Cả tuổi thơ tôi, cả cuộc sống của tôi là hơi thở của sông nước. Tôi biết sau này dù đi đâu thì những ký ức về mùa nước lên ấy sẽ chẳng phai mờ.
Bữa trước tía gọi cho tôi rầu rầu than thở: “Năm nay con nước về muộn quá, sắp rằm tháng Tám rồi mà chẳng thấy đâu. Chỗ ruộng cao còn trơ gốc rạ”. Ở những nơi khác, lũ lụt là nỗi ám ảnh. Thế nhưng, với người miền Tây chúng tôi, mùa nước lũ chính là mùa tươi vui, no ấm và lưu lại nhiều kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp nhất.
Cứ tầm tháng bảy âm lịch là chúng tôi lại ngóng trông lũ về. Nước tràn bờ làm sạch ruộng đồng, bồi đắp phù sa và mang theo về đủ loại tôm cá, sản vật. Nghe tía nói vậy tôi mới chợt nhớ ra, năm nào tôi xa nhà, cứ đến mùa nước lên tía má lại gửi cho tôi đủ thứ quà quê chỉ có ở mùa này. Một mớ cá linh, cá đồng tươi đóng thùng xốp; một mớ so đũa, một mớ điên điển, bồn bồn muối chua… Những món ăn đặc trưng mùa nước nổi gắn liền với suốt năm tháng cuộc đời tôi.
Mọi năm “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, khi tôi còn nhỏ, nếu không phải đi học thì chắc chắn sẽ cùng mấy đứa bạn hàng xóm nhong nhong ngoài đồng cả ngày. Lại nhớ, những khi con nước lên ấy, lũ trẻ chúng tôi không theo người lớn giăng lưới thì cũng mang theo chiếc cần câu nhỏ ngồi câu cá đồng, không thì đi hái điên điển, so đũa, bông súng…
Cái nết ấy, cho đến khi tôi lớn lên, đi học rồi đi làm ở thành phố thì mới không tái diễn nữa. Chỉ thỉnh thoảng tôi dồn ngày nghỉ phép mới về nhà được hai hôm, thì má nhất định không cho đi đâu. Ở nhà má nấu đủ thứ món quê mùa nước nổi cho tôi ăn từ sáng tới tối. Má bảo “ăn cho đã ghiền đi chứ không lên thành phố làm gì có mà ăn”. Đúng là ở thành phố thì đói thật, mà là đói hương vị quê nhà.
Má biết tôi thích cá linh nên cứ tới mùa là thường xuyên nấu đủ món. Cá linh kho tiêu thật mềm ăn với cơm nóng là tuyệt nhất, ăn hoài không chán. Lẩu cá linh ăn kèm bông súng, điên điển, so đũa cũng tuyệt ngon. Ta nói nước lẩu cay cay, cá linh béo béo chấm chút mắm mặn, chỉ nghĩ thôi đã tứa nước miếng rồi.
Lại nói tới điên điển, loài hoa tươi đẹp này cũng là món ăn đậm bản sắc miền sông nước. Cứ đến mùa nước nổi, hoa điên điển lại nở vàng rực cả cánh đồng nước.
Nhà tôi chẳng bao giờ phải mua, má chỉ cần chống ghe đi một xíu là hái về cả rổ. Cái vị của điên điển hơi nhân nhẩn đắng có thể khó ăn với người vùng khác, chứ với người miền Tây lại ghiền, khi ăn chỉ thấy vị ngọt bùi bùi đậm không lẫn vào đâu được.
Bông điên điển cũng chế biến được thành nhiều món, nào là nấu canh chua, ăn lẩu, xào tép, làm gỏi… Nhưng tôi mê nhất là món bánh xèo bông điên điển. Khi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng má mới đổ bánh xèo. Thế nhưng sau này tôi đi xa nhà, lần nào tôi về má cũng đổ cho tôi ăn.
Vị ngọt bùi, nhân nhẩn của điên điển hòa quyện với vị ngọt của tôm sông, vị béo giòn của bánh, thêm chút củ sắn bằm nhỏ, chút giá đậu rồi chấm cùng nước mắm chua ngọt ăn một lần là nhớ cả đời luôn.
Bông súng cũng là đặc sản mùa nước nổi miền Tây. Hồi tôi còn nhỏ, bước ra con rạch bên nhà là có thể lấy bông súng về nấu ăn. Súng ma mọc đầy đồng, con nước càng lên cao thân súng càng dài, chỉ cần vài cọng là đủ một bữa cơm.
Bông súng có thể chế biến thành món gỏi tôm thịt, nấu canh chua. Đặc biệt, tô bún mắm, lẩu mắm mà thiếu mấy cọng bông súng giòn giòn thanh thanh thì mất mấy phần ngon miệng.
Ở thành phố, thỉnh thoảng tôi vẫn có thể tìm mua được bông súng về nấu canh chua hoặc đi ăn bún mắm bông súng. Thế nhưng cái vị lẩu mắm ăn với cọng bông súng ngon nhất vẫn là mỗi khi con nước về má nấu cho tía con tôi ăn.
Có một loài rau nữa mà tôi mỗi năm đều ngóng chờ con nước lên để được thưởng thức. Đó là cây hẹ nước, loài rong cỏ hoang dại “của trời cho” miệt sông nước miền Tây. Lá hẹ nước mềm, khi ăn lại thấy giòn và có vị ngọt thanh mát rượi. Hẹ nước dùng ăn kèm như rau sống, ăn lẩu, nhưng ngon nhất vẫn là lá hẹ tươi chấm nước cá kho, thịt kho.
Tôi thích món cá rô đồng kho thật mềm để lại chút nước sền sệt. Tới bữa cơm, rau hẹ nước rửa sạch để cả cây, khi ăn thì cuộn lại chấm mạnh tay một chút vào chén nước cá rô kho, gắp thêm miếng thịt cá thơm thơm béo béo, vị ngon chẳng thua cao lương mĩ vị chút nào.
Còn rất nhiều món ăn gắn liền với mùa nước nổi nữa mà tôi có thể ngồi kể cả ngày không hết. Cả tuổi thơ tôi, cả cuộc sống của tôi là hơi thở của sông nước. Tôi biết sau này dù đi đâu thì những ký ức về mùa nước lên ấy sẽ chẳng phai mờ.
Trong tất cả những điều ấy, ký ức về những món quê má nấu chính là điều đặc biệt nhất, bởi đó không chỉ là món ăn quê nhà mà còn là tình thương yêu của gia đình!
Xem thêm:
- Độc đáo món sợi Việt Nam ba miền
- Vì sao món ăn 3 miền có vị cay mặn ngọt khác nhau?
- Đào sâu nguồn gốc thực sự của từ ‘phở’, ‘bún’, ‘miến’, ‘mì’, ‘hủ tíu’