Mùa Đông lạnh với những cơn gió rét buốt khiến gót chân dễ bị nứt nẻ, lúc này chúng ta cần biết cách chăm sóc đôi bàn chân của mình.
Chúng ta thường rất chú trọng trong việc chăm sóc da mặt, mái tóc, đôi môi để luôn khoe vẻ ngoài xinh tươi rạng rỡ. Điều này rất quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả. Đôi bàn chân nhỏ nhắn luôn giấu trong những chiếc giày tưởng như chẳng cần chúng ta quan tâm, nhưng lại rất quan trọng đến sức khỏe. Và tất nhiên, đôi gót sen hồng sẽ giúp bạn có vẻ ngoài hoàn hảo “từ đầu đến chân” đấy nhé.
Theo quan niệm của Đông y, đôi bàn chân chính là trái tim thứ hai của con người. Nó chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể. Nó cũng là điểm bắt đầu hay kết thúc của một số đường huyết lưu thông qua các tạng phủ trong cơ thể. Ở bàn chân cũng có dây thần kinh dài và to nhất của cơ thể. Dây thần kinh này chịu trách nhiệm vận động và cảm giác cho cả chi dưới. Vì thế những cơn đau ở chân đều có thể gây ra sự đau đớn ở những bộ phận trên cao hơn nó. Đây chính là lý do quan trọng nhất mà chúng ta cần đặc biệt chăm sóc bàn chân của mình.
Không những vậy, nó còn cực kỳ “khó thở” khi bị bó buộc trong những đôi giày bít, giày cao gót cả một ngày dài. Đặc biệt, thời tiết cuối năm se lạnh khiến da chân khô nứt cũng ảnh hưởng đến đến thẩm mỹ rất nhiều đấy các bạn ạ. Thế nên, đừng lãng quên đôi bàn chân của mình nhé. Những phương pháp đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn chăm sóc đôi bàn chân và gót sen hồng một cách hoàn hảo đấy.
Ngâm chân bằng nước muối
Sau một ngày hoạt động, đôi chân cần được thư giãn và phục hồi. Một trong những cách đơn giản nhất để đôi chân được nghỉ ngơi, tái tạo sức mạnh là ngâm chân trong nước ấm pha thêm chút muối.
Khi ngâm chân, các huyệt ở bàn chân được mở ra, giúp tuần hoàn máu hoạt động tốt hơn. Việc này không chỉ đả thông kinh mạch, hoạt huyết mà còn phòng được các bệnh về xương khớp rất tốt.
Bạn nên ngâm chân trong nước hơi nóng một chút. Ngoài muối, bạn nên xay gừng nhuyễn rồi trộn vào nước ngâm chân một muỗng cà phê gừng. Gừng giúp làm nóng cơ thể, tránh nhiễm lạnh giúp phòng các bệnh về đường hô hấp, điều trị bệnh xương khớp, lạnh chân, mất ngủ. Bạn có thể xay nhiều gừng sau đó cho vào hũ và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần.
Nếu không siêng xay gừng, bạn cũng có thể cho thêm một số tinh dầu thảo dược thiên nhiên như chanh, xả vào nước ngâm chân. Bạn nên ngâm chân từ 2-4 lần/1 tuần, mỗi lần khoảng 20 phút, để phát huy được hiệu quả cao nhất.
Tẩy da chết cho bàn chân
Tẩy da chết cho bàn chân, đặc biệt là phần gót chân, là điều cần thiết để làm sạch các tế bào da chết và chất bẩn tích tụ trên bề mặt da. Việc tẩy da chết giúp da mịn màng, đẩy nhanh sự tái tạo, làm sạch lỗ chân lông giúp da bàn chân dễ hấp thu mỹ phẩm dưỡng hơn. Việc này cũng là cách phòng ngừa hiệu quả vấn đề chai sần, nứt gót chân.
Bạn có thể tẩy tế bào chết sau mỗi lần ngâm chân bằng cách dùng miếng bọt biển hoặc dụng cụ chà chân để chà sạch tế bào da chết. Một cách khác là bạn dùng miếng chanh tươi, chà lên bàn chân để để loại bỏ những tế bào chết.
Bạn nên thực hiện tẩy da chết từ 1-2 lần/tuần. Sau khi tẩy da chết, hãy tiến hành massage chân nhé.
Massage chân
Ngoài việc ngâm chân, massage cho bàn chân cũng là một cách giúp đôi chân được thư giãn phục hồi lại sức lực, giảm đau nhức khi phải đi đứng nhiều. Massage bàn chân sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm sự co rút của ngón chân, khớp chân, đầu gối… Đây cũng là cách giúp bạn giảm stress rất hiệu quả. Massage kèm với tinh dầu và kem massage còn khiến da bàn chân bạn mềm mại, mịn màng hơn nữa đấy.
Đầu tiên, bạn dùng tinh dầu thoa đều lên bàn chân, bao gồm cả gan bàn chân. Tiếp theo, bạn dùng ngón tay cái bắt đầu massage nhẹ nhàng từ phía trên đầu ngón chân sau đó trượt ra phía sau bàn chân rồi đi lên phía mắt cá chân. Tiếp tục quay trở lại ngón chân và lặp lại.
Động tác tiếp theo, bạn nhẹ nhàng nắm bàn chân, kéo lên và xuống từ 3 – 5 lần. Sau đó, bạn đặt một bàn tay dưới gót chân, bàn tay còn lại ôm lấy bàn chân rồi xoay tròn, thực hiện động tác nhẹ nhàng.
Với lòng bàn chân, bạn sử dụng ngón tay cái chuyển động thành vòng tròn liên tục theo hướng lên xuống, đồng thời sang hai bên. Tiếp đó, một tay nắm giữa phía sau mắt cá chân, tay còn lại bạn dùng lực ở mức độ vừa phải để trượt mạnh từ đầu đến cuối bàn chân gan bàn chân.
Dưỡng ẩm cho da bàn chân
Thời tiết lạnh giá và khô hanh sẽ khiến vùng da ở gót chân trở nên dày cứng và nứt nẻ, thậm chí rớm máu. Gót chân nứt nẻ không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ của đôi chân mà còn khiến bạn phải chịu đựng cảm giác đau đớn. Vì vậy, để phòng ngừa bạn cần phải chăm sóc da chân ngay từ khi nó chưa gặp bất cứ vấn đề gì.
Bạn có thể dưỡng ẩm cho gót chân, bàn chân bằng cách dùng kem dưỡng chuyên dụng có bán tại các cửa hàng mỹ phẩm. Ngoài ra, bạn có thể dùng những nguyên liệu tự nhiên để dưỡng ẩm cho da bàn chân.
Một trong những loại mỹ phẩm tự nhiên tốt cho da là dầu oliu. Bạn lấy dầu oliu bôi lên vùng da chân, gót chân. Nhẹ nhàng thoa cho dầu thấm vào da. Nếu da chân bị chai sần và có những vết khô nẻ, dầu oliu cũng rất hiệu nghiệm trong việc khắc phục được những cục chai chân, làm mềm da, giúp gót chân không khô nứt đấy.
Mật ong cũng có tác dụng giữ ẩm hoàn hảo cho da chân. Bạn có thể làm mặt nạ dưỡng ẩm cho da bàn chân bằng cách phết một lớp mật ong lên da chân, đặc biệt là phần gót chân, để khoảng 20 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Thực hiện một lần/tuần giúp thanh tẩy tế bào chết, làm sạch và sáng da, cho bạn một gót sen mềm mại, hồng hào.
Ngoài những bước chăm sóc như trên, bạn nên chú ý thêm một số vấn đề sau để đôi bàn chân luôn khỏe đẹp nhé. Hãy luôn rửa chân và giữ cho chúng được khô ráo mỗi ngày. Nếu phải mang giày thường xuyên, bạn nên sử dụng phấn bột dùng để thoa vào chân, giúp hút hết hơi ẩm. Và đừng quên luôn cắt tỉa móng chân cẩn thận, đều đặn nữa nhé!
Xem thêm:
- Các bước chăm sóc để đôi môi căng hồng trong mùa hanh khô
- 6 cách làm trắng răng tự nhiên tại nhà
- Rửa mặt đúng cách cho làn da khỏe đẹp