Bắc Macedonia đã lên cơn sốt sau khi lão tướng Goran Pandev ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển nước này trong lần đầu tham dự EURO. Bàn thắng vào lưới Áo đó không giúp họ có 3 điểm (họ thua 1-3), nhưng cũng đủ để khiến họ tự hào và khiến người ta chú ý đến họ, đất nước cũng có một đội tuyển bóng đá chứ không chỉ là một quốc gia nhỏ bé với 25 nghìn km2 và hơn 2 triệu dân quanh năm suốt tháng gặp rắc rối với những nước láng giềng về rất nhiều vấn đề.
Những rắc rối bao quanh
Bị kẹp ở giữa một loạt quốc gia, phía Nam là Hy Lạp, phía Tây Bắc là Albania, phía Bắc là Kosovo và Serbia, và Đông Bắc là Bulgaria, đất nước này đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991, tách ra từ Liên bang Nam Tư, họ đã vướng vào một tranh cãi dài gần 3 thập kỉ với Hy Lạp xung quanh tên gọi “Macedonia”. Chính phủ Athens phản đối việc Macedonia, lúc ấy tự gọi mình là Cộng hoà Macedonia, sử dụng những biểu tượng của đế quốc Macedonia trong quá khứ như Alexander Đại đế để làm hình ảnh cho mình (Hy Lạp cũng có tỉnh Macedonia, mà họ khẳng định rằng, Alexander Đại đế, người đã chinh phục thế giới cách đây 2.300 năm, sinh ra ở tỉnh này). Athens lo ngại rằng, nếu cái tên Macedonia được công nhận, nó có thể dẫn đến những bất ổn trong khu vực, khi chính phủ Skopje có thể đưa ra các yêu sách đòi lấy thêm cả tỉnh Macedonia của Hy Lạp, cũng như một phần lãnh thổ các nước xung quanh.
Macedonia rốt cuộc phải lấy tên FYROM Macedonia (Cộng hoà Macedonia thuộc Nam Tư cũ). Tranh chấp giữa Hy Lạp và nước này chỉ được giải quyết khi Skopje chấp nhận tên “Bắc Macedonia” vào năm 2018. Nhưng không chỉ có vậy, 1/3 dân số Bắc Macedonia là người Albania. Đã có những xung đột giữa họ và cộng đồng người Macedonia gốc Slave suýt nữa dẫn đến nội chiến vào những năm cuối thập niên 1990. Trong cộng đồng này, chiếm 2/3 dân số đất nước, vẫn có những lo ngại về chủ nghĩa ly khai và nỗi sợ rằng, cộng đồng người Albania sẽ tách ra đòi độc lập hoặc nhập vào cộng hoà Albania. Bắc Macedonia cũng có những căng thẳng với Serbia, trong khi Bulgaria từ chối công nhận bản sắc của Macedonia. Nếu Bắc Macedonia gia nhập EU, tiếng Macedonia sẽ là một thứ tiếng chính thức của khối và người Bulgaria không chấp nhận điều này.
Đất nước nhỏ với niềm tự hào lớn lao
Nhưng Bắc Macedonia ủng hộ đội tuyển của họ, coi đội bóng ấy là sự thể hiện bản sắc của mình, và là một hình ảnh để thế giới nhìn thấy. Đêm qua, họ đã chơi rất hay, dù không thắng. Còn đất nước Bắc Macedonia thì không giàu như các quốc gia khác dự EURO, nhưng họ có những niềm tự hào lớn lao. Nhà mình đã từng đến đây mấy năm trước, ở trong một căn hộ khá sung túc. Cô chủ nhà bảo, Macedonia nằm ở gần cuối bán đảo Balkan, là một trong những nước nghèo nhất trong Nam Tư ngày trước, nhưng Macedonia có thiên nhiên ưu đãi, có môi trường trong sạch và mức sống thấp, nên cái gì cũng rẻ. Mà đúng là rẻ thật. Cả nhà mình ăn một bữa túy lúy đồ truyền thống Macedonia trong một quán ở gần trung tâm Skopje mà chỉ hết hơn 20 euro, tức là chỉ tầm gần 600 nghìn tiền mình. Quán nhỏ, đẹp, có anh bồi bàn tên Bube rất dễ thương, ưỡn ngực tuyên bố, thần tượng lớn của anh là Goran Pandev.
Con đường từ biên giới Bulgaria để đến Skopje rất xấu. Rời khỏi Sofia, cao tốc không còn tồn tại nữa. Càng xuống dưới Đông Nam Âu, các con đường càng tệ, lồi lõm ổ gà và hai bên đường cây xơ xác. Vào đến lãnh thổ Macedonia, qua một khu kiểm soát đường biên có mấy anh hải quan nhìn mặt hiền lành như mấy anh Vova, con đường đến Skopje chạy qua các thị trấn nghèo xơ xác và buồn tẻ. Nhưng cảnh núi rừng thì tuyệt vời. Khi xe chạy qua những cung đường đẹp như mơ ấy, trên đài phát thanh Macedonia, tiếng những bản valse của Johan Strauss vang lên thật lãng mạn và thanh bình.
Skopje hiện ra ở cuối chân trời. Thành phố này thật mới, thật lạ và rất hoành tráng. Hầu như các công trình lớn của nó đều được xây mới trong vòng 10 năm qua, khi người ta bắt đầu quá trình xây dựng bản sắc quốc gia một cách mạnh mẽ chưa từng có. Bị kiện cáo liên miên với Hy Lạp, Macedonia đã cho xây một khu hành chính Skopje vô cùng đồ sộ, với tượng đài Alexander Đại đế ở trung tâm thành phố, dựng hàng loạt tượng đài khác của các danh nhân văn hóa và lịch sử nhằm khẳng định rằng, chính họ mới là cái nôi của một nền văn minh to lớn bên cạnh Hy Lạp.
Trong một khu hành chính không lớn, là những quảng trường, tượng đài, các con đường, những tòa nhà khổng lồ xây theo kiến trúc như từ thời Macedonia ngày xưa. Buổi tối, những công trình kì vĩ bên sông Vardar lung linh ánh đèn. Lúc ấy, mình thầm hỏi rằng tại sao một đất nước nhỏ và chưa giàu như họ lại có thể xây những công trình khổng lồ như thế mà nguời dân chỉ thấy hạnh phúc. Các thăm dò dư luận cho thấy, người dân ở đây cảm thấy tự hào hơn vì nguồn gốc dân tộc và vùng đất, và rất ít người cho rằng, các công trình này là lãng phí và vô ích.
Nhưng vì không phải ai cũng có thể đến được với mảnh đất này, nên đem cái tên Bắc Macedonia đến thế giới là điều mà họ mong mỏi. Tại EURO 2020 này, họ có một đội tuyển, và nếu trong 2 trận còn lại trong bảng, Pandev và các đồng đội làm nên một điều kì diệu nào đó, đất nước nhỏ bé này sẽ lại lên bản đồ thế giới một lần nữa, và ăn mừng nhiều đêm…
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK