Chẳng cần nhìn đâu xa, các bạn cũng có thể tự thấy là tự do là điều lớn nhất mà người trẻ bây giờ theo đuổi. Tự do tài chính, tự do trong việc lựa chọn sự nghiệp, tự do yêu đương, tự do tình dục… Chỉ có điều, phần lớn tất cả mọi người đều hiểu sai ý nghĩa của hai chữ “tự do” ấy.
Trong những tháng ngày từ khi còn trẻ, tôi đã học được rằng, nếu như cuộc đời vẫn còn mang đến một kết quả không như ý thì rõ ràng là chính mình vẫn còn làm sai hay hiểu sai một điều gì đó.
Thế nên sau mỗi khi trải qua một thất bại, tôi thường dành một khoảng thời gian để rà soát lại suy nghĩ của mình, nghĩ lại về từng khái niệm và dành một thời gian dài sau đó để tự kiểm chứng cho kết quả mà mình đã thay đổi. Chỉ như thế, tôi mới có thể yên tâm rằng nền tảng trong nhân cách của mình đã đủ vững chắc để có thể đi tiếp mà không mắc lại sai lầm cũ.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi phát hiện ra chuyện rất nhiều người vẫn hàng ngày cười nói, giao tiếp bằng những từ ngữ mà họ không thật sự hiểu. Điều ấy dần dần sẽ phát triển thành một sự sai lầm về nhận thức hoặc tệ hơn là khiến bạn trở thành một người đạo đức giả trong mắt xã hội.
Lấy ví dụ đơn cử cho một trường hợp điển hình nhất. “Yêu” chính là một từ cũng được mỗi người hiểu theo một cách khác nhau. Có người hiểu nó là một trạng thái cảm xúc mãnh liệt mà họ từng trải qua. Người khác, những người đã trải qua vài mối quan hệ đổ vỡ, lại hiểu rằng “yêu” là ý thức trách nhiệm cho cả hai người. Với một số lượng rất lớn những người còn lại “yêu” với họ thuần tuý chỉ là một từ tế nhị để biểu đạt ham muốn tình dục.
Thế nên khi bạn đặt cho một người câu hỏi là “Anh có yêu em không?” thì gần như sẽ chẳng bao giờ có được một câu trả lời như ý. Một câu hỏi chung chung sẽ không bao giờ có thể trả về một kết quả rõ ràng.
Việc hiểu sai nghĩa của tự do cũng sẽ mang đến những hậu quả nghiêm trọng không kém.
Thường thì người ta hiểu về tự do là cảm giác được thoả chí làm những điều mình thích mà không phải chịu giới hạn nào.
Bản thân từ tự do trong những ngôn ngữ khác nhau cũng mang đến những góc nhìn khác nhau về điều này.
Tự do là gì?
[Free/Freedom] trong tiếng Anh biểu đạt hàm ý về khát vọng có thể được đi thật xa, trải nghiệm thật nhiều mà không bị áp bức, quản chế, ràng buộc. Tuy nhiên [Tự do] trong tiếng Việt, có gốc Hán, lại mang ý nghĩa nội tâm sâu sắc hơn khi nói về tâm thế sẽ tạo nên nền tảng và sức mạnh để mỗi người đạt được tự do.
Tự do trong ngôn ngữ của chúng ta thật ra nghĩa là tự mình và do mình.
Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc này thì cần chịu khó nhìn lại lịch sử của nhân loại một chút để thấy sự thật này.
Thật ra con người trước giờ thật ra vẫn là một loại sinh vật rất yếu đuối. Chúng ta không thể sinh tồn giữa tự nhiên như dã thú, thậm chí còn dễ trở thành con mồi của nhiều loài thú ăn thịt khác.
Một ông anh của tôi từng nói, nếu giờ nền văn minh của con người mà không còn nữa, thì cỡ tinh trùng nhỏ bé như anh với mày ném ra ngoài thiên nhiên kia chắc cùng lắm sống được một tuần. Đến tự nhóm lửa còn không biết cách, khát không biết tìm nguồn nước ở đâu, đi trong rừng cũng không biết cách phát hiện vị trí an toàn để ngủ được. Chẳng hạn trôi ra đảo thì có biết bổ dừa bằng tay không để mà ăn không? Nói một tuần có lẽ là còn rộng lượng.
Xem thêm: Phẩm chất đàn ông và bài học lớn từ “Nhà tù Shawshank”
Chính vì thế mà con người mới tập trung lại, phân chia chuyên môn, bù khuyết cho nhau để sinh tồn, sau này mới tiến đến chuyên môn hoá để tối ưu việc phát triển trí tuệ hoặc năng lực sản xuất. Thứ gắn kết tất cả mọi người từ thời cổ đại đến bây giờ chính là hệ thống xã hội, bộ máy nhà nước, luật pháp, những ràng buộc về văn hoá và luân lý… để quy định những điều mà con người được làm lẫn không được làm.
Tuy nhiên, hệ thống nào cũng có thiếu sót và những điểm không hoàn hảo. Thế nên để được tận hưởng lợi ích từ xã hội này thì mỗi người cũng phải trả một cái giá, đó là quyền tự quyết định cuộc sống của mình.
Nền văn minh càng phát triển thì sự ràng buộc của con người bởi hệ thống xã hội sẽ càng nặng nề. Từ thời phong kiến là lễ giáo quân thần, ở thời hiện đại, chính là sự ràng buộc bởi kinh tế. Bất cứ ai cũng là người bán của một loại sản phẩm hay sức lao động nào đó; và họ cũng sẽ phải mua hàng hoá hoặc dịch vụ của người khác. Con cái mà chưa tự lập về tài chính thì sẽ luôn phải chịu ràng buộc của gia đình.
Có lẽ từ vài nghìn năm trước, con người đã có mong ước về chuyện sẽ không để sự tồn tại của mình, cuộc sống của mình, hạnh phúc của mình bị phụ thuộc vào bất cứ ai cả.
Điều ấy được thể hiện trong những câu chuyện võ hiệp về những con người phiêu bạt trong giang hồ, trong cách mà những cô gái bỏ làng ra đi để được yêu người con trai khiến mình rung động; hay với những con người ở trong một nghiệp đoàn nào đó, sống hàng ngày với cảnh trên đe dưới búa, họ cũng mong mỏi chuyện được thoát ra.
Để tự do thì một người sẽ phải từng bước xé bản thân khỏi các mối quan hệ phụ thuộc. Những mất mát ban đầu trên con đường ấy là hệ quả tất yếu, không ai có thể tránh được.
Tuy nhiên, ngay giữa lúc nhận ra chính mình thật sự mong manh và yếu đuối như thế, mỗi người sẽ phải học cách để có thể độc lập. Học điều mình chưa từng học, làm thứ mình chưa từng làm, tập nghĩ theo cách mình chưa từng nghĩ, để có thể trở thành một người toàn tài đa nhiệm hơn, từ đó mới có được sự độc lập.
Khi một người còn trẻ và vẫn chưa hiểu được về những con người khác trong xã hội, cũng không biết được cách mà bộ máy này vận hành thì sự tự do mà họ nhắc đến chẳng khác gì một lòng tham muốn được thoả mãn lớn hơn. Đáng buồn là trong tay không có tiền tài, thực lực hay bản lĩnh thì dù ước mơ có trải dài đến mấy cũng không thể thành hiện thực được.
Xem thêm: Cuộc đời đàn ông và 3 vai diễn trong bộ phim “Gia đình”
Đến khi trưởng thành, học được từ những điều căn bản nhất của cuộc sống như thấy đau trong người thì tự biết ra hiệu thuốc mua thuốc gì, hay là biết nấu cơm tự mình ăn thấy ngon, nấu xong tự giác đi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa…
Chính xác là trở thành một người tự lo được cho bản thân, tự dọn dẹp những hậu quả mình gây ra, tự chịu trách nhiệm cho hành động mình, không gây ra phiền toái gì cho những người khác và hiểu rằng cuộc đời này vui buồn sướng khổ đều do mình thì mới hiểu được cuộc sống của mình giờ là “tự do” mình quyết.
Lúc ấy, sau khi đã có tự do rồi, thì cuộc đời này đi được bao xa hoàn toàn là do ý chí của bạn.
P/S: Trong bài viết này, chỉ có hai chữ “tự do” được đặt trong ngoặc kép. Khi đọc lại, tự bạn sẽ thấy rằng cùng chỉ là hai chữ, nhưng trong những ngữ cảnh khác nhau đã mang ý nghĩa khác biệt đến thế nào.
Một góc nhìn khác về Bản chất của Tự Do.