với lụa.
Những thân thể đàn bà đầy đặn, dầy dặn bời bời nhục cảm mà ngổn ngang chia rẽ, xáo trộn của thời hiện đại, hoàn toàn khác nét mập mạp thuần khối từ đàn bà trong tranh Phục Hưng. Cũng khá xa lạ với phô phang (mà tỏ ra) e dè thuần mị của tranh nuy Á Đông.
Những thân thể trên lụa của Tuấn phân cực, không theo một quy luật nào, khởi đi từ “Đàn bà, mặt nạ và bóng tối 1” (acrylic trên lụa, 2010) – giải Bạc tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Hà Nội cùng trong năm ấy đến “Trêu đùa với bóng đêm”, “Giấc mơ trưa”, “Những cô nàng ngả ngớn”, “Hơi thở nhẹ”… của năm 2017. Thân thể kỳ nữ mơ hồ như khối hương ẩn mật ấy họa sĩ đã trao cho người xem – những kẻ dự phần toàn quyền định dạng.
“Nàng đã bước ra thế giới hiện đại bên ngoài”
Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là một đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ trước đây trong tranh lụa, kể từ các trường mỹ thuật Đông Dương, Gia Định và Huế, cho tới gần đây. Không còn nữa những vẻ đẹp lý tưởng quá vãng. Không còn nữa trạng thái tĩnh hay thụ động bằng những tư thế ước lệ – mà thước đo vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam vốn là sự nền nã, tức là lấy tính nết đứng đắn, thùy mị và sự kín đáo làm vẻ đẹp cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Giờ nàng bước ra khỏi không gian xưởng vẽ, ra thế giới hiện đại bên ngoài, chốn phồn hoa đô thị hào nhoáng và cám dỗ.
“Tấm thân lụa đào” giờ đã biến hình theo thời đại của kinh tế toàn cầu, như thể nàng đã qua những salon thẩm mỹ, những gương mặt hóa trang và thời trang à la mode là một thiết yếu đáng kể trong tranh.
Đôi khi nàng thuần là một hình ảnh thị giác của thực tại ảo. Có khi ta thấy nàng loã thể như con nhộng vùng vẫy trong sợi chỉ đỏ có thể là của duyên số, của kiếp hồng nhan, hoặc đó là sợi chỉ đỏ của nàng Adriane để dẫn đường ra khỏi mê cung, nhưng rút cuộc sợi chỉ trở nên rối ren vướng mắc vào sự phù phiếm trong cõi sắc dục – “Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong”.
Những femme fatale này cũng là ẩn dụ về những nàng hồ điệp vô tư lẳng lơ như nàng Carmen, trái hẳn với ẩn dụ về những uyên ương chung thủy hay những liệt nữ xưa nay thường được miêu tả và tái hiện không như một người thực, mà như một sản phẩm kiến tạo lý tưởng của nam giới, dựa trên thành kiến phụ quyền về giới tính.
Và như vậy, trên dòng lụa bản địa, trên những tấm lụa còn vàng óng màu tơ tằm, những nàng nhộng đã hóa thân thành những cánh bướm nhởn nhơ bay lượn tự tại trong khu vườn của cõi phù thế đẹp mà ảo này.
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK