Chúng ta hay phàn nàn và thất vọng về lẫn nhau vì bên trong ta luôn có một tâm lý mặc định rằng, người kia phải là ‘Thánh Nhân’. Chúng ta luôn có sự kỳ vọng rằng người khác sẽ thấu hiểu mình, thông cảm cho mình, sẽ nói lời hay ý đẹp và nhẹ nhàng, nói đúng ý mình và cả hành động kèm thái độ luôn tử tế.
Nghe xong, có thể anh em sẽ giật mình, đúng là chúng ta luôn mong đợi đối phương như thế và ít khi chấp nhận ‘họ là chính họ’. Thay vào đó, họ phải có tất cả những điều tốt đẹp trên thì ta mới bằng lòng.
Trớ trêu thay, bản thân chúng ta lại chưa có đủ những tố chất đấy. Một sự thật rõ ràng, chúng ta không thể yêu cầu người khác hoàn hảo khi bên trong ta vẫn còn đầy lỗi.
Tôi thực hành câu nói này khoảng 5 năm trở lại đây, cho cả chính mình, cho vợ tôi và cả Mẫu thân tôi. Tôi thấy hiệu quả rõ rệt nên muốn chia sẻ lại với anh em, để cùng nhau thực hành và lập trình lại những lỗi nhỏ trong hệ thống niềm tin của chúng ta.
Sẽ rất nhiều tình huống rất nhỏ trong gia đình để anh em có thể áp dụng ngay câu thần chú “Đừng bắt người khác làm Thánh Nhân”.
Cụ thể, tôi sống với Mẫu thân từ nhỏ, nên khi trước khi cưới vợ, tôi cũng hỏi kỹ vợ mình là hai vợ chồng sẽ ở chung và phụng dưỡng Mẹ tôi, chứ sẽ không ở riêng. Vợ vì thương tôi nên cũng vui vẻ đồng ý. Nhưng anh em biết rồi đấy, bước vào thực tế thì chuyện nàng dâu & Mẹ chồng sống chung nhà thì vô vàn tình huống trái ý nhau, vì cơ bản 2 cái tôi gai gốc va chạm nhau thì bắt buộc phải có mâu thuẫn.
Cứ mỗi lần có mâu thuẫn gì xảy ra, việc đầu tiên là tôi tự nhắc bản thân mình trước, “đừng bắt vợ mình và Mẹ mình phải là Thánh nhân”; ngay sau giây phút ấy thì lòng tôi thanh thản hẳn, định tâm tốt hơn, nhìn ra bản chất vấn đề và tìm ra giải pháp để xử lý mâu thuẫn hiệu quả hơn.
Vợ tôi cũng tập đọc thần chú “Đừng bắt Mẹ chồng làm thánh nhân”, tôi thấy từ ngày đó, thay vì những phàn nàn đỉnh điểm thì mọi thứ bắt đầu giảm dần đáng kể. Cụ thể, vợ tôi chấp nhận Mẹ tôi hơn, thông cảm hơn, yêu thương nhiều hơn. Càng định tâm thì chúng ta càng thấy rõ bản thân mình cũng chưa tốt đẹp gì quá để bắt người khác tốt đẹp hơn mình.
Cả Mẫu thân tôi cũng xài câu thần chú này, Bà cụ thấy lợi lạc, an bình và chấp nhận cái cách sống của tôi và vợ tôi. Do biết chấp nhận và nhường nhịn nhau, nên trong nhà cũng có ‘hòa khí’ tốt hơn. Ông bà xưa có câu ‘hòa khí sinh tài’, đúng là khi an cư, gia đình êm ấm thì công việc và đầu tư của tôi cũng nhiều thuận lợi hẳn, do tâm trí tôi không phải xử lý các vấn đề lặt vặt trong gia đình nữa.
Câu thần chú này, tôi còn áp dụng với bạn bè, với đồng nghiệp, với đối tác, tôi thấy kết quả thay đổi rất nhiều. Cụ thể là cái tâm chấp của tôi cũng giảm hẳn, bớt kỳ vọng rằng đối phương phải tử tế hay đúng ý tôi ngay từ lúc đầu. Thay vì mâu thuẫn thì tôi đủ bình tâm để chuyển hóa nó thành cơ hội.
Khi áp dụng cách này thì tôi thấy ra được 3 bài học:
- Mỗi người sẽ có hành trình khác nhau để học bài học cuộc đời, nên ta hãy tôn trọng con đường và bài học của họ, khoan kết luận đúng/sai, tốt/xấu.
- Đừng bắt người khác làm thánh nhân, mà hãy bắt đầu từ chính mình, tự sửa mình trước, lập trình lại từng lỗi nhỏ trong hệ thống niềm tin (bản ngã) của mình, để có thể chấp nhận và thấu hiểu tất cả những ai đến với cuộc đời mình.
- Chấp nhận rồi chuyển hóa, chứ không phải chấp nhận rồi chịu đựng. Không phải người đó làm việc xấu rồi mình chấp nhận vui vẻ. Cái chấp nhận ở đây là biết họ cũng cần thời gian để tu sửa, mình không nên gắt gao và ép người ta đến đường cùng quá, thói quen gì cũng cần thời gian để thiết lập lại. Bản thân chúng ta cũng như họ thôi.
Trung thực, lâu lâu tôi cũng hay quên câu thần chú nên dập luôn đối phương te tua. Lúc bừng tỉnh thì việc xong rồi, tôi chỉ biết sám thối và rút kinh nghiệm lần sau thôi (tất nhiên có vài việc không có lần sau). Tôi cũng như anh em, cũng trên con đường tu sửa mình, nên mọi người nhớ tụng câu thần chú ‘đừng bắt người khác phải là Thánh Nhân’.
Tác giả: Nghệ
Xem thêm: Đừng đánh giá quá cao bản thân, trên đời này không ai là không thể thay thế được
–
TẠP CHÍ MENBACK