Cùng tôi khám phá miệt vườn Tiền Giang trong một ngày thư thả lang thang.
Sau nhiều ngày “bó gối” ngồi ở nhà, tôi bắt đầu nhắn tin rủ rê người bạn hay cùng tôi rong ruổi các nẻo đường. Có thể do tôi bám riết không buông, cũng có thể do điểm đến mà tôi vạch ra quá yên bình nên bạn đã đồng ý. Thế là sáng tinh mơ của một sáng thứ bảy, chúng tôi lên xe máy tiến về miền quê yên ả ở Tiền Giang!
Tiền Giang chỉ cách Sài Gòn khoảng ba giờ chạy xe máy thong dong. Vì muốn tranh thủ thời gian, nên chúng tôi đi khá sớm. Trên đường đi còn được dịp ngắm bình minh lên trên những cánh đồng rộng mênh mông hai bên đường. Cảm giác rong ruổi trên đường đón sương mai, đuổi mặt trời khiến tinh thần tôi thêm phấn chấn, dễ chịu vô cùng.
Chợ nổi Cái Bè
Điểm đầu tiên mà chúng tôi đến là huyện Cái Bè. Nơi đây nổi tiếng với chợ nổi. Nhưng lần này chúng tôi sẽ không chỉ đi chợ trên sông mà sẽ lang thang khắp ngõ ngách. Tôi sẽ về miệt vườn cây trái thăm nhà cổ, dạo chơi trên những con đường quê yên ả và đi cù lao hái trái cây, ăn đặc sản miền sông nước.
Chợ nổi Cái Bè không hoành tráng bằng chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những chợ nổi đẹp nhất miền Tây. Thời điểm tham quan chợ tấp nập nhất là vào khoảng 6-7h sáng. Thế nhưng chúng tôi vừa đi vừa nhẩn nha dọc đường, nên khi đến chợ thì mặt trời đã lên cao hơn cả cây bẹo treo hàng trên các ghe đậu bên sông.
Tuy có hơi muộn, nhưng chợ vẫn còn đó, hàng bán trên các ghe vẫn đủ loại. Tôi thích nhất là ghe bán trái cây tươi. Trên ghe treo đủ loại rực rỡ sắc màu như một tiệm tạp hóa di động. Chúng tôi mua vài trái thơm chín rồi tiếp tục xuôi theo dòng nước đến cù lao Tân Phong.
Miệt vườn cù lao Tân Phong
Cù lao Tân Phong nằm giữa sông Tiền, với cảnh quan thiên nhiên sông nước hữu tình. Rời thuyền, bước chân lên cù lao điều tôi cảm nhận đầu tiên chính là không khí trong lành, mát mẻ. Những vườn cây trái xum xuê nhìn đã mắt.
Chẳng có gì thú vị bằng việc đi dạo dưới những tán cây đầy trái chín, rồi vừa nghe bà con kể chuyện vừa thưởng thức trái cây tươi. Ở đây mùa nào thức nấy: vú sữa, chôm chôm, ổi, nhãn, sầu riêng, mận, mít… Thế nên, đến Tân Phong vào bất cứ mùa nào, bạn cũng sẽ được thưởng thức trái cây tươi tại vườn.
Tôi thích không khí ở Tân Phong, nên nấn ná mãi chẳng muốn đi. Vì vậy, chúng tôi quyết định dùng bữa trưa tại đây. Ở đây không hề có nhà hàng sang trọng, không có quán ăn quy mô mà chỉ là những quán ăn của các hộ kinh doanh du lịch sinh thái trên cồn.
Thế nhưng nếu bạn đến Tân Phong, tôi khuyên bạn hãy thưởng thức một bữa ăn tại đây. Không chỉ được thưởng thức đặc sản miền sông nước như cá lóc nướng lu, ốc bươu nướng tiêu, canh chua trái bần… bạn còn được thưởng thức những bài ca cổ giao duyên ngọt ngào của các cô gái miền Tây.
Khám phá thêm về ẩm thực miền Tây qua bài viết: Ký ức món quê miền Tây mùa nước lũ
Nhà cổ Đông Hòa Hiệp
Rời cồn Tân Phong, chúng tôi quay về Cái Bè, tới làng Đông Hòa Hiệp, nơi nổi tiếng với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Tôi cứ nghĩ nơi mình đến chỉ là những căn nhà cổ nhuốm màu thời gian. Tôi sẽ tha hồ chụp ảnh theo phong cách vintage. Thế nhưng, điều tôi thu hoạch được lại nhiều hơn dự định ban đầu.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp nằm ở hạ lưu sông Cửu Long. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân tới đây là những con đường làng rợp hoa lá, cây xanh. Tôi không nghĩ mình sẽ được thấy những con đường đẹp và nên thơ như vậy, nên khá bất ngờ.
Đường làng ở đây không rộng, nhưng được đổ bê tông sạch sẽ. Hai bên đường người dân trồng hoa và rau trái mang đến vẻ đẹp dân dã thôn quê. Có những đoạn đường uốn lượn theo con kênh nhỏ càng làm nổi bật vẻ đẹp của miền sông nước.
Những ngôi nhà cổ ở làng cổ Đông Hòa Hiệp có niên đại trên 100 năm, mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cuốn hút.
Đầu tiên chúng tôi đến nhà cổ của ông Kiệt. Ngôi nhà này có tuổi đời gần 200 năm. Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với những hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ… Nhà cổ của ông Kiệt còn có dịch vụ lưu trú dành cho du khách. Nếu ở lại, khách không chỉ được ngủ trong nhà cổ mà còn được trải nghiệm cuộc sống thôn quê khi tự tay hái rau trái, nấu nướng…
Nằm trong khuôn viên rộng lớn và được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả là nhà cổ của ông Đức. Ngôi nhà này có kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp. Hiện trong nhà vẫn còn lưu giữ được nhiều vật dụng quý cho thấy những thú chơi phong lưu, tao nhã của gia đình giàu có ở Nam bộ xưa. Phía trước nhà cổ ông Đức còn có bến đò, tiện lợi cho du khách tham quan bằng đường thủy.
Ngoài hai căn nhà trên, chúng tôi cũng tranh thủ ghé nhà ông Xoát, ông Tòng, ông Võ trước khi luyến tiếc rời khỏi làng. Khi ra về, chúng tôi còn được chủ nhà tặng cho nào ổi, nào mận chín cây. Được ăn – được nói – được gói mang về, khỏi phải nói tôi vui cỡ nào.
Trên đường trở về tôi lại tỉ tê với bạn của mình rằng: “Lần sau mình đến đây vào mùa vú sữa lò rèn nhé, hay mùa nhãn chín cũng được. Nhưng mùa nào thì cũng nhất định phải ở lại vài ngày, chứ một ngày ít quá, chẳng bõ gì”. Đấy, chưa đi đã thương chưa về đã nhớ chính là tôi sau một ngày lang thang miệt vườn ở Tiền Giang!
Khám phá Nhà thờ màu hồng: #PinkChurch và những điều thú vị.