Hình xăm xuất hiện từ khi nào? Lịch sử phát triển của hình xăm đã trải qua những giai đoạn nhận thức ra sao? Tại sao hình xăm mãi không thể thoát ra khỏi những định kiến. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điều đó qua bài viết này nhé.
Bản sắc cá nhân và câu hỏi “Tôi là ai?”
Bản sắc cá nhân (hoặc nhân dạng – personal Identity) là một vấn đề triết học liên quan đến câu hỏi thường gặp “Tôi là ai?”, cũng như những tự vấn khác về bằng chứng cho sự tồn tại của một con người cụ thể. Nhưng trừ phi bạn là triết gia hoặc đang gặp phải khủng hoảng hiện sinh, ít khi nào chúng ta tự hỏi mình những câu phức tạp như thế một cách nghiêm túc.
Tuy vậy, ở cấp độ phổ quát và dễ hình dung hơn, chúng ta vẫn thường dành nhiều sự quan tâm hơn đến việc phân biệt mình với người khác trong cuộc sống thường ngày. Gu ăn mặc và phong cách thời trang có lẽ là dấu hiệu dễ nhận biết nhất và cũng thường được đem ra đánh giá nhiều nhất. Bên cạnh đó, loại xe mà một người sử dụng hoặc trang sức mà người đó mang cũng là những yếu tố khác trong số những biểu hiện bên ngoài được sử dụng làm tập xác định của mỗi cá nhân.
Hình xăm cũng là thứ tương tự; ngoại trừ việc nó thường xuyên đi liền với những định kiến không mấy hay ho. Dù “ấn tượng đầu tiên” hoặc đánh giá người khác qua ngoại hình là việc hết sức cảm tính và xã hội hiện đại cũng đã cởi mở hơn nhiều; nhưng trong đa số trường hợp, đám đông vẫn hay dành những ánh mắt ái ngại, những cái bĩu môi miệt thị và những nhận xét thiếu thiện cảm cho những ai có vết mực trên người.
Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.
> Xem thêm: Ngộ về hiện tại và giải phóng bản thân khỏi nỗi lo
Lịch sử của hình xăm – “nghệ thuật hội họa” trên cơ thể
Dù không phải là một trào lưu quá mới mẻ; nhưng có lẽ nó cũ hơn bạn nghĩ, vì việc xăm mình đã xuất hiện từ cách đây rất lâu và có tuổi đời gần tương đương với lịch sử văn minh nhân loại.
Năm 1991, tại vùng núi Tyrol gần biên giới nước Áo và Ý, “người băng” Ötzi đã được phát hiện trong tình trạng gần như nguyên vẹn sau hơn 5,300 năm nhờ vào sự bảo quản của điều kiện khí hậu lạnh giá và địa hình núi đá bao phủ – biến ông trở thành một trong những xác ướp cổ nhất từng tồn tại. Không những thế, cơ thể Ötzi còn là nơi lưu giữ hoàn hảo một bộ sưu tập các hình xăm từ thời đại Đồ đồng, với hơn 50 họa tiết trang trí trải dài từ đầu đến chân.
Tuy không được tạo ra với kim và mực mà bằng việc cắt trực tiếp trên da rồi chà xát với than củi, đây vẫn là bằng chứng khảo cổ sớm nhất đánh dấu sự xuất hiện của nghệ thuật xăm mình. Những phát hiện tương tự tại Ai Cập, Nga và nhiều quốc gia khác [5], bên cạnh việc được đề cập trên một số lượng lớn các văn bản hoặc đồ tạo tác [6] cho thấy đây là một tập tục tồn tại khá phổ biến tại nhiều nền văn minh trên thế giới.
Và cũng nhờ phát hiện ra bộ lạc Samoa trên các hòn đảo Thái Bình Dương vào cuối thế kỷ XVIII với những thổ dân mang đầy những đường nét và hình vẽ theo phong cách tribal trên cơ thể, việc xăm mình đã theo chân thuyền trưởng James Cook và thủy thủ đoàn trở về Châu Âu, tạo ra một trào lưu mới ở thế giới phương Tây kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.
Về chức năng của hình xăm, với trường hợp của Ötzi; một trong những cách giải thích về sự xuất hiện các họa tiết ông mang trên cơ thể – dựa vào vị trí gần các khớp xương, có thể là để phục vụ mục đích chữa bệnh, hay thậm chí có thể xem đó như tiền thân của thuật châm cứu. Giả thuyết tương tự về công dụng chữa bệnh cũng có thể được áp dụng cho tục xăm mình của người Ai Cập cổ đại. Điều đặc biệt là đối với nền văn minh dọc sông Nile này, tục xăm mình dường như được thực hiện đa phần bởi phụ nữ. Nó cũng gợi ý rằng các họa tiết nằm ở bụng, đùi hoặc ngực này có thể là một loại bùa chú giúp bảo vệ họ trong lúc mang thai hoặc khi sinh nở. Ở Syria, hình xăm lại mang ý nghĩa như một dạng biểu tượng tôn giáo.
Tục xăm mình cũng xuất hiện trong đời sống văn hóa của người Việt cổ, với niềm tin rằng những hình vẽ trên người sẽ giúp các ngư dân không bị thủy quái làm hại khi đánh cá. Ngoài ra, cũng có nhiều câu chuyện về việc binh lính hoặc quan lại xăm những dòng chữ như một cách thể hiện quyết tâm khi đối đầu với quân xâm lược, hoặc để thể hiện lòng trung thành với vương triều.
Ở nhiều nền văn hóa khác, tục tạo ra những họa tiết trên cơ thể còn mang nhiều mục đích đa dạng khác, ví dụ để sự đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông, biểu thị sức mạnh của những chiến binh hoặc thể hiện vai vế thứ bậc của các thành viên trong bộ lạc. Hay đơn giản chỉ nhằm mục đích làm đẹp.
Cách thức tạo ra hình xăm có thể khác nhau tùy từng nền văn hóa và cũng có sự thay đổi theo thời gian, nhưng nhìn chung đều là một quá trình đau đớn và đòi hỏi sức chịu đựng về mặt thể chất. Nhất là trong bối cảnh thiếu vắng công nghệ, tiến bộ y học và sự chú ý về tác động thể xác chưa được đề cao như bây giờ.
Đa số các công cụ dùng để xăm đều có dạng những chiếc kim để đâm xuyên và đưa mực xăm vào dưới da. Chiếc máy xăm chạy điện hiện đại do Samuel O’Reilly phát minh vào năm 1891 dựa trên mẫu thiết kế chiếc bút máy chạy điện của Thomas Edison vẫn hoạt động theo cơ chế tương tự.
Có thể thấy việc xăm mình đã song hành cùng văn minh nhân loại và hiện diện rộng rãi ở nhiều nền văn hóa; mang theo nhiều giá trị tinh thần và thẩm mỹ khác nhau. Nhưng tại sao tập tục lâu đời này lại phải gánh chịu nhiều điều tiếng và quan điểm tiêu cực như vậy?
Góc tối của những vệt mực
Hóa ra, những hình vẽ và họa tiết trên cơ thể không phải lúc nào cũng mang theo ý nghĩa tích cực hay đơn thuần là để trang trí. Không như những thứ phục sức quần áo hay vòng nhẫn, vốn cũng mang mục đích làm đẹp và có thể được thay đổi hay tháo xuống bất cứ lúc nào tùy thích, hình xăm lại là thứ được lưu lại trên cơ thể chúng ta gần như vĩnh viễn. Một vết tích không thể tẩy xóa và gây đau đớn về mặt thể xác, không gì phù hợp hơn nếu được dùng làm dấu hiệu nhận diện những kẻ ở ngoài lề xã hội.
Tại Trung Quốc cổ đại, việc thích chữ vào mặt hoặc trán được coi là hình thức “nhẹ nhàng” nhất trong Ngũ hình để trừng phạt những kẻ phạm tội. Điều tương tự cũng xuất hiện tại Nhật Bản từ trước cả thời Edo. Và trái với sự yêu thích dành cho món sushi hay nghệ thuật xếp giấy, ngày nay người ta vẫn e dè khi nhắc đến hình ảnh những thành viên Yakuza xăm trổ kín người.
Trong văn hóa Hy-La, việc xăm lên người không chỉ dùng để trừng phạt những kẻ bất tuân luật lệ mà còn để biểu thị quyền sở hữu đối với nô lệ hoặc để đánh dấu tù binh chiến tranh, ngăn không cho họ trốn thoát. Tất nhiên là những hậu duệ của các hoàng đế La Mã thuộc Đệ Tam đế chế không thể bỏ qua một sáng kiến tuyệt vời như thế. Các tù binh Do Thái khi bước vào trại tập trung Auschwitz gần như đã đánh mất tất cả nhân dạng, tên họ giờ đây được thay bằng những con số xăm trên cánh tay.
Một yếu tố khác gây ra tiếng xấu cho việc xăm mình, là quan niệm cho rằng những hành vi gây tổn hại đến sự nguyên vẹn của cơ thể là điều cấm kỵ hoặc tội lỗi. Khổng giáo – một trong những tư tưởng lớn tại Trung Quốc nói riêng và Á Đông nói chung, cho rằng thân xác con người là thứ quý báu được cha mẹ ban cho, và việc một người xâm phạm hoặc hủy hoại thân thể là việc làm trái với đạo Hiếu, là vi phạm luân thường đạo lý. Quan điểm của đạo Cơ đốc cũng không mấy khác biệt, với lời dạy của Chúa được ghi trong Lêvi 19:28 “Do not cut your bodies for the dead or put tattoo marks on yourselves. I am the LORD” (Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình, chớ xăm vẽ trên mình: Ta là Đức Giê-hô-va).
Từ sự mâu thuẫn của hình xăm với các hệ thống lý luận, lý tưởng phổ quát đương thời, cũng như cách chúng được sử dụng trong những mục đích thuần chính trị… cách nhìn của phần đông thành viên trong xã hội dành cho hình xăm dần trở nên tiêu cực. Tôi nghĩ rằng các tôn giáo, hệ thống luân lý ghét bỏ hình xăm không phải vì có ác cảm với việc đưa mực lên người, mà nhiều khả năng để bảo vệ những điều luật bất khả xâm phạm của họ.
Kết hợp với một lý do quan trọng khác, bản thân việc xăm mình không phải hoạt động sống cơ bản, cũng như không giúp ích gì cho con người, nên tạo ra sự đồng cảm rất ít. Vì thế, khi đặt ngang với giá trị đạo đức, tôn giáo… việc không ai đứng ra bảo vệ cho hình xăm dường như hoàn toàn hợp lý. Trong một xã hội cổ đại nơi người ta dành phần lớn thời gian để kiếm đủ ăn và bấu víu vào tôn giáo để giúp tinh thần trở nên vững chắc hơn, sẽ thật quái lạ khi ai đó có chút thương hại cho số phận của hình xăm.
Thật vậy, dưới triều đại Nữ hoàng Victoria tại Anh, dù phần đông dân chúng vẫn có ác cảm với những hình vẽ trên cơ thể vốn gắn liền với giới tội phạm và những kẻ bị xã hội quay lưng, thì tầng lớp quý tộc và hoàng gia lại xem đó như một trào lưu thời thượng và phát cuồng vì nó. George V có một hình xăm rồng màu xanh dương và đỏ sau chuyến thăm Nhật Bản năm 1881, còn cha ông – Edward VII, sở hữu hình xăm thập tự giá mang về từ một chuyến hành hương. Người ta còn đồn rằng Nữ hoàng Victoria có một hình xăm hổ Bengal đang đấu với một con trăn.
Có thể thấy, chỉ giới quý tộc có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần, mới tìm đến hình xăm như một hình thức mới mẻ để làm đẹp, định danh bản thân và tạo ra sự khác biệt với những người cùng cấp. Họ chấp nhận sự đau đớn để đổi lấy sự đặc biệt cho bản thân. Ngược lại, tầng lớp bình dân, họ ghét bỏ hình xăm đơn giản vì chúng chả có bất kỳ ý nghĩa gì, quá trình thực hiện đầy đau đớn, trong khi họ vốn luôn đứng về phía cộng đồng và tôn giáo của mình.
Cũng như chúng ta ngày nay, ngay cả khi giới trẻ đã bớt ác cảm với hình xăm, những người không thích cũng không tìm ra được bất kỳ lý do nào để đổ mực lên da thịt của mình cả. Việc xăm mình, về cơ bản vẫn chỉ hấp dẫn những người thích chúng.
> Xem thêm: Đánh giá con người qua dung mạo quả thật rất công bằng
Hình xăm và công thức chung về sự nhìn nhận của xã hội
Hôm nay, mặc dù team content chúng tôi chẳng ai xăm mình, nhưng cũng có chút nghiêng về phía việc xăm vì khi nghiên cứu nhận thấy khá nhiều điều thú vị và có vài điểm tương đồng giữa tiến trình xã hội nhìn nhận hình xăm với những tiến trình khác (như nhìn nhận cần sa, thuốc lá hay chất gây ảo giác).
Bỏ qua những yếu tố phức tạp, công thức chung về sự nhìn nhận của xã hội với chúng thường diễn ra như sau:
– Xuất hiện: hình xăm hoặc việc sử dụng cần sa, thuốc lá xuất hiện như một sự kiện ngẫu nhiên trong lịch sử và cách đây hàng nghìn cho đến chục nghìn năm.
– Trở nên phổ biến: chúng dần bám sâu vào xã hội qua thời gian, nhờ vào một vài tác dụng và ý nghĩa nhất định nào đó với con người.
– Định danh: kết hợp cùng những tiến trình lịch sử khác, hình xăm hay việc hút thuốc lá dần trở thành biểu tượng rõ ràng hoặc mờ nhạt gắn với tính chất của con người hay của ý tưởng nào đó.
– Lợi dụng: tính hữu dụng của xăm hình có thể bị lợi dụng cho việc đánh dấu tội phạm (hoặc làm đẹp), hay việc hút thuốc lá có thể được lợi dụng để xây dựng hình ảnh và kiếm tiền, chất gây ảo giác được dùng trong những hoạt động tín ngưỡng nhằm tăng mức độ thần bí…
– Tái định danh: các nhà lập pháp, tư bản, chính trị hay những thế lực khác trong xã hội thay vì nhắm vào những đối tượng họ hướng đến, sẽ nhắm vào những đặc điểm đối tượng đó sở hữu. Chẳng hạn, hình xăm được gắn với tội phạm, cần sa gắn với người da đen và các tầng lớp thấp kém trong xã hội, LSD gắn với người hippies, thuốc lá gắn với quý ông… và tùy từng mục đích, họ sẽ đưa ra những điều luật cấm đoán, tuyên truyền hạ thấp (hình xăm, cần sa, chất ảo giác) hay quảng cáo để nâng cao (thuốc lá). Cùng lúc, tạo ra được định kiến của xã hội về những người sở hữu các đặc tính, phong cách sống bị/được nhắm vào.
– Bão hòa: Sau một thời gian tương đối dài, với những thay đổi về chính trị, trật tự xã hội hay phát kiến khoa học, những định kiến được tạo ra một cách “nhân tạo” trong xã hội thường dần phai nhạt theo thời gian vì nhiều nguyên nhân, trong đó có các “movement” của phe đối lập hay các nhóm thiểu số.
Có thể thấy, khi chúng ta xét trong một khoảng thời gian ngắn (chúng ta thường làm thế, vì cả cuộc đời ta thực chất rất ngắn khi đặt vào chiều dài lịch sử), các định kiến thường bao trùm và dường như tạo ra một hiện thực. Sự tái định danh có chủ đích thậm chí còn khiến mọi thứ có xu hướng vận hành đúng theo định kiến xã hội và góp phần bảo toàn định kiến trong một khoảng thời gian nhất định nữa.
Chẳng hạn, định kiến về việc “xăm hình là giang hồ” có thể khiến người bình thường e dè trong việc quyết định xăm (dù có thể cũng thích), trong khi những cá nhân cá biệt trong xã hội lại tìm đến hình xăm như một cách nhanh chóng để trở thành giang hồ. Vậy, khi ra đường, tỷ lệ chúng ta gặp những người xăm mình là giang hồ khá cao, từ đó lại góp phần vững chắc hơn định kiến trên.
Mọi thứ sẽ tiếp tục xoay vòng như thế cho đến khi có ai đó nhận ra sự thật rất hiển nhiên rằng việc đưa mực lên da không hề liên quan gì đến nhân cách. Cũng như chúng ta từng nhận ra rằng hút thuốc lá chẳng có gì quý phái hay lịch lãm cả, thậm chí còn khiến mồm bị hôi và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhưng không phải lúc nào những sự thật tưởng chừng như cực kỳ hiển nhiên cũng được con người chấp nhận rộng rãi. Nó sẽ cần thời gian. Vì trong phần lớn thời gian và với phần lớn dư luận, đa số chúng ta không suy nghĩ bằng dữ kiện thực, cũng như không đủ khả năng để xử lý dữ kiện một cách tỉnh táo.
Chúng ta thường xuyên dùng những dữ liệu “được kể”, xử lý dữ liệu bằng cách “được dạy” và đưa ra kết luận giống với những người khác cũng có cùng cách phân tích vấn đề tương tự. Từ lối suy nghĩ này, chúng ta lại gián tiếp kiến tạo nên sự thật cho riêng mình, và gián tiếp tự thuyết phục bản thân rằng mình đang có quan điểm rất đúng đắn. Vì có vẻ như ta thường quên rằng những gì ta nghĩ tuy chịu ảnh hưởng từ ngoại cảnh, nhưng cũng vừa tạo ra ngoại cảnh.
Không chỉ hình xăm, cách người Đức tin tưởng Quốc Trưởng của mình và đàn áp người Do Thái, cách người Mỹ thiết lập chế độ nô lệ, cách người Pháp tự hào về “sứ mệnh” khai phóng cho những vùng đất ngoài châu Âu… về cơ bản cũng hoạt động theo cách tương tự nhưng phức tạp hơn.
Tin tốt là mọi thứ sẽ dần thay đổi theo hướng tốt hơn. Còn tin xấu là, nhiều khả năng chúng ta không được sống ở hiện thực “tốt hơn” ấy.
> Xem thêm: Không nên xăm hình gì? Lời khuyên từ những Tattoo Artists
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Nguồn: MonsterBox