Nếu trong đời bạn chưa một lần được bước chân đến viện bảo tàng Ermitazh (Hermitage), chắc chắn cuộc đời bạn sẽ chưa trọn vẹn.
Thế giới có năm viện bảo tàng đồ sộ vĩ đại nhất, bao gồm: Viện bảo tàng Louvre ở Paris, Bảo tàng Anh ở Luân Đôn, Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở thành phố Nữu Ước Mỹ, Viện bảo tàng cung điện mùa Đông Ermitazh (Hermitage) ở St. Petersburg Nga và Viện bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, Trung Quốc. Bốn cái đầu tiên đều được thế giới công nhận là những viện bảo tàng bảo quản sưu tầm được nhiều hiện vật mang tính thế giới. Cả năm viện bảo tàng này tôi đều đặt chân đến nhiều lần. Tất nhiên nơi đến nhiều nhất là Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở thành phố Nữu Ước, bởi tôi sống ở Nữu Ước lâu năm, cứ được rỗi là chui vào đấy thơ thẩn cả một ngày, tôi quen bà Chen, một phụ nữ người Mỹ gốc Đài Loan phụ trách khu bảo tàng hiện vật Trung Hoa và Châu Á, bà là một người sưu tầm cổ vật uyên bác, kiến thức rộng lớn của bà đã chinh phục tôi khiến mãi cho đến nay tôi cũng chưa hề bắt gặp một người thứ hai làm tôi kính nể. Nhiều khi đang mải mê xem thì đến giờ đóng cửa, bà lại mời tôi vào phòng làm việc của bà, ở đấy cũng khối thứ làm tôi say đắm.
Nhưng một lần bà hỏi :”Peter đã đến bảo tàng Hermitage chưa?”. Tôi ngơ ngác… bà nói:” Nếu chưa thì hãy đến, ở lại một tuần, đắm mình vào đấy để biết được thế nào là một viện bảo tàng hoàng gia”. Và đấy cũng là động lực để tôi sắp xếp những chuyến đi về đất nước Nga vĩ đại và cung điện mùa Đông hoành tráng.
Hermitage – bảo tàng độc nhất vô nhị
Rồi là những ngày dài ở đây, suốt ngày chìm đắm trong bảo tàng, đến chiều tối thì đi đến ăn tối tại nhà hàng Rasputin ở Millionnaya Street bên tả ngạn sông Neva, trung tâm St.Petersburg. Tối thì lại về nghỉ tại Belmond Grand Hotel Europe.
Phải nói thật lòng, viện bảo tàng để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi về đồ vật, kiến trúc, cảnh quan thì phải nói là Ermitazh (Hermitage) – Viện bảo tàng cung điện mùa Đông ở St. Petersburg Nga. Đông Cung tỏa ánh hào quang ngời ngời cả ngày và đêm đem lại sự tráng lệ và lãng mạn cho người đời thực sự là đẹp nhất, hoành tráng nhất, nguy nga nhất, độc nhất vô nhị trên trần thế.
Cung điện Mùa đông với phong cách kiến trúc barokko Nga, là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của St. Petersburg trên khuôn viên rộng 90.000m². Ở đây trưng bày hơn 3 triệu tác phẩm nghệ thuật của thế giới, phân biệt được triển thị trong 400 căn phòng rực rỡ hoàng kim. Trong đấy có nhiều nguyên tác của các họa sĩ danh tiếng như Pablo Picasso, Henri Matisse, Rembrandt, Leonardo da Vinci…
Nếu Bạn lạc vào đây mà chỉ cưỡi ngựa xem hoa cũng mất cả một ngày. Cung điện bắt đầu kiến thiết vào đầu thập niên 1750, nhằm đem đến cho Nữ hoàng Elizabeth một nơi ở xứng tầm hơn. Nhưng Elizabeth đã không được sống và hưởng thụ công trình này, bà mất ngày 25/12/1761. Những căn phòng sang trọng và căn hộ siêu cấp này đã dành phục vụ Nga hoàng Pyotr III cùng Hoàng hậu Ekaterina sau này. Vì là một quần thể kiến trúc phục vụ cuộc sống đế vương nên đầy đủ các phòng như phòng nghị sự, phòng khách, phòng ngủ, phòng nghe nhạc, thời trang, thư viện, chơi cờ, uống trà, đánh chắn… phòng nào cũng khí thế tưng bừng, vàng bạc sáng chói, hào hoa diễm lệ kinh hồn, thể hiện lên sự hoành tráng đường đường một đại quốc trên địa cầu. Nhưng trong tất cả các phòng làm tôi ngất ngây nhất là thư viện, không có vàng son tô điểm, chỉ có khí phái hùng vĩ tỏa hương thơm sách vở, loé sáng lên học vấn cao siêu với vô vàn sách quý.
Đông cung có một đội cảnh vệ, nhiệm vụ không phải bắt kẻ trộm mà là bắt chuột. Đấy là đội cảnh vệ 60 con mèo làm việc 24 giờ trong ngày chuyên bắt chuột. Khi cung điện xây xong thì phát hiện có chuột, nếu để bọn chuột này tồn tại chắc các cổ vật thậm chí ngón chân của Nga Hoàng cũng bị bọn này nhâm nhi nát bét. Nên Nữ Hoàng đã hạ chiếu nuôi mèo. Các chú mèo Hoàng gia ở đây rất đáng yêu, đủ loại, đủ màu, thân thiện và luật nuôi mèo cũng tồn tại mãi đến nay. Nhiều khách tham quan đến chỉ để ngắm mèo.
Sự tò mò sẽ giết chết chú mèo “The Curiosity Will kill A Cat” đó là câu ngạn ngữ lý thú, nhưng sự ghen tị sẽ sản sinh ra một viện bảo tàng nổi tiếng thế giới.
Việc thành lập Bảo tàng Hermitage (Ermitazh) luôn gắn liền với một cái tên, đó là Nữ hoàng Catherine II, Bà là nhân vật duy nhất trong số rất nhiều sa hoàng ở Nga được phong tước vị “Đại đế” (còn một vị là Peter Đại đế). Trong lịch sử thế giới, Catherine Đại đế thường được so sánh với Vũ Tắc Thiên của Trung Quốc và Nữ hoàng Elizabeth của Anh.
Nói đến Bảo tàng Hermitage tuyệt vời này, không ngoa khi nói rằng nó là sản phẩm từ lòng đố kỵ của Catherine Đại đế. Trong thời gian trị vì của mình, nữ hoàng đầy tham vọng không hài lòng vì quân vương của các nước châu Âu khác có nhiều bộ sưu tập nghệ thuật hơn Nga, vì vậy bà bắt đầu sưu tập những bộ sưu tập nghệ thuật tốt nhất thế giới trên quy mô lớn, thậm chí đôi khi sẵn sàng chi nhiều tiền để mua lại toàn bộ sưu tập tư nhân thuộc sở hữu của mọi người.
Kết quả là chỉ trong một thời gian rất ngắn, cung điện của nữ hoàng đã trở thành một trong những nơi có nhiều bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Bà còn có sở thích cất giữ những bộ sưu tập quý giá trong phòng riêng của mình, và luôn giấu mình trong một ngôi nhà riêng biệt với các di vật rồi nói nửa đùa nửa thật: “Tôi đi trốn ở một nơi bí mật để thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Ở đó chỉ có tôi và chuột.”
Ngay sau khi Nikolai II vị Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử Nga thoái vị, chính phủ lâm thời đã xem xét toàn bộ vấn đề tài sản. Về câu hỏi làm thế nào để phân biệt giữa tài sản hoàng gia và tài sản nhà nước ở Hermitage, bộ phận bảo tàng đã nhận được một câu hỏi đặc biệt. Trên thực tế, cả hai chưa bao giờ tách rời nhau. Mặt khác, Hermitage về cơ bản là một bảo tàng công cộng quốc gia trong một thời gian dài. Mặt khác, nó luôn thuộc Bộ Hành chính Hoàng gia Nga quản lý.
Các đại lễ của hoàng gia đều được tổ chức tại đây. Toà nhà bảo tàng là một phần của quần thể cung điện. Các hoàng đế kế vị đã sử dụng quỹ ngân khố nhà nước để mua các đồ sưu tầm, nhưng họ cũng thường sử dụng cả tiền túi cá nhân. Trong số những bức tranh màu nước mô tả Hermitage, có một tác phẩm miêu tả thư phòng của Maria Alexandrovna, vợ của Alexander II, treo trên tường của thư phòng là một số bức tranh của Leonardo da Vinci, Murillo và Raphael. Tác phẩm “The Conestabile Madonna” của Raphael được mua vào năm 1780 theo yêu cầu của Nữ hoàng (bằng kinh phí của bà), nhưng tác phẩm này mãi đến năm 1881 mới được đưa vào bảo tàng.
Trước khi câu hỏi về tài sản được nêu ra, Hermitage dưới sự kiểm soát của Alexander II cũng đã có những câu hỏi tương tự. Câu trả lời của bảo tàng gần giống nhau: Tất cả các bộ sưu tập đều được coi là tài sản của Hoàng đế Bệ hạ. Nhưng trên thực tế, sự sáp nhập dần dần này đã biến những đồ vật trong bảo tàng như những món đồ trang sức trên vương miện hoàng gia thành tài sản quốc gia.
Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, trong quá trình chuyển đổi sang chế độ mới, hoàng đế thoái vị một cách hòa bình, cuộc cách mạng Bôn-sê-vích diễn ra gần như hòa bình, và Hermitage được quốc hữu hóa.
Sau khi thành lập chính quyền Liên Xô vào năm 1918, Hermitage (cùng với Cung điện Mùa đông) được tuyên bố là tài sản công, tức là đã được quốc hữu hóa hoàn toàn. Vào ngày 30 tháng 10 năm 1917, Ủy viên Giáo dục Nhân dân Anatoly Vasileyvich Lunacharsky đã ra nghị quyết tuyên bố: “Nhân danh chính phủ Cộng hoà liên bang Xô Viết, tôi ra lệnh… Cung điện Mùa Đông, cùng với Hermitage, trở thành viện bảo tàng quốc gia.” Ngày nay bảo tàng nằm dưới sự bảo vệ của Tổng thống Nga và được hưởng nguồn kinh phí riêng từ ngân sách nhà nước.
Mọi công dân Nga đều có quyền gọi bảo tàng này một cách trìu mến “Hermitage của tôi”. Bảo tàng Hermitage có ý nghĩa đặc biệt ở nước Nga, hiếm có bảo tàng nào tương tự trên thế giới được nhân dân yêu mến như vậy. Thực tế là vậy, “Hermitage thuộc về mỗi chúng ta, mỗi chúng ta có những điểm yêu thích ở đây, những kỷ niệm và câu chuyện riêng ở đây. Chúng ta tự hào về Hermitage, và quan tâm sâu sắc đến lịch sử và tương lai của nó.” Tôi được nghe những câu nói tương tự như vậy từ những người dân Nga khi họ nói về viện bảo tàng này. Đúng vậy, Hermitage là một phần trong cuộc sống của nhiều người không chỉ riêng nhân dân Nga. Bởi nó thu thập được quá nhiều bảo vật của thế giới, mà nghệ thuật và lịch sử là của chung của nhân loại.
Trước đây và cho đến bây giờ, khi mọi người bắt đầu chia tay với đất nước mình, họ đều đến St. Petersburg để thăm viếng Bảo tàng Hermitage. Tôi nhớ câu chuyện của Vladimir Maximov, người sáng lập và biên tập viên của tạp chí “Kontinent”. Khi đến Bảo tàng Hermitage, Anh nhìn thấy mọi thứ trước mắt, người đàn ông này đã có những cảm xúc sâu sắc diễn tả niềm vui của mình. Bất chấp nước Nga đã trải qua bao gian khổ, anh ta rất vui mừng vì nhìn thấy tất cả các đồ vật đều được bảo quản tốt. Cảm xúc này có liên quan đến thực tế là Bảo tàng Hermitage là một phần không thể tách rời của lịch sử Nga, là biểu tượng, đặc điểm và thành tựu của nước Nga, đồng thời là biểu tượng cho sự mở cửa của nước Nga. Lịch sử của Nga, văn hóa của Nga và của thế giới được hòa quyện trong bảo tàng, và bộ sưu tập, kiến trúc và ký ức được hoà thành một khối chặt chẽ. Loại ký ức đó không nhất thiết phải là ký ức thực chất, mà là ký ức về nơi này, ký ức về cảnh vật và những bức tường xung quanh nơi đây.
“My Hermitage: The Classic Collection and Legendary History of a World Museum” là bộ sách quý giá viết về Bảo tàng Hermitage do giám đốc bảo tàng Mikhail Piotrovsky biên soạn có đánh giá toàn diện về hiện vật và lịch sử của bảo tàng. Ông đã tận tình giới thiệu với độc giả những câu chuyện huyền thoại và những bộ sưu tập nghệ thuật kinh điển của bảo tàng kể từ khi thành lập năm 1764. Đã gần 30 năm kể từ khi Piotrovsky đảm nhận vai trò giám đốc viện. Neil MacGregor, cựu giám đốc của Bảo tàng Anh, từng gọi ông là “người giám đốc bảo tàng vĩ đại nhất thế giới”.
Trong cuốn sách có đoạn viết: ”Hermitage là của tất cả mọi người. Cha tôi, Boris Borisovich Piotrovsky đã làm việc trong bảo tàng cả đời, với tư cách là giám đốc trong 26 năm. Khi tôi tập đi, nơi đầu tiên tôi được dẫn đến là Hermitage. Mặc dù tôi không thực sự nhớ câu chuyện này từ thời thơ ấu của mình, nhưng người bạn của cha tôi đã kể cho tôi nghe về câu chuyện này. Tôi được học tập trong câu lạc bộ Hermitage, tham gia các chuyến tham quan nghiên cứu Hermitage, và tất cả các cuộc triển lãm ở Hermitage. Tại một cuộc họp ở Khoa Phương Đông của Bảo tàng, tôi đã thuyết trình bài giảng đầu tiên về học thuật của mình. Chính tại đó, Levon Tigranovich Guzalian đã giảng dạy bằng tiếng Ba Tư cho lớp học giả Ả Rập của chúng tôi. Sau đó, với tư cách là một học giả Ả Rập, tôi đã dẫn những vị khách quan trọng từ các nước Ả Rập đi tham quan bảo tàng và hướng dẫn họ bằng tiếng Ả Rập. Giống như phong tục phương Đông, cha tôi giao những vị khách cho con trai mình là người thuyết minh. Tôi đã giúp tổ chức các cuộc triển lãm từ Iraq, Ai Cập và Kuwait. Tôi có mối quan hệ thân thiết với nhiều thế hệ tiền bối của Hermitage. Họ đều là những học giả xuất sắc và những người thú vị. Tôi lớn lên trong truyền thống của Bảo tàng Hermitage, lớn lên với thái độ quan tâm đến lịch sử và văn hóa, lớn lên với thái độ chú ý đến bảo tàng và vai trò của chúng tôi đối với bảo tàng. Những truyền thống này vô cùng độc đáo và quan trọng đối với tương lai của bảo tàng. Định mệnh của tôi là trở thành người quản lý bảo tàng vài năm sau khi cha tôi qua đời, và trong 20 năm qua, tôi đã thực hiện các ý tưởng và kế hoạch của cha tôi và các đồng nghiệp của ông để bảo vệ tinh thần quý tộc của chủ nghĩa dân chủ đặc biệt của bảo tàng của chúng tôi. Tôi đã đạt được một số thành tựu và gìn giữ niềm tự hào về văn hóa Nga”.
Hermitage thật nhiều màu sắc, nó được mọi người nhìn nhận theo nhiều cách. Đối với một số người, nó là một Gallery, đối với những người khác, nó là một trung tâm sưu tập đồ thủ công kỳ lạ. Một số người xem nó như một di tích kiến trúc, trong khi những người khác xem nó như một tượng đài của lịch sử quốc gia Nga. Mọi người đến đây để tìm tòi kiến thức, giải trí và niềm vui trí tuệ. Hermitage chào đón tất cả mọi người và hân hạnh thuộc về mọi người. Các hiện vật tư hữu từ hoàng gia cùng tài sản quốc gia vô giá đã hợp nhất thành một kính vạn hoa gọi là Bảo tàng Hermitage Quốc gia (The State Hermitage Museum). Còn gọi là Bảo tàng Cung điện mùa Đông.
Bảo tàng có quá nhiều hiện vật trưng bày, liệu có khiến bạn hoa mắt chóng mặt và không biết bắt đầu từ đâu?
Bảo tàng Hermitage có hơn 400 phòng triển lãm và Gallery, có người đã ước tính rằng nếu bạn dừng lại một phút trước mỗi hiện vật, bạn sẽ mất vài năm để hoàn thành cuộc hành trình nghệ thuật này. Làm thế nào để tham quan Bảo tàng Hermitage một cách hiệu quả trong thời gian có hạn quả thực là một câu hỏi mà mọi du khách cần cân nhắc trước. Sau đây tôi chia sẻ với các bạn kinh nghiệm tham quan bảo tàng này trong hai ngày.
Việc sắp xếp hai ngày có mục tiêu rõ ràng: Trọng tâm của ngày đầu tiên là tham quan các phòng, và trọng tâm của ngày thứ hai là xem các hiện vật trưng bày. Hoàn toàn đi theo bản đồ màu miễn phí do bảo tàng phát cho vào ngày đầu tiên và tham quan các phòng đáng giá nhất trong bảo tàng (chủ yếu nằm trên tầng hai của bảo tàng). Vào ngày thứ hai, tập trung và xem những gì bạn quan tâm đến trong bộ sưu tập và những hiện vật minh tinh của bảo tàng.
Giờ mở cửa của bảo tàng sẽ được kéo dài đến 9 giờ tối vào thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, nên sắp xếp ngày thứ hai tham quan vào thứ Tư hoặc thứ Sáu.
Những căn phòng không thể bỏ qua ở bảo tàng Hermitage
Hãy để tôi chia sẻ với bạn những căn phòng mà bạn không thể bỏ qua khi đến thăm bảo tàng Hermitage.
Cầu thang Jordan – Jordan Storey
Đặt tên như vậy là vì vào Lễ Hiển linh Sa hoàng đã xuống cầu thang hoàng gia này để làm lễ “Ban phước lành” của sông Neva, một lễ kỷ niệm lễ rửa tội của Chúa Kitô ở sông Jordan.
Tham quan Bảo tàng Hermitage ngay từ đầu đã rất tuyệt vời. Nối tầng 1 với tầng 2 là cầu thang Jordan khiến không biết bao nhiêu người bày tỏ cảm xúc “không thể tin nổi”. Đây là con đường duy nhất cho buổi lễ tiếp đón chính thức được làm bằng đá cẩm thạch, đá granit và vàng. Các hàng rào chạm nổi và các bức tranh sơn dầu trên trần nhà thể hiện vẻ đẹp trang nghiêm và sang trọng, cho phép vô số người đi ngang qua đó có thể kỳ vọng những phòng kế tiếp là đầy lý thú.
Sảnh Peter – Peter Hall
Sảnh Peter không lớn nhưng được trang trí rất sang trọng, được xây dựng để tưởng nhớ vị hoàng đế đầu tiên của Nga là Peter Đại đế. Các bức tường phủ nhung đỏ thẫm, giữa sảnh có vương miện của Peter I trong một hốc tường rất thú vị.
Phòng trưng bày quân đội – The Military Gallery of 1812
Đây là căn phòng mà cá nhân tôi vô cùng ngưỡng mộ, là sản phẩm của chiến thắng trong Chiến tranh Napoléon năm 1812. Hành lang dài và hẹp có hơn 300 bức chân dung của các chỉ huy và tướng lĩnh, tất cả đều là những người tham gia cuộc chinh chiến nước Pháp. Hướng dẫn bằng âm thanh kể lại câu chuyện của họ. Cảm giác được bao quanh bởi nhiều bức chân dung trong một không gian nhỏ là khá sốc.
Sảnh Pavilion – Pavilion Hall
Không nên bỏ lỡ không gian sảnh Pavilion của Bảo tàng Hermitage. Đây là căn sảnh duy nhất trong bảo tàng có cửa sổ ở tất cả các phía, ánh nắng chói chang tạo cho căn phòng này một khung cảnh độc đáo. Ở trung tâm của căn phòng, ngoài bản sao của đồ khảm La Mã cổ đại, 28 đèn chùm pha lê, và chiếc đồng hồ con công, có thể được gọi là báu vật trấn trạch của viện bảo tàng.
Đồng hồ con công được thiết kế và sản xuất bởi James Cox, một thợ kim hoàn nổi tiếng ở London, và được dành tặng cho Hoàng đế Catherine Đại đế vào năm 1781. Trên chiếc đồng hồ con công mạ vàng khi lên dây cót, đuôi công sẽ từ từ mở ra, gà trống gáy, chim cú mèo nháy mắt, thật tài tình và khó quên ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đứng trước chiếc đồng hồ con công, hãy thử đếm xem có bao nhiêu con vật? Câu trả lời là 4. Ngoài 3 con vật kể trên, đừng quên rằng trên mặt số còn có kim giây hình con chuồn chuồn.
Hành lang “The Raphael Loggias”
Raphael Loggias nằm trong Bảo tàng Hermitage thực chất là bản sao chép lại Phòng trưng bày nổi tiếng của Vatican theo sở thích của Hoàng đế Catherine Đại đế. Mỗi khung vòm đều được vẽ những bức tranh theo chủ đề Kinh thánh và một bên là khung cửa sổ cao lớn làm cho căn phòng thêm lộng lẫy.
Phòng Khuê – Study/Boudoir
Nhiều bảo tàng quốc tế ban đầu là cung điện, nhưng không có nhiều bảo tàng có thể được lưu giữ nguyên bản như trước. Mặc dù Hermitage là một bảo tàng, nhưng nó có bản sắc của một cung điện hơn. Boudoir là nơi ở của Nữ hoàng Maria Alexandrovna, vợ của Alexander II. Nội thất được nhà thiết kế xuất sắc Poser thời bấy giờ biến đổi theo phong cách Rococo. Màu đỏ lông ngỗng kết hợp với vàng dòng, có thể được mô tả là sang trọng hào hoa tuyệt đối. Từ những chi tiết này thể hiện sự tỉ mỉ và khắt khe của những người thợ xưa.
Phòng khách dát vàng – The Gold Drawing Room
Phòng khách dát vàng của Cung điện Mùa đông, St Petersburg là một trong những phòng của cung điện được kiến trúc sư Alexander Briullov tái thiết sau trận hỏa hoạn năm 1837. Trần hình vòm và cửa sổ ôm lấy căn phòng rộng lớn này có cảm giác như trong hang động bằng vàng.
Phòng khách dát vàng là một trong những nơi ở của Nữ hoàng Maria Alexandrovna, và nhiều nghi lễ chính thức đã được tổ chức tại đây. Bạn có thể thấy lạ, tại sao nó được gọi là phòng khách vàng? Câu trả lời là đơn giản và thô lỗ, bởi vì ngay cả những bức tường cũng được mạ vàng! Loanh quanh trong căn phòng khách dát vàng thường khiến người ta mê mẩn, choáng váng, chắc hẳn bạn không thể tưởng tượng nổi một cuộc sống xa hoa hơn thế này. Hiện tại, căn phòng được sử dụng chủ yếu để trưng bày các tác phẩm điêu khắc đá quý Tây Âu, các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc kim loại quý tô điểm thêm cho các bức tường vàng.
Sảnh đá lông công – Malachite Room
Sảnh đá lông công có lẽ được coi là sảnh lộng lẫy nhất trong bảo tàng, người ta nói rằng sự lộng lẫy chủ yếu thể hiện ở vật liệu xây dựng, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy rằng các cột và nhiều đồ trang trí trong sảnh đều được làm bằng đá lông công quý giá sẽ khiến Catherine Đại đế tự hào. Xét cho cùng, điều này rất hiếm ở Nga và ngay cả ở châu Âu vào thời điểm đó.
Thư viện Nicholas II – Nicholas II library
Đây là thư viện của Sa hoàng Nga cuối cùng Nicholas II, sau khi tham quan nhiều căn phòng rực rỡ, đến với căn phòng bằng gỗ này sẽ chợt thấy dễ chịu. Mọi bộ phận, bao gồm sàn nhà, cầu thang, tay vịn, tủ sách,… đều được làm cẩn thận từ chất liệu gỗ cổ, trang nhã và giản dị, ai lại không muốn có một thư viện hoàn hảo như vậy?
Mỗi căn phòng, mỗi hành lang và mỗi viên gạch lát sàn trong bảo tàng đều sang trọng đến khó tả. Bản thân kiến trúc sáng ngời của Bảo tàng Hermitage đã đáng để du khách trải qua một ngày mà vẫn cảm thấy chưa hoàn thiện, đây là một trải nghiệm hiếm có trong những bảo tàng tuyệt vời nhất trên thế giới.
Những bộ sưu tập quý giá mở rộng tầm mắt người xem
Hermitage nổi tiếng thế giới là cung điện nhưng không hề trống rỗng. Là một viện bảo tàng mà không bao giờ khiến du khách phải thất vọng. Những bức tranh cổ Hy Lạp, chạm khắc La Mã cổ đại và nghệ thuật hội họa Tây Âu ở đây có thể nói là nổi tiếng trong giới sưu tập toàn cầu.
Ở đây có hơn mười bức tranh sơn dầu của Da Vinci được lưu truyền cho đến ngày nay. “Madonna and Child with Flowers” và “The Madonna of Bruges” được trưng bày ở đây, đây chắc chắn có thể được coi là báu vật của bảo tàng.
Ngoài ra, bức tranh sơn dầu “Đức Mẹ của Connors” của Raphael, “Sự trở về của đứa con hoang đàng” của Rembrandt và bức “Elsa” đã bị hư hỏng và phục hồi cũng được đặt trong bảo tàng này.
Đối với những người hâm mộ Picasso, Bảo tàng Hermitage giống như một thiên đường, nơi các tác phẩm của Picasso được thu thập tại đây, chẳng hạn như bức “The Absinthe Drinker” (Người phụ nữ uống rượu) và “The Lady with a Fan” (Người phụ nữ cầm quạt) nổi tiếng, ngoài ra còn có hơn 30 bức tranh, bản phác thảo và gốm sứ của ông.
Nói đến điêu khắc tất nhiên không thể bỏ qua tác phẩm “Crouching Boy” (Cậu bé ngồi xổm) của Michelangelo. Bảo tàng còn trưng bày các kiệt tác của các bậc thầy như Van Dyck, Monet, Titian, Renoir, Matisse, Cézanne, Gauguin,… dạo quanh là coi như đọc hết lịch sử hội họa phương Tây.
Ngoài ra, nói về các phòng triển lãm thuần túy, tôi cũng giới thiệu các bộ sưu tập Ai Cập ở tầng một và các phòng trưng bày đồ cổ từ thời Hy Lạp và La Mã. Từ xác ướp Ai Cập với vàng Sesia, đến những bức tượng Hy Lạp và La Mã cổ đại, mọi ánh nhìn đều khiến bạn choáng ngợp và vĩnh viễn.
Nếu trong đời bạn chưa một lần được bước chân đến viện bảo tàng cung điện mùa đông, chắc chắn đời bạn sẽ sống uổng, sống phí, và sẽ hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, bởi cho đến khi bạn nhắm mắt xuôi tay mà bạn vẫn chưa một lần dành thời gian đến đây, mặc dù bạn đã cống hiến tất cả đời bạn, sức bạn cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Nhưng chưa một lần đến cung điện mùa Đông thì bạn nói gì cũng chẳng thằng nào nghe, mà cũng chẳng thằng nào tin.
Hãy lên đường đến St. Petersburg và tham quan Bảo tàng Hermitage kỳ vĩ!
Bảo tàng State Hermitage (Ermitazh) là một bảo tàng nghệ thuật và văn hóa ở Saint Petersburg , Nga. Đây là bảo tàng nghệ thuật lớn thứ hai trên thế giới được thành lập vào năm 1764 khi Hoàng hậu Catherine Đại đế đã mua một bộ sưu tập tranh ấn tượng từ các thương gia. Bảo tàng Hermitage đã được mở cửa cho công chúng từ năm 1852, đến nay, bảo tàng này thu hút hàng triệu khách du lịch ghé thăm mỗi năm.
Tìm hiểu thêm về nước Nga: Sự thật về cuộc sống ở ‘hành tinh’ Nga
Ghé thăm: Saint Petersburg – lịch sử dữ dội trong vẻ đẹp nguy nga
–
MENBACK.COM
Tác giả: Peter Pho