Taare Zameen Par (Cậu bé đặc biệt) là bộ phim do tài tử điện ảnh Ấn Độ Aamir Khan làm đạo diễn, người đã rất nổi tiếng với khán giả Việt Nam qua 3 idiots (3 chàng ngốc).
Nói về điện ảnh Ấn Độ thì tài tử Aamir Khan luôn được các khán giả dành những lời khen nhiệt liệt. Phải thừa nhận là ở Aamir Khan, anh làm phim cân bằng được cả 2 yếu tố nghệ thuật chỉn chu và doanh thu phòng vé – điều này quả đáng phục!
Nằm trong chùm 3 phim nổi tiếng nhất của Aamir Khan thì Taare Zameen Par ra đời đầu tiên, Phim này còn được đại diện cho Ấn Độ đi tranh giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2009 nhưng đáng tiếc là không được vào sâu. Cùng năm đó, Slumdog Millionaire của Danny Boyle (phim Anh về đất nước và con người Ấn) lại được vinh danh và chiến thắng oanh liệt ở lễ trao giải của Viện Hàn Lâm. Vậy nên cũng tạo ra 1 vài sự so sánh thú vị giữa 2 bộ phim.
Taare Zameen Par (tiếng Anh: Like Star on Earth, tiếng Việt: Cậu bé đặc biệt) nói về cậu bé Ishaan bị mắc bệnh dyslexia (gặp khó khăn trong việc nhận diện mặt chữ nên không đọc và viết theo lối thông thường được). Trong khi anh trai của Ishaan thì học rất giỏi, Ishaan lại thành học sinh cá biệt, ngỗ nghịch và các thầy cô đều bó tay.
Cả bố mẹ và thầy cô đều nghĩ là do Ishaan hư nên không chịu học, chỉ thích phá. Và cuối cùng, Ishaan bị chuyển đến trường nội trú, những mong những quy định khắt khe nơi đây sẽ rèn giũa tính cách cho cậu bé. Và Ishaan đã gặp Ram (Aamir Khan) – một giáo viên mỹ thuật đã nhận ra được tài năng và trí tưởng tượng phong phú của cậu bé, quyết tâm dìu dắt Ishaan vượt qua mặc cảm và học theo cách riêng của mình.
2 phim còn lại trong chùm phim là 3 idiots và Dangal. Nếu các bạn xem chùm 3 phim theo thứ tự ra đời thì sẽ rút ra được khá nhiều kết luận thú vị. Xem thì đúng là chất lượng sản xuất các phim càng về sau càng tiến bộ hơn hẳn, từ hình ảnh, âm thanh, cách kể chuyện đến nội dung. Tất cả 3 phim này đều có trên Netflix nên các bạn có thể tìm xem.
Phải thừa nhận là các phim của Aamir Khan đều cast diễn viên tốt. Trong phim này thì nhân vật cậu bé Ishaan có ánh mắt tinh ranh, sáng. Những lúc diễn cảnh lủi thủi buồn bã được cậu bé thể hiện rất tốt, khơi dậy nhiều cảm xúc của người xem.
Cả 3 phim này đều có ý nghĩa cao đẹp về bài học cuộc sống, nhưng không phải là được giao giảng theo lối đạo mạo, sách vở. Xem phim với góc nhìn là 1 khán giả châu Á với 1 nền điện ảnh còn kém phát triển như ở Việt Nam, mình nghiệm thấy mấy điều.
Xuất phát là từ kịch bản. Họ sử dụng những chất liệu rất đời sống, gần gũi, không quá giật gân như tình cảm gia đình, chuyện học hành, chuyện bạn bè. Có Dangal là phim hồi kí nhân vật thì khác 1 chút. Nhưng tất cả đều là đời, 1 Ấn Độ nghèo khổ, lạc hậu được tái hiện rất chân thực. Nhưng không quá bi đát, lầm than. Kịch bản tốt, chắc tay như này thì họ phải lo gì đến chuyện kiểm duyệt cơ chứ.
Cách chọn đề tài cũng nhân văn. Các tuyến nhân vật không có ai bị làm lố, làm quá để thành hề chọc cười lãng nhách.
Quay phim, âm nhạc và đạo diễn đều được cân bằng giữa thị trường Ấn Độ và phương Tây. Nó không còn quá rườm rà kiểu Ấn. Quay phim nhiều góc ổn, sáng tạo, khung hình sạch sẽ nhưng vừa đủ, không bị quá lạm dụng kĩ xảo và quan trọng là tính nhất quán.
Cách họ chỉnh màu cho phim cũng sáng sủa, chân thật, không bị quá tay hoặc lậm thành 1 tông màu cinema giả đò, pha ke rồi tự gọi đó là đẹp và art. Điều mình muốn nói ở đây là họ biết tiết chế, biết xài các kĩ thuật đúng lúc và đúng chỗ và vừa đủ.
Phần nhạc thì càng phim sau càng hay và tăng thêm level cho câu chuyện. Hiện đại, giai điệu bắt tai, dễ nhớ và phù hợp.
Quan trọng nhất là mình thấy cái tâm và sự chỉn chu cầu toàn khi làm phim. Từng đề tài đều được tìm hiểu rất kĩ lưỡng và bài bản chứ không bị cảm giác chộp giật làm cho có. Như trong phim Cậu Bé Đặc Biệt này, những biểu hiện của căn bệnh cũng được mô tả, giải thích đầy đủ. Hoặc như trong Dangal thì những pha đánh võ đấu vật đều được lên phim rất thuyết phục. Với tinh thần và trách nhiệm làm nghệ thuật như vật, thảo nào phim của Aamir Khan chất lượng ngày càng lên cao, có những bước tiến rất dài và rất xa. Phim sau hơn hẳn phim trước chứ không hề thụt lùi, dậm chân tại chỗ 1 chút nào.
Mình vẫn luôn nghĩ, 1 nền điện ảnh non nớt muốn tiến bộ thì cần lắm 1-2 cá nhân xuất chúng và cầu toàn. Họ sẽ làm ra những tác phẩm nâng tầm chuẩn mực của cả ngành lên để mọi người theo đó mà học tập, không dễ thoả mãn với những thành tựu bước đầu. Thế hệ nhà làm phim trước của Việt Nam là bác Đặng Nhật Minh và các diễn viên gạo cội. Thế hệ hiện tại, mình muốn đặt cược ở Trấn Thành và hi vọng anh sẽ đi đúng hướng (bởi dù sao với Bố Già, Trấn Thành cũng đã chứng tỏ được phần nào sự cố gắng làm nghề của mình).
Các bạn nghĩ sao, liệu có cá nhân nhà làm phim nào có khả năng lèo lái con thuyền điện ảnh của Việt Nam nữa không?
Xem thêm: 5 series phim hình sự tâm lý tội phạm hay nhất bạn nên xem ngay
–
MENBACK.COM