“Cây cầu trên hồ hoa súng” (1899) của Claude Monet (1840-1926) là một trong những bức tranh gây ấn tượng nhất cho tôi về trào lưu hội hoạ ấn tượng.
Một cây cầu bắc ngang qua một hồ nước, trên đó hoa súng đang nở trong những mầu sắc đậm nhạt chỗ trắng chỗ hồng, chỗ lại đỏ, và màu xanh in hình trên mặt nước là màu của trời, của lá mùa thu, màu xanh của cỏ và hoa. Tất cả quyện lẫn trong một không gian của rất nhiều màu sắc chỗ đậm chỗ nhạt, nhưng dường như đang nhoà đi hệt như khi ta chứng kiến tất cả bức tranh tuyệt đẹp, lãng mạn nhưng man mác buồn này qua một ô cửa sổ có vệt nước mưa.
“Cây cầu trên hồ hoa súng” (1899) là một trong những tuyệt tác của Claude Monet (1840-1926), một trong những hoạ sĩ tiêu biểu của trường phái ấn tượng. Ông vẽ chính hồ hoa súng ở nhà mình tại Giverny, một ngôi làng nằm bên một nhánh sông Seine ở cách Paris 60 km.
Ông vô tình đi qua đây đầu những năm 1880 và ngay lập tức chết mê chết mệt vì vùng đất nhỏ đầy các ao hồ và đầm nước này. Ông đến đây vào năm 1883, thuê một căn nhà vườn rất lớn và rồi mua lại vào năm 1890, để rồi dần dần qua năm tháng, với tư cách là một người rất thích làm vườn, chính ông thiết kế và tạo ra những khu vườn Nhật Bản tuyệt đẹp trong khu nhà rộng rãi của mình.
Claude Monet bắc một cây cầu kiểu Nhật qua ao, rồi sơn xanh nó, để rồi nó trở thành nguồn cảm hứng bất tận khi được mô tả chi tiết và đầy say mê trong những bức tranh của ông.
Ông vẽ cây cầu bắc qua vùng nước này lần đầu vào năm 1895 và rồi rất nhiều bức khác, trong đó có bức này được vẽ vào năm 1899. Trong những bức tranh ấy, hồ nước và cây cầu chan hoà màu sắc, với hoa nở hoặc tàn trong những mùa được mô tả ở đó và khiến không chỉ những bức tranh ấy, mà cả Giverny trở nên nổi tiếng.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức “Cây cầu trên hồ hoa súng” của Monet là khi học lớp 5, trong một cuốn sách khá dày về hội hoạ của một sinh viên mỹ thuật. Tôi mê bức tranh này từ hồi đó và hăm hở “nghiên cứu” về trào lưu hội hoạ ấn tượng, để rồi sau khi thích Monet thì thấy Manet, Degas, Renoir, Seurat cũng vẽ rất “ấn tượng”, và rồi Van Gogh, một đại diện tiêu biểu khác của trào lưu này, làm tôi xúc động.
Trong những năm sống ở Châu Âu là rất nhiều những chuyến đi đến các bảo tàng, đến thăm mộ của các vĩ nhân, và cả những chuyến đi đến các nơi đã từng gắn liền với cuộc đời và sáng tác của họ.
Vì bức tranh này mà nhà tôi đã đến Giverny. Đó là một ngày tháng Bảy nắng rất đẹp và ngôi làng nhỏ bừng lên trong biết bao nhiêu là màu sắc của trời và của hoa, rất nhiều hoa, đủ các thứ màu đang khoe sắc.
Nhưng khi tôi đến hồ hoa súng trong bức tranh bất hủ hiện đang được treo ở bảo tàng MET, New York ấy, trời bỗng nhiên xám xịt lại, có chút mưa, và rồi bỗng nhiên khung cảnh trước mắt hệt như chính bức tranh tôi đã yêu thích từ nhỏ.
Những vệt nước bắn lên kính, bầu trời tối một chút, và bức tranh của Monet trên cảnh thật hiện ra trước mặt. Nó tạo ra một cảm giác thật sự ngỡ ngàng và xúc động, hệt như cảm giác tôi đã từng có sau khi nghe trên radio của ô tô bản “I like Chopin” của Gazebo chỉ vài phút sau khi đến thăm trái tim nhạc sĩ Chopin ở nhà thờ Thánh tâm ở Warsaw, Ba Lan.
Monet chính là người đã mở đầu cho trào lưu ấn tượng bằng bức tranh “Ấn tượng, bình minh” vẽ khung cảnh một buổi sáng ở cảng Le Havre năm 1872.
Trong bức tranh, hơi nước, sương mù và khói bốc lên từ những ống khói tàu quyện vào nhau, trên nền trời hồng hồng và tôi tối có mặt trời đỏ ối nhô lên. Mặt trời soi bóng xuống nước và những màu sắc ảm đạm của buổi sáng nhìn cứ như đang rung rinh, dao động và buồn tẻ.
Hai năm sau, một nhật báo châm biếm đã tưởng tượng ra một cuộc trò chuyện giữa tác giả bài báo và hoạ sĩ Joseph Vincent, trong đó nói về bức “Ấn tượng, bình minh” rằng, “Bức tranh sơn dầu này vẽ cái gì thế? Ồ, nhìn này, “Ấn tượng, bình minh”. Tôi không rõ nữa. Tôi tự nhủ rằng, đấy phải là một ấn tượng, bởi vì tôi cảm thấy ấn tượng”.
Những câu đùa ấy hoá ra đã đặt tên luôn cho trào lưu mà Monet đã vô tình mở ra. Nó không được đánh giá cao vào lúc đầu, bị chỉ trích mạnh mẽ, bởi người ta đã quen với việc xem một bức tranh thì phải biết rõ nó vẽ cái gì, chứ không thể mờ mờ ảo ảo như thế này được.
Sau này, Renoir, một người bạn và cũng là “đồng chí” của Monet trong trào lưu này, kể lại rằng, khi bị đánh giá tiêu cực về bức “Ấn tượng, bình minh”, Monet nhún vai và thốt lên, “những kẻ mù dở này muốn nhìn thấy tất cả phải rõ ràng trong sương mù!”. Ông chẳng quan tâm, tiếp tục đi theo cách vẽ của mình, tạo ra một phong cách sáng tác mới, và rồi thành công vang dội, truyền cảm hứng cho rất nhiều hoạ sĩ cùng thời.
“Cây cầu trên hồ hoa súng” là một thành công lớn như thế…
Xem thêm:
- Graffiti – Từ mỹ thuật tội lỗi đến hội họa hiện đại
- Nghệ thuật và văn hóa bộ tộc Dogon: Nguồn cảm hứng của Pablo Picasso
- Những điều cần biết về sưu tập nghệ thuật Đông Nam Á