Broker (Người môi giới) là bộ phim Hàn Quốc về gia đình đầy thú vị và độc đáo của đạo diễn Hirokazu Kore-eda do Zip Cinema sản xuất.
Với sự tham gia của các diễn viên ngôi sao Song Kang-ho, Bae Doona, Gang Dong-won, and Lee Ji-eun cùng một kịch bản nhiều mới mẻ, Broker đã gây được nhiều chú ý và đứng đầu doanh thu phòng vé Hàn Quốc trong ngày ra mắt.
Bộ phim ra mắt khán giả Việt Nam tại các rạp chiếu từ ngày 23/6/2022. Sau đây chúng ta hãy đến với phần review phim Broker (Người môi giới). Yên tâm là sẽ không bị spoil nhé.
Review phim Broker (Người môi giới)
Để tồn tại, có hai khủng hoảng mà đời người ai cũng phải trải qua, tạm gọi là: khủng hoảng sơ sinh và khủng hoảng hiện sinh.
Nhiều triết gia và các nhà tâm lý học đồng ý với quan điểm về khủng hoảng sơ sinh của nhà phân tâm học Sigmund Freud rằng:
“Sinh ra là sự khủng hoảng về tinh thần, nguồn gốc của tất cả những cảm xúc lo âu sau này”.
Khủng hoảng sơ sinh là khủng hoảng của những đứa trẻ mới chào đời phải đối mặt với thế giới đầy những điều lạ lẫm. Quá trình dinh dưỡng, trước đây khi nằm trong bụng mẹ được cung cấp mà không cần chút nỗ lực nào, nay đã phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.
Và khi có nhận thức lý trí, con người bắt đầu đối mặt với khủng hoảng hiện sinh – khủng hoảng tinh thần về danh tính và sự tồn tại của mình.
Những câu hỏi như Tôi là ai? Cuộc sống này có ý nghĩa gì? đã khiến con người chật vật với đời sống của mình để tìm lấy câu trả lời.
Jean-Paul Sartre, triết gia hiện sinh, cho rằng hiện sinh có trước, bản chất có sau. Nghĩa là, việc chúng ta lựa chọn điều gì mới nói lên con người mình là ai.
Nếu trong Capernaum (2018) của Nadine Labaki, cậu bé Zain kiện cha mẹ mình vì đã sinh ra cậu, thì Broker (2022) của Hirokazu Kore-eda lại khác: CẢM ƠN VÌ ĐÃ ĐƯỢC SINH RA!
Đó là 2 thái độ khác nhau để diễn tả cùng những vấn đề nói trên mà ai cũng trải qua.
Câu chuyện trong Broker xoay quanh hành trình của những người môi giới trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở Hàn Quốc, và mỗi nhân vật đều phải đối diện với khủng hoảng của mình.
Sang-hyeon không hạnh phúc với vợ và con gái. Dong-soo mong chờ mẹ quay lại tìm mình một cách vô vọng. So-young mặc cảm trước đứa con mới sinh với tội lỗi của mình. Hae-jin không có gia đình, Woo-sung vừa được sinh ra đã phải đối mặt với khủng hoảng sơ sinh và thậm chí có thể sẽ không được biết cha mẹ ruột của mình là ai.
Mỗi nhân vật trong Broker đều là mảnh ghép vụn vỡ không hoàn hảo, họ không có một gia đình hạnh phúc để nương tựa, vì thế, trong thâm tâm họ luôn khao khát về một gia đình thật sự.
Broker không đổ lỗi hoàn cảnh vì sao chúng ta được sinh ra. Các nhân vật trong Broker đã cảm nhận đối phương được sinh ra dù ở hoàn cảnh nào thì họ đã sống, đã yêu và hành động vì tình yêu của họ.
Chính vì thế, mặc dù lời nói không thể diễn tả được hết những điều họ hiểu, họ đã cảm ơn nhau “vì đã được sinh ra”. Đó là tư tưởng rất nhân văn của Broker, vừa khớp với chủ nghĩa hiện sinh của Jean-Paul Sartre.
Broker nhẹ nhàng, trong sáng, nhưng không có nghĩa là không có kịch tính. Kịch tính trong Broker chính là mâu thuẫn nội tâm của mỗi nhân vật.
Từng chi tiết trong phim có thể biểu hiện cho nội tâm nhân vật, ví dụ như chiếc xe của Sang-hyeon, lúc đầu bị hư cốp xe sau nhưng đã thay đổi kể từ khi cậu bé Hae-jin bước lên xe, điều đó giống như phép ẩn dụ cho việc tâm hồn của Sang-hyeon dần được chữa lành.
Đạo diễn Kore-eda đã cực kỳ tinh tế trong việc cài cắm những chi tiết và sử dụng ngôn ngữ hình để kể một câu chuyện thật nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.
Aristoteles – triết gia vĩ đại của nền triết học phương Tây, đã từng bàn về chức năng của nghệ thuật trong trước tác Poetics, là để “thanh lọc” tâm hồn con người, giúp con người sống tốt hơn. Và Broker chính là minh chứng cho những gì Aristoteles đã nói với chúng ta từ cách đây hơn 2300 năm.
Theo: In The Mood For Film.
Trailer phim Broker (Người môi giới)
[Review phim] “My Name” – Rợn người với đặc sản gangster Hàn Quốc
Đã lâu rồi tôi mới tìm được một bộ phim tâm lý hình sự gắt như My Name. Tôi sẽ...