Phải nói là lâu lắm rồi bóng đá thế giới mới chứng kiến một trường hợp đặc biệt như Bruno Fernandes – một người gánh team thật sự.
BRUNO FERNANDES – NGƯỜI GÁNH TEAM
Tôi rất thích pha kiến tạo của Bruno Fernandes cho Rashford trong trận đấu với Leicester City vừa qua. Nhạy cảm, nỗ lực, và rất “lanh”. Những pha bóng kiểu này người ngoài cứ hay tưởng là vô tình, hoặc cái nhoài chân này vốn dành cho Martial đang chạy bên cánh trái. Nhưng thực tế cầu thủ ở trên sân với đẳng cấp vốn có, họ biết phải làm gì vì đã nhìn thấy điều gì. Nói nôm na là “nhìn được khoảng trống trước khi nó xuất hiện”. Pha kiến tạo này chính là trường hợp như thế.
Phải nói là lâu lắm rồi tôi mới chứng kiến một trường hợp đặc biệt như Bruno Fernandes – một người gánh team thật sự. Mấy cái thông số từ khi Bruno đến xứ sương mù có lẽ đã cày nát tất cả các bài báo rồi, viết thêm cũng bằng thừa.
Ở đây xin bàn về cảm giác, Bruno Fernandes ở Manchester United khiến tôi có cảm giác như đang thấy một anh chàng hay đá trụ ở đội bóng phủi. Tức là kiểu cầu thủ đá giữa sân trong sân 5, sân 7. Anh ta ở giữa chia bài, vừa hỗ trợ đồng đội, vừa tham gia tấn công, lại chạy về phòng ngự. Một mình anh ta nổi bật lên như thể “hạc giữa bầy gà”.
Trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp vốn không tồn tại mẫu cầu thủ này. Bởi lẽ bóng đá chuyên nghiệp ở trình độ cao, vị trí trên sân được vạch ra rõ ràng, và luôn có vài cầu thủ cùng đồng đều do cả ngàn người chọn được một người. Nhưng ở Manchester United thì ngược lại. Bruno Fernandes như anh chàng đá phủi kia, tài năng nổi bật lên rất rõ, tham gia tất cả mọi điểm nóng trên sân.
Tôi xin ví dụ, người ta nói nhiều về số bàn thắng, số kiến tạo, tỉ lệ % tham gia vào những bàn thắng mà MU ghi được của Fernandes. Nhưng ít ai nói về số thẻ vàng mà Bruno Fernandes phải nhận, số lượng pha phạm lỗi của anh cho đến thời điểm này. Và ai đã xem MU đều biết, Bruno đá rắn và không ngại phạm lỗi chẳng kém bố con thằng nào. Khía cạnh này cho thấy tuyển thủ Bồ Đào Nha lúc này vừa là linh hồn tấn công, vừa là thể xác phòng ngự từ xa của MU.
Một trận đấu của Manchester United (ví dụ như trận thắng West Ham), có thể chia làm đôi: hiệp không có Bruno là bế tắc và bạc nhược, hiệp có Bruno là thông suốt và cơ hội.
Sau trận đấu này, tôi từng viết bài báo có tiêu đề “Bruno làm lộ bộ mặt của Pogba”. Người cầm trịch ở hiệp 1 là Paul Pogba, nguyên cả hiệp đấu, M.U chỉ tạo ra 6 cơ hội. Nhưng khi có Bruno ở hiệp 2, chỉ riêng tiền vệ người Bồ Đào Nha đã cho M.U 8 cơ hội ghi bàn, trong đó có đường kiến tạo cho Pogba ghi bàn.
Từ khi quay trở lại Old Trafford, Pogba giống như lừa lọc fan MU theo cách tỏ vẻ nguy hiểm. Bruno xuất hiện và khiến Pogba phải xấu hổ.
Manchester United sẽ ra sao nếu thiếu Bruno Fernandes
Chiếc ghế của Solskjaer phó mặc tất cả vào đôi chân của Bruno, và ông không thể sống thiếu anh.
Nhưng cũng giống như ví dụ kinh điển về chuyện tay guitar tóc bạch kim Michael Schenker đã làm cho ban nhạc Rock UFO của thập niên 70. Xin nói thêm, Michael chính là em trai của Rudolf Schenker, người sáng lập nên một ban rock nổi tiếng khác: Scorpions. Câu chuyện về UFO liên quan đến cậu em trai thần đồng kia. Trước khi anh tới, đó là một ban nhạc vô danh. Sau khi Michael Schenker gia nhập, anh ta đưa đến cho UFO sức mạnh và vinh quang. Điều đáng sợ là ở chỗ, Michael Schenker là người Đức, còn UFO là ban nhạc Anh. Trong cơn vẫy vùng của vinh quang và danh tiếng, Michael đã đồng thời báo hiệu sẽ huỷ diệt ban nhạc nếu anh ta bỏ đi. Kết quả đúng như những gì dự đoán về những sóng gió sau đó cho cả cá nhân anh và ban nhạc ấy.
Nhưng xin thưa, đấy là quy luật muôn đời về những tập thể, những công ty, tập đoàn, những ban nhạc, những group, những đội bóng hay thời nay là những fanpage đã sống dựa quá nhiều vào một cá nhân.
Vấn đề là những Manchester United hay những tập thể kia có làm gì khác được nữa không? Câu trả lời là không. Họ quá yếu để có thể không phụ thuộc, và phụ thuộc quá lâu để không thể thay đổi được nữa.
Tôi chỉ lăn tăn một câu hỏi, giả sử chia tay Solskjaer thì liệu Bruno Fernandes có hay như ta đang thấy hay không? Bởi vì Solskjaer không có chiến thuật rõ ràng, nên ông chỉ có thể yêu lấy những cá nhân như vậy, qua đó lại tạo ra môi trường để cho họ tự do vẫy vùng. Trong thứ chiến thuật như tù mù ấy, vô tình làm sao lại tìm thấy ngọc trong đá. Đấy có lẽ cũng là điều hiếm gặp trong thế giới bóng đá hiện đại ngày nay vậy!
Theo Dũng Phan
Xem thêm
Ruud van Nistelrooy – thương vụ ‘đánh cược’ thành công của Man United
Khi Man City chiêu mộ Haaland, người hâm mộ có không ít lo ngại về tiền sử chấn thương của...
Read more