Hôm trước, có bạn nói với tôi: – “Vì thấy chán đời quá nên muốn đi tu.”
– Tôi hỏi thêm: “thế ‘đi tu’ ở đây cụ thể là gì?”
– Bạn đáp: “là muốn cạo đầu xuất gia vào Chùa tu đấy.”
– Tôi hỏi thêm lần nữa: “thế chắc chắn đi tu được bao nhiêu %?”
– Bạn hơi chần chừ tý, “chắc tầm 60-70% gì đấy anh ah”.
– “Thế mục đích vào Chùa tu để làm gì?”, tôi hỏi sâu.
– “Vì mệt mỏi và chán cái cảnh đời này quá rồi, nên em vào Chùa tu cho yên ổn, cho tâm thanh tịnh hơn…”
… đoạn nói chuyện giữa tôi và bạn đó còn khá dài, nhưng tôi thấy đây là một chủ đề hay nên biên luôn bài viết riêng để bạn nào đang chán đời có ý định đi tu giống bạn trên thì có thêm góc nhìn mà tham khảo.
Chán đời muốn đi tu
Tôi hiểu, game đời chưa bao giờ dễ dàng, càng lớn, càng nhiều trách nhiệm, càng nhiều ràng buộc thì chúng ta càng mệt mỏi. Mệt lâu ngày thì sinh ra stress và chán nản, chán ông sếp, chán đồng nghiệp, chán gia đình, chán vợ, chán con… chán cái cách xã hội đang vận hành… nói chung gần như chán tất cả, chả có gì ra cái gì.
Không riêng các bạn, ngay chính tôi, cũng từng nhiều lần cảm thấy chán đời như thế, chả muốn chơi game đời nữa. Tính đến giờ, có 2 lần nghiêm túc tôi suy nghĩ về việc mình sẽ xuất gia, cạo đầu lên Chùa tu như bạn kia… vậy mà mãi đến giờ, đầu vẫn chưa cạo!
Nếu vì chán đời mà xuất gia đi tu thì tôi chắn chắn với các bạn, chỉ tu tầm vài tháng là bạn xin hoàn tục ngay. Vì ở trên Chùa, bạn sẽ càng chán nản hơn gấp vạn lần.
Trước ở nhà, chỉ deal với vài người thân, ở công ty thì deal với sếp / đồng nghiệp / khách hàng… nhưng lên Chùa thì các bạn cũng chẳng thể thoát nổi đâu, vì bạn sẽ deal với Sư phụ, sư huynh, sư tỷ, sư đệ, sự muội, sư tiểu, ông bảo vệ, công an phường và rất rất nhiều Phật tử lên cúng bái…
Chưa kể mọi sinh hoạt trên Chùa là sinh hoạt chung, toilet chung, ăn chung, Chùa cho ăn gì thì ăn đó… sáng dậy cực sớm, tối ngủ sớm, ngoài thời gian tụng kinh / cầu siêu / học Pháp thoại ra thì chúng ta phải lao động liên tục… không có chuyện mọi người đang làm việc mà bạn ra góc cây bồ-đề để ngồi thiền đâu, rồi xa xa để máy chụp tự sướng… rồi viết vài dòng tút up phây “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”… biến biến cái cc đấy.
Nếu bạn nào vì chán đời mà xuất gia đi tu, thì tôi xin cam đoan là không tu được đâu. Nếu cố lắm thì tầm vài tháng là về.
Yêu đời mới đi tu
Muốn xuất gia đi tu lâu bền thì động cơ bên trong không phải vì chán đời quá mà đi tu, mà đổi lại phải là rất YÊU ĐỜI nên mới đi tu. Xin nhắc lại, các bạn phải rất yêu cuộc đời này, vì quá yêu, vì quá thương cảm với nỗi khổ của mọi người xung quanh nên bạn muốn lên đường để giải quyết nỗi khổ bên trong mình trước, rồi tìm ra con đường để chuyển hóa nỗi khổ của những người xung quanh bạn.
Bạn phải có dư tiền thì bạn mới cho người khác tiền, bạn phải có dư bình an thì bạn mới cho người khác bình an, bạn không thể cho người khác cái mà bạn không có dư được.
Nếu bên trong bạn đầy đau khổ, chán nản, thì việc lên Chùa tu chỉ là một hình thức trốn tránh thực tại mà thôi. Cuộc đời đang muốn bạn học bài học A, bài học B, thông qua hôn nhân gia đình, công việc, bạn bè, xã hội nhưng bạn lại từ chối học.
Nhưng xin chia buồn, là các bạn không trốn được đâu, nếu đó là bài học mà bạn phải học thì dù ở nhà hay ở Chùa thì bạn cũng phải đối diện với nó. Không người này dạy thì sẽ có người khác dạy bạn, ở những hoàn cảnh khác nhau, nhưng bản chất bài học là giống nhau.
Cuộc đời luôn bất ổn
Có một sự thật mà các bạn nên nhận ra sớm, đó là cuộc đời này luôn BẤT ỔN,
Nó bất ổn và vô thường vì chạy theo chu kỳ sinh-trụ-hoại-diệt liên tục… không bao giờ kết thúc.
Nên chúng ta đau khổ, là vì mong cầu biến một cái luôn ‘bất ổn’ thành một cái luôn luôn ‘ổn định’. Đó là điều không thể, càng cố chống đối lại dòng chảy tự nhiên này thì chúng ta càng khổ, càng chán.
Nó tương tự, việc bạn muốn một bông hoa mãi không tàn, muốn thân mình luôn trẻ khỏe, muốn vợ mình luôn yêu thương mình, muốn công việc mình luôn luôn thăng tiến, muốn xã hội này luôn luôn tốt đẹp, v.v…
Các bạn muốn tất cả ‘ổn định’, vì não chúng ta hay nghĩ, bên ngoài ổn định thì bên trong bạn mới ổn định được… Và sự bình yên bên trong các bạn cũng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các biến số bên ngoài… Rất tiếc, các biến số này luôn luôn thay đổi và bất ổn định nên chả bao giờ tâm bạn yên ổn được đâu.
Sự an yên đích thực nhất mà các bạn cần nhận ra là: sự ổn định bên trong không nên phụ thuộc gì vào sự ổn định bên ngoài cả. Chúng ta vẫn ổn dù bên ngoài đang cực kỳ bất ổn, chứ không phải kiểu, mình ổn vì bên ngoài đang ổn.
Trở về chuyện đi tu, nó cũng tương tự như thế, tu ở Chùa hay tù ở nhà không quan trọng, vì nó chỉ là ngoại cảnh, cạo đầu hay không cạo đầu, cũng là ngoại cảnh, đó là tại sao có người cạo đầu, lên Chùa tu, mà bên trong vẫn chưa tu được.
Chuyện xuất gia hay cưới vợ sinh con là duyên nghiệp của mỗi người. Mỗi chúng ta sẽ học bài học cuộc đời thông qua những con đường khác nhau, chẳng có đường nào hay hơn đường nào cả.
Do đó, có vợ, sinh con, sống đời nhập thế, chúng ta vẫn tỉnh thức và tu tâm được như xuất gia vậy (dù con đường nhập thế sẽ khó khăn hơn rất nhiều). Dù sống đời bình thường nhưng cốt lõi các bạn phải nhận ra, cả vợ con và sự nghiệp của ta cũng vô thường. Họ đến cuộc đời chúng ta để ta học bài học về sự bất ổn định đó… không có gì mãi mãi trên thế gian này.
Tương tự như, Covid-19 đến rồi sẽ đi… rồi sẽ có 1 con virus mới mạnh hơn, tàn khốc hơn xuất hiện… đây là lúc phù hợp để các bạn quán chiếu về bài học ‘bất ổn định’ của cuộc đời này, vì bạn không thể trốn tránh nó mãi được.
You can run, but you can’t hide.
Xem thêm:
- Tu là gì?
- Cái Tôi – cội nguồn của mọi đau khổ và mệt mỏi trong cuộc sống
- 4 kiểu hướng nội, bạn thuộc kiểu người hướng nội nào?
–
MENBACK.COM