Dường như sự kết hợp giữa gương mặt đậm chất biểu cảm của bọn chó mèo và chiếc vòng hình nón úp ngược đeo quanh cổ vẫn chưa đủ hài hước, người ta còn đặt cho dụng cụ thú y này những cái tên hết sức hóm hỉnh và buồn cười. Từ tả thực như “chụp đèn thú cưng” (pet lamp-shade), “đĩa ra-đa thú cưng” (pet radar dish), cho đến châm biếm ẩn dụ như “cổ áo Elizabeth” (Elizabethan collar).
Ngoài lề một chút, tên gọi “quý tộc” này bắt nguồn từ hình ảnh chiếc cổ áo xếp nếp to tròn màu trắng thường thấy trong cách ăn vận của các bậc vương giả phương Tây thời Trung Cổ (ruff). Tác dụng duy nhất của nó là giữ cho các bộ lễ phục sang trọng không bị ố bẩn tại vị trí viền cổ áo, nhưng sẽ khiến người mặc bị… mỏi cổ vì lớp vải này khá ôm và cứng. Sự bất tiện và thiếu thực tế khiến món phục sức này trở thành biểu tượng của sự giàu có và địa vị, một ví dụ cho thành ngữ “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Quay lại với dụng cụ thú y “buồn cười” ở trên, nó còn có một tên gọi khác là “vòng cổ chống liếm cho thú cưng”, và công dụng thực sự của nó chẳng hề “buồn cười” chút nào.
Những người nuôi chó mèo có thể quan sát thấy chúng thường xuyên có hành vi liếm lông và đặc biệt là liếm vết thương. Theo nghiên cứu, ngoài tác dụng loại bỏ các chất bẩn quanh miệng vết thương, trong nước bọt có chứa các chất giúp thúc đẩy sự đông máu hoặc có tính kháng khuẩn, nhờ đó sẽ tăng nhanh tốc độ phục hồi vết thương. Tuy nhiên, liếm quá nhiều lại có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn có trong nước bọt và gây ra tình trạng viêm tấy hoặc u hạt (granuloma) (điều này cũng đúng với cả con người, và nguy cơ nhiễm trùng là đặc biệt lớn đối với những người bị suy giảm miễn dịch. Từng có trường hợp một người mắc tiểu đường phải cắt bỏ ngón tay cái bị nhiễm trùng chỉ vì liếm một vết thương nhỏ trên đó.
Với cấu tạo dạng phễu che quanh đầu, chiếc vòng sẽ ngăn không cho chó mèo chạm mõm vào phần thân sau, từ đó loại bỏ nguy cơ liếm quá mức khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn hoặc làm lan rộng tình trạng nhiễm trùng và nấm da. Chiếc vòng này còn giúp thú nuôi không nuốt phải các loại thuốc bôi hay phòng ngừa việc chúng tự khiến mình bị thương ở mắt do dùng chân cào gãi tai và đầu.
Lũ thú cưng thật may mắn khi được con người chăm sóc đến tận… lưỡi. Nhưng còn những động vật hoang dã thì sao? Biết rằng liếm vết thương là hành vi bản năng quan trọng và tồn tại rộng rãi ở nhiều loài chứ không chỉ riêng chó mèo nhà, nhưng bấy nhiêu đó chắc chắn không đủ để sinh tồn trong môi trường tự nhiên hết sức khắc nghiệt.
Trừ một số ít trường hợp dị biệt ngoại lệ, ví dụ sứa Turritopsis nutricula có thể đảo ngược vòng đời và sinh trưởng vô hạn, hoặc giun dẹp dù bị cắt thành nhiều mảnh vẫn có khả năng tái tạo phần cơ thể bị mất và trở thành những cá thể hoàn chỉnh riêng biệt, gần như mọi loài sinh vật đều bị đe dọa bởi bệnh tật. Và khi không có bàn tay chăm sóc của con người, chúng lấy đâu ra thuốc khi bị rối loạn tiêu hóa? Làm thế nào chúng đối phó với cơn ngứa ngáy gây ra bởi lũ côn trùng? Ai sẽ tư vấn cho chúng về chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là trong giai đoạn sinh sản?
Tự nhiên sẽ luôn có cách, như trước nay vẫn vậy. Sứa và giun dẹp chính là minh chứng cho thấy sự sống có thể diễn ra theo những cách thức mãnh liệt và kỳ diệu đến mức nào. Nhưng đó chắc chắn không phải là cách duy nhất, và càng không phải cách thú vị nhất.
Tủ thuốc giữa rừng sâu.
Năm 1987, khi đó Michael Huffman đang theo dấu một đàn tinh tinh tại vườn quốc gia Núi Mahale, Tanzania để nghiên cứu về lối sống xã hội của loài linh trưởng này. Đột nhiên, ông nhận thấy Chausiku – một con cái trưởng thành trong đàn có biểu hiện mắc bệnh. Nó tỏ ra yếu ớt, không buồn ăn uống và chỉ nằm lì trên cành cây, bỏ mặc con non mới hai tuổi của nó cho những thành viên khác trong đàn chăm sóc. Cuối ngày hôm đó, con tinh tinh lấy sức leo xuống đất, uể oải lê bước đến bên một bụi cây. Nó hái một vài nhánh, chậm chạp lột bỏ vỏ ngoài, nhai phần thân và hút lấy chất nước bên trong. Đầu ngày hôm sau, tình trạng của nó vẫn không mấy cải thiện. Nhưng đến giữa trưa, Chausiku đột nhiên dựng dậy. Nó rời đàn, lao nhanh đến khoảng rừng gần đó rồi dành nhiều giờ tiếp theo ngấu nghiến đánh chén hoa quả, trong khi Huffman tỉ mỉ quan sát và ghi chép lại hành vi kỳ lạ chưa từng xảy ra suốt nhiều tháng qua của con tinh tinh này.
Loại thực vật mà Chausik ăn là một loài thuộc họ Cúc có tên khoa học “vernonia amygdalina”. Kalunde – một kiểm lâm địa phương và cũng là cộng sự trong đoàn nghiên cứu cho Huffman biết, đó là cây “mjonso”, có vị rất đắng và được người WaTongwe bản xứ dùng để chữa trị tình trạng nhiễm ký sinh trùng và các bệnh về dạ dày. Bài thuốc này rất hiệu quả, và thường có tác dụng sau 24h. Thông tin này khiến Huffman hết sức bất ngờ, vì đó có thể là bằng chứng cho thấy tinh tinh biết dùng thực vật mang dược tính để cải thiện tình trạng sức khỏe bản thân.
Để chắc chắn, ông đã thu thập và phân tích các mẫu phân tinh tinh. Kết quả cho thấy, số lượng trứng ký sinh trùng trong đó giảm đến 90% chỉ trong một ngày sau khi chúng nhai cây mjonso. Quả thực, loài cây này có chứa nhiều hợp chất với đặc tính diệt ký sinh trùng. Nhưng điều đặc biệt là nếu sử dụng với lượng lớn, nó có thể gây ngộ độc và dẫn đến tử vong. Quan sát thêm, Huffman còn phát hiện rằng bầy tinh tinh có xu hướng ăn loại cây này nhiều hơn vào những tháng mùa mưa ẩm ướt, cũng là thời điểm ký sinh trùng gây bệnh phát triển mạnh. Tất cả những quan sát trên cho thấy, tinh tinh không những biết loại cây nào có khả năng chữa bệnh, còn biết phải dùng bao nhiêu để không gây hại cho bản thân và biết khi nào thì cần dùng đến nó nhất.
Dù không phải người đầu tiên quan tâm đến vấn đề này, công trình dựa trên phát hiện tình cờ của Huffman lại đóng vai trò quan trọng cho sự hình thành và phát triển của ngành zoopharmacognosy. Đây là ngành nghiên cứu về cách thức động vật lựa chọn và tiêu thụ những thứ sẵn có trong tự nhiên để chữa trị tình trạng bệnh tật mà chúng mắc phải, hay ngắn gọn hơn là tìm hiểu về hành vi tự chữa bệnh của động vật (animal self-medication).
Thuật ngữ “zoopharmacognosy” vốn đã được nêu ra trước đó gần một thập kỷ, khi một số nhà linh trưởng học quan sát thấy nhiều loài tinh tinh thường nuốt trọn lá của một số loài thực vật mà không hề nhai. Họ cho rằng đó là cách chúng loại bỏ ký sinh trùng trong hệ tiêu hóa; nhưng lại chưa thể kiểm chứng giả thuyết đó. Về sau, nghiên cứu đã xác nhận phán đoán này là đúng. Các loại thực vật trên không chứa hoạt chất mang dược tính nào, và thậm chí còn không có cả giá trị dinh dưỡng (nghĩa là chúng nằm ngoài “thực đơn” thông thường của tinh tinh), nhưng lại có bề mặt lá thô ráp sần sùi hoặc sắc cạnh. Khi được nuốt trọn toàn bộ, chúng đóng vai trò giống những tờ giấy nhám, giúp “nạo vét” và tống khứ ký sinh trùng khỏi ruột khi được thải ra nguyên vẹn cùng với phân. Một số loài linh trưởng khác thậm chí còn ăn cả than củi hoặc đất (geophagy). Ngoài các khoáng chất thiết yếu, trong đất có chứa cao lanh (kaolin), cùng với than củi, đây là hai chất có khả năng diệt khuẩn và hấp thụ độc tố trong ruột khá mạnh.
Không chỉ mang mục đích trị liệu (therapeutic) nhằm vào một căn bệnh hay triệu chứng cụ thể hiện đang mắc phải; hành vi tự chữa bệnh còn có thể hướng đến việc phòng bệnh (prophylactic). Nhiều loài linh trưởng cỡ nhỏ, ví dụ khỉ capuchin, có hành vi chủ đích dùng những con cuốn chiếu (millipede) hoặc kiến bôi lên khắp người giống cách chúng ta sử dụng xà phòng. Cuốn chiếu tiết ra benzoquinone, còn kiến sản sinh acid formic, đều là các hợp chất có tác dụng chống côn trùng như muỗi, ve hay bọ chét rất tốt.
Liên quan đến sinh sản, một số nhà linh trưởng học có quan điểm rằng chúng thậm chí còn biết “kế hoạch hóa gia đình” và dùng hành vi tự chữa bệnh như một công kiểm soát trật tự xã hội trong bầy. Ví dụ, theo Kenneth Glander – giáo sư danh dự tại Đại học Duke, loài khỉ hú (howler monkey) ở Costa Rica sẽ tìm các loại thức ăn để điều chỉnh tính acid trong cơ quan sinh sản sau khi giao phối. Bằng cách thay đổi cân bằng pH, khỉ cái có thể gia tăng khả năng thụ tinh thành công của các tinh trùng mang NST Y, tạo ra nhiều con non mang giới tính đực hơn. Cần lưu ý rằng vấn đề cấp bậc xã hội trong đàn có tác động rất đáng kể đến khả năng sống sót và sinh sản của mỗi cá thể thuộc loài này. Ở mỗi cấp bậc, việc sinh con non đực hoặc cái sẽ mang giá trị chiến lược khác nhau. Việc quyết định giới tính trước khi sinh ra, vì vậy có thể mang đến cho con non những lợi thế nhất định, sau đó giúp nhân rộng nguồn gene của con mẹ ở thế hệ sau. Khỉ nhện lông mượt (woolly spider monkey) ở Brazil cũng được cho là có khả năng điều chỉnh khả năng sinh sản (ngừa thai hoặc tăng khả năng mang thai) bằng cách thêm vào chế độ ăn uống những loại thực vật nhất định.
Trường Y của Tự nhiên?
Tự nhiên sẽ luôn có cách, như trước nay vẫn vậy. Môi trường hoang dã tuy đầy rẫy thách thức, nhưng cũng không hề thiếu thốn những tài nguyên giúp ích cho sinh tồn. Vậy nên, câu hỏi quan trọng không phải là động vật sẽ nhai lá cây Y nào để chữa căn bệnh X, mà là làm thế nào chúng biết rằng bệnh X có thể chữa khỏi bằng lá cây Y? Tại sao chúng biết lá cây Y mang dược tính đặc hiệu, để mỗi khi mắc bệnh X lại tìm đến chính xác loại cây này? Cụ thể hơn, phải chăng những “kiến thức y học” này đã được ghi chép sẵn trong cuốn cẩm nang sinh tồn mang tên “Bản năng” mà mọi sinh vật sinh ra đều được mẹ Thiên nhiên trao cho, hay đó là kết quả từ quá trình học tập tích lũy của mỗi cá thể qua quan sát đồng loại và kinh nghiệm đối phó với những thử thách khắt khe của môi trường sống?
Huffman tin rằng, đây là hành vi đạt được nhờ học tập nhiều hơn là bản năng sẵn có. Tuy có bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa cảm nhận vị giác-khứu giác với khả năng xác định chính xác loại thực vật mang dược tính, nhưng trong trường hợp của Chausiku và cây mjonso, việc chọn đúng thôi là chưa đủ. Muốn hút được chất nước đắng, trước tiên nó phải tước bỏ lá, bóc vỏ ngoài, rồi nhai phần ruột cây bên trong. Quan trọng hơn cả, nó phải giới hạn việc hấp thu ở một lượng vừa phải, đủ để mang lại hiệu quả chữa bệnh, nhưng không quá nhiều đến mức bị ngộ độc. Tất cả những thứ phức tạp này chỉ có thể đạt được thông qua kinh nghiệm học được.
Về cơ bản, tinh tinh không thích vị đắng và còn có mức độ bảo thủ khá đáng kể trong thói quen ăn uống (tức tránh ăn món lạ). Do đó, chỉ có một khả năng rất nhỏ là trong bối cảnh khan hiếm thức ăn, tình cờ một cá thể tinh tinh bị bệnh thử ăn một loại thực vật mới và sau đó khỏe lại. Cá thể đó liên hệ tình trạng sức khỏe được cải thiện với việc ăn loài thực vật kia, rồi lặp lại mỗi khi gặp phải tình huống tương tự, từ đó tạo thành một hành vi mới. Thông qua học tập xã hội, quan sát lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là giữa con non và con mẹ, hành vi này dần lan rộng trong đàn và được kế thừa qua nhiều thế hệ.
Ngoài ra, một bằng chứng khác ủng hộ giả thuyết này là việc những đàn tinh tinh riêng biệt, tuy phân bố lân cận trong cùng một khu vực, có cùng một “tủ thuốc” với thành phần thực vật giống nhau cho tất cả, nhưng lại lựa chọn sử dụng những loại thực vật cụ thể khác nhau. Điều đó cho thấy, kiến thức về thảo dược không phải một thứ chung nhất tồn tại sẵn từ trước.
Tuy vậy, câu trả lời này chỉ tạm thời phù hợp trong phạm vi các loài linh trưởng.
Khả năng tự chữa bệnh của động vật không chỉ giới hạn ở những họ hàng gần của con người, và càng không gói gọn trong một vài kiểu hành vi như các ví dụ được dẫn ở phần trước. Việc ăn các loại thực vật để cải thiện các triệu chứng tiêu hóa và đường ruột cũng tồn tại ở nhiều động vật có vú khác, và hành vi ăn đất cho mục đích tương tự cũng xuất hiện ở nhiều loài vẹt. Hàng trăm loài chim biết quặp kiến vào mỏ bôi lên lông vũ, hay thậm chí lăn tròn vào tổ kiến để acid formic bám lên cơ thể giúp chúng ngăn ngừa chấy rận. Chim ô tác lớn đực (great bustard) ăn bọ ban miêu (blister beetle) để tăng khả năng thu hút bạn tình, bất chấp độc tố chết người của chúng. Voi ở Kenya khi mang thai biết chính xác loại lá cây nào có thể giúp kích thích chuyển dạ. Hay một số loài thằn lằn còn được cho là biết tìm ăn rễ cây có khả năng kháng lại nọc độc của rắn.
Việc tìm thấy nhiều loài động vật có khả năng tự chữa bệnh, một lần nữa cho thấy sự kỳ diệu của tự nhiên, nhưng đồng thời cũng khiến câu hỏi về cơ chế đằng sau hành vi này trở nên phức tạp hơn nhiều.
Với khả năng trí tuệ và nhận thức có thể được xem là vượt trội hơn so với phần còn lại của thế giới động vật, không khó hiểu khi các nghiên cứu về hành vi tự chữa bệnh trước nay phần lớn xoay quanh các loài linh trưởng như tinh tinh hay vượn. Nhưng không phải chỉ những sinh vật thông minh – ít nhất là theo cách chúng ta vẫn thường đánh giá, mới có thể hình thành những hành vi phức tạp nhờ học tập.
Loài cừu có thể cung cấp một ví dụ về hành vi tự chữa bệnh đạt được thông qua học tập cá nhân. Được truyền cảm hứng từ các công trình của Huffman, nhà khoa học Juan Villalba thuộc Đại học bang Utah cũng tiến hành nhiều nghiên cứu về hành vi tự chữa bệnh của loài nhai lại “ngây thơ khờ khạo” này.
Trong một thí nghiệm, những con cừu bị cho nhiễm ấu trùng ký sinh được chia thành hai nhóm. Một nhóm được cho ăn thức ăn trộn tannin, có tác dụng diệt ký sinh trùng và nhờ đó dần khỏi bệnh, nhóm còn lại được cho ăn thức ăn bình thường. Sau một thời gian, tất cả bị cho nhiễm ký sinh lần nữa, rồi được chọn lựa giữa thức ăn thường và thức ăn có chứa tannin. Kết quả là những con cừu thuộc nhóm thí nghiệm trước đó từng được chữa khỏi nhờ tannin sẽ ưu tiên chọn loại thức ăn có chứa chất này hơn, gợi ý rằng chúng đã hình thành sự liên hệ giữa tannin với tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng. Cần lưu ý rằng trong điều kiện bình thường, cừu cũng ngại thử thức ăn mới lạ (neophobic), và những loại cỏ chứa tannin thường không hề được chúng để mắt tới, vì chất này gây ra vị chát và cảm giác se lưỡi khá khó chịu (giống như khi uống rượu vang đỏ).
Kết quả tương tự cũng xảy ra trong một nghiên cứu phức tạp hơn: cừu được cho ăn 3 loại thức ăn A, B, C có trộn các chất gây trạng thái khó chịu (có cả tannin), sau đó là thức ăn chứa các chất A’, B’, C’ giúp thuyên giảm từng trạng thái khó chịu đó. Khi gặp lại một trạng thái khó chịu bất kỳ, ví dụ B, những con cừu trong nhóm thí nghiệm sẽ ăn nhiều thức ăn chứa chất B’ hơn, dù cả 3 lựa chọn đều được đưa ra đầy đủ. Đồng tình với Huffman, Villalba cũng cho rằng hành vi tự chữa bệnh ở cừu đến từ quá trình học tập cá nhân, sau đó được củng cố và nhân rộng nhờ sự lan truyền xã hội trong đàn.
Dù chỉ là thí nghiệm trong bối cảnh chuồng trại nhỏ và có sự can thiệp, trợ giúp phần nào của các nhà nghiên cứu, các kết quả trên vẫn cho thấy khả năng phản ứng để thích nghi của động vật có thể diễn ra nhanh đến mức nào. Một trường hợp khác có thể kể đến là chim sẻ ở thành phố Mexico City. Cũng giống với nhiều loài chim khác, chúng có hành vi mang các loại thực vật có tính diệt khuẩn hoặc chống côn trùng gây hại về lót tổ, với mục đích bảo vệ trứng và con non. Nhưng thứ vật liệu mà lũ chim sẻ chọn ở đây là các mẫu đầu lọc thuốc lá chứa nicotine, vốn cũng là một chất có tính kháng sâu hại. Hành vi này chắc chắn chỉ mới được hình thành rất gần đây, ít nhất phải sau sự xuất hiện của thuốc lá đầu lọc.
Độ phức tạp về nguồn gốc của cơ chế tự chữa bệnh ở động vật, thực ra lại tỷ lệ nghịch với kích thước não bộ của loài sở hữu hành vi này, nhất là khi xét đến trường hợp của côn trùng.
Ở các ví dụ đã nêu phía trên, hành vi tự chữa bệnh thường chỉ có tác dụng đối với một cá thể duy nhất. Nhưng với côn trùng, hành vi này lại có thể mang ý nghĩa phòng bệnh cho cả cộng đồng. Kiến và ong mật đặc biệt ưa thích việc thu thập nhựa cây mang về tổ. Không phải để làm vật trang trí hay sáp thơm, đây chính là cách để chúng ngăn ngừa ký sinh trùng xâm nhập và gây bệnh cho cả đàn.
Không những vậy, một số loài còn chủ động giúp thế hệ sau tránh được căn bệnh chúng đang gặp phải. Ở bướm vua (monarch butterfly), nhiễm phải ký sinh trùng Oprhyocystis elektroscirrha sẽ tạo thành các mảnh vảy phủ dày đặc trên thân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bay và cuối cùng sẽ giết chết con bướm. Bản thân con bướm mắc bệnh chắc chắn không thể làm gì khác để cứu vãn tình hình. Nhưng để tránh lây sang bướm con, những con bướm mắc bệnh sẽ đẻ trứng trên những cây bông tai (milkweed) có chứa cardenolide, hợp chất có thể loại bỏ ký sinh trùng gây hại. Khi trứng nở, ấu trùng ăn lá cây cũng sẽ hấp thụ chất này và thoát khỏi căn bệnh quái ác đang chực chờ. Điều đáng nói là chi cỏ bông tai (danh pháp khoa học là asclepias) gồm rất nhiều loài khác nhau, có lẫn không có tính kháng ký sinh, nhưng những con bị nhiễm sẽ có xu hướng chọn những cây mang dược tính mạnh hơn để đẻ trứng. Rất có thể đây là một cơ chế mang tính di truyền: tình trạng nhiễm ký sinh trùng dẫn đến sự thay đổi về mặt sinh lý, khiến bướm vua nhạy cảm hơn với mùi hương và chọn được cây cỏ bông tai phù hợp.
Điều tương tự cũng diễn ra trong cuộc chiến giữa ruồi giấm và ong bắp cày. Ong bắp cày có cách sinh sản khá ghê rợn khi đẻ trứng trực tiếp vào những con côn trùng khác, và cơ thể lỗ chỗ của nạn nhân xấu số sau khi trứng nở sẽ trở thành thức ăn cho lũ ấu trùng ong. Để tránh kết cục bi thảm này, ruồi giấm cái sẽ đẻ trứng ở những nơi có nồng độ cồn cao, ví dụ trái cây thối rữa (tiết ra cồn ethanol), vì ong bắp cày có khả năng chịu cồn khá kém. Đặc biệt, sự thay đổi hành vi đẻ trứng này của ruồi chỉ xảy ra khi chúng nhận thấy sự hiện diện của ong bắp cày cái.
Kể cả khi bỏ qua sự tương quan giữa năng lực nhận thức và khả năng hình thành hành vi mới từ kinh nghiệm, việc tự chữa bệnh ở côn trùng khó có thể nảy sinh nhờ quá trình học tập cá nhân. Xét trên vòng đời tương đối ngắn của côn trùng nói chung và thời gian chăm sóc con non hạn chế của bướm vua và ruồi giấm nói riêng (không có sự tiếp xúc, nuôi dưỡng con non sau khi đẻ trứng), việc truyền lại các hành vi phòng bệnh cho thế hệ sau hầu như là không thể, gợi ý rằng các cơ chế này đã hình thành nhờ quá trình tiến hóa, một dạng bản năng sinh tồn mạnh mẽ liên quan trực tiếp đến sự sống còn.
Nhân tiện nhắc đến cồn, voi, khỉ (lại là bọn khỉ) và nhiều loài khác cũng biết… say xỉn. Nói đến việc phê pha, tất nhiên không thể không nhắc đến lũ mèo và cây catnip. Và gần đây hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng cá heo cũng có những cuộc truy hoan “chơi bóng” và “get high” tập thể bằng cách chuyền nhau cắn những con cá nóc (pufferfish) tội nghiệp. Ở nồng độ thấp, chất độc thần kinh mà cá nóc tiết ra dường như gây cho lũ cá heo cảm giác hưng phấn và ảo giác.
Những triển vọng và bài học cho con người.
Chắc chắn sẽ còn nhiều thứ bất ngờ để khám phá về hành vi dùng thuốc của động vật. Con người, suy cho cùng cũng chỉ là một sinh vật tồn tại bên trong và tuân theo những quy luật của tự nhiên. Khi nói về bệnh tật, thực ra con người và động vật có rất nhiều điểm tương đồng, chúng cũng mắc những căn bệnh giống chúng ta. Và vì vậy, nghiên cứu hành vi tự chữa bệnh của động vật đang mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển của nền y học, và điều này thực chất đã diễn ra từ rất lâu.
Ông nội của Kalunde (Kalunde là cộng sự của Huffman, nêu ở đầu bài viết) – một thầy lang trong cộng đồng người WaTongwe bản xứ, cho biết đã tìm ra thuốc chữa kiết lỵ khi quan sát một con nhím bị bệnh tìm ăn một loại rễ cây và hồi phục. Câu chuyện đó, cùng với kiến thức về nhiều loại thảo dược ở nhiều nền văn hóa, khiến Huffman tin rằng nền y học dân tộc cổ truyền của con người có thể bắt nguồn chính từ việc quan sát và học theo hành vi tự chữa bệnh của động vật.
Cây mjonso, hay chính xác là vernonia amygdalina, hóa ra không chỉ có tác dụng trừ giun sán, còn là đối tượng đang được nghiên cứu áp dụng vào chữa trị ung thư thông qua khả năng ức chế sự phát triển của khối u. Chất cardenolide trong cây cỏ bông tai, cứu tinh của bướm vua, ngoài tác dụng kháng ký sinh còn đang được sử dụng như chất giảm đau và hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các nghiên cứu về cừu của Villalba cũng có thể mang đến ý tưởng cho những thay đổi ở ngành chăn nuôi, đặc biệt là với các gia súc ăn cỏ. Bằng cách cung cấp thêm nhiều loại thực vật mang dược tính thay vì chỉ xoay quanh một số loại thức ăn chính, vật nuôi có thể sẽ tự chữa bệnh cho chúng mà không cần tiêu tốn chi phí thuốc men cũng như sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các chủng khuẩn kháng kháng sinh. Ngoài ra, việc bố trí trồng những loại cây có dược tính để diệt sâu hại và kiểm soát dịch bệnh, hoặc hỗ trợ các loài có ích (ví dụ trồng các cây họ tùng bách để cung cấp nhựa cây cho ong mật – loài thụ phấn quan trọng trong nông nghiệp) cũng là một hướng nghiên cứu ứng dụng giàu tiềm năng.
Nhưng trên tất cả, khi nhìn vào hành vi tự chữa bệnh của động vật, có thể thấy sự đề cao tính “thực nghiệm”, thử-sai liên tục của chúng khi đối mặt với thiên nhiên khốc liệt. Có thể chúng đã mắc những sai lầm, có thể chúng chỉ thu được kết quả vừa phải, nhưng ít ra vẫn tiến bộ hơn những thứ niềm tin cứng nhắc, sai lầm và bảo thủ của một số người.
Trong khi các loài động vật liên tục thử-sai, sẵn sàng mạo hiểm để tìm ra phương pháp chữa những bệnh đơn giản cho bản thân và cho giống loài của mình; trong thế giới loài người, nơi khoa học phát triển và y học đã thành công đẩy lùi nhiều căn bệnh nguy hiểm, nhiều người lại chọn cách vứt bỏ tư duy lý tính và đối đầu với sự tiến bộ của nhân loại, để bám víu vào những thứ như anti vaccine, hoặc lựa chọn cầu nguyện thay vì đến bệnh viện.
Điều trớ trêu ở đây là, rất có thể bài học về các phương pháp chữa bệnh của động vật lại là thứ truyền cảm hứng cho những người theo đuổi lối sống “thuận tự nhiên” phản khoa học. Vì vậy, độc giả hãy lưu ý rằng tất cả những thành tựu y học lớn nhất của động vật đều không thể so được với con người. Chúng ta bất ngờ với việc loài khỉ biết cách ăn lá để diệt ký sinh trùng trong bao tử, đơn giản vì ta chưa bao giờ có kỳ vọng quá cao về chúng, còn chuyện “diệt ký sinh trùng trong bao tử” với con người chỉ là một viên thuốc giá vài nghìn đồng, không có gì đặc biệt.
Tất cả những gì chúng ta nên học ở động vật là ý tưởng cốt lõi đề cao thực nghiệm và ý chí sinh tồn mãnh liệt, còn những thành tựu cụ thể, hãy tin tưởng ở con người.
Bài viết hữu ích
Tiếng gọi nơi hoang dã 2020: bộ phim người yêu động vật không thể bỏ qua
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jack London, Tiếng gọi nơi hoang dã có...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK