Các giá trị xưa, văn hoá xưa được Tạ Huy Long đưa vào cuộc sống hiện đại một cách tự nhiên và uyển chuyển. Một cách gìn giữ và phát triển vốn văn hoá truyền thống một cách sáng tạo.
Tích luỹ kiến thức, văn hoá để ý tưởng như dung nham sùng sục trong lòng; nhìn mọi việc mới mẻ, trong trẻo như đứa trẻ để nghĩ mới, làm khác, Tạ Huy Long vẫn miệt mài tạo nên một thế giới trong trẻo và hấp dẫn của riêng mình.
Tạ Huy Long là ai?
Tạ Huy Long (1974) là họa sĩ truyện tranh đương đại hàng đầu Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ngoài các triển lãm ‘Ngày xưa tôi là…’, ‘Tôi vẽ tôi’, anh có triển lãm tại Pháp đồng thời là tác giả những dự án lớn như: Tủ sách tranh truyện dân gian Việt Nam, Tủ sách tranh truyện lịch sử và mới đây nhất là tập ‘Lược sử nước Việt’ bằng tranh. Hiện tại anh đang làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng.
- Năm sinh: 1974
- Thể loại: lịch sử, huyền thoại, cổ tích, đồng dao, giả tưởng
- 1998: Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Khoa thiết kế nội thất.
- 1991-1994: Mở xưởng làm đá mỹ nghệ ở nhà.
- 1998 – 2002: Ra trường mở văn phòng thiết kế kiến trúc, nội thất, thiết kế kính màu cho AA deco.
- 2011: Thiết kế đồ nội thất mang hơi hướng tân cổ điển: mỗi sản phẩm đều có 1 câu chuyện.
- 2000: Bắt đầu vẽ truyện tranh, dưới sự hướng dẫn bởi – Thầy Gerald Gorridge giáo viên trường Angoolame. Lối vẽ luôn là chắt lọc, thử nghiệm mới với những giá trị xưa cũ trong văn hóa dân gian bản địa và ảnh hưởng bởi những giá trị du nhập mới.
- 2000 – nay: đang làm việc tại NXB Kim Đồng, Trưởng phòng Kỹ Mỹ thuật.
“Tôi muốn vẽ những gì mình nghĩ chứ không phải cái nhìn thấy.” – Họa sĩ Tạ Huy Long
Hiện thân của tinh hoa kho tàng mỹ thuật Việt Nam
Sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội, trong căn phòng hẹp chất đầy đồ đạc mà người cha mê sưu tầm tích trữ, cơ duyên Tạ Huy Long đến với hội họa hết sức tự nhiên từ những lần bị “nhốt” trong căn phòng đặc biệt ấy.
Bằng tài năng, sự sáng tạo và nỗ lực với hàng loạt những tác phẩm nổi tiếng trong thời gian qua, có thể nói họa sĩ Tạ Huy Long chính là hiện thân cho tinh hoa của kho tàng mỹ thuật Việt Nam.
Những ngày đầu năm 2018, không chỉ những người yêu nghệ thuật mà cả những người yêu thế giới côn trùng cỏ cây của nhà văn Tô Hoài đã ngạc nhiên khi bước vào thế giới kỳ thú những sáng tác của họa sỹ Tạ Huy Long.
Dế mèn và những người bạn đã xuất hiện không chỉ dưới hình thức những hình vẽ mà còn là tác phẩm điêu khắc, sắp đặt; không chỉ trên những khung tranh mà còn cả trên bình phong, ghế ngồi, rương trưng bày, tủ giày, tủ đa năng.
Không hài lòng với chất liệu truyền thống là giấy, Tạ Huy Long còn cầu kì sáng tạo với đủ lại chất liệu: kim loại, da, tầm vông để có thể chạm tới cảm xúc của người xem.
Năm 2000, trong khuôn khổ lớp dạy sáng tác truyện tranh đầu tiên ở Việt Nam do trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội tổ chức tại trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, truyện tranh Sự tích con Nghê của Tạ Huy Long đã làm các giảng viên đến từ Pháp và đồng nghiệp phải trầm trồ về ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện và trên hết là những nét vẽ đẹp mê hồn.
“Đây thực sự là một dòng truyện tranh độc nhất vô nhị với ngôn ngữ hình hoạ dân gian Việt Nam đặc sắc”, cố hoạ sỹ và giảng viên sáng tác truyện tranh người Pháp Gérald Gorrgide tới Việt Nam phải thốt lên như vậy.
Các tác phẩm của Tạ Huy Long tiếp đó đã được trưng bày tại festival truyện tranh danh tiếng Angoulême (Cộng hoà Pháp) năm 2002.
Tạ Huy Long trau chuốt phong cách vẽ truyện tranh sáng tác hay minh hoạ bằng cách chắt lọc tinh hoa hình khối, đường nét, màu sắc của mỹ thuật truyền thống dưới một cái nhìn trong trẻo như trẻ thơ. Các tác phẩm của anh đặc biệt phù hợp với các chủ đề lịch sử, huyền thoại, cổ tích, đồng dao, giả tưởng.
Anh cũng hoàn thành một “bộ sưu tập” gần 30 tác phẩm điêu khắc mini chất liệu đá về các ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam.
Tiếng vang của Lĩnh Nam Chích Quái
Minh hoạ của anh cho cuốn Lĩnh Nam Chích Quái là một dự án gây được tiếng vang lớn của anh. Tiến sĩ Hán – Nôm Tô Lan cho rằng sách tranh Lĩnh Nam Chích Quái không chỉ đẹp, mà còn giàu hàm lượng tri thức lịch sử, văn hóa.
Lĩnh Nam Chích Quái là một dạng art-book trong đó phần tranh cũng quan trọng như phần chữ. Phần tranh đưa ra một cách hiểu mang tính đương đại. “Đọc” tranh Lĩnh Nam Chích Quái người ta thấy những nét giao thoa văn hoá Việt – Trung, Việt – Chăm pa, Việt – Nhật.
Tạ Huy Long đã làm mới màu sắc, hình khối trong nghệ thuật sân khấu truyền thống. Hình minh hoạ của anh trong Lĩnh Nam Chích Quái được in lên áo phông, tạo nên những chiếc áo đầy phong cách.
Các tác phẩm của anh được sử dụng trong Lễ bế mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), Hội nghị thượng đỉnh APEC và trưng bày trong 7 triển lãm trong và ngoài nước.
Mỹ thuật truyền thống trong góc nhìn đương đại
Thời gian gần đây, Tạ Huy Long dành hẳn thời gian cho việc sáng tạo các sản phẩm nội thất có tính ứng dụng cao. Kho tàng mỹ thuật truyền thống được nhìn từ góc nhìn đương đại, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại.
Trong tủ rượu vang của Tạ Huy Long thiết kế người ta thấy đâu đó dáng hình của những con ngựa gỗ, ngựa đá dân gian.
Những chiếc rương được lắp thêm chân đẩy để vừa làm vật đựng, chứa vừa làm chiếc bàn uống nước, một đồ vật trang trí trong những ngôi nhà sang trọng.
Trong một tấm da trâu căng trên khung gỗ, người ta thấy hình ảnh con thuyền truyền thống như những mảng chạm, điêu khắc trên vì kèo trong đình làng Việt.
Tạ Huy Long đã tạo nên một thế giới mà ở đó các nghề thủ công như tán đinh, chạm khắc, thêu may, làm da, làm đồng, làm giấy, gò kim loại được gìn giữ và phát triển.
Các giá trị xưa, văn hoá xưa được đưa vào cuộc sống hiện đại một cách tự nhiên và uyển chuyển. Một cách gìn giữ và phát triển vốn văn hoá truyền thống một cách sáng tạo.
Tích luỹ kiến thức, văn hoá để ý tưởng như dung nham sùng sục trong lòng; nhìn mọi việc mới mẻ, trong trẻo như đứa trẻ để nghĩ mới, làm khác, Tạ Huy Long vẫn miệt mài tạo nên một thế giới trong trẻo và hấp dẫn của riêng mình.
Một số tác phẩm khác của Tạ Huy Long
Theo Kiến Việt.
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK