Tứ Hợp Viện tại Thanh Hóa là một ngôi nhà mang hơi thở kiến trúc cổ của vùng Hoa Bắc (Trung Quốc), công trình tạo nên một không gian sống hoàn hảo cho gia đình nhiều thế hệ.
Kiến trúc sư của công trình Trịnh Phong Hào đã khéo léo kết hợp cùng với nét kiến trúc Việt để tạo nên một công trình độc đáo, dành cho gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống. Anh Hào cho biết, kiến trúc truyền thống của người Trung Quốc nổi tiếng trên thế giới với vẻ đẹp thanh tao nhã nhặn, đặc biệt là kiểu cấu trúc nhà mang tên “Tứ hợp viện” bao trùm một không gian cuốn hút huyền ẩn. Thiết kế nhà tứ hợp viện là một ý tưởng không tồi cho những gia đình muốn có không gian sinh sống độc đáo.
Tứ hợp viện còn được gọi là Tứ hợp phòng, là một hình thức kiến trúc tổ hợp của nhà dân vùng Hoa Bắc Trung Quốc, với bố cục là xây nhà bao quanh một sân vườn theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, thông thường gồm có nhà chính tọa Bắc hướng Nam, nhà ngang hai hướng Đông – Tây và nhà đối diện với nhà chính, nhà bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa, cho nên được gọi là Tứ hợp viện.
Tuy mang phong cách “Tứ hợp viện” của Trung Quốc nhưng công trình này được kiến trúc sư thổi vào đó những nét dân dã, mang hồn cốt làng quê Việt.
Lấy cảm hứng từ những hình ảnh quen thuộc của người Việt xưa, nơi sân vườn có những đứa trẻ nô đùa, ông bà ngồi nhâm nhi ly nước trà, ba mẹ trồng rau tưới cây,… cả nhà quây quần vui vẻ bên nhau. Người thiết kế mong muốn mang đến những giá trị tình cảm, hạnh phúc cho khách hàng với một không gian sống trọn vẹn, đủ đầy.
Kiến trúc “vượt thời gian” này có sự rộng rãi và tối đa được diện tích nhờ vào thiết kế hướng mọi không gian vào sân trong. Mỗi khối nhà được bố trí riêng biệt mang đến sự riêng tư cho các thành viên trong gia đình mà vẫn giữ được sự kết nối.
Bước vào cổng chính là hình ảnh ngôi nhà mang đậm chất phong cách kiến trúc Việt vô cùng mộc mạc và gần gũi, có bộ bàn ghế ngồi thư giãn cho ông bà hướng đến khoảng sân vườn với gốc xoài thân thuộc, có bóng râm mát mẻ tạo cảm giác nhẹ nhàng và bình yên. Ông bà, cha mẹ có thể thư thả nơi đây để đón con mình trở về hay những vị khách ghé chơi.
Tiếp nối với tổng thể ngôi nhà là khu tắm ngoài trời dành cho những bạn nhỏ trong gia đình, có thể thỏa sức hòa mình với thiên nhiên.
Bên hông là một lối đi nhỏ hướng vào phía sau nhà giúp dễ dàng tiếp cận với các khu vực bếp hay phòng ngủ của từng thành viên mà không cần đi qua phòng khách. Men theo bờ tường được bố trí một hàng cau rợp bóng mát, xen kẽ đó là những khoảng trống trồng cây bụi tạo cho lối đi một cảm giác mát mẻ và thư thái.
Đi thẳng vào sẽ đến khoảng sân trong được bố trí chính giữa ngôi nhà “Tứ Hợp Viện” này, cả gia đình được gắn kết với nhau khăng khít thông qua không gian mở.
Buổi sáng thức dậy có thể đi dạo quanh hít thở dòng không khí trong lành, tưới nước mát cho những chậu hoa nhỏ, tiếng chim ríu rít bên tai và trong lòng tràn đầy bình an. Sau một ngày dài miệt mài với cuộc sống, trở về nhà bên cạnh những tán cây nơi khu vườn xanh mát, thả mình trên ghế sofa mềm mại, bao nhiêu bộn bề ngoài kia sẽ tạm thời gác lại để nhường chỗ cho sự bình yên.
Chủ nhân mong muốn mọi không gian đều được kết nối với thiên nhiên thông qua những ô cửa đón gió và ánh sáng, đảm bảo được sự thông thoáng cho phòng khách, bếp nấu ăn. Với không gian mở thì ban ngày không cần dùng những thiết bị hỗ trợ ánh sáng, không khí luôn được lưu thông với bên ngoài mà không nhất thiết phải sử dụng máy hút mùi.
Với một góc bàn giữa phòng khách, người kiến trúc sư mang đến một hơi hướng nhẹ nhàng với decor là một bình hoa trắng cổ điển kết hợp cùng chiếc bàn console cất chứa những món đồ nhỏ giúp không gian gọn gàng và ngăn nắp.
Phòng khách và bếp được bố trí liên thông với nhau. Người nấu ăn vẫn được quây quần, kết nối với các thành viên còn lại trong nhà.
Khu vực bếp rất quan trọng và ý nghĩa nên không gian phải đảm bảo được tính tiện nghi, đủ đầy nhất có thể, tạo cảm hứng cho cả gia đình luôn muốn ngồi lại cùng nhau bên mâm cơm ấm áp.
Tủ bếp gỗ thịt sơn màu nâu trầm, liên kết với tổng thể không gian của nhà. Việc nấu nướng hay dọn dẹp sau những bữa ăn trở nên thư thái nhẹ nhàng khi bên ngoài cửa sổ khu vực bếp là view sân vườn yên bình, xanh mát.
Bàn ăn được đặt cạnh cửa hướng ra sân trong, buổi sáng mở rèm sẽ có ánh nắng nhẹ từ phía Đông len lỏi chiếu qua những tán cây bên ngoài. Một khung cảnh lý tưởng để người nội trợ chuẩn bị những món ăn tình cảm cho cả nhà sẵn sàng đón chào ngày mới.
Điện thờ được đặt tại một vị trí tách biệt với ba gian còn lại gồm 2 tầng, tầng 1 là nơi để chia sẻ, hoài niệm những câu chuyện cùng nhau bên tách trà ấm. Những hoa văn trên tường hay từng món đồ nơi đây được kết hợp bởi sự mộc mạc, tinh tế, và thân thuộc gợi nhớ đến hình ảnh kiến trúc Việt Nam thời xưa.
Tiếp nối tầng 1 với không gian hoài cổ là phòng thờ được bố trí nằm ở tầng 2.
Các phòng ngủ sẽ có phong cách riêng tùy theo sở thích mỗi thành viên được kiến trúc sư thiết kế rất hài hòa, đồng bộ tạo nên nếp sống văn hóa cho gia chủ với đầy đủ tiện nghi. Tất cả các phòng được hướng vào sân trong, đảm bảo mỗi giấc ngủ đều thư thái và trọn vẹn nhất sau một ngày dài.
Mỗi không gian được thiết kế phù hợp với nhu cầu sử dụng, đan xen giữa hiện đại và hoài cổ. “Tôi hi vọng công trình này sẽ mang đến cảm hứng mới cho mọi người để có thêm ý tưởng xây dựng tổ ấm trong tương lai”, kiến trúc sư Trịnh Phong Hào nói.
Xây nhà tặng bố mẹ, đừng bỏ qua thiết kế này
Nếu bạn đang muốn xây một căn nhà để dành tặng cho bố mẹ, thì ngôi nhà đầy bình yên...