Chúng ta đã nghe nhiều bài “Torna a Surriento” (Trở về Sorriento), nhưng có thể không biết nó nằm ở đâu trên bản đồ nước Ý. Thành phố nhỏ bé này là nơi tôi đã đặt chân đến nhiều lần trong hành trình trên đất nước Ý mà tôi gắn bó rất nhiều năm.
“Torna a Surriento” – Trở về Sorriento
“Tôi đến đây cũng chỉ vì bài hát ấy, không phải khi nó hát bằng tiếng Anh theo đúng kiểu phát âm ngàn ngạt giọng mũi của Elvis Presley, mà bằng chất thổ ngữ Napoli kinh điển của Beniamino Gigli. Sorrento khi ấy được phát âm thành Surriento, da diết và man mác buồn như tiếng sóng biển đập vào bờ đá phía dưới chân thành phố.
Hầu như bao giờ đấy cũng là điểm cuối cùng trong những chuyến đi xuống miền nam nước Ý của tôi. Để đến được nơi ấy trên một hành trình dài cố ý ngắm càng nhiều càng tốt dọc bờ biển, con đường A1 tới Napoli bao giờ cũng được đổi hướng ở Salerno, ngoặt xuống đường SP 163 dọc bờ Amalfi lãng mạn và mê say hơn tất thảy, qua những Atrani, Amalfi, Conca dei Marini, Positano, Ravello, Nerano và Massa Lubrense, những viên ngọc nhỏ lóng lánh dưới ánh mặt trời, uốn mình trên con đường ngoằn ngoèo với một bên là núi đá, bên là biển xanh thẳm dưới bầu trời Địa Trung Hải lồng lộng.
Thế rồi con đường bỗng nhô ra ở điểm xa nhất của bán đảo Sorrento chìa ra biển như một mũi tàu thủy, và rồi con đường hạ xuống thấp, để thấy thành phố mang tên bán đảo ấy trải ra trước mắt trong một biển màu vàng: màu vàng ruộm của những vườn chanh cho ra thứ rượu limoncello hảo hạng nhất, màu vàng sậm của gốm, và màu vàng hơi đỏ của những bức tường các ngôi nhà cổ. Sorrento không mộng mơ như những thành phố dọc bờ biển Amalfi tôi đã đi qua và lặng người ngắm hoàng hôn lặn dần ở chân trời xa, không gợi nên những cảm giác xa vắng và thậm chí cô đơn như khi ở Ravello, nhưng phải có một sức thu hút nào đó với những vĩ nhân của mọi thời đại thì mới đáng để ca ngợi đến như thế, và từ đó mà một bài hát đã ra đời, trở thành một trong những bản ballad mà chỉ cần nhạc cất lên là tâm hồn những ai nghe nó đã muốn lơ lửng đến nơi này.
… Tại sao anh em nhà De Curtis lại sáng tác bản “Trở về Sorrento” vào năm 1902? Phải chăng đó chỉ là một sáng tác theo đơn đặt hàng của thị trưởng Sorrento lúc ấy là Guglielmo Tramontano, để tặng thủ tướng nước Ý Giuseppe Zanardini đến thăm thành phố, với một ý nhắn nhủ nào đó, hay là còn bao hàm một ý nghĩa lớn hơn thế, như là một thông điệp về tình yêu cho những người rời khỏi Sorrento ra đi? Có lẽ là cả hai, nhưng những người yêu nước Ý luôn cố gắng hiểu theo nghĩa thứ hai hơn, khi tình yêu với họ là lẽ sống. Và nhờ thế mà bản nhạc đã đưa biết bao người đã biết bản nhạc trước khi nghe đến tên thành phố đến nơi đây và làm sống lại cảm giác ban đầu, khi họ thấy lòng xao động trong những nét nhạc của “Trở về Sorrento”.
Khi nhạc dạo bắt đầu cất lên, và giọng của Gigli ngân vang, ấy là lúc những tình cảm mạnh mẽ nhất tràn về. Khi đứng trước biển từ một lan can nhô ra bờ đá mà xa xa vịnh Napoli cong vút như một nửa vầng trăng, tự nhiên văng vẳng trong đầu bản ballad ấy, chợt nhận thấy dù ta có đi đến bất cứ nơi đâu, thậm chí có đi xa nơi đây nửa vòng trái đất, vẫn sẽ có lúc phải nhớ đến Sorrento, và những cảm xúc có được ở cuối hành trình dọc bờ biển Amalfi. Gigli (và về sau, Robertino, Mario Lanza, Franco Corelli và Luciano Pavarotti cũng như nhiều người khác) ca lên: “Em đã đi xa khỏi trái tim anh/Xa khỏi vùng đất tình yêu này/Em không nguyện ước trở lại/Đừng đi, đừng làm anh đau/Hãy trở lại Sorrento/Hãy để anh sống”.
Bài hát của đầu thế kỉ trước đã nhắc đến tất cả những gì đẹp nhất mà Sorrento có thể quyến rũ những ai chưa đến với nó: “Hãy nhìn biển, biển đẹp biết bao/Biển dâng lên trong lòng bao tình cảm/Như tình cảm của em với bao người khác/Em khiến họ mơ trong khi họ vẫn đang còn thức/Hãy nhìn khu vườn này/Và hương chanh, nước hoa thơm/Bốc vào tận trái tim em/Và em nói: “Em đi đây, tạm biệt”, và “Hãy ngắm biển Sorrento/Đấy là một điều kì diệu/Cả những ai đã đi khắp thế giới/Cũng chưa hề thấy biển đẹp ngần này/Hãy nhìn những nàng tiên cá kia/Đang ngắm nhìn em/Và yêu em vô chừng/Thế mà em lại nói: “Tôi đi đây, tạm biệt”. Một lời nhắn nhủ: Sorrento tuyệt đẹp, tại sao em phải đi?
… Sự thật, là người ta không đến Sorrento để chia tay. Sự ra đi của một ai đó trong đời chỉ có trong bài hát của De Curtis và nếu biết bao bộ phim và bài thơ của những Wolfgang Goethe, John Hay hay Samuel Rogers đã ra đời để ca ngợi nơi này. Sức hấp dẫn ấy, phải chăng chính từ cái tên Sorrento, bắt nguồn từ chữ “surrentum” trong thần thoại, chỉ những nàng tiên cá luôn nhô nửa người trên mặt biển những đêm có trăng, hát lên những bản tình ca du dương quyến rũ tất thảy thủy thủ của những con tàu đi qua vịnh Napoli? Chỉ có mỗi chàng Odysseus vượt qua được những cám dỗ ấy và vào được bờ. Sức hấp dẫn ấy, phải chăng từ những thứ pizza hay spaghetti hải sản đẫm hương vị biển ta đã ăn trong những quán nổi tiếng ở Sorrento như Il Buco hay Tasso, những nơi thể hiện phong cách nấu kiểu bán đảo Sorrento với những thành phần cơ bản là dầu oliu, cà chua, mozzarella (phó mát sữa trâu) và các gia vị hảo hạng nhất?
Và sức hấp dẫn ấy, phải chăng từ những chuyến đi đến và trở về Sorrento từ Capri (bạn có nhớ bản ballad bằng tiếng Pháp “Capri, c’est fini” của Hervé Vilard?) hay Ischia, những hòn đảo đẹp mê hồn cách đó không xa? Sức hấp dẫn, có khi đơn giản chỉ từ một cửa hàng vàng rực sắc của chanh trên con phố nổi tiếng San Cesareo. Thứ đặc sản rượu được làm từ vỏ chanh được ghi lần đầu trong sử sách ở đây từ thế kỉ thứ 10 và những sản phẩm khác từ chanh, thứ được coi trọng như vàng ở nơi này, từ nước hoa, xà phòng cho đến nến thơm dịu mát, là một phần của thế giới Sorrento.
Cả một vùng trời biển mênh mông núi non nhấp nhô với những con đường men vách núi dài hơn 70 cây số ấy từ Salerno đến Sorrento, xa thêm chút nữa đến Pompei, thành phố bị núi lửa chôn vùi cách đây 20 thế kỉ và Napoli rộng lớn, lộn xộn và huyên náo, tôi đã đi qua biết bao lần, mà lần nào cũng như mê đi giữa bao cảm xúc choáng ngợp vì vẻ đẹp ấy xóa đi hết mọi buồn phiền và những cơn đau đời đã từng ập đến và để lại dư âm trong tim.
Tôi đã đến Sorrento với “Trở về Sorrento”, và rời nơi ấy ra đi với Goethe: “Em có biết vùng đất nào hoa chanh đang nở rộ/Trong những tán lá xanh cam đã vàng/Một ngọn gió đùa từ trời xanh/Rặng mía đứng im, cành nguyệt quế trầm ngâm/Em có biết nơi ấy/Anh muốn em, tình yêu của anh, tới nơi này…”.
Bài viết và ảnh chụp về Sorrento được trích đoạn trong cuốn "Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" của tác giả Trương Anh Ngọc.
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK