Đôi khi chúng ta không nhận ra rằng, mình không cần nói gì cả mà chỉ cần lắng nghe thôi là đủ. Thật ra học cách lắng nghe không phải là một điều quá khó. Nếu bạn thực sự quan tâm và muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp, hãy đọc thật kỹ bài viết này để có kỹ năng lắng nghe tốt hơn.
Không biết lắng nghe sẽ phá hủy mọi mối quan hệ
Hai vợ chồng bạn thân tôi sắp ly dị vì một lý do khá khó tin: anh chồng có bồ nhí ở bên ngoài. Sở dĩ nói là khó tin là bởi vì cậu bạn tôi vốn nghiêm túc trong tình cảm chứ không phải hạng trăng hoa ong bướm. Tôi gọi điện cho bạn để xác minh, hắn thở dài thú nhận: “Tao cần một người nghe tao nói chứ không phải một người luôn lên lớp và phán xét tao.” Thì ra vấn đề là ở chỗ đó, người chồng đáng thương và một người vợ không có kỹ năng lắng nghe.
Vợ bạn tôi vốn là giảng viên đại học môn tài chính kế toán kiêm chuyên gia phân tích rủi ro kinh tế nên cô mắc bệnh nghề nghiệp luôn thao thao bất tuyệt lên lớp người khác. Những lúc bạn tôi gặp bế tắc trong công việc muốn về chia sẻ với vợ thì y như rằng vừa mở miệng ra, hắn đã bị một bài phê bình thuyết giáo của vợ. Ức chế trước thái độ kẻ cả dạy đời của vợ, bạn tôi dần dần trở nên khép kín và hạn chế trò chuyện với vợ đến mức tối đa. Sự ức chế đó dần dần khiến anh vốn là một người hoạt bát và năng động trở nên trầm cảm cho đến khi gặp được người phụ nữ mà nhiều người đánh giá là “con hồ ly tinh phá nát gia đình người khác.”
Vấn đề là ở chỗ, “con hồ ly tinh” ấy không có phép thần thông quảng đại hay sắc đẹp mê người mà chỉ hơn vợ cũ của bạn tôi đúng một điểm: chịu lắng nghe những gì anh ấy nói.
Câu chuyện liên quan: Có người đàn ông nào phải sống cả đời bên cạnh một chai nước mắm hay không?
Lắng nghe chính là yêu thương và tôn trọng
Trong xã hội ngày nay, việc nói dường như được coi trọng hơn nhiều so với việc lắng nghe. Chúng ta được dạy cho tập nói khi còn là những đứa trẻ chứ không ai được dạy cho tập nghe. Có rất nhiều khóa diễn thuyết hoặc hùng biện trước công chúng nhưng hầu như không có khóa học nào dạy cho người ta tập lắng nghe người khác. Và gần như quyền được nói là mặc định dành cho người trên, còn bổn phận nghe là mặc định dành cho kẻ dưới.
Cha mẹ có khuynh hướng bắt buộc con cái nghe lời mình nhưng ít khi chịu lắng nghe những tâm tư tình cảm của con. Trong trường thì toàn là giáo viên đọc cho học sinh ghi chép chứ ít khi nào giáo viên cho lớp thảo luận và lắng nghe ý kiến của từng cá nhân. Các sếp trong công ty quen với việc giao nhiệm vụ và bắt nhân viên phải thực hiện nhưng hiếm lúc lắng nghe để hiểu khó khăn của nhân viên.
Trong tháp nhu cầu nổi tiếng Maslow, hai nhu cầu cao cấp của con người là giao lưu tình cảm và được trân trọng yêu thương gắn liền với việc được lắng nghe và chia sẻ. Đáng tiếc thay, nhu cầu chính đáng này lại thường bị coi nhẹ và thậm chí phớt lờ trong các mối quan hệ. Vợ chồng sống chung với nhau càng lâu lại càng ít chịu bỏ thời gian tâm sự với nhau mà đơn thuần chỉ nói giao tiếp để trao đổi thông tin liên quan đến cơm áo gạo tiền và con cái. Nhiều cặp vợ chồng tôi quen, chỉ sau khi có đứa con đầu lòng thì dường như không còn nhu cầu nghe nhau nói và nói nhau nghe nữa mà mỗi người sống trên ốc đảo riêng của mình và chỉ giao tiếp với người kia khi thực sự cần thiết.
Nhiều nhà tâm lý xã hội học đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của việc không được lắng nghe trong những mối quan hệ. Nhà tâm lý Jean Piaget cho rằng việc cha mẹ không lắng nghe con cái sẽ làm tổn thương đến lòng tự tôn của đứa trẻ khiến cho nó lớn lên luôn tự ti và mất niềm tin vào cuộc sống. Nhà tâm lý ngôn ngữ học nổi tiếng Noam Chomsky cũng từng nhấn mạnh rằng việc giao tiếp hiệu quả luôn phải là hai chiều: nói và nghe người khác nói. Một mối quan hệ dù có gắn bó đến mức nào đi nữa cũng sẽ rạn nứt nếu chỉ có người nói mà không có người nghe hoặc chỉ có một người được phép nói.
Bài viết liên quan: Cha mẹ hãy để cho con tự quyết định cuộc đời mình.
Học kỹ năng lắng nghe thế nào cho có hiệu quả?
Nếu bạn được bạn bè tìm đến để chia sẻ tâm sự hoặc xin một lời khuyên từ bạn, điều đó chứng tỏ là bạn được người kia tin tưởng và coi trọng. Nhưng chúng ta phần lớn đều mắc một sai lầm rất lớn trong những trường hợp như thế là nói nhiều hơn nghe hoặc đưa ra lời khuyên, thậm chí là một bài học đạo đức cho người kia khi chưa nghe kỹ câu chuyện của người đối thoại.
Đôi khi chúng ta quá vô tư và vô ý để nhận ra rằng, mình không cần nói gì cả mà chỉ cần lắng nghe thôi là đủ. Thật ra học cách lắng nghe không phải là một điều quá khó. Nếu bạn thực sự quan tâm và muốn duy trì một mối quan hệ tốt, hãy thực hiện những bước sau đây để có kỹ năng lắng nghe tốt hơn:
1. Dành thời gian để lắng nghe
Khi một người cần nói chuyện với bạn, hãy dành thời gian cho họ. “Bố/mẹ/anh/em bận lắm, để hôm khác nhé” là một trong những câu nói gây tổn thương rất lớn đối với người cần được lắng nghe vì nó đồng nghĩa với việc người đó không quan trọng đối với bạn. Nếu tại thời điểm đó bạn thực sự không dành được thời gian để lắng nghe người kia, hãy sắp xếp một dịp gần nhất. Đừng lấy ba chữ “tôi bận lắm” để làm cái cớ thoái thác việc lắng nghe.
2. Tập trung lắng nghe
Khi lắng nghe người khác, hãy tắt điện thoại đi và đừng làm việc riêng. Việc tiếp xúc bằng ánh mắt là rất quan trọng, đừng lơ đễnh nhìn xung quanh hoặc dán mắt vào chiếc điện thoại khi đang nghe người khác nói. Không gì tệ hơn là bạn bảo người kia: “Anh cứ nói đi, tôi đang lắng nghe.” nhưng lại chúi đầu vào chiếc điện thoại của mình.
3. Đừng cắt ngang lời người kia
Bạn có thể thể hiện sự tán thành hoặc cảm thông của mình bằng những cái gật đầu khẽ hoặc bằng ánh mắt. Nếu bất đồng ý kiến, hãy đợi người kia nói xong rồi mới góp ý. Nếu thấu hiểu kỹ năng lắng nghe, đừng bao giờ ngắt lời một cách thô bạo nếu bạn không muốn biến việc chia sẻ thành tranh cãi.
4. Lắng nghe mà không phán xét
Hãy biết quan tâm đến cảm xúc của người nói. Đừng bao giờ đưa ra những nhận xét mang tính chất tiêu cực hoặc phê bình, chỉ trích khi lắng nghe. Nếu bắt buộc phải chỉ ra sai lầm của người kia, hãy làm điều đó một cách tế nhị nhất có thể.
5. Đưa ra lựa chọn, không đưa ra quyết định
Nếu được hỏi ý kiến hoặc xin một lời khuyên, bạn có thể đưa ra một số giải pháp hoặc gợi ý cho người kia sau khi đã lắng nghe nhưng tuyệt đối không đưa ra quyết định giùm người kia hoặc buộc người đó chấp nhận quyết định mà bạn cho là tốt nhất. Hãy tôn trọng quyết định của họ. Liệu bạn có thể chịu trách nhiệm về hậu quả của một quyết định sai lầm mà bạn đưa ra cho người khác?
6. Đôi khi chỉ cần lắng nghe là đủ
Đôi khi một người tìm đến bạn để tâm sự không phải để tìm một giải pháp hoặc vì bất cứ một điều gì mà đơn thuần họ chỉ cần một người lắng nghe họ, thế là đủ. Một ánh mắt đồng cảm, một cái nắm tay hoặc một vòng tay ôm thật chặt lúc đó có giá trị hơn lời nói rất nhiều.
Hãy tập cách lắng nghe mà không phán xét
Khi đặt mình vào vị trí người lắng nghe, chúng ta khó tránh khỏi việc đóng vai một quan tòa “lắng nghe để phán xét” và đưa ra những kết luận thiên về định kiến cá nhân. Phán xét bằng định kiến cá nhân là một thuộc tính về tâm lý của con người vì định kiến đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định của bản thân. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng định kiến để phán xét thì con người khó tránh khỏi đưa ra những nhận định chủ quan và thiếu công bằng vì chúng ta hay có khuynh hướng áp đặt những định kiến chủ quan của bản thân mà coi nhẹ sự thật khách quan. Định kiến cũng sẽ có khuynh hướng tạo ra những tiêu chuẩn kép, có nghĩa là cùng một vấn đề nhưng lại có hai tiêu chuẩn đánh giá khác nhau đầy thiên lệch.
Ví dụ đối với một người bạn đã có thành kiến thì nếu người này phạm lỗi lầm, lỗi lầm của người đó trong mắt bạn sẽ luôn có khuynh hướng bị phóng đại lên nhiều lần và khó tha thứ. Ngược lại nếu người bạn có cảm tình hoặc bản thân bạn phạm phải lỗi lầm tương tự, tự động bạn sẽ đưa ra rất nhiều những tình tiết giảm nhẹ để bào chữa cho hành vi phạm lỗi này.
Muốn trở thành một người biết cách lắng nghe, có kỹ năng lắng nghe tốt, hãy tập cách lắng nghe mà không phán xét. Đây là một điều khó nhưng nếu bạn đã luyện tập được cách lắng nghe sự thật khách quan mà không bị ảnh hưởng bởi định kiến, bạn sẽ biết cách nhìn nhận vấn đề một cách công bằng hơn và lời khuyên của bạn sẽ có giá trị hơn. Sau đây là mười điều bạn nên suy ngẫm trước khi để định kiến chiếm lấy khả năng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan của bản thân:
1. Chúng ta muốn nghe lời khuyên của người khác nhưng rất hiếm khi làm theo vì trong thâm tâm ta vẫn nghĩ mình là đúng. Một người làm theo lời khuyên của bạn chỉ đơn thuần là lời khuyên của bạn hợp với dự tính của người đó. Vì thế đừng quá thất vọng nếu một người không làm theo lời khuyên bạn đưa ra. Nên nhớ, con người phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân mình.
2. Chúng ta rất khó quên những điều tốt đẹp mình làm cho người khác nhưng lại rất dễ quên những tổn thương mình gây ra cho họ và ngược lại. Khi ai đó lỡ làm lỗi với mình, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mà họ đã làm để tha thứ nếu lỗi lầm không quá nghiêm trọng.
3. Chúng ta có hàng ngàn lý do để tự tha thứ cho những lỗi lầm của chính bản thân mình nhưng cũng có hàng ngàn lý do để buộc tội người khác. Hãy tập nghiêm khắc với những lỗi lầm của bản thân mình và bao dung với lỗi lầm của người khác.
4. Chúng ta luôn trách móc người khác không thật lòng với mình mà quên rằng cũng lắm lúc chính bản thân mình cũng đeo mặt nạ với người khác. Muốn người khác sống thật với mình, hãy sống thật với người khác và điều này là không thể. Vì thế đừng lúc nào cũng bắt người khác phải sống thật với mình.
5. Đối với thành công của người khác đặc biệt là đối thủ cạnh tranh, chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng người đó gặp vận may mà hiếm khi công nhận công bằng về năng lực của người đó. Nhưng khi người đó gặp thất bại, ta lại hay cho rằng đó là vì năng lực thực tế của họ yếu kém. Hãy tập cách công nhận một cách công bằng về năng lực của đối thủ.
6. Đối với thành công bản thân, chúng ta thường cho đó là nhờ vào năng lực bản thân. Còn đối với thất bại, chúng ta hay đổ thừa cho số phận hoặc điều kiện khách quan. Hãy tập cách khiêm tốn trước thành công và nhận trách nhiệm khi thất bại.
7. Có bao giờ chúng ta ngoài miệng chúc mừng một người nhưng trong lòng ganh tỵ với người đó hay tỏ ra cảm thông với nỗi khổ của một ai nhưng trong lòng lại hả hê thỏa mãn?
8. Chúng ta luôn muốn đạt được kết quả cao nhất trong mọi thứ nhưng luôn muốn công sức bỏ ra là ít nhất, đồng thời luôn trách người khác tham lam. Nếu bạn có thể cho người khác thêm một chút lợi ích nhỏ mà đừng quá so đo tính toán, cái bạn đạt được sẽ nhiều hơn gấp mấy lần cái bạn cứ bo bo giữ lấy cho mình.
9. Chúng ta nổi cơn ghen dễ dàng khi biết người yêu hay vợ/chồng mình có tình ý với một người khác nhưng lại quên rằng chúng ta cũng không ít lần say nắng với kẻ khác. Hãy nhớ không ai có thể kiểm soát được suy nghĩ của người khác khi bản thân chúng ta còn không kiểm soát được suy nghĩ của chính mình.
10. Và cuối cùng chắc là có rất nhiều người đang tìm cách tự thuyết phục rằng mình không mắc phải những điều đáng xấu hổ trên hay tìm lý do để bào chữa cho những điều mình mắc phải. Cứ thẳng thắn mà thừa nhận chúng vì chúng chính là bản chất của con người.
Hãy tập cho mình kỹ năng lắng nghe một cách chân thành, đừng quên rằng, lắng nghe chính là tôn trọng và yêu thương.
Bạn nên đọc: Từ ‘khẩu nghiệp’ tới ‘tay nghiệp’: tranh luận thế nào cho đúng?
–
MENBACK.COM