Trần Hữu Tuấn Bách là một nhạc sĩ soạn nhạc phim người Việt Nam. Anh được học piano từ khi lên 8 tuổi. Sau đó, Trần Hữu Tuấn Bách bắt đầu theo học chuyên ngành piano chính quy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp chương trình Trung cấp dài hạn năm 2009 và lấy bằng Cử nhân piano năm 2014 với sự hướng dẫn của Thạc Sĩ Lê Hồ Hải.
Trần Hữu Tuấn Bách có niềm đam mê đặc biệt cho nhạc không lời từ nhỏ, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về nhạc không lời nói chung và nhạc phim nói riêng. Năm 18 tuổi, Trần Hữu Tuấn Bách cho ra những bản sáng tác khí nhạc đầu tay của mình.
Anh đã sáng tác nhạc cho hơn 10 bộ phim từ năm 2014. Các tác phẩm tiêu biểu của anh bao gồm phần nhạc phim cho ‘Cô Gái Đến Từ Hôm Qua’, ‘Bằng Chứng Vô Hình, ‘Tiệc Trăng Máu‘, ‘Em Và Trịnh’ và ‘Cây Táo Nở Hoa’.
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng nhạc sĩ Trần Hữu Tuấn Bách, được lắng nghe lời tâm sự và những chia sẻ của anh về hành trình âm nhạc của mình.
Theo mình biết thì Bách có hai nghệ danh đó là B.A.X. và Trần Hữu Tuấn Bách từ ngày xưa, thực sự chuyện này chỉ đơn giản là hai hướng âm nhạc tách biệt hay còn đại diện cho hai bản thể thoát ly khỏi nhau?
Năm mình 18 tuổi, khi mình bắt đầu đến với sáng tác âm nhạc, mình chỉ nghĩ đơn giản một nghệ sĩ thì phải có nghệ danh riêng, mình nghĩ ra cái tên B.A.X. mà chưa phải là những hướng âm nhạc khác nhau. Lúc đó mình vẫn đang tập tành nghiên cứu những thủ pháp sáng tác khí nhạc lẫn mày mò âm nhạc điện tử.
Sau này, khi mình bắt đầu viết nhạc một cách nghiêm túc, mình mới chính thức lấy tên thật Trần Hữu Tuấn Bách để đại diện hướng đi riêng dành cho film score. Còn với nghệ danh B.A.X. hiện tại đại diện cho mình là một DJ cũng như một hướng dành riêng cho nhạc điện tử, là đam mê khác của mình.
Mình nghĩ đây là một cách thú vị để khán giả có thể phân biệt được 2 hướng đi âm nhạc, đặc biệt cả 2 hướng đi này được hình thành dựa trên tính cách của mình khá nhiều.
Sau nhiều năm học nhạc cổ điển, thời gian đầu bạn lại theo hướng âm nhạc điện tử, cụ thể là Ambient và House. Bạn có thể cho biết được điều gì đã tạo ra cảm hứng cho sự thay đổi này? Và kiến thức nhạc cổ điển đã được bạn vận dụng như thế nào vào các tác phẩm của bạn?
Khi mình phát hiện ra âm nhạc điện tử, đặc biệt là nhạc ambient, mình thật sự bị cuốn vào những âm thanh đầy mê hoặc mà nó mang lại. Việc học piano cổ điển ở Nhạc Viện TP. HCM thật sự giúp mình có được một cốt lõi âm nhạc khá chắc chắn, để mình vận dụng vào các bài sáng tác dù đó là tác phẩm khí nhạc hay điện tử.
Dẫu vậy, khi mình tiến sâu hơn vào âm nhạc điện tử, mình cảm giác được những gì mình học chỉ là một sự bắt đầu. Có quá nhiều thứ mình còn phải tìm hiểu và nghiên cứu. Trong đó âm nhạc điện tử đã giúp mình biến những ý tưởng sáng tạo âm nhạc phát triển đa dạng hơn với nhiều tầng lớp âm thanh khác nhau, kết hợp với nhiều nhạc cụ khác.
Hiện Bách đang là một nhạc sĩ làm Film Score, giải thích nôm na là âm nhạc tình huống cảnh phim. Vậy từ lúc nào Bách làm quen với việc làm nhạc phim và từ lúc nào Bách quyết định sẽ theo đuổi công việc này một cách chuyên nghiệp và nghiêm túc?
Bản thân mình đam mê nhạc không lời từ lúc nhỏ, ngay cả khi xem phim mình cũng chú ý rất nhiều về phần nhạc cho từng phân cảnh. Vì vậy, lúc mình bắt đầu viết nhạc, định hướng của mình đã là âm nhạc không lời. Film score cũng từ đó đến với mình như một cái duyên, khi bản thân nó chính là âm nhạc không lời mà mình đã theo đuổi từ lâu, là cách kể chuyện cùng với âm nhạc của mình. Ngay từ lúc đó, mình biết rằng “Đây chính là nghề mà tôi muốn theo đuổi nghiêm túc, chính là nó! Tôi muốn làm việc này”, và mình đã gắn bó được với nghề này hơn một thập kỷ.
Mình tự nhủ với bản thân cho đến giờ, để theo đuổi và phát triển film score là một việc rất khó. Thứ nhất, tại Việt Nam không có một nơi nào đào tạo bài bản và chính quy cho film score, ngay cả tại Nhạc Viện hay các trường đào tạo nghệ thuật, điện ảnh khác. Thứ hai, tại thị trường Việt Nam thì film score cũng không phải là một thế mạnh để đầu tư. Cho nên tất cả những gì mình làm đều là học hỏi, thực hiện các bộ phim ngắn để xây dựng một quy trình riêng, mình may mắn có cơ hội được làm việc với các đạo diễn và nhà sản xuất từ rất sớm. Bên cạnh đó, mình còn tự học thông qua các lớp masterclass của nước ngoài.
Không chỉ vậy, mình cũng phải nghiên cứu các khía cạnh điện ảnh nhiều hơn như bố cục hình ảnh, cách dựng phim, màu sắc, âm thanh, tâm lý nhân vật, v.v… để có thể hòa nhập vào một bộ phim nhiều hơn.
Là một nhạc sĩ film score, đồng thời cũng là một người nghe nhạc, Bách có thể cho biết yếu tố của hai phương hướng trên có giúp cho việc đi tìm ra phong cách sáng tác riêng của mình?
Mình nghe và khám phá rất nhiều dòng nhạc, mỗi dòng nhạc đều có một điểm hay riêng để có thể học hỏi và áp dụng vào âm nhạc của mình. Mỗi nhạc sĩ sẽ có một phong cách âm nhạc riêng, mình nghĩ chuyện ảnh hưởng lẫn nhau sẽ là điều rất bình thường, ngay cả trong phong cách làm nhạc phim. Đôi khi khi mình viết nhạc, sẽ có một cảm giác rằng giai điệu hoặc cách phối khí, hòa âm này rất quen thuộc nhưng lại chẳng nhớ, chỉ biết rằng nó như một cảm giác mình đã bị ảnh hưởng từ rất nhiều nhạc sĩ đã nghe.
Thật ra khi bạn là một nhạc sĩ làm film score (hay còn gọi là Film Composer hoặc Filmscore Composer), phong cách riêng của mình sẽ phải là kỹ năng có thể thích ứng với các thể loại âm nhạc khác nhau. Film score không bao giờ định hình sẵn mình sẽ làm gì hay sẽ là thể loại âm nhạc gì, vì tất cả dựa trên cảm xúc âm nhạc và độ cảm phim. Có thể cùng một bộ phim nhưng các nhạc sĩ film score sẽ có một cái “gu” hoặc phong cách khác nhau, đó chính là “phong cách riêng” mà mình định hình được khi theo nghề này. Chính bởi lẽ đó, mình nghĩ các bản sáng tác của mình có được sự đồng điệu cùng với cách kể chuyện mà cá nhân mình cảm thấy quen thuộc.
Qua một thời gian sáng tác cho nhiều phim điện ảnh, Bách có sáng tạo ra một công thức chung nào cho việc tạo ra phần phác thảo âm nhạc của mình rồi mới dựa vào cảm xúc cảnh phim để nêm nếm thêm gia vị không, hay tất cả mỗi sáng tác của bạn đều bắt đầu từ trang giấy trắng?
Có một công thức chung mình luôn làm trước khi bắt đầu quá trình sáng tác trước lúc có bản dựng, đó là luôn chuẩn bị cảm xúc để cảm phim và âm nhạc, thử định hình phong cách âm nhạc cho phim, tham khảo các thể loại âm nhạc, viết trước giai điệu chủ đề (main theme) cho phim hoặc nhân vật (tất cả là trong tưởng tượng chứ chưa có bản dựng), thử làm vài mẫu sketch, thiết kế các âm thanh mới, v.v… Từ đó, khi có bản dựng, mọi thứ sẽ trông dần rõ ràng hơn. Đôi khi, mình phải sáng tác trước một vài demo để dùng cho việc quay phim on set.
Ngoài công thức đó, tất cả các sáng tác cho từng bộ phim mình luôn muốn nó phải mang màu sắc khác nhau, có tính riêng biệt dành riêng cho phim, dù rằng sẽ có những người nghe nhạc mình phát hiện được phong cách sáng tác của mình trong đó. Bản thân mình không thích cái gì đó bị lặp lại nhiều lần, đây cũng là thách thức cho bản thân bởi mình muốn sử dụng cách phối khí phức tạp hơn.
Vì vậy, khi nhận làm score cho phim, mình luôn tập trung dành thời gian và cảm xúc để làm cho phim đó, và nó dường như là khoảng thời gian mà mình sống trong bộ phim. Sẽ rất khó để làm điều này khi bạn thực hiện nhiều phim cùng một lúc vì bạn sẽ bị loạn về nhịp phim, về cảm xúc âm nhạc rất nhiều.
Theo quan sát trong một khoảng thời gian dài vừa qua, “film score” và “bài hát trong phim” thường xuyên bị nhầm lẫn, từ cả những người thực hiện phim và cả khán giả. Bách có thể cho biết mọi người nên tìm hiểu từ đâu vì hai trường phái mặc dù khác nhau nhưng khái niệm trong tên gọi ở tiếng Việt lại quá gần nhau?
Tại Việt Nam, khái niệm film score mới xuất hiện trong những năm gần đây, thế nên nó rất mới đối với khán giả lẫn cả những người trong ngành. Khái niệm “nhạc phim” từ rất lâu (thời các phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam) đã được hiểu qua thời gian là “bài hát trong phim” mà không có film score, mặc dù film score vẫn hiện hữu trong các bộ phim đó. Ngay cả khi ta sử dụng chữ “soundtrack” hoặc OST (original soundtrack) trong tiếng Anh, đa phần mọi người vẫn sẽ hiểu thành “bài hát trong phim” (theme song) nhiều hơn.
Mình có thể hiểu và đồng cảm với điều này, vì từ xưa đến giờ thị trường về bài hát của Việt Nam rất mạnh (gần gũi và dễ tiếp nhận, thưởng thức), nên chuyện khán giả lẫn những người trong ngành đầu tư nhạc phim theo hướng bài hát là một chuyện rất bình thường. Có một điều khó khăn khi mình giới thiệu bản thân là một người nhạc sĩ soạn nhạc phim, hầu như mọi người vẫn tưởng lầm mình là một nhạc sĩ viết các bài hát trong phim, và sau đó mình phải giải thích mình là một film composer, lúc đó phản ứng mọi người cũng hết hype vì tưởng rằng mình là một nhạc sĩ viết bài hát.
Thật ra hiện tại, chúng ta đã có một lượng khán giả biết thưởng thức nhạc không lời nói chung và film score nói riêng dù chưa nhiều, chúng ta cũng phải cám ơn các bộ phim của nước ngoài để có thể vừa mang điện ảnh lẫn film score trong đó đến các bạn nhờ những tượng đài nhạc sĩ như John Williams, Hans Zimmer, Alexandre Desplat, Alan Silvestri, Tom Holkenborg, v.v… Và từ đó, khán giả sẽ dần khám phá nhiều hơn về film score tại Việt Nam. Điển hình là 2 phim điện ảnh ‘Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh’ và ‘Mắt Biếc’ đã được khán giả tìm kiếm film score do nhạc sĩ Christopher Wong soạn nhạc để thưởng thức.
Đối với suy nghĩ của mình, mình rất lạc quan rằng các nhạc sĩ trẻ tại Việt Nam sau này sẽ có đủ trình độ để làm film score vì Việt Nam rất nhiều người giỏi. Chỉ có điều như mình nói ở trên, con đường film score tại Việt Nam khá nan giải và khó khăn rất nhiều thứ, nên không phải ai cũng có thể theo được ngành này lâu dài, phần lớn họ chọn cách theo thị trường. Hiện tại các nhạc sĩ viết film score tại Việt Nam chỉ đếm trên được đầu ngón tay như Đức Trí (‘Trạng Tí’, ‘Áo Lụa Hà Đông’), Tôn Thất An (‘Ròm’, ‘Song Lang’), Nguyễn Hoàng Anh (‘Hai Phượng’, ‘Cô Ba Sài Gòn’).
Để khán giả hiểu dần về film score, mình nghĩ việc quan trọng đầu tiên chính là bản thân nhạc sĩ soạn nhạc phim có thể mang đến các tác phẩm, cũng như thể hiện các tác phẩm đó qua màn ảnh đến khán giả tốt hay không. Sau đó, việc còn lại khán giả sẽ tiếp nhận và đánh giá các tác phẩm đó như thế nào. Ví dụ như khi mình thực hiện nhạc cho ‘Tiệc Trăng Máu’, mình không nghĩ là sẽ có những phân khúc khán giả chú ý đến vậy. Âm nhạc và hình ảnh đã cùng hòa quyện với nhau đến mức sau đó khán giả đã tìm nghe score rất nhiều. Việc quan trọng còn lại là thực hiện các buổi workshop, các lớp học nhỏ về film score để cho khán giả lẫn những người sẽ theo ngành điện ảnh có một bức tranh rõ hơn về film score.
Bách có thể liệt kê một số dự án film score mà bạn đã thực hiện, bên cạnh ‘Em Và Trịnh’ và kỷ niệm nào làm bạn nhớ đến nhiều nhất?
Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã thực hiện hơn 10 bộ phim như ‘Cô Gái Đến Từ Hôm Qua’, ‘Anh Trai Yêu Quái’, phim truyền hình ‘Cây Táo Nở Hoa’, ‘Tiệc Trăng Máu’, ‘Bằng Chứng Vô Hình’, gần đây nhất là ‘Em Và Trịnh’.
Mỗi một phim khi mình thực hiện làm nhạc đều có những kỷ niệm và kinh nghiệm làm việc riêng biệt, đó chinh là điều thú vị khi mình theo ngành này, vì mỗi lần thực hiện mình lại học được nhiều thứ hơn.
Như ‘Bằng Chứng Vô Hình’ là bộ phim mình sử dụng âm nhạc điện tử và phải thiết kế âm thanh rất nhiều để đạt được hiệu ứng âm nhạc của thể loại phim thriller. Ngược lại, ‘Tiệc Trăng Máu’ pha chất nhạc Tây Ban Nha với nhạc cụ chính là guitar. ‘Em Và Trịnh’ lại mang màu sắc giao hưởng nhiều hơn, và với một thử thách rất khó khi phải sử dụng một số bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để phối lại thành bản score không lời. Việc khó ở đây là mình phải sử dụng và phối khí với giai điệu đó, đặt tác phẩm phù hợp phân cảnh phim chứ không phải chỉ sử dụng giai điệu là hoàn thành được.
Với con đường đã chọn, Bách có kế hoạch dài lâu không hay là sẽ tùy thuộc vào những thứ trời cho trời định? Có bao giờ Bách nghĩ về việc rẽ hướng ở ngã ba đường không?
Ngay từ khi mình bước vào con đường này, mình đã xác định được hướng đi của mình nghiêm túc sẽ là film composer và đầu tư phát triển thật sự cho nó. Đây là một công việc với quá nhiều gian nan mình phải trải qua, đôi khi mình còn nghi ngờ về trình độ của bản thân, viết nhạc cực độ đến nỗi bị trầm cảm, và những lần đó tất nhiên mình đã suy nghĩ đến chuyện buông tay và không theo nữa.
Đến cuối cùng, mình muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, film composer là một nhạc sĩ thật sự, một nghề chính quy chứ không phải định nghĩa về nhạc sĩ sẽ chỉ có thiên hướng music producer, beatmaker, songwriter. Điều đó sẽ khiến mọi người dần hiểu hơn trong việc phân biệt giữa film score và theme song.
Về hướng đi khác, thật sự mình vẫn chưa có suy nghĩ nhiều, vì mình thấy bản thân mình làm ngành này còn chưa xong thì chưa dám bay nhảy qua những lĩnh vực khác trong âm nhạc. Dẫu vậy, mình vẫn đang ấp ủ cho tương lai để có thể tổ chức được một đêm nhạc phim riêng thật sự của mình mà trong đó, mình trình diễn giới thiệu các tác phẩm của mình đến cho mọi người.
Cuộc trò chuyện được thực hiện bởi Cổ Động.
Trần Tiến – gã “du côn ca” và trái tim rực lửa
"Người ta có phong trào du ca còn tao là thằng du côn ca", Trần Tiến từng nói với anh...