Survivorship Bias (Thiên lệch sống sót) và ngộ nhận về nhà đầu cơ chứng khoán vĩ đại. Vì sao người ta vẫn đốt tiền vào thị trường chứng khoán?
Trò chơi Lật Đồng Xu
Để hiểu một trong những ngộ nhận phổ biến nhất trong chứng khoán, chúng ta hãy thử tưởng tượng và tham gia trò chơi “Lật Đồng Xu.”
Nó như sau:
- Một đồng xu có hai mặt, Đầu [Head] và Đuôi [Tail].
- Có 1,000 người tham gia.
- Mỗi người chọn Đầu hoặc Đuôi, ai đúng sẽ đi tiếp.
Nếu phân chia và theo quy luật ngẫu nhiên thì kết quả tốt nhất sẽ là như sau. Trước khi bắt đầu thì có 1,000 người:
- Sau đợt lật thứ nhất thì còn 500.
- Sau đợt lật thứ hai thì còn 250 người.
- Sau đợt lật thứ ba thì còn 125 người.
- Sau đợt lật thứ tư thì còn 62 người.
- Sau đợt lật thứ năm thì còn 31 người.
- Sau đợt lật thứ sáu thì còn 16 người.
- Sau đợt lật thứ bảy thì còn 8 người.
- Sau đợt lật thứ tám thì còn 4 người.
- Sau đợt lật thứ chín thì còn 2 người.
- Sau đợt lần thứ mười thì còn duy nhất 1 người.
Người cuối cùng sống sót và thắng cuộc chơi ngẫu nhiên đó ngay lập tức vỗ ngực đầy tự hào và tự gọi mình là “Nhà đầu tư vĩ đại” vì đã đánh bại 999 người kia.
Anh ta ngay lập tức lên mạng quảng bá bản thân là đã tìm ra bí quyết để có hiệu suất cao trong thị trường chứng khoán mà không ai biết được. Báo chí sẽ tới phỏng vấn, truyền hình sẽ nhắc đến anh ta và sẽ có cuốn sách mang tên “Bí quyết của một trader triệu phú.”
Những bạn trẻ khác sẽ không ngừng nhắc đến và ôm mộng để trở thành một thần tượng tài chính.
Survivorship Bias – Thiên lệch sống sót là gì?
Survivorship Bias – (Thiên lệch sống sót) là lỗi logic khi tập trung vào những người hoặc sự vật đã vượt qua quá trình lựa chọn mà bỏ qua những người khác, thường là do thiếu dữ liệu quan sát. Điều này có thể dẫn đến các kết luận sai do nhiều cách khác nhau. Đó là một dạng thiên lệch lựa chọn.
Trò chơi Lật Đồng Xu phía trên chính là một ví dụ của Survivorship Bias – Thiên lệch sống sót trong chứng khoán và chúng ta thấy nó mỗi ngày nhưng ít khi nào nghĩ đến. Nó đã tạo ra một nền công nghiệp tài chính giải trí để nuôi mộng làm giàu rồi biến thị trường thành một sòng bài.
Giả sử như nếu người chiến thắng từ cuộc thi Lật Đồng Xu kia là một con khỉ bị bịt mắt thì cũng không thay đổi kết quả. Nó vẫn có thể sẽ chiến thắng mà không cần bất cứ tài năng nào trừ sự may mắn ngẫu nhiên.
Khi những bạn trẻ mới tham gia thị trường và đọc những cuốn như “Market Wizards hay” “Tôi đã kiếm 2 triệu đô từ chứng khoán thế nào” thì đang mắc phải thành kiến này. Chúng ta chỉ biết đến một vài người có hiệu suất phi thường nhưng quên rằng may mắn từ ngẫu nhiên đã góp phần không nhỏ hoặc là yếu tố chính.
Không ai biết tới những người thua lỗ
Những người thua lỗ, có hiệu suất thấp kém và biến mất khỏi cuộc chơi thì không bao giờ được nhắc tới. Họ chiếm đa số nhưng thầm lặng. Lần cuối cùng bạn nghe ai đó nói “Tôi đã lỗ khi đầu cơ chứng khoán” là khi nào. Gần như chẳng có, trừ khi chính mình đang trong tình trạng đó. Cũng không có cuốn sách nào ca ngợi người thua cuộc từ trò đánh bạc mang tên đầu cơ chứng khoán này.
Đó là vì sao mặc dù cũng đã hơn ba thập niên kể từ khi Jack D. Schwager xuất bản cuốn sách đó, người ta vẫn thua lỗ nhưng vẫn tin rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành một “Phù Thủy Chứng Khoán.”
Bất chấp hàng loạt bài nghiên cứu và thành tích thực tế cho thấy rằng gần 80-90% nhà đầu cơ và quỹ đầu cơ thua lỗ hoặc có hiệu suất thua kém index, con người vẫn lao vào để chứng minh điều ngược lại.
Đầu năm 2002, có tầm 2,587 quỹ đầu cơ ở Mỹ. Nhưng vào 2017, chỉ 48% còn hoạt động và 17% có hiệu suất hơn SP500. Nhưng chưa hết, nếu kéo dài thời gian thì con số càng thấp hơn nữa. Vì trong trò đầu cơ, khi một bên thắng và một bên thua thì sẽ có kẻ may mắn mới thay thế kẻ may mắn cũ. Đó là vì sao 80% các quỹ đầu lại thua kém một index thụ động và 90% những nhà đầu cơ kia vẫn mắc kẹt trong vòng xoay thua lỗ.
Nhưng nếu chứng cứ rõ ràng như vậy thì tại sao con người không thay đổi mà vẫn tiếp tục đốt tiền. Thật khó giải thích, nguyên nhân là vì họ vẫn không tin và tìm cách bác bỏ. Đó là vì sao các diễn đàn cổ phiếu vẫn đông người, các môi giới vẫn thực hiện các dịch vụ canh điểm mua bán, báo chí vẫn nhắc đến diễn biến mỗi ngày và thị trường vẫn sinh động.
Tất cả bởi vì con người luôn muốn tìm kiếm thử thách để có cảm giác vĩ đại đối với bản thân và người khác. Cái họ thèm khát là sự chinh phục. Mặc dù biết khả năng thấp và may mắn quyết định kết quả hơn tài năng, nhưng nó không ngăn chặn những bạn trẻ tiếp tục theo đuổi giấc mơ.
Nếu mục đích của bạn là tìm kiếm sự giải trí thì hãy tiếp tục, nó không có gì sai cả. Nhưng nếu muốn tồn tại lâu dài trong thị trường chứng khoán thì theo chứng cứ và nghiên cứu, không có cách nào khác ngoài việc trở thành nhà đầu tư dài hạn bằng cách ôm cả thị trường với quỹ index.
Bạn sẽ không là triệu phú, cũng sẽ không có tên trong cuốn sách chứng khoán nào đó sắp xuất bản và cũng không ai gọi bạn là thiên tài. Nhưng ít ra sẽ không biến mình thành một con số trong thống kê. Bạn sẽ không giàu nhanh nhưng chắc chắn sẽ giàu chậm.
Đó là một trong những bài học về chứng khoán bất cứ ai cũng nên nhớ từ những người thầy Buffett, Munger, Malkiel và Bogle. Thay vì đi bước chân mạo hiểm, hãy đi “Bước chân ngẫu nhiên trên phố Wall.”
Nhưng sau tất cả, đọc xong bài này thì người ta vẫn muốn thể hiện bản thân để chứng minh những điều trên là hư cấu. Hãy chúc họ may mắn, tương tự như gửi lời đến những con bạc trong sòng bài.
Tác giả: Nguyễn Trọng Nhân – Bóc Phốt Tài Chính
–
TẠP CHÍ MENBACK