Dạo này tôi có thấy một vài bài hỏi về ‘Đọc sách nào để giao tiếp tốt hơn’, ‘làm thế nào để nâng cao khả năng giao tiếp’. Nên hôm nay tôi mạnh dạn chia sẻ những cách mình đã áp dụng để trở thành tôi của ngày hôm nay: dễ dàng bắt chuyện khi muốn, nói chuyện rõ ràng, rành mạch hơn.
Tất nhiên, đây là những cách và suy nghĩ mang tính chủ quan của tôi. Nên có thể sẽ không phù hợp hoàn toàn với mọi người. Hoặc nó quá sai, thì mong nhận được sự góp ý.
Đọc sách
Hmmm, tôi cũng đã từng đọc nhiều cuốn self-help nhưng nội dung cứ na ná nhau. Và việc giao tiếp thì nó phải thực hành mới được. Chứ đọc sách cả ngàn cuốn, mà đụng tới tình huống thật thì chữ nó bay mất tiêu hết à. Riêng cuốn Đắc Nhân Tâm thì tôi có áp dụng được một cách rất hiệu quả và tôi sẽ sử dụng đến cuối đời, đó là “Nở nụ cười”.
Khi vào quán nước gặp phục vụ tôi sẽ cười chào họ, khi nhận hàng từ shipper tôi cũng sẽ cười chào và cảm ơn, khi đến lớp tôi sẽ cười chào mấy đứa bạn. Đương nhiên đó là những kiểu cười khác nhau, với mấy đứa bạn thì tôi vừa cười vừa la kiểu ‘Nay sớm hen/Hé lô mấy cưng’ (tùy theo mức độ thân thiết), với những người xa lạ thì mỉm cười lịch sự. Nụ cười sẽ giúp một ai đó đang mệt mỏi (nhân viên phục vụ/ shipper,…) cảm thấy năng lượng hơn, mấy đứa bạn cũng vui vẻ hơn. Tại vì tôi từng đi làm phục vụ này kia, dù đang rất mệt mà khách vô có cười chào mình, cái tự nhiên mood tăng lên vô cực luôn á.
Cách bắt chuyện
Cái này cũng một phần nhờ vào năm nhất đại học, tôi có tham gia chiến dịch tình nguyện và phải đi bán hàng gây quỹ. Nên là đúc kết được xíu xiu. Đầu tiên, nở nụ cười thật tươi và xin chào người ta. Xong thì vào thẳng vấn đề là đang bán cái gì, bán để làm gì. Chứ tôi không thích kiểu “Anh/chị có thể dành 1 phút cho em không ạ? (Nghe nó như đa cấp, ai rảnh mà cho bạn thời gian).
Có câu chuyện bên lề của việc gây quỹ này, là người yêu hiện tại của tôi chính là 1 trong những khách hàng tôi bán đồ cho á. Hôm đó, tôi quyết định mình phải thật giàu năng lượng, nở nụ cười thật tươi. Thế là hắn bị nụ cười rực rỡ như nắng mùa hè của tôi đốn gục, trong khi tôi không nhớ mặt hắn thế nào cả. há há. Đến khi quen nhau, hắn mới kể tôi nghe.
Cách nói chuyện với những người mới
Trước hết, tôi hay hỏi thăm này kia như quê ở đâu, nói chung là tôi thấy họ như nào thì hỏi thăm vài câu để tìm hiểu sương sương xem họ thuộc túyp người nào: vui tính, dễ chịu, lạnh lùng, khùng điên, nghiêm túc,… Để có thể nói chuyện phù hợp hơn. Với một đứa bạn nghiêm túc, chuẩn mực gia giáo thì tôi sẽ tiết chế mấy lời đùa và những lời nói hơi tục xíu (tính tôi khá bỗ bã, hay nói tục chửi thề lắm).
Tóm lại, là mình phải hiểu một ít về những điều họ thích, những thứ họ không muốn nói đến. Lúc trước tôi cũng ham nói chuyện lắm, nhưng mà bị dô diên (vô duyên) á. Kiểu nguyên nhóm đang nói chuyện, cái tôi chèn câu vô người ta tắt ngúm luôn. Hoặc lâu lâu nói chuyện với ai đó đụng trúng điều họ không muốn nhắc đến, cái người ta quạu mình.
Nên từ đó tôi ít nói đi, chủ yếu lắng nghe quan sát xem những người xung quanh mình họ có những vấn đề gọi là hơi kị xíu để mình tránh.
Cách kể chuyện
Thiệt sự luôn, hồi xưa tôi kể chuyện thiếu muối, nhạt xỉu. Có những câu chuyện vô cùng bình thường như “Rủ đi ăn mì cay” mà t kể cho mấy đứa bạn nghe, tụi nó k hiểu t nói gì, nó vừa nhạt vừa lủng củng riết mà 1 câu chuyện vô cùng bình thường đã thành chuyện cười cho mấy đứa bạn chọc tôi . Nên là, tôi luôn cố gắng phát biểu ý kiến của mình, hay khi đi học có đại diện nhóm thuyết trình này kia, để mà tăng khả năng nói chuyện lưu loát hơn, nó hoạt ngôn cũng như tăng vốn từ lên.
Hiện tại, do việc kể chuyện nó hơi thiên về năng khiếu nên tôi cũng chỉ ở mức làm cho người khác hiểu được câu chuyện mình kể, nó rõ ràng, rành mạch hơn. Không tới nỗi kể câu chuyện cười mà bị cười về sự nhạt chứ không phải sự thú vị. Mà một điều tôi công nhận, những người kể chuyện hay nhất xung quanh tôi là mấy cô mấy mẹ, mấy ông chú dưới quê ý. Mỗi lần về quê tôi đều thích lại nhà chú thím, hay mấy bà hàng xóm qua nhà tôi chơi lắm. Mặc dù, hơi phiền lúc đầu vụ hỏi han này kia, nhưng sau màn chào hỏi cái mấy chú mấy thím kể chuyện quá chời. Mà họ kể nghe nó li kì hấp dẫn lắm kìa, ai cũng có tài nhại lại giọng điệu của người khác hết. Họ như hóa thân thành nhân vật trong chuyện mình đang kể á. Cuốn dữ lắm luôn.
Khi nhắn tin
Lúc đó chúng ta không biết được cảm xúc chính xác của người khác, hoặc không thể diễn tả rõ cảm xúc của mình. Vì vậy tôi sẽ dùng những icon cố định để diễn ta tốt hơn. Vì có một số câu đùa, nếu không có icon thì nhằm khi người đọc hiểu sai hoặc tưởng mình nghiêm túc dị á.
Thành quả của tôi
Và sau thời gian rèn luyện cách ăn nói (hơn 1 năm) thì giờ tôi có thể:
- Phát biểu, thuyết trình lưu loát, rõ ràng hơn.
- Mối quan hệ bạn bè thoải mái, cởi mở hơn.
- Trong tình cảm thì ít cập rập, do tôi với người yêu hay ngồi nói chuyện chia sẻ ý kiến khi mà bị bất đồng quan điểm, cãi lộn các thứ.
- Thuận lợi hơn trong công việc, tôi có làm gia sư nên việc nói năng rành mạch giúp tôi giảng bài học sinh dễ hiểu hơn. Và sau này có đi làm ở công ty này kia thì tôi nghĩ việc giao tiếp tốt nó rất là cần thiết.
- Và quan trọng nhất, tôi có thể tăng không khí tình cảm gia đình lên một tầm cao mới.
Trước đây tôi ít nói cục mịt, nên là không biết thể hiện tình cảm với cha mẹ, em út. Hầu như một ngày tôi nói được 2 câu “Nay ăn gì á mẹ”, “Cha đâu rồi mẹ?”. Giờ thì lâu lâu tôi trêu cha kiểu “Cha đi thi giọng hát đi, hát hay quá trời mà nằm ở nhà hát quài dị” (cha tôi hay hát cải lương), với mẹ thì tôi trêu kiểu “Trời ơi, nay đi đâu mặc đồ đẹp dị”. Hai ông bà kiểu có mắng yêu lại tôi, trông 2 người vui lắm luôn ý.
Còn nhỏ em, thì nó mê Kpop, mặc dù tôi k quan tâm Kpop lắm, nhưng có hỏi nó thích ai? Thích nhóm nhạc gì? Sao mà thích họ? Nó nằm nó kể 11 người trong band nhạc cho tôi , tên thật, tuổi tác, debut năm bao nhiêu. Rồi nó cũng hay tâm sự này kia với tôi . Nên 2 chị em giờ hòa thuận hơn xưa nhiều haha.
Một chút trữ tình triết lý thì ngôn ngữ, giao tiếp chính là chìa khóa giúp chúng ta có thể làm mọi việc tốt hơn. Trong gia đình, giao tiếp giúp vợ chồng bộc bạch tâm tư hàn gắn vết nứt, cha mẹ và con cái thấu hiểu nhau hơn. Trong làm việc, giao tiếp giúp chúng ta hiểu đồng nghiệp, hiệu suất công việc cao hơn.
5 cách giúp nam giới có giọng nói trầm ấm hơn
Giọng nói trầm ấm là mong muốn của mọi người đàn ông. Huấn luyện viên diễn thuyết sẽ chia sẻ...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK