Bức tranh “Chiếc xích đu” của hoạ sĩ người Pháp Jean-Honoré Fragonard là một tuyệt tác đại diện cho trào lưu nghệ thuật Rococo, phản ánh chân thực cuộc sống phù phiếm đương thời của giới quý tộc.
Có một bức tranh thu hút sự chú ý đặc biệt của tôi khi lần đầu nhìn thấy nó cách đây rất nhiều năm: màu sắc tươi sáng, nên thơ và êm dịu; niềm vui sướng và vô lo thể hiện trên khuôn mặt của các nhân vật, và bao trùm lên tất cả là một không khí ăn chơi đầy khoái lạc.
“Chiếc xích đu” – Jean-Honoré Fragonard
Đây là bức “Chiếc xích đu” của hoạ sĩ người Pháp Jean-Honoré Fragonard (1732-1806), một trong những đại diện tiêu biểu nhất của trào lưu nghệ thuật Rococo rất thịnh hành ở Pháp vào thế kỷ 18. Trào lưu ấy đặc biệt hướng tới những màu sắc sặc sỡ, những hành động thể hiện hân hoan, vui tươi, sung sướng và lạc thú, điều mà giới quý tộc ngày ấy đề cao. Họ sống trong xa hoa, nhung lụa và hội hè đình đám liên miên.
Bức tranh được vẽ năm 1767 và hiện nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Wallace ở London không chỉ là bức nổi tiếng nhất của Fragonard và là một tuyệt tác đại diện cho trào lưu Rococo, nó còn phản ánh một cách chân thực cuộc sống phù phiếm đương thời của giới quý tộc.
Nhân vật chính trong bức tranh là một cô gái trẻ. Trong bộ váy lụa màu hồng bồng bềnh và đang lơ lửng trong không gian của một khu vườn xanh mướt, cô đang ngồi trên một chiếc xiếc đu do một người đàn ông lớn tuổi với gương mặt rất hân hoan và đầy ngưỡng mộ đang đẩy đi đẩy lại. Ông có lẽ không để ý đến một người đàn ông trẻ trung có vẻ là người tình của nàng đang ngước nhìn nàng từ bụi cây phía dưới.
Như thể trêu ghẹo khiêu khích, nàng đá văng chiếc hài của mình về phía bức tượng thần tình yêu Cupid ở bên trái bức tranh. Cupid, thiên thần luôn kết duyên cho những mối tình ngang trái, đang đặt ngón tay lên môi tỏ ý chấp thuận mối quan hệ vụng trộm của nàng và chàng trai trẻ, trong khi hai thiên sứ ở bóng tối phía dưới chiếc xích đu và ở gần ông chồng già của nàng tỏ vẻ phản đối.
Có khá nhiều biểu hiện trái ngược trong bức tranh ấy. Đầu tiên là cặp tình nhân trẻ cùng Cupid ở phía trái đối lập với các thiên sứ và người chồng già bị phản bội ở phía tối bên phải. Bàn chân của nàng không còn hài khi đã đá văng đi thì có thể coi đó là tượng trưng cho sự loã lồ theo quan niệm đương thời, bởi người phụ nữ quý tộc thời ấy không được để lộ bàn chân không giày.
Nhưng chiếc mũ mà nàng đang đội, mũ của các cô gái chăn cừu thời đó, thì lại là biểu tượng của sự trinh bạch, trong trắng, đức hạnh. Bức tranh do đó có rất nhiều tầng ý nghĩa và được ca ngợi là thể hiện tinh thần nghệ thuật hội hoạ Pháp thế kỷ 18 rõ nét nhất. Nhưng nó lại bị các nhà triết học Khai sáng chỉ trích, cho rằng, nó không cho thấy tinh thần quý tộc của người đàn ông!
Theo các sử gia nghệ thuật, ban đầu, nam tước de Saint Julien, một người đàn ông nổi tiếng trăng hoa đã đặt hoạ sĩ chuyên vẽ tranh lịch sử Gabriel Doyen vẽ bức tranh này, theo đó, người tình nhân trẻ đẹp sẽ được một linh mục đẩy chiếc xích đu trong khi chính ngài sẽ ngắm đôi chân của nàng ở phía dưới. Nhưng do Doyen từ chối, vì cho rằng chủ đề đó không phù hợp với mình, Fragonard đã nhận vẽ bức này, có điều ông không vẽ người linh mục đẩy xích đu, có lẽ vì sợ rằng sẽ gây ra scandal lớn với phía giáo hội, mà vẽ người chồng già ở vị trí này.
Một số tác phẩm tiêu biểu khác của danh họa Jean-Honoré Fragonard
– “Lá thư tình” (1770), một tác phẩm nổi tiếng khác của Jean-Honoré Fragonard.
– “Hôn trộm” (khoảng 1788), một bức tranh khá thú vị của Jean-Honoré Fragonard.
– “Cô gái đọc sách” (1776), một tác phẩm nổi tiếng khác của Fragonard…
Cùng với hoạ sĩ vẽ phong cảnh nổi tiếng Jean-Antoine Watteau (1684-1721) và Francois Boucher (1703-1770, cũng là thầy của Fragonard), Jean-Honoré Fragonard đã có những đóng góp rất lớn cho hội hoạ Pháp thế kỉ 18, với trào lưu Rococo, ra đời những năm 1720, với đặc trưng là chủ đề thiên nhiên, tình ái, nhục dục, những thú tiêu khiển quý tộc và rất chú trọng đến những tông màu tươi sáng, vui vẻ, nhẹ nhàng.
Trào lưu này là câu trả lời cho nghệ thuật Baroque quá nhấn mạnh đến sự hoà nhoáng, cảm giác mạnh, với những gam màu tương phản mạnh mẽ.
Khám phá Bảo tàng Hermitage: nơi đẹp nhất, hoành tráng nhất, độc nhất vô nhị trên trần thế.
–
MENBACK.COM