Tại sao Sếp nói gì Anh Em cũng thấy hay và ‘rất thuyết phục’, tại sao ‘ông bác làm NN’ nói gì Anh Em cũng thấy đúng – bác đúng là trải đời. Nhưng cùng nội dung đó, thằng bạn nó nói thì Anh Em lại không tin. Hãy cùng Menback đọc bài viết này nhé, sẽ rất hay ho trong chuyện thuyết phục người khác đó.
Anh Em nên tỉnh táo trong việc đi thuyết phục người khác hoặc đơn giản là cho lời khuyên / nhận xét. Thói quen của Anh Em là hay nghĩ xem mình nên nói gì cho hay rồi trau chuốt từng câu từng chữ nhưng đấy lại không phải là cốt lõi.
Tâm thế
Việc đầu tiên Anh Em cần quan sát là đối phương nó có tin Anh Em hay không. ‘Tin hay không’ chính là ‘tâm thế’.
Khi ‘tâm thế’ đã không có, dù Anh Em nói hay và chặt chẽ cỡ nào thì đối phương cũng không tin hoặc thậm chí không thèm nghe Anh Em nói. Nên việc đầu tiên khi đi thuyết phục, không phải là cần nói gì mà là cần làm gì để nó tin mình trước đã.
Để nó tin, một là những gì Anh Em sắp nói thì Anh Em phải là ‘tấm gương’ cho việc đó. Ví dụ, Anh Em nói vợ con đi tập thể thao đi, lợi ích của rèn luyện sức khỏe nhưng thực tế Anh Em chẳng tập ngày nào thì vợ con không đánh cho là may.
Hai là, Anh Em đã có uy tín cao ở cái mảng A, đối phương đã tin Anh Em một thời gian rồi, thì lúc Anh Em nói qua mảng B thì tương đối cũng thuyết phục hơn, dù thậm chí Anh Em chỉ chém gió thôi, chứ chưa có trải nghiệm thực tế gì về mảng B.
Vị thế
Xong phần ‘tâm thế’ thì Anh Em cũng cần chú ý thêm phần ‘vị thế’, phải biết đối phương với mình ở vị trí nào.
Nhiều Anh Em vừa đi làm, rất sung, ý kiến sáng tạo đủ thứ, lên thuyết phục hay nhận xét ông Sếp. Cứ cho là ý kiến Anh Em hay nhưng đừng làm ông Sếp trông ‘ngu’ hơn Anh Em. Dù thằng Sếp có ngu thật thì nó cũng chỉ thừa nhận trong bụng, còn miệng thì vẫn chê hay phản đối nhẹ với Anh Em một tý để còn giữ vị thế. Nhiều Anh Em cứ ngoan cố, phải bắt thằng Sếp thua thì Anh Em toang conme rồi.
Nhất là với người lớn tuổi hơn, người quyền lực hơn, thì Anh Em phải quan sát kỹ, nhiều lúc không nên ý kiến gì lại tốt cho Anh Em. Còn việc bắt buộc phải ý kiến thì phải vô cùng tinh tế; một là cho đối phương cảm giác họ không dốt, hai là để họ có sự lựa chọn, chứ đừng bắt họ phải làm theo ý mình.
Còn trên môi trường phây búc, Anh Em nào hay đi còm dạo và cà khịa thì cũng tương tự như thế, phải xem đối phương có ‘tâm thế’ muốn nghe Anh Em không đã rồi hãy còm. Chứ còm để thể hiện mình giỏi, mình ngon thì trông khệnh khạng vô cùng. Khi nhận xét trên phây, Anh Em nào thật ‘tâm’ thì cứ inbox riêng khuyên bảo nhau, đấy là con đường dung hòa nhất.
Tóm lại, khi đã có ‘tâm thế’ và hiểu ‘vị thế’ thì dù Anh Em có nói vụng về thế nào thì nó vẫn thuyết phục người nghe, vì cơ bản họ tin Anh Em rồi.
–
TẠP CHÍ MENBACK