Ghé thăm Bái Đính là tìm đến sự thư thái và trong sáng, là hướng đến những gì Chân, Thiện và Mỹ nhất.
Cách thủ đô Hà Nội hơn 90km về phía Nam, tỉnh Ninh Bình được ví như là một “Miền Bắc thu nhỏ”. Nơi đây quy tụ đầy đủ tinh hoa của đất trời, của con người và cả của lịch sử dân tộc. Đó là thiên nhiên với đồng bằng xen lẫn đồi núi, là nền văn hóa truyền thống đậm chất Bắc Bộ, là những di tích mang dấu ấn lịch sử vẻ vang của cha ông. Và giữa sự quy tụ đó, Quần thể chùa Bái Đính hiện lên như một một cõi Phật trên miền đất cổ.
Tọa lạc tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Quần thể chùa Bái Đính là một công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng gồm một ngôi chùa cổ cùng quần thể chùa mới lớn nhất Đông Nam Á.
Quần thể chùa Bái Đính đạt được khá nhiều kỷ lục, bao gồm khu chùa rộng nhất Việt Nam, khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, khu chùa có chuông đồng lớn nhất Việt Nam, khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á… Đặc biệt, Bái Đính còn nằm trong Quần thể di sản thế giới nổi tiếng là Tràng An.
Nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử
Vào năm 1136, trụ trì Thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng chùa Bái Đính để tu hành trên ngọn núi cùng tên. Đến năm 2003, chùa Bái Đính được trùng tu và mở rộng thành quần thể chùa rộng lớn hơn.
Với tuổi đời hơn 1000 năm, chùa Bái Đính được xem như một nhân chứng quan trọng của thời cuộc, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của lịch sử Việt Nam.
Lúc bấy giờ, các triều đại tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) đều chịu ảnh hưởng của đạo Phật và rất sùng bái tín ngưỡng của tôn giáo. Chính vì vậy, trên miền đất này được xây dựng rất nhiều ngôi chùa lớn nhỏ, nổi bật nhất chính là chùa Bái Đính.
Trước khi công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân diễn ra, vua Đinh Tiên Hoàng đã lựa chọn nơi đây để lập đàn tế lễ, cầu mong đánh thắng giặc và quốc thái dân an.
Từ năm 1943 đến 1944, đồng chí Trần Tử Bình đã chọn núi Bái Đính làm khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Ông đã kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Cũng chính bởi trải qua những dấu mốc lịch quan trọng mà ngôi chùa càng trở nên ấn tượng hơn. Đó là sự giao thoa giữa thời kì cổ đại lẫn hiện đại, giữa truyền thống xưa cũ và nhiều nét văn hóa mới.
Say đắm lối kiến trúc độc đáo
Chùa cổ Bái Đính giờ đây vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc của các triều đại xưa. Cấu trúc ngôi chùa gồm có một nhà tiền đường ở giữa, bên phải là hang sáng thờ Phật, đến đền thờ thần Cao Sơn, cuối cùng là cửa sau của hang sáng; rồi phía bên trái là đền thờ thánh Nguyễn, tiếp đến là động tối thờ mẫu và thờ tiên.
Tất cả đều được sắp xếp theo các yếu tố nhân kiệt “đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần” của quan niệm dân gian. Dù được hình thành từ thời nhà Đinh nhưng đến thời nhà Lý mới hoàn thiện, vậy nên, kiến trúc của ngôi chùa mang đường nét của những triều đại sau nhiều hơn.
Còn khu chùa mới, có diện tích là 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía Tây cố đô Hoa Lư. Kiến trúc của nó có nhiều nét nổi bật và hiện đại hơn, nhưng dù vậy cũng không làm mất đi bản sắc của truyền thống dân tộc.
Điểm nổi bật nhất của nó đó chính là những hình khối lớn, đồ sộ với nguyên vật liệu gần gũi như đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng, gỗ lim, gỗ tứ thiết… Chúng là thành quả của hàng trăm nghệ nhân đến từ rất nhiều làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm bạc Đồng Xâm, chạm khắc đá Ninh Vân, thêu ren Văn Lâm, đúc đồng Ý Yên, sơn mài Cát Đằng…
Về cấu trúc, chùa gồm cổng Tam Quan với hai tượng Hộ pháp, hành lang La Hán với 500 tượng đá, các điện chính như điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế… và tháp chuông.
Bên cạnh những yếu tố Thuần Việt, quần thể chùa Bái Đính mới còn chịu ảnh hưởng của kiến trúc chùa chiền Ấn Độ, Trung Quốc và Miến Điện…
Hòa quyện với vẻ đẹp thiên nhiên
Chùa Bái Đính nằm trên sườn núi, phía trước là thung lũng với hồ nước rộng mênh mông, và phía sau là những cánh rừng xanh thăm thẳm. Năm này qua tháng nọ, cứ thế mà soi bóng mình xuống mặt nước trong veo, lưng thì in hằn trên những lớp núi đá … như một chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian.
Vãn cảnh đầu xuân tới cửa thiền
Tràng An, Bái Đính cảnh thần tiên
Non xanh lơ lửng mây ôm núi
Nước biếc lao xao sóng vỗ thuyền
… (Trần Đức Ánh)
Nếu vẻ đẹp của lịch sử lâu đời hay kiến trúc làm cho quần thể chùa trở nên nguy nga và đồ sộ thì cảnh quan hùng vĩ, núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi lại khiến cho chốn tâm linh này thêm phần thanh tịnh. Vậy nên, ghé thăm Bái Đính là tìm đến sự thư thái và trong sáng, là hướng đến những gì Chân, Thiện và Mỹ nhất.
Tìm hiểu thêm: 8 ngôi chùa độc đáo nổi tiếng của Việt Nam