Quả thực, Soul giống như một câu chuyện cổ tích dành cho người lớn, bộ phim hoạt hình này chứa đựng quá nhiều ẩn ý mà mình tin rằng mỗi lần xem lại chúng ta sẽ nghiệm ra được thêm nhiều điều mới mẻ.
Review phim Soul
Nghe danh bộ phim hoạt hình Soul của Disney đã lâu mà hôm nay mình mới được xem. Phải nói là Disney chưa bao giờ làm mình thất vọng. Lại một lần nữa mình thấy thêm yêu hãng phim của tuổi thơ này bởi món quà tuyệt vời mà Hãng đã mang tới cho các khán giả (nhất là trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu về dịch bệnh, kinh tế, và niềm tin như hiện nay). Và Soul là một câu chuyện cổ tích dành cho người lớn bởi vì người lớn nào cũng có một inner child (đứa trẻ bên trong).
Những linh hồn lạc lối
Thông điệp đầu tiên mà bộ phim truyền tải là về lost soul – những linh hồn lạc lối. Đó có thể là một cô bé Connie luôn tự ti và không dám thể hiện bản thân hay theo đuổi đam mê của mình. Điều mà cô bé cần là một đôi tai biết lắng nghe và một lời khẳng định từ ai đó cho cái câu trả lời mà cô bé đã có trong lòng. Đó có thể là một ai đó đang chết dần chết mòn mỗi ngày trên chiếc bàn làm việc mà quên đi mất cuộc sống thực sự nằm ở ngoài kia – nơi có gia đình, bạn bè và nhiều điều tuyệt vời khác. Họ là những con người cứ mải miết theo đuổi những giá trị phù phiếm như tiền bạc, địa vị, danh vọng, sắc đẹp… để rồi đến một lúc nào đó đã đánh mất mình trong vòng xoáy dục vọng, trong sự tham lam vô độ không biết điểm dừng khi mà nhiều hơn hóa ra lại là ít hơn.
Đó cũng có thể là Số 22 đầy nổi loạn và ngỗ ngược chống lại cả thế giới nhưng thực ra trong thâm tâm lại không biết mình là ai hay ý nghĩa tồn tại của mình trên cõi đời này là gì. Một Số 22 chịu nhiều tổn thương khi mà cả thế giới này (bao gồm cả gia đình, người thân, bạn bè) cứ liên tục nói với cô ấy rằng cô là một kẻ thua cuộc, một kẻ bỏ đi thì cô sẽ tin chắc vào điều đó và sẽ sống đúng theo như cái kỳ vọng ấy – như một kẻ thua cuộc, luôn thất bại, không có ước mơ hay mục đích trong đời. Những lời nói, những ánh mắt dù là vô tình hay hữu ý đôi khi có thể thực sự làm tổn thương và thậm chí có thể hủy hoại cuộc đời của người khác.
Bởi có một thực tế rằng ta luôn sống và đánh giá bản thân mình theo cái nhìn của nhân thế bất kể ta thật sự là ai hay đã làm được những gì. Và, ngược lại, ta cũng phán xét người khác theo những tiêu chuẩn và trải nghiệm của bản thân ta. Ta cứ cho rằng tất cả mọi người trên thế gian này cần phải sống chuẩn chỉ như cuộc đời của ta, theo cái cách của ta; rằng không có con đường thứ 2, thứ 3, hay thứ n để trải qua kiếp sống này. Do đó, đôi khi ta vô tình gây áp lực cho những người khác khi gò họ phải đi theo con đường của mình. Vì thế, hãy đón nhận cuộc sống và mọi người với một tinh thần cởi mở và chấp nhận người khác như chính con người họ chứ không phải như ta muốn họ là.
Hãy thật tử tế với với tất cả mọi người, đừng mang gươm giáo vào với đời và đừng làm tổn thương người khác bằng lời nói hay hành hành động của mình. Và đôi khi một cuộc nói chuyện chân tình từ trái tim đến trái tim có thể xóa tan mọi hiểu lầm, mọi xích mích hay mọi khoảng cách. Các mối quan hệ cũng có thể được hàn gắn; nếu như ta thật lòng muốn hàn gắn và muốn sửa chữa lỗi lầm của mình, ta sẽ biết phải làm thế nào để hàn gắn nó – Chìa khóa ở đây là sự chân thành.
Những người chữa lành
Bộ phim cũng nói tới vai trò của các healer (người chữa lành) qua hình ảnh của nhóm thần bí không biên giới Moonwind và con tàu màu tím đầy mộng mơ. Vai trò của họ là giúp các lost soul của Trần gian tìm ra lối đi. Nhưng xét theo một nghĩa nào đó, giới healer không không chỉ gói gọn trong cộng đồng những người làm việc hay hiểu về tâm linh, mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể là một healer cho một người nào đó vào một thời điểm nào đó như điều mà Joe đã làm được cho Số 22 – chỉ cần ta nguyện ý bỏ ra thời gian, đưa ra một lời khuyên, trao ra một bàn tay hay đơn giản là bờ vai mà thôi.
Hãy sống ở thì hiện tại
Và bài học quan trọng nhất mà bộ phim muốn nói tới là cách để thực sự sống trong cuộc đời này: hãy sống ở thì hiện tại. Mọi tham vọng, mọi kế hoạch sẽ chẳng là gì nếu đem so với việc hiện hữu. Bởi ngay cả khi bạn có một ước mơ, một mục tiêu trong cái Bucket List của mình nhưng rồi khi bạn đã đạt được những thứ đó, bạn sẽ tự hỏi, “Là thế này thôi à?” hay “Rồi sao?”
Cái khoảnh khắc đạt đến những mục tiêu đó có thể thật tuyệt vời nhưng bạn sẽ lại nhanh chóng cảm thấy trống rỗng, bạn sẽ thấy mình cần phải có một mục tiêu khác để lấp đầy khoảng trống đó, để thay thế cho cái thói quen theo đuổi mục tiêu của bạn.
Bạn những muốn mình khác với những kẻ ngoài kia nhưng rồi lại chợt nhận ra mình cũng chỉ là kẻ vật vờ trong đám người cô đơn, mệt mỏi đang nhìn vào màn hình điện thoại một cách đầy trống rỗng trên chuyến tàu trở về nhà sau một ngày làm việc.
Hoặc giả như, bạn không biết được mình thật sự muốn gì và cứ loay hoay với câu hỏi tôi tồn tại trong cuộc đời này vì điều gì thì cũng chẳng sao. Điều quan trọng là hãy sống trong bây giờ và ở đây – hãy tận hưởng cuộc sống bằng tất cả các giác quan của bạn, với niềm hân hoan và tò mò của một đứa trẻ. (Thú thật, chỉ đến khi xem bộ phim này mình mới hiểu được điều mà các Thày vẫn dạy và Mo Gawdat từng đề cập tới trong cuốn sách Solve for Happy về việc hãy nhìn cuộc đời như một đứa trẻ có nghĩa là gì).
Khi ta nhìn cuộc đời như một đứa trẻ và tận hưởng mọi khoảnh khắc của đời sống – một khoảng trời xanh xanh, một làn gió nhẹ, một chiếc lá rơi, cuộc trình diễn của người nghệ sĩ đường phố, nụ cười của một em bé, cái duỗi lưng lười biếng của một chú mèo, mùi thơm của tách cà phê nóng hổi hay hương vị tuyệt vời của một món ăn… thì mọi thứ đều trở nên thật đẹp, thật ý nghĩa và cuộc sống này mới đầy đủ, mới trọn vẹn làm sao! Khi ấy, chỉ việc được sống trên cõi đời này thôi đã là quá đủ, và ta sẽ thấy chẳng cần thiết phải mong cầu gì hơn.
Nghiệp quả
Bài học cuối cùng được nhắc đến trong bộ phim là bài học về nghiệp quả. Đoạn kết phim, Joe Gardner đã nhận được một phần thưởng tuyệt vời cho việc tốt không vụ lợi anh làm như một lời nhắc nhở rằng khi ta làm việc tốt ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp, khi trao đi tình yêu ta sẽ nhận về tình yêu. Và biết đâu điều mà ta nhận lại sẽ khiến ta phải bất ngờ bởi đôi khi nó sẽ hoàn toàn làm thay đổi cuộc đời ta – không hẳn là trong đời này, kiếp này mà còn là ở những đời sau, kiếp sau nữa. Đó chính là điều mà người xưa vẫn thường dạy rằng, “Đức năng thắng số” hay “Cây xanh thì lá cũng xanh, Cha mẹ hiền lành để đức cho con.”
Điều mình vẫn luôn thích trong các bộ phim hoạt hình của Walt Disney ngoài nét vẽ rất đẹp và dễ thương ra là việc các bài học được lồng ghép vô cùng tự nhiên và tinh tế trong các câu chuyện mà không hề mang tính giáo điều nặng nề khô khan. Ngoài những bài học được nhắc đến ở trên, trong phim còn có rất nhiều chi tiết vô cùng thú vị khác, chẳng hạn như:
Tại sao khi linh hồn của Joe Gardner lạc lối ở Cõi Trước (Great Before – nơi “xuất xưởng” các linh hồn nhí bước vào Hạ thế), Joe lại hỏi rằng, “Ở đây ai cũng tên là Jerry à?” Chi tiết này thực sự rất đa nghĩa.
Thứ nhất, trong mắt mọi người bạn chỉ đơn giản là một Jerry nào đó mà thôi (có nghĩa là bạn cũng chẳng khác gì so với những người khác và bạn thực sự không quá quan trọng để ai cũng phải nhớ đến tên tuổi của bạn). Và nếu nhìn các tư vấn viên Jerry như những ‘người’ phụng sự Bề trên, ta sẽ thấy rằng trong con mắt của các Bề trên thì ai cũng là Jerry cả – rằng ai hay nói đúng hơn là bất kỳ sinh vật nào cũng đều có giá trị và vị trí ngang nhau, và vạn vật đều là đứa con của Vũ trụ.
Và nếu xét điều này dưới góc nhìn tôn giáo thì ta có thể hiểu rằng mọi tên gọi như Thượng đế, Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa… về bản chất cũng đều là một. Cũng như, mục đích của bất kỳ tôn giáo nào dù là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo… cũng đều là sự chữa lành và dạy con người ta biết hướng thượng.
Khi lần đầu tiên đặt chân lên Cõi Trước, tổng hòa của mọi trường lượng tử hóa trong vũ trụ Jerry nói với Joe, “tôi xuất hiện trong hình dạng mà bộ não hạn chế của con người có thể lĩnh hội.” Điều này nói lên rằng những điều mang tính siêu nhiên hay huyền bí, chẳng hạn như hình hài của Đức Phật hay của Chúa Jesus trong những bức tượng hay bức tranh không phải là hình hài thực, đó chỉ là hình tướng mà con người chúng ta tự tưởng tượng ra mà thôi.
Ngoài ra, nó cũng hàm ý mọi thứ trên đời này đều có muôn hình vạn trạng và luôn biến đổi không ngừng, nhiều khi sự việc thấy vậy mà chẳng phải vậy và rằng những gì ta thấy chỉ là những gì mà ta muốn thấy, muốn hiểu và muốn tin vào (như bài viết này). Đây chính là quan niệm về nhân sinh “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” trong giáo lý nhà Phật.
Những bài học mới mẻ từ phim hoạt hình Soul
Quả thực bộ phim này chứa đựng quá nhiều ẩn ý mà mình tin rằng mỗi lần xem lại mình sẽ nghiệm ra được thêm nhiều điều mới.
Dài dòng là vậy nhưng thật ra có thể tóm gọn các thông điệp được truyền tải qua bộ phim dễ thương và giàu tính nhân văn này như sau:
– Hãy sống – thực sự sống trong thì hiện tại như một đứa trẻ, hãy tập trải nghiệm mọi thứ như thể đó là lần đầu và giây nào cũng là giây đầu;
– Hãy mở rộng lòng mình – để cho đi và để nhận lại;
– Mọi thứ trong Vũ trụ này đều vận hành theo luật nhân – quả, gieo nhân nào thì gặt quả nấy, nhân hôm nay có thể là một hạt mầm bé xíu nhưng quả ngày mai thì to gấp nhiều lần.
Bojack Horseman – Hoạt hình dành cho người lớn cô đơn
Cảm nhận ngắn phim "Bojack Horseman" - Hoạt hình dành cho người lớn cô đơn. Ngày xửa ngày xưa tại...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
Tạp chí MENBACK
Theo: Huongdao