Đấy là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử mà chúng ta người phương Đông ít nhiều được nghe. Theo Khổng Tử, nếu một người muốn bình thiên hạ, thì trước hết phải tu thân cái đã. Muốn quản lý được đất nước, thì trước mắt quản lý cái gia đình nhỏ của mình cho xong đi đã. Những việc đó làm chưa xong, hay làm chưa được thì đừng vội nói các điều to tát hay hy vọng có đủ dũng khí để có thể kinh bang tế thế.
Tôi luôn đi tìm lời giải đáp của câu hỏi, vì sao Novak Djokovic, Rafael Nadal và Roger Federer có thể thống trị lâu và dài đến như vậy? Tạm bỏ qua các yếu tố chuyên môn về những khái niệm thiên tài, nỗ lực, hay cách chơi tennis, rồi thì y học hiện đại can thiệp, hay sự chuyên nghiệp của họ, thậm chí là sự bất tài của nhóm “Next Gen”. Tôi nhận ra 2 điểm chung mà ít người để ý của 3 tay vợt này, một vấn đề rất ngoài chuyên môn.
– Thứ nhất: họ không xăm mình.
– Thứ hai: họ không có scandal tình ái.
Trong một xã hội mà những người của công chúng có nhu cầu xăm mình để thể hiện cá tính, tôn chỉ, mục tiêu, hay gửi thông điệp thì Nole, Rafa và FedEx đứng ngoài cuộc chơi ấy với sự trơn tru trên thân thể. Cả 3 người Nole, Rafa và FedEx đều không xăm mình.
Điểm đặc biệt thứ 2 của 3 người này, đó là họ rất chung thủy trong một tình yêu mà họ đã lựa chọn.
> Xem thêm: Lịch sử của hình xăm, định kiến và sự thật về nghệ thuật hội họa trên cơ thể
Nadal và Nole đều quen bạn gái của mình từ … thời trung học. Nole hẹn hò với Jelena từ năm 2005, còn Nadal hẹn hò với Xisca Perello cũng từ năm 2005. Gặp nhau, nhận ra nhau, và hẹn hò với nhau. Những năm tiếp theo, Nadal và Nole đi đến đỉnh cao danh vọng. Họ vẫn quen với người con gái thời trung học ấy. Còn Roger Federer quen Mirka đến giờ đã 20 năm tròn. Kể từ ngày Mirka bị chấn thương mà giải nghệ, chưa bao giờ Mirka rời xa Federer trong mỗi trận đấu. Khóc, cười cùng anh trong thất bại hay chiến thắng.
Sự thống trị của Nole, Nadal, Federer gắn liền với sự chung thủy của họ với người phụ nữ mộc mạc mà họ lựa chọn. Và những người phụ nữ ấy cũng không bao giờ lợi dụng tên tuổi của chồng để showbiz.
Từ hai điểm chung đó, tôi nhận ra, 3 tay vợt này sở dĩ đứng ở vị trí như hôm nay, chính bởi họ đã làm đúng được những gì mà Khổng Tử từng viết: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Bạn đọc nhé:
– “Trị quốc” ư? Nghe có vẻ vua chúa, tổng thống quá. Tuy vậy hãy nhìn các đóng góp của 3 tay vợt ấy dành cho quê nhà Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Serbia. Từ những quỹ từ thiện, trường học, đến các học viện tennis. Không cần phải quân đội hay chính sách tốt cho người dân no đủ, đấy cũng là một cách “trị quốc” bình dân trong khả năng của những người có sức ảnh hưởng đó thôi.
– Còn “Bình thiên hạ” thì chắc không cần nói đến nữa. 15 năm qua, 3 con người đó thống trị làng tennis. Cả thiên hạ quy phục họ và ngưỡng mộ họ. Cả lịch sử tennis nằm dưới chân của 3 tay vợt đó.
Và để làm được điều đó, họ cần “tề gia” và “tu thân”.
– Tu thân: Với Federer đó là sự “tu thân” của một người nóng tính, chuyên đập vợt khi giận dữ trở thành một biểu tượng chuẩn mực về sự lịch lãm quý tộc trong tennis. Với Nadal đó là cách vượt quá những chấn thương tưởng như không gượng dậy nổi, để thành con người cứng như sắt thép. Còn với Nole, đấy là việc khắc phục các điểm yếu về tâm lý, mà “tu thân” thành tay vợt có thể ngạo nghễ cười trước những kẻ anti mình.
– Tề gia: 15-20 năm chung thủy với một bóng hình. Không scandal ái tình. Hạnh phúc bên những người phụ nữ ở cạnh họ từ ngày đầu đến khi thành các tay vợt triệu đô huyền thoại. Đây là một điều rất khó. Thường có câu nói “Dùng lửa thử vàng, dùng vàng thử đàn bà và dùng đàn bà thử đàn ông”. Phụ nữ đẹp chính là điểm yếu của đàn ông. Và tất cả đàn ông trên đời đều rúng động trước phụ nữ đẹp. Nhưng Novak Djokovic, Rafael Nadal và Roger Federer chưa bao giờ “sang đổi vợ”.
Sự thống trị của “Big 3” với tổng số 55 Grand Slams là điều gì đó vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người. Và việc giữ vững được bản thân trên đỉnh cao ấy, có lẽ đến từ việc nhỏ là “tu thân” và “tề gia”.
Chúng ta bận nhìn vào những phù phiếm hay phấn son, mà không thấy những bài học rất nhỏ từ những con người rất thành công như thế này. Dẫu chỉ là trong một môn thể thao, họ đã nói với bạn hơn cả một cuốn sách dạy làm người.
> Xem thêm: Điều gì làm nên phong cách của người đàn ông?
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: Dung Phan