Các nhà lịch sử nghệ thuật đã thống nhất với nhau rằng, “Vệ nữ ngủ” (1510) chính là bức tranh phụ nữ nằm khoả thân đầu tiên trong lịch sử hội hoạ phương Tây.
“Vệ nữ ngủ” cũng là một trong những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, gợi cảm nhất, với hình ảnh của người phụ nữ được tôn vinh là Vệ nữ, trong vai trò của nữ thần tình yêu, là biểu tượng cho cái đẹp của thời đại ấy. Đó là một trong những tác phẩm cuối cùng của Giorgione (1477-1510), hoạ sĩ hàng đầu của trường phái Phục hưng của thành phố Venezia (Venice), với những tên tuổi đã có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật thế giới trong thời kì ấy ở nước Ý.
Giorgione đã vẽ bức tranh này trong những năm cuối đời của mình và khi chết vào năm 1510, bức tranh chưa hoàn thành. Nó được học trò của ông là Tiziano Vecellio (hay Titian, theo cách phiên âm tiếng Anh) vẽ nốt những phần còn lại, là phong cảnh phía sau lưng của nàng Vệ nữ đang nằm ngủ. Chính bức tranh này sau đó 33 năm đã truyền cảm hứng để Tiziano vẽ nên một tuyệt tác khác về nàng Vệ nữ khoả thân nằm trên giường, bức “Vệ nữ thành Urbino”.
Nhưng bức “Vệ nữ ngủ” thì lại đặc biệt ở chỗ, đó là bức tranh đầu tiên vẽ một người phụ nữ trong tư thế đó và bức tranh khá lớn, cao hơn 1 mét và dài 1,75 mét, và dù cho đến hiện tại, vẫn gây ra một vài tranh cãi trong các nhà nghiên cứu về việc ai trong Giorgione và Tiziano đóng góp nhiều hơn trong tác phẩm này, nó đã tạo ra nhiều ấn tượng đặc biệt.
Nhà nghiên cứu Joseph Friedberg chỉ ra rằng, chính tư thế thoải mái và thư giãn của Vệ nữ khi ngủ và khung cảnh thiên nhiên với màu sắc khá êm dịu cho thấy sự giao hoà giữa con người và vạn vật. Nàng nằm ngủ một mình và đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa tác phẩm này với một số tác phẩm khác cùng thời khi mô tả những nữ thần trong thần thoại Hy Lạp và La Mã đang ngủ, nhưng có một ai đó nữa được vẽ trong tranh, là những người đã phát hiện ra họ ngủ, hoặc đơn giản là đang ngồi và ngắm họ.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, ở gần nàng Vệ nữ có một vài bông hoa phong quỳ, một loài hoa đã xuất hiện như một ý ẩn dụ trong thần thoại Hy Lạp về Vệ nữ và Adonis, chàng thợ săn đẹp trai đã bị nữ thần Artemis sai một con lợn rừng hoang giết chết vì ghen tị với sự giỏi giang trong đi săn của chàng.
Vệ nữ (trong thần thoại Hy Lạp chính là nàng Aphrodite) yêu chàng và vô cùng đau khổ vì cái chết của chàng. Khi chàng chết, Vệ nữ đã tưới rượu tiên lên máu chàng và từ đó nở ra hoa phong quỳ (anemone). Theo nhà phân tích Anthony Colantuono, thì bông hoa ấy ám chỉ rằng, nàng ngủ và mơ về chàng Adonis điển trai mà nàng đang yêu say đắm.
“Vệ nữ ngủ”, và sau đó “Vệ nữ thành Urbino” (1534) đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều hoạ sĩ khác trong hàng thế kỉ sau đó. Những người phụ nữ khoả thân, với các dáng nằm khác nhau, nhưng không được vẽ theo kiểu gợi dục, đã được rất nhiều hoạ sĩ thể hiện, từ Bronzino, Gentileschi cho đến Velasquez.
Hoạ sĩ Pháp theo trường phái lãng mạn Ingres thì lại chọn một cách thể hiện khác. Ông không mô tả nàng Vệ nữ trong một ẩn dụ về vẻ đẹp mang tính thanh cao, đẹp đẽ, lột tả vẻ đẹp của người phụ nữ, mà ông vẽ một phụ nữ trong đời thường, có lẽ là nữ cung tần hoặc một nàng kĩ nữ trong bức “Grande Odalisque”.
Trong khi đó, hoạ sĩ bậc thầy của trường phái Ấn tượng Manet thì gây chấn động với bức Olympia, thể hiện một nàng kĩ nữ đang nhìn thẳng vào người xem, như đang thách thức và rất tự hào về sự khêu gợi của mình.
Trở lại với bức “Vệ nữ ngủ”, đó là một vẻ đẹp khác, thánh thiện và mang tính ước lệ rất nhiều. Đó là cách mà các hoạ sĩ thời Phục hưng đã vẽ những người phụ nữ.
Thời đó, người ta vẫn vẽ về Đức mẹ Maria, các chủ đề về tôn giáo liên quan đến Đức mẹ và Chúa Jesus rất phổ biến, nhưng phần lớn các tác phẩm khác có hình ảnh về người phụ nữ đều mô tả các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp và La Mã cũng như những câu chuyện trong Kinh thánh.
Có điều, cách mô tả về người phụ nữ đã rất khác thời Trung Cổ, bởi vào thời Phục Hưng, khi một làn sóng nghệ thuật tìm về các giá trị nhân bản và triết học của thời Hy Lạp cổ đại diễn ra, người ta bắt đầu ca ngợi cái đẹp của con người trong vẻ trần trụi của họ, giống như rất nhiều bức tượng khoả thân của Hy Lạp cổ đã mô tả.
Cùng với việc các hoạ sĩ hiểu kĩ hơn về giải phẫu học khi nghiên cứu cơ bắp của các xác chết và tỉ lệ các bộ phận cơ thể người được tôn vinh khi người ta tìm ra được lý thuyết về sự hoàn hảo của cái đẹp, các tác phẩm vẽ người trở nên đẹp hơn, thật hơn, sống động hơn.
Riêng về người phụ nữ 500 năm trước, trong các tác phẩm như của Giorgione hay Tiziano, Raffaello hoặc Leonardo da Vinci, sự ước lệ vẫn tồn tại. Họ đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ có vẻ mũm mĩm về da thịt và ngoài gương mặt xinh đẹp và thánh thiện thì cơ thể của nàng khoẻ mạnh. Họ coi đó là những người phụ nữ lí tưởng cho việc làm mẹ, làm vợ và là hiện thân của cái đẹp mang tính thời đại.
Bây giờ, 5 thế kỉ đã trôi qua, nhiều quan niệm về cái đẹp đã thay đổi, và đã từng có thời kì mốt người dây xuất hiện, nhưng xét cho cùng, trong thế giới hiện đại những người phụ nữ không chỉ đẹp về hình thể và gương mặt, có da có thịt, khoẻ mạnh, mà còn giàu tri thức và có tính độc lập cao…
Xem thêm: ‘Diana sau khi tắm’ của Francois Boucher – Kiệt tác nghệ thuật Rococo
–
MENBACK.COM