Khi Squawka đưa ra con số thống kê rằng, tính riêng ở giải VĐQG và Champions League từ mùa giải 2017 – 2018 đến nay. Xét về khoản đá phạt thì Leo Messi đã có tới 19 bàn thắng, trong khi cùng thời điểm thì anh bạn Cristiano Ronaldo là con số 0. Thì đấy là sự ăn gian hợp pháp nhằm hạ thấp hơn nữa CR7, vì thực tế là Cristiano có 2 pha đá phạt thành công nhưng đến ở FIFA World Club và Nations League. Bởi con số 2 vẫn khác nhiều so với số 0 tròn trĩnh kia, dù vậy mưu cầu của người đưa ra luận điểm này đã thành công khi vạch trần sự xuống cấp của siêu sao Bồ Đào Nha ở khoản bóng chết.
CR7 là một trong những chân sút phạt huyền thoại của bóng đá thế giới
Với 54 cú sút phạt thành bàn kể từ ngày khởi nghiệp đến nay, Cristiano Ronaldo có thể tự hào rằng, anh nằm trong số những chân sút phạt huyền thoại của túc cầu thế giới. Thế nên, sẽ càng khó để lý giải tại sao trong gần 2 năm qua, kỹ năng nức tiếng một thời của anh lại mai một đến thế. Bởi nếu một khi được gán mác là chuyên gia, thì việc có đến 38 tình huống liên tiếp đá phạt thất bại là dấu hỏi lớn cho anh vào lúc này, vấn đề là bạn lý giải hiện tượng ấy ra sao?
Để cấu thành một bàn thắng từ pha sút phạt hàng rào cần có 3 yếu tố cộng hưởng như sau: thực lực của người sút, hàng rào + thủ môn, may mắn (cột dọc, xà ngang). Đấy là xét theo tiêu chuẩn truyền thống, nhưng với Cristiano thì trường hợp của anh có thêm rào cản thứ 4. Đó là phong cách dứt điểm mà tôi cho là phi truyền thống so với những tiền bối trong quá khứ.
Knuckle Ball, đấy là tên gọi của kỹ thuật sút phạt mà CR7 lựa chọn. Dĩ nhiên, anh không phải người đầu tiên thuần thục sử dụng chiêu thức này mà ông tổ của Knuckle Ball là Juninho, người khai sáng kỹ năng sút bóng độc đáo này. Nhưng công bằng mà nói, hậu bối Cristiano mới khiến nó nổi tiếng hơn cả. Gọi là phi truyền thống khi Knuckle Ball không dành cho bóng đá mà bóng chày mới là nơi được sử dụng nhiều nhất. Mục tiêu của người ném bóng là tạo ra quỹ đạo lạ và không thể đoán trước hướng đi. Bởi nếu ở cú đá má trong hay má ngoài truyền thống, ít nhất các thủ môn có thể mường tượng ra đường đi của bóng nhưng Knuckle Ball thì không. Tuy vậy, so với việc ném bóng bằng tay của bóng chày, chuyện phải tác động bằng chân nâng độ khó lên bội phần, lý do khiến chúng không mấy phổ biến và độ thành công thì lại cực thấp so với trường phái truyền thống.
Để thành công trong cú sút Knuckle Ball, người ta có thể nói ra hàng loạt yếu tố như gia tốc thế nào, chân trụ ra sao, điểm tiếp xúc bóng….Mớ lý thuyết này dĩ nhiên CR7 hiểu hơn ai hết khi đã đạt đến trình độ ghi 54 bàn từ những cú đá như vậy. Nhưng có một yếu tố mà tập luyện cũng không thể quyết định thành bại, đó là tâm lý. Giờ chuyển qua nói chuyện Billards, món khoái khẩu hồi học cấp 3 của tôi. Trong môn này, tiếng lóng mà người đánh hay dùng để mô tả chuyện đánh trật liên tiếp. Đấy là “cúm cơ”, hành vi phản ánh chuyện người chơi bị đè nặng tâm lý dẫn đến cú đánh thiếu hoặc thừa “áp phê” so với chuẩn mực. Cúm cơ bắt đầu thế nào và kết thúc ra sao thì còn tùy vào bối cảnh diễn biến thế bi, sẽ chẳng có sách vở nào lý giải chuyện tại sao bạn lại rơi vào trạng thái ấy. Thế nên, mới có chuyện trong Billards France, chuyện ghi điểm đôi khi còn không quan trọng bằng chuyện “giấu bi” thế nào hòng gây sức ép tâm lý.
Quay trở lại với Cristiano Ronaldo, nếu bạn đủ cơ hội quan sát 38 cú đá hỏng liên tiếp của anh ở Juventus, thì đều nhận thấy, tỷ lệ sút trúng mục tiêu (shot on target) là rất thấp với 11 bị đẩy bởi thủ môn, 1 trúng xà ngang. Nghĩa là con số sút trật mục tiêu lên đến hơn 68% (24 trúng hàng rào + 2 vọt xà). Yếu tố phản ánh chuyện năng lực người sút có vấn đề dẫn đến chất lượng những cú dứt điểm mới tệ đến vậy. Không ai tin được nhưng cho đến tháng 9.2019, thì CR7 chính là cầu thủ sút phạt tệ thứ 2 trong lịch sử Serie A. Và khi xoáy sâu vào yếu tố năng lực người sút, dĩ nhiên bạn không thể tệ đến thế sau khi đã ghi đến 54 bàn thắng trong quá khứ. Cũng như câu chuyện của Billards, đơn giản là Cristiano đang bị “cúm cơ” khi đứng trước chấm đá phạt.
Vấn đề nhìn thì nghiêm trọng nhưng giải quyết thì cũng đơn giản nếu CR7 có thể tìm được bàn thắng nhằm lấy lại trạng thái cân bằng. Nhìn những cú sút khi tập luyện của anh tôi không nghĩ tuổi tác, chấn thương hay yếu tố nào khác đủ sức tác động đến một nhà vô địch như Cristiano, vấn đề chỉ là tính thời điểm của đời cầu thủ luôn có những giai đoạn như vậy mà không mớ lý thuyết nào có thể lý giải. Khi Goal.com tìm đến Marcos Assuncao và Rivaldo để hỏi lý do về câu chuyện này, thì mấu chốt mà hai huyền thoại bóng chết chốt lại vẫn chỉ là phạm trù thời thế. Thế nên, đừng ngạc nhiên nếu Cristiano Ronaldo bất ngờ hết “cúm cơ” và lại ghi bàn ầm ầm từ bóng chết.
> Xem thêm: 5 phút đầu tiên của Lionel Messi
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: Ký ức bóng đá