Khi nhắc đến Graffiti, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ đến những hình vẽ nguệch ngoạc trên các bức tường, cùng với giai điệu của nhạc hip-hop và các điệu nhảy breakdance. Nhưng giờ đây, graffiti đã là một bộ môn hội họa nghiêm túc và góp phần đáng kể vào sáng tạo nghệ thuật trên toàn thế giới.
“Không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ nơi nào trên thế giới, graffiti ban đầu đều được hiểu là một hình thức phá hoại. Tuy nhiên, mọi người sẽ dần nhận ra được sự sáng tạo trong graffiti và việc đó cần cả một quá trình. Nhờ vào graffiti, nhiều người trẻ – kể cả trẻ em – có cơ hội được thể hiện khả năng sáng tạo và cái tôi của chính mình thay vì chỉ ngồi liên tục trước màn hình máy tính.” – Cyril Kongo.
Graffiti là gì?
Graffiti là một từ tiếng Anh, có gốc là từ Graffito trong tiếng Latin có nghĩa là hình vẽ trên tường. Graffiti ngày nay là một trong bốn trụ cột của văn hóa hip-hop, để nói tới nghệ thuật vẽ tranh trên tường (chủ yếu) bằng bình sơn xịt.
Sự ra đời của Graffiti
Cùng thời điểm với sự ra đời của hip-hop, Graffiti xuất hiện lần đầu ở New York cũng vào những năm 1970, tuy nhiên lúc này vẫn chưa được coi là một hình thức thuộc văn hóa hip-hop.
Nghệ sĩ Graffiti sử dụng những bình sơn xịt, bút marker để tạo những bức vẽ mang đậm tính cá nhân trên các bức tường, tàu điện ngầm, ô tô,…
Graffiti còn có tên gọi khác là Art Crimes (mỹ thuật tội lỗi) bới nó còn gây nhiều tranh cãi liệu có phải đang gây mất thẩm mỹ và phá hoại cảnh quan công cộng hay không.
Cuối những năm 1980, những người tiên phong của hip-hop cho rằng văn hóa thanh niên thành thị là phải “sôi động, biến đổi và cấp tiến”.
Cùng lúc đó, Graffiti hiện đại, mang tính cách mạng, theo chủ nghĩa táo bạo như hip-hop, đã trở thành hình thức nghệ thuật thị giác chính thức của hip-hop. Graffiti, rap, breakdance, DJ thực sự là những kết tinh của cùng một thực tế.
Graffiti hiện đại
Vào giữa những năm 1980, các nghệ sĩ ở New York như Keith Haring và Jean-Michel Basquiat trình làng những bức vẽ Graffiti trứ danh, bộ môn này bắt đầu được công chúng nhìn nhận nghiêm túc hơn.
Graffiti dường như bùng nổ khi bước vào thế kỷ 21, đặc biệt là với các nghệ sĩ đường phố đã bắt đầu hành trình graffiti của họ từ những năm 1990. Vào cuối thế kỷ 20, Shepard Fairey và Banksy là hai nghệ sĩ đã thay đổi bộ mặt của nghệ thuật đường phố.
Giờ đây, nghệ thuật graffiti đã có mặt trên toàn thế giới. Rất nhiều nghệ sĩ graffiti mạo hiểm sự an toàn của họ để sáng tạo nghệ thuật vì nó vẫn còn là hình thức bất hợp pháp ở một số quốc gia.
Một số chủ đề trong nghệ thuật của họ bao gồm sự bất công, khoảng cách giàu nghèo và vi phạm nhân quyền. Đôi khi, nghệ thuật graffiti mang đến những vấn đề chính trị và xã hội cho một lượng lớn khán giả hoặc đơn giản nghệ thuật graffiti giải trí cho người xem và trang trí các bức tường thành phố.
Nghệ sĩ Graffiti hiện đại tiêu biểu
Nếu trong âm nhạc các nhà sản xuất, nhãn đĩa, DJs, rappers đã xuất sắc đưa hip-hop lên vị thế top 3 loại hình âm nhạc ăn khách nhất các bảng xếp hạng đương đại, thì trong hội hoạ, có những nghệ sĩ đường phố trong thế kỷ 20 đã bắt đầu nỗ lực đưa graffiti vào thế giới của các phòng trưng bày như Keith Haring và Jean-Michel Basquiat.
Nhưng phải đến đầu thế kỷ 21, các nghệ sĩ đường phố mới dần có chỗ đứng trong lãnh địa này, trong đó Cyril Kongo là một cái tên tiêu biểu. Thuộc thế hệ những nghệ sĩ graffiti đời đầu tại Pháp, Kongo luôn nỗ lực tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng đưa graffiti vượt ra khỏi cái nhìn khắt khe của giới nghệ thuật, trở thành một môn nghệ thuật được công nhận.
Kongo chia sẻ:
“Khi tôi 16 tuổi, hip-hop bước vào cuộc sống của tôi thông qua những người bạn vừa trở về từ New York với phong cách và thể loại âm nhạc mới. Năng lượng của họ rất lớn. Graffiti là một yếu tố của hip-hop, và một cách tự nhiên, tôi đã bị nó cuốn hút.”.
Trở lại Pháp cuối những năm 1980, Kongo bỏ học, bắt đầu sự nghiệp bằng cách vẽ trên mọi bức tường ở thủ đô và vùng ngoại ô Paris.
Những năm 80s khi mà Kongo hăng say hoạt động thì cũng là lúc văn hoá hip-hop lan rộng. Đây cũng là giai đoạn mà các phương tiện truyền thông chính thống chưa chấp nhận hip-hop, quy chụp rằng văn hoá này kích động bạo lực thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, đó là do họ đã chưa hiểu được ý nghĩa văn hóa cốt lõi của hip-hop. Thập niên 70 thì xã hội Mỹ vẫn còn tàn dư tư tưởng phân biệt chủng tộc và hip-hop là tiếng nói một của các khu dân cư da màu bị chính quyền bỏ quên mong xoá bỏ sự bất bình đẳng chủng tộc.
Nhiều nhà phê bình đánh đồng rapper với côn đồ nhưng nhìn về khía cạnh khác, Rap giúp một người da màu yếu thế cảm thấy được an ủi và kiểm soát phần nào số phận của chính mình. Đối với một đứa trẻ da màu không chọn được nơi mình sinh ra phải chịu sự bất công thì rap có thể giúp giải toả được cảm giác gần như hư vô về sự thất vọng, tuyệt vọng và thịnh nộ khi xung quanh là đói nghèo, tệ nạn và ma tuý. Mục đích của lời bài hát bạo lực không phải để ca ngợi bạo lực mà là để răn đe nó.
Hai năm sống ở đất nước châu Phi Congo đã giúp Kongo hiểu được văn hóa lịch sử của những người da đen và thấm nhuần tư tưởng phải cất lên tiếng nói của bản thân. Hơn thế anh cũng hiểu rằng, người da đen tuy bị áp bức nhưng họ đã tự tạo nên một nền văn hóa toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nền công nghiệp khác, và tự họ đã có thể mở đường làm giàu cho bản thân, phá vỡ những định kiến và hoàn cảnh xã hội lịch sử áp đặt lên họ.
Và Kongo cũng đã dấn thân, trở thành một trong những thủ lĩnh thúc đẩy phong trào graffiti. Trong bối cảnh graffiti bị nhìn nhận như hành động phá hoại, năm 2002, Kongo cùng nhóm MAC tổ chức Festival Graffiti quốc tế đầu tiên tại Pháp mang tên Kosmopolite, thể hiện tiếng nói của nghệ sĩ chân chính, tôn vinh nét đẹp môn nghệ thuật này.
Hip-hop hiện đại hay quá khứ đều mang nhiệm vụ truyển tải những suy nghĩ, quan điểm và những trải nghiệm về cuộc sống. Thậm chí, hiện nay những ca từ trong các bài Rap còn được xem như một phương thức chữa lành, trị liệu cảm xúc.
Bản thân là một nghệ sĩ Graffiti, Kongo luôn muốn truyền tải tinh thần joie de vivre – tận hưởng cuộc sống một cách phóng khoáng – thông qua những tác phẩm của mình. Hơn thế, xem tranh của Kongo không chỉ là để hướng đến những năng lượng tích cực, mà còn là để học hỏi thêm triết lý và những kiến thức mới.
Trong một triển lãm mở màn đại hội nghệ thuật Art Moments ở Jakarta (Indonesia), Kongo giới thiệu các tác phẩm chủ đề “Gourmandise”, khai thác ý tưởng về sự tham lam và khoái lạc. Kongo còn sáng tác những bức tranh truyền tải khái niệm tài chính điện tử như bitcoin và blockchain, hay chủ đề vật lý lượng tử và loạt tranh chủ đề “Love” diễn tả sự thật, tình yêu và hạnh phúc đối chọi với nỗi buồn, hận thù.
Khám phá:
Mỹ thuật chân dung: Nơi lưu giữ nguồn cảm xúc vượt thời gian
Tình dục trong nghệ thuật đương đại
Loạt tranh vẽ Đen Vâu ‘trốn tìm’ khiến cộng đồng mạng thích thú
–
MENBACK.COM