Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng The Beatles vẫn còn “hot” lắm, ban nhạc này vẫn có một sức hấp dẫn kỳ lạ và lượng người hâm mộ rất đông đảo. Thật dễ bàn về những bài ca nổi tiếng của The Beatles, chúng quá hay về nhạc điệu, dung dị về nội dung nhưng cũng không kém phần sâu sắc, thế nên chúng ta vẫn nghe đi nghe lại, và vẫn hát chúng. Viết về những bài đó thật dễ và khá đơn giản, người đọc đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận những nhạc phẩm quen thuộc, như “Yesterday”, “Imagine”, “Let It Be”, “Michelle”, “Hey Jude”, “Something”…
Tomorrow Never Knows: bài hát kỳ lạ nhất của The Beatles
Nhưng không phải ai cũng đánh giá cao những tác phẩm ngắn ngủi, đa số được sáng tác bởi mấy chàng trai mới qua ngưỡng tuổi hai mươi còn non nớt ấy. Ví dụ Bob Dylan đã từng nói về bài hát phổ biến nhất thế giới “Yesterday” rằng : “Nếu bạn vào Thư viện “the Library of Congress” thì sẽ tìm được cả đống bài hát hay hơn bài này. Có cả triệu bài giống như “Michelle” hay “Yesterday”…”. Chê thì chê vậy, nhưng mấy năm sau Dylan cũng ghi version “Yesterday” của mình, chứng tỏ “Yesterday” cũng chẳng làm Bob dửng dưng.
Đúng là The Beatles rực rỡ nhất khi họ còn quá trẻ, nhưng càng ngày tôi càng thấy được tài năng thiên bẩm của họ, và càng ngày càng khó tưởng tượng vì sao mấy chàng trai mặt chưa rụng hết lông măng mà lại sáng tác được những bản nhạc sâu sắc đến vậy, chỉ có thể dùng chữ “thiên tài” đối với họ, và điều đó thể hiện rõ nhất trong lịch sử một bài hát mà sau này, nghe mãi, nghe mãi rồi dần dần tôi mới có thể hiểu ra được đôi điều, chứ lúc trước thậm chí tôi còn tự liệt nó vào hàng những bài TB “quá dở” – đó là “Tomorrow Never Knows” và người sáng tác là John Lennon…
Quay trở lại những năm 60, mấy chàng trai người Anh đã thực sự làm một cuộc cách mạng trong âm nhạc. Phải nói rằng không có TB thì âm nhạc nửa cuối thế kỷ 20 sẽ phát triển theo một cách nào đó, chứ không thể như chúng ta đã được thưởng thức. Và tầm ảnh hưởng của bộ tứ này còn vượt ra khỏi âm nhạc, thậm chí có thể nói nếu không có TB, thì Phật giáo đã không có một ảnh hưởng rõ nét như vậy đối với thế giới phương Tây! Đạo Phật đối với Tây phương không phải bắt đầu hấp dẫn khi Đà Lai Lạt Ma thứ 14 bị trục xuất khỏi Tây Tạng năm 1959, mà chính là bắt đầu sau đó vài năm, khi những chàng trai trẻ của TB đi sang Ấn Độ (nếu không sau này sẽ không có những Steve Job, Richard Gere… tìm đến học hỏi ở các vị Lạt Ma ở Ấn Độ, Tây Tạng… và giáo lý nhà Phật có lẽ chỉ được biết đến ở châu Á). Mọi sự đều bởi chữ “duyên”…
Tứ quái đã sớm thành công, nhưng họ tuy còn quá trẻ và sống một cuộc sống vô cùng bận rộn, đầy cám dỗ vinh hoa và vật chất họ đã linh cảm được còn có những giá trị khác, giá trị đích thực mà từng cá nhân phải tự tìm hiểu, cảm nhận được-họ đã cùng nhau đi Ấn Độ, rồi từng người riêng rẽ lại cũng nhiều lần quay lại quê hương của Phật giáo, tìm hiểu tôn giáo phương Đông huyền bí cũng như một nền âm nhạc khác xa với âm nhạc Tây phương… Cả bốn người đều bị mê hoặc bởi âm nhạc Ấn Độ, nhất là tiếng đàn sitar, nhưng cảm nhận về Phật giáo (ở đây là Ấn Độ giáo) tất nhiên mỗi người một khác, âu cũng là điều dễ hiểu. Cậu em trẻ nhất Harrison lại chính là người thâm trầm nhất, anh đến với đạo Phật một cách rất tự nhiên, từ 1968 đã ăn chay trường và niềm tin vào Ấn Độ giáo đi theo anh đến ngày cuối của cuộc đời (nhưng đó lại là đề tài cho một câu chuyện khác nữa). John và Paul cũng rất bị ấn tượng bởi đạo Phật, và họ cảm nhận theo cách riêng, có thể không hoàn toàn “đúng” như chúng ta thường hiểu (mà chắc gì ai hiểu “đúng” hơn ai về đạo Phật?). Những lúc ở Ấn Độ các Lạt Ma hướng dẫn họ phải thư giãn hoàn toàn, tĩnh tâm, không nghĩ gì đến thế giới bên ngoài, đến công việc nữa… thì John và Paul lại thấy chưa bao giờ có nhiều năng lượng sáng tạo như ở đấy, họ thường phải giấu diếm các Lạt ma để gặp riêng, để bàn về những bài hát đang xuất hiện cần phải được ghi lại và hoàn thiện sớm để dành chỗ cho những bài tiếp nối… Và nhạc cụ duy nhất họ có ở đó là guitar thường, thế cho nên rất nhiều bài chỉ có nhạc đệm là guitar, và được trình diễn bởi vài thành viên của nhóm thôi, nhiều lúc là solo. Họ phải viết được trên dưới bốn chục bài hát nhờ vào Ấn Độ, nhưng số phận của “Tomorrow Never Knows” thì lại khác hẳn…
John với Paul vào hiệu sách quen, muốn kiếm sách của nhà triết học F.Nietzsche để đọc, nhưng nói mãi không nên hồn tên tác giả (“Nitz Ga” – theo như Paul hồi tưởng lại) thế nên chủ tiệm sách lại giới thiệu cho John cuốn “The psychedelic experience” (“Kinh nghiệm về chất thức thần”) của Timothy Leary và hai đồng tác giả nữa, cuốn này được viết dựa theo “Cuốn sách về những người đã chết” của Tây Tạng. Lập tức cuốn sách cuốn hút ngay John, bởi Timothy Leary đang là cái tên rất “hot” thời đó – ông là giáo viên tâm lý học tại Havard nhưng lại là “guru” cho cả một trào lưu thanh niên sử dụng chất thức thần – ví dụ như LSD do nhà bác học Albert Hofman nghiên cứu chính trên bản thân mình và chế tạo ra từ 1937 (Hofman được bầu năm 2007 là nhà bác học vĩ đại nhất trên thế giới trong số những người còn sống…).
Không phải là người sáng chế ra LSD, nhưng Leary là “thầy” cho những người muốn sử dụng LSD – “thuốc dành cho tâm hồn” này, và John là một trong những người như thế (John thần tượng Leary đến mức sau này khi Timothy Leary tranh cử thống đốc bang California với Ronald Reagan thì John đã sáng tác bài “Come together” để cho Leary làm bài hát cổ động – và sau này chính “làm ơn mắc oán” – Leary quay sang kiện John đã lấy câu khẩu hiệu của ông để cho vào bài hát… Timotthy Leary là con người toàn tài, và đặc biệt tới mức tôi nghĩ thế kỷ 20 chỉ có 2 nhân vật kỳ lạ như thế, đó là Cher Guevara và Timothy Leary!
Một câu tại trang 14 trong cuốn sách này đã thuyết phục Joh hoàn toàn: “When in doubt, relax, turn off your mind, float downstream” (Khi nghi ngại, bạn hãy nghỉ ngơi, tắt đi mọi suy nghĩ, cứ để nước chảy bèo trôi…”). Và John đã tuân thủ hoàn toàn các bước hướng dẫn trong “The psychedelic experience”, để xem khi người ta chết đi thì “cái Tôi” (ego) sẽ trải nghiệm những gì – anh cũng như Harrison nhận thấy chết và ảo giác có rất nhiều điểm tương đồng – anh chỉ để bên mình một cái máy ghi âm, và đây chính là sản phẩm của thực nghiệm đó:
Turn off your mind, relax
and float down stream
It is not dying
It is not dying
Lay down all thought
Surrender to the void
It is shining
It is shining
That you may see
The meaning of within
It is being
It is being
That love is all
And love is everyone
It is knowing
It is knowing
That ignorance and hate
May mourn the dead
It is believing
It is believing
But listen to the
color of your dreams
It is not living
It is not living
Or play the game
existence to the end
Of the beginning
Of the beginning
Of the beginning
Of the beginning
Of the beginning
Of the beginning”.
Bài hát hình thành 01/1966 – đây là bài hát “kỳ lạ” nhất của Beatles, chỉ có một gam duy nhất – đô trưởng (C). Thường thường các bài của TB dùng đến 3 gam trong một bài. Sau này các nhà phê bình âm nhạc có mổ xẻ rồi kết luận là nhạc trong bài có được nâng cao lên một chút, biến tấu thành gam si-bemon, tuy vậy đối với các chàng trai ấm ớ về nhạc lý này thì mọi cái đều dựa vào linh cảm thần thánh của chính họ…
Ít khi mà tất cả các thành viên đều thống nhất được ý kiến về bài hát như trong trường hợp này, mặc dù sáng tác thì hoàn toàn của John. Họ cũng không ngờ bài hát kỳ lạ này lại được producer George Martin ủng hộ ngay từ đầu, và thế là một quá trình sáng tạo tiếp tục, vô tiền khoáng hậu, họ dùng mọi thủ pháp cũ và mới nhất để biến dạng âm thanh một cách hết sức có thể, để thích hợp với nội dung bài hát, đó là cái chết và những gì sau đó nữa… Thậm chí đến Martin cũng được giao nhiệm vụ chơi một cái piano được cố tình lên dây sai tông đi, họ còn dự định thu cả tiếng của Đà Lai Lạt Ma để cho vào bài… John và các bạn đã rất sáng tạo trong việc thu âm bài hát này. Có thể nói The Beatles từ bài này rời bỏ rock and roll và chuyển sang rock. Thậm chí có thể nói đã manh nha hình thành nhạc rap trong bài hát này. George Martin – producer bình thường rất kiệm lời, nhất là lời khen – lần này cũng phải thốt lên rằng “bài hát này cũng cách tân nhiều tương đương với Debussy trong nhạc cổ điển”. Về thiên tài của John, chỉ ngắn gọn là “anh đã thay đổi tất cả mọi thứ!”.
Lúc đầu John muốn đặt tên bài hát là “The Void” (“Sự trống rỗng”), nhưng sau tự anh lại sợ nghe nó “triết lý” quá! Còn hai tên nữa cũng không được chọn (“The Love You Make” và “Mark I”). Và tên gọi cuôi cùng lại phát sinh từ cuộc phỏng vấn, 2 năm trước của BBC Television với Ringo.
Ringo vào năm 1964 là thành viên TB nổi tiếng nhất ở thị trường Mỹ (chứ không phải 3 chàng còn lại nhé!) – BBC phỏng vấn vì sao anh bị cắt trộm một bên tóc ngay trong dạ tiệc, và Ringo với tính cách tếu táo thường thấy đã “phọt” ra câu chơi chữ “Tomorrow Never Knows” mà 2 năm sau TB lấy làm tên gọi cho bài hát kỳ lạ nhất của mình – bài hát được sáng tác đầu tiên và xếp cuối cùng của album “Revolver”.
Album rất thành công, và bài hát cũng rất nổi tiếng. Nó được mua với giá rất cao (250 ngàn USD) để làm nhạc chủ đề cho bộ phim dài nhiều tập “Những kẻ khùng điên” (Mad Men) – bài hát đầu tiên của The Beatles được như vậy đấy nhé! Khá nhiều ban nhạc đã cover lại bài hát nổi tiếng này.
Dù không hiểu được bao nhiêu về đạo Phật, John Lennon trong bài hát này đã đề cập đến khái niệm “không” của Phật giáo. Cũng theo dòng ảnh hưởng của Ấn Độ giáo đã ra đời tiếp tục những sản phẩm xuất sắc, nối tiếp “Tomorrow Never Knows”.
Với riêng tôi, phải vài chục năm sau với trải nghiệm của chính bản thân mình, kể cả có thêm những hiểu biết ban đầu về Phật giáo tôi mới thấy bài hát này vĩ đại đến thế nào, mặc dù chưa thể nói là đã hiểu hết nó hoặc John Lennon trong bài hát này. Chỉ ngắn vậy thôi nhưng nó sẽ đứng cùng đẳng cấp với những bài hay nhất của Pink Floyd, còn ý nghĩa cách tân của nó đối với âm nhạc hiện đại thì khó bài hát nào có thể sánh được! Dù có không còn là fan hâm mộ của John đi nữa, tôi vẫn phải ‘tâm phục khẩu phục” trước anh – người vẫn đang dùng thiên tài của mình để thay đổi tất cả! He changes everything!
> Xem thêm: 5 tổ chức mafia nguy hiểm nhất thế giới
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Nguồn: Nam Nguyen